(Baothanhhoa.vn) - Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy – hát múa ăn mừng dưới cây bông là một sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng người Thái, làng văn hóa Roộc Răm (xã Xuân Phúc, Như Thanh) sáng tạo từ lâu đời và được các thế hệ dân làng nơi đây nuôi dưỡng, bảo tồn, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Nếu cây bông được xem như vật trung tâm của lễ tục thì những người như thầy mo Lò Đình Ước, ông Lục Văn Hương (thôn 1, xã Xuân Phúc) chính là linh hồn của lễ tục này. Không chỉ là những nghệ nhân trực tiếp thực hành, họ chính là những người có đóng góp to lớn trong việc phục dựng lại lễ tục, nâng tầm lễ tục của cộng đồng làng, xã lên thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Linh hồn di sản

Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy – hát múa ăn mừng dưới cây bông là một sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng người Thái, làng văn hóa Roộc Răm (xã Xuân Phúc, Như Thanh) sáng tạo từ lâu đời và được các thế hệ dân làng nơi đây nuôi dưỡng, bảo tồn, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Nếu cây bông được xem như vật trung tâm của lễ tục thì những người như thầy mo Lò Đình Ước, ông Lục Văn Hương (thôn 1, xã Xuân Phúc) chính là linh hồn của lễ tục này. Không chỉ là những nghệ nhân trực tiếp thực hành, họ chính là những người có đóng góp to lớn trong việc phục dựng lại lễ tục, nâng tầm lễ tục của cộng đồng làng, xã lên thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Linh hồn di sản

Thầy mo Lò Đình Ước (thôn 1, xã Xuân Phúc, Như Thanh) thực hiện nghi lễ cúng gọi mường ma trong lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy.

Ông Lục Văn Hương nhận lời trò chuyện cùng tôi ngay sau khi vừa kết thúc công việc tại lễ công bố quyết định Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đảm nhận vai trò đạo diễn, dàn dựng lễ tục khiến ông tất bật khi chạy chỗ này, lúc đôn đốc, thu vén chỗ kia. Người đàn ông ngót 70 tuổi mải mê trong nắng, mồ hôi nhễ nhại trên trán. Tuy nhiên, khi được hỏi về những đóng góp của mình trên hành trình lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đến với danh hiệu di sản, ông Hương chỉ cười hiền, thật thà chia sẻ: “Những nét đẹp trong nghệ thuật trình diễn cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc của lễ tục từ ngàn đời xưa đã có. Tôi chỉ là người đi tìm lại, xâu chuỗi, kết nối các giá trị ấy lại thôi mà”. Nói rồi ông Hương chợt lặng đi như đang lục lại ký ức của mình từ những ngày thơ dại. Ông kể: Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được tham gia lễ tục cùng các cụ cao tuổi trong làng. Năm 17 tuổi, ông mang theo nỗi nhớ làng, nhớ tiếng hát, điệu múa của bà con quê mình dưới cây bông lên đường nhập ngũ. 18 năm sau, ông từ quân ngũ trở về làng, lễ tục bị mai một, chỉ còn là cái tên mơ màng trong tâm thức của một số già làng. Cũng trong thời gian này, với cương vị là Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc, sau là Bí thư chi bộ thôn 1, ông Hương có điều kiện đi sâu tìm tòi, nghiên cứu các thiết chế văn hóa, lễ tục của làng, đặc biệt là lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy. Kể từ đó, ông Hương luôn mong muốn được nhìn thấy, nghe lại điệu hát múa ăn mừng dưới cây bông truyền thống của quê hương.

Sau một thời gian dài ấp ủ dự định, được sự ủng hộ của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với sự đồng hành của những người có cùng tâm huyết, ông Hương bắt tay vào quá trình phục dựng lại lễ tục. Việc làm đầu tiên ông Hương làm là tìm gặp thầy mo Lò Đình Ước. Thuộc thế hệ thầy mo thứ 9 của làng, thầy Ước là người lưu giữ được gần như toàn bộ lời cúng “gọi mường ma trên trời xuống dự lễ”, lời khặp, lời hát trong các trò chơi, trò diễn thuộc lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy. Chính bởi vậy, thầy Ước hiểu được nét đẹp, ý nghĩa sâu sắc của lễ tục đối với cộng đồng và luôn đau đáu trong lòng tâm niệm phải khôi phục, phát triển lễ tục truyền thống mà cha ông để lại. Cùng với ông Lục Văn Hương, thầy bắt đầu hình dung lại một cách có hệ thống các lời cúng, lời khặp, lời hát mình ghi nhớ được và chép lại thành văn bản. Ông Hương cho biết thêm: “Hai anh em chúng tôi kết hợp bàn bạc, người nọ bổ sung cho người kia, ai nhớ được gì về lễ tục thì ghi chép lại rồi so sánh, đối chiếu, đi đến điểm thống nhất”.

Có được lời khặp, lời hát, ông Hương tiến hành phục dựng lại các trò chơi, trò diễn tiêu biểu của lễ tục. Tuy nhiên, sau khi các trò chơi, trò diễn của lễ tục được phục dựng lại, ông vẫn không thôi trăn trở. Làm thế nào để có thể kết hợp những trò chơi, trò diễn đơn lẻ ấy vào trong một tổng thể thống nhất mà không làm mất đi nét riêng biệt, tính độc đáo vốn có? Nhiều đêm nằm suy nghĩ, ông trằn trọc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy. Nghĩ là làm, ông Hương mạnh dạn lên ý tưởng, xây dựng kịch bản lễ tục trên cơ sở sắp xếp, lồng ghép các trò chơi, trò diễn nối tiếp nhau một cách khéo léo, uyển chuyển thay vì tổ chức một cách rời rạc, tản mạn từng trò như trước đây. Nhờ đó, Kin Chiêng Boọc Mạy được đánh giá là một trong những lễ tục có nghệ thuật trình diễn đặc sắc, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Không dừng lại ở đó, nhằm mục đích giáo dục, truyền lại cho các thế hệ con cháu của làng hiểu biết về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ tục, ông Lục Văn Hương đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bản sắc dân tộc của làng Roộc Răm. Vào những ngày đầu thành lập, CLB chỉ có 12 thành viên đăng ký tham gia. Sau một quá trình hoạt động, bằng những việc làm thiết thực, tính đến thời điểm hiện tại, CLB đã thu hút được 64 thành viên đăng ký tham gia với đủ các thành phần, lứa tuổi.

Với nỗ lực khôi phục, phát triển văn hóa bản làng của những người như ông Lục Văn Hương, thầy mo Lò Đình Ước, từ một lễ tục đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền, đến nay, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống người dân làng Roộc Răm.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]