(Baothanhhoa.vn) - Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của quê hương; với lòng yêu nước nồng nàn, chí khí quật cường, không cam chịu thân phận nô lệ, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, những người con ưu tú của xứ Thanh đã sớm giác ngộ, hăng hái tham gia vào phong trào cách mạng. Trong nhiều tên tuổi đã được lịch sử dân tộc và tỉnh nhà ghi nhận không thể không nhắc đến tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản yêu nước Lê Mạnh Trinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lê Mạnh Trinh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của quê hương; với lòng yêu nước nồng nàn, chí khí quật cường, không cam chịu thân phận nô lệ, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, những người con ưu tú của xứ Thanh đã sớm giác ngộ, hăng hái tham gia vào phong trào cách mạng. Trong nhiều tên tuổi đã được lịch sử dân tộc và tỉnh nhà ghi nhận không thể không nhắc đến tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản yêu nước Lê Mạnh Trinh.

Lê Mạnh Trinh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Ngôi nhà của gia đình cụ Lê Mạnh Trinh tại thôn Đông Tiến, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Đồng chí Lê Mạnh Trinh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó tại làng Bột Thượng (nay thuộc xã Hoằng Lộc), huyện Hoằng Hóa. Sau khi cha mất, ông được người chú là Lê Cận Tư vốn giỏi có tiếng về Hán học nuôi dạy. Đây là người rất có ảnh hưởng đến tính cách, sự nghiệp của đồng chí Lê Mạnh Trinh về sau này.

Năm 1914 được xem là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng Lê Mạnh Trinh. Ông thi đậu học sinh, bắt đầu thoát ly trường tư thục của chú, lên học trường Đốc học của tỉnh. Từ một thiếu niên nghèo, cuộc sống bó hẹp trong không gian làng xã cơ cực nay lên phố thị theo học, lại có chút danh tiếng nhất định trong đám thân sĩ giúp ông có điều kiện quảng giao hơn, kiến văn vì thế thêm phần hiểu biết, rộng mở. Tuy nhiên, càng đi được nhiều nơi, biết được nhiều việc trên đời, ông càng thấu tỏ bộ mặt xấu xa hư hỏng của xã hội dưới chế độ thực dân và phong kiến. Bởi vậy, chỉ mới thi đậu đến tú tài nhưng ông sớm đã không còn hào hứng với chuyện công danh, thi cử, xem “phú quý như phù vân”. Nối nghiệp cha, chú, từ năm 1921, ông đi dạy học ở các vùng Thành Tín, làng Cốc (Thọ Xuân)... Nếu như trước đây, tư tưởng ông vốn có sự bất bình với xã hội bởi những điều mắt thấy tai nghe ở quan trường, thành thị thì giờ đây, qua mấy năm dạy học ở nhiều vùng nông thôn của tỉnh ta, ông lại càng thấy rõ hơn nỗi cơ cực, cảnh bất công trong quần chúng nhân dân, nhất là thân phận cùng đinh, “công nhân áo nâu” (nông dân đi làm phu). Tất cả dấu mốc của những năm “vào đời” ấy không chỉ khiến cho ông cảm thấy “ghét và bực cái xã hội bất công” mà hơn hết, nó đã nhen nhóm lên trong lòng ông cái suy nghĩ phải có trách nhiệm gì với những đau đớn, khổ ải mà dân tộc mình đang phải oằn lưng gánh chịu. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, câu nói ấy cứ trở đi trở lại như tiếng trống lệnh thúc giục ông xông pha, cống hiến. Ông tự nghĩ: “Cái nghề gõ đầu trẻ ở nông thôn, làm tên đầy tớ áo dài, giữ ba gian nhà thờ cho địa chủ, phải đâu là cứu cánh của mình”.

Nghĩ là làm, kể từ sau khi lĩnh thẻ căn cước, từ năm 1922 – 1924, vào hai vụ chiêm mùa nhộn nhịp, ông mượn cớ cho học trò nghỉ mùa, bề ngoài có ý rong chơi nhiều nơi ở Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội, Nghệ An để gặp bạn cũ, tìm bạn mới đồng thời tìm hiểu thêm về tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Vào quãng thời gian ấy, gia đình ông xảy ra nhiều biến cố. Ngôi nhà của gia đình ông đang ở quê nhà Hoằng Lộc bị cháy; chẳng bao lâu sau thì mẹ ông qua đời, cảnh nay đây mai đó khiến ông không kịp về chịu tang mẹ. Vì những biến cố đó, đã có thời điểm, ông nghĩ đến ý định tự sát. Nhưng trách nhiệm với gia đình, dân tộc ngăn ông tìm đến lựa chọn tiêu cực. Mặc dù còn nặng gánh gia đình nhưng trước những diễn biến của phong trào yêu nước đang sục sôi trong tỉnh và trên cả nước; đặc biệt là câu nói cuối cùng trước khi chia tay của ông Đinh Chương Dương – một chiến sĩ hoạt động cách mạng tiêu biểu ở tỉnh Thanh Hóa đã tiếp thêm ngọn lửa cách mạng để đi đến quyết định: “Bỏ gánh gia đình, cất gánh dân tộc”.

Tháng 2-1926, ông quyết vào Sài Gòn để tìm đường hoạt động. Ông nghĩ: “Vào đây có thể thấy nhiều, giao du rộng tìm đường đi dễ hơn. Nếu cần tiền, ở Sài Gòn có thể viết báo, dịch sách, kiếm tiền đi đây đi đó”. Ở đây, ông có điều kiện tiếp xúc với một số người yêu nước như: Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi, Bùi Công Trừng, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Giữa năm 1926, theo sự giới thiệu của nhà cách mạng Phan Trọng Bình, ông sang Quảng Châu Trung Quốc dự lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc phụ trách. Kết thúc khóa học, ông được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được phân công sang Xiêm (Thái Lan) làm công tác vận động Việt kiều, làm cơ sở cho việc liên hệ phong trào trong và ngoài nước. Từ năm 1927, ông được cử làm Bí thư Việt Nam cách mạng thanh niên ở hải ngoại, làm công tác vận động Việt kiều, làm chủ nhiệm báo Đồng Thanh, Thân Ái, Độc Lập. Đi đôi với việc tổ chức, công tác trọng tâm vận động cứu quốc trong Việt kiều lúc ấy là tuyên truyền, giáo dục, làm thế nào cho đồng bào Việt kiều đều biết đọc, viết chữ quốc ngữ, không quên tiếng mẹ đẻ. Đối với thanh niên thì làm cho họ có trình độ văn hóa nhiệt tình yêu nước, có khả năng làm hạt nhân trong việc vận động, đoàn kết kiều bào. Cũng trong khoảng thời gian từ 1926 - 1929, Bác Hồ lấy bí danh là Chín, Việt kiều thường gọi là Thầu Chín (ông già Chín) có 2 lần sang Xiêm hoạt động.

Tháng 8-1930, vu cho Việt kiều ở bản Đông làm cộng sản, chính quyền địa phương vây ráp lục soát, bắt nhiều đồng chí của ta. Sau hơn 1 tháng giam giữ ở nhà tù địa phương, vì không có bằng chứng, chính quyền buộc phải thả số đông người, chỉ giữ lại 11 người mà chúng cho là nguy hiểm, trong đó có đồng chí Lê Mạnh Trinh. Tuy bị giam ở một nơi riêng biệt trong phạm vi nhà tù của người Xiêm, bị theo dõi gắt gao nhưng bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản khiến đồng chí Lê Mạnh Trinh và các đồng chí không quản khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, tích cực hoạt động, liên lạc thông tin với các đồng chí bên ngoài. Khoảng cuối năm 1930, đầu năm 1931, ông cùng các đồng chí của ta bị đưa lên tàu, trục xuất qua Sơn Đầu – Trung Quốc. Chặng hành trình gian nan, khó nhọc ấy được ông ghi lại: “Gần mười ngày lênh đênh trên mặt biển, gặp gió mùa Đông Bắc, sóng to biển động, chiếc tàu đảo nghiêng, nước vừa qua mạn tàu như xối, mỗi người lăn từ bên này sang bên kia, áo quần lướt mướt, nôn mửa bừa bãi. Ông tự cảm thán về tình cảnh của mình khi ấy: “Thân như con én lạc đàn/ Phải cung dày đã sợ làn cây cong”. Đặt chân đến Sơn Đầu, các đồng chí cách mạng của ta đêm ngày đồng cam cộng khổ “hai người chung một mảnh chăn đơn, nằm giữa trời mưa phùn, gió bấc ở Trung Quốc những ngày gần tết” với mong mỏi duy nhất là tìm kiếm, liên lạc được với cơ sở tổ chức của ta trên đất khách quê người. Tuy phải đối mặt với hiểm nguy, thiếu thốn trăm bề, chịu cảnh “màn trời chiếu đất” nhưng đồng chí Lê Mạnh Trinh và các chiến sĩ vẫn luôn đoàn kết, thương yêu lẫn nhau, nêu cao tinh thần lạc quan cách mạng. Hành trình ấy diễn ra trong khoảng 9 – 10 ngày thì Lê Mạnh Trinh và 10 chiến sĩ cách mạng gặp được đồng chí Hồ Tùng Mậu, được đưa về tụ họp cùng với tổ chức của ta tại Cửu Long. Ở đây, ông tích cực hoạt động, nhận sự giáo dục sâu sắc từ Bác Hồ và các đồng chí cách mạng tiêu biểu như: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai. Nhờ trong mấy tháng được tai nghe, mắt thấy thực tế đời sống của mọi tầng lớp người ở Hương Cảng, cũng là một trường học thực tế, trường học xã hội đã giúp ông củng cố thêm lập trường và nhân sinh quan cách mạng của mình.

Khoảng tháng 3-1931, Lê Mạnh Trinh được phân công trở lại Xiêm hoạt động, theo yêu cầu của Xiêm ủy. Do có kẻ phản bội, đồng chí Lê Mạnh Trinh bị chính quyền nước sở tại bắt giam. Năm 1940, vừa mới ra tù, chưa liên lạc được với tổ chức, đồng chí chủ động, tích cực hoạt động chống tổ chức thân Nhật trong tổ chức Việt kiều, viết cuốn “Mặt nạ Cường Để” nhằm chống ảnh hưởng của phát xít Nhật; dịch bản Điều lệ bất khả xâm phạm giữa Liên Xô với Đức. Khi bị nhà cầm quyền Xiêm bắt và bỏ tù, đồng chí tiếp tục đấu tranh trong nhà tù nhằm bảo toàn khí tiết của người cộng sản. Bị Chính phủ Xiêm trục xuất 2 lần (sang Trung Quốc, Lào), đồng chí đã bí mật trở lại bám sát phong trào, hoạt động bền bỉ, kiên cường. Năm 1947, đồng chí được Trung ương điều động về công tác trong nước, bổ sung vào Khu ủy Liên khu 4, phụ trách công tác Việt Minh. Sau đó, đồng chí được điều động ra Trung ương làm công tác của Mặt trận Liên Việt, Phó Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Phó trưởng Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. Với cương vị Phó Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, đồng chí đã tạo điều kiện, đóng góp nhiều ý kiến vào việc hoàn thành và xuất bản cuốn sách về công tác mặt trận - cuốn “Lược sử Mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng Việt Nam”.

Trải qua “những cuộc bể dâu” của số phận, những dòng chữ cuối cùng gói ghém lại hồi ký về cuộc đời mình, đồng chí Lê Mạnh Trinh vẫn giữ trọn niềm tin yêu vào cách mạng, Đảng, Bác Hồ: “Cuộc đời tôi đã trải qua nhiều chế độ, chứng kiến nhiều sự đổi thay. Nhưng mãi đến khi được giác ngộ giai cấp, được tham gia hoạt động cho cách mạng, mình mới thật sự góp một phần công sức nhỏ mọn vào phong trào chung của cách mạng, của dân tộc. Sở dĩ có sự đóng góp đó cũng là nhờ sự giáo dục của Đảng, của Bác và nhờ sự đùm bọc của nhân dân, của đồng chí”. Với những công lao và đóng góp, hy sinh cho cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Mạnh Trinh xứng đáng là “đại diện tiêu biểu cho lớp nhà Nho tân tiến, từ chủ nghĩa yêu nước và tư tưởng Khổng giáo đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Nguyễn Ái Quốc, trở thành người chiến sĩ cộng sản suốt đời một lòng, một dạ hy sinh chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân”.

(Bài viết sử dụng một số tư liệu trong hồi ký do cụ Lê Mạnh Trinh viết).

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài Và Ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]