(Baothanhhoa.vn) - Truyền thuyết về Mai An Tiêm và quả dưa hấu đã tồn tại từ lâu ở buổi đầu thời đại các Vua Hùng dựng nước. Điều đó chứng tỏ ngoài nghề nông là chính, cũng cho thấy loài người đã chinh phục biển cả từ rất sớm trong lịch sử.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ hội Mai An Tiêm và truyền thuyết ông tổ nghề trồng dưa hấu

Truyền thuyết về Mai An Tiêm và quả dưa hấu đã tồn tại từ lâu ở buổi đầu thời đại các Vua Hùng dựng nước. Điều đó chứng tỏ ngoài nghề nông là chính, cũng cho thấy loài người đã chinh phục biển cả từ rất sớm trong lịch sử.

Lễ hội Mai An Tiêm và truyền thuyết ông tổ nghề trồng dưa hấu

Đền thờ Mai An Tiêm (xã Nga Thái, Nga Sơn). Ảnh: Nguyễn Ngọc

Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm là nô bộc của Vua Hùng. Chàng là một thanh niên khỏe mạnh, tháo vát nên được nhà vua yêu quý. Nhà vua luôn cho phép chàng hầu cạnh mình và thường xuyên ban thưởng cho chàng mỗi khi làm tròn những công việc mà nhà vua giao phó. Chính nhà vua đã đích thân hỏi vợ cho Mai An Tiêm. Chàng sống một cuộc sống khá hạnh phúc và no đủ, nhưng chàng vốn là người lao động nên thường sau những lần được nhà vua ưu đãi, chàng cũng chỉ thể hiện một thái độ kính trọng. Chàng vẫn nói với mọi người rằng: Sở dĩ mình hạnh phúc là vì biết nghĩ và biết làm.

Có một số người vì ghen ghét với chàng, nghe được câu nói ấy liền mách với nhà vua. Vua Hùng tức giận, cho rằng Mai An Tiêm vô ơn, bèn ra lệnh đày chàng ra một hoang đảo. Vua nói: Nếu hắn tin rằng chỉ nhờ cái đầu và bàn tay của hắn thì ta sẽ tước hết mọi thứ vật dụng, của cải, để xem hắn sống ra sao ngoài đảo hoang!?.

Thế là Mai An Tiêm cùng vợ con bị đày ra đảo hoang và không được mang theo một thứ của cải gì ngoài vài bộ quần áo và con dao đi rừng. Vợ con Mai An Tiêm khóc lóc, đòi Mai An Tiêm đến xin tạ lỗi với nhà vua để khỏi chịu cảnh đi đày. Mai An Tiêm chỉ lựa lời khuyên nhủ vợ con. Chàng vẫn tin rằng nếu mình biết cách nghĩ, cách làm thì dù có khó khăn đến đâu cũng có thể vượt qua được.

Giữa đảo hoang, gia đình Mai An Tiêm chỉ bầu bạn với trời mây, sóng nước và cỏ cây, muông thú. Chàng tìm cách bắt ốc, mò cua, bẫy thú, săn chim để sống qua ngày. Chàng cũng tìm kiếm những cây trái quen thuộc về để trồng và tin rằng mình sẽ vượt qua được cảnh khốn khó, gian nan. Một ngày kia, chàng đang đi lần dọc bãi biển để kiếm thức ăn cho cả nhà, bỗng Mai An Tiêm chú ý trước một cảnh lạ. Một bầy quạ đen đang đánh nhau ầm ĩ để tranh mồi. Mai An Tiêm bèn nhặt mấy hòn đá cuội ném chúng. Bị xua đuổi, lũ quạ vội bay đi. Chàng đi đến tận nơi xem thì thấy chúng bỏ lại miếng mồi, đó là một thứ quả lạ, vỏ màu xanh sẫm, cùi trắng xanh và ruột thì đỏ tươi có điểm những hạt đen óng ánh. Mai An Tiêm cầm quả lạ trên tay, ngẫm nghĩ: “Chim ăn được thì người cũng có thể ăn được”. Thế là chàng bạo dạn nếm thử một miếng. Kỳ lạ thay, người chàng như khỏe lên nhờ cái vị ngọt ngào, mát mẻ nhẹ nhàng của nó. Chàng gói ghém những hạt màu đen của thứ quả ấy và đem về gieo trồng.

Thấm thoắt một năm trôi qua, Mai An Tiêm đã có được một vườn đầy những quả lạ to tròn, mũm mĩm như những chú lợn con. Một buổi sáng, chàng bỗng giật mình vì tiếng quạ kêu ngoài vườn, thì ra lũ quạ đánh hơi thấy mùi quả chín đã tìm đến ăn. Mai An Tiêm biết là quả đã đến ngày thu hoạch, những trái quả to, ruột đỏ tươi được bổ ra trước con mắt ngạc nhiên của cả nhà. Mọi người cùng nhau tận hưởng cái vị thơm mát, ngọt ngào của thứ quả lạ. Nhớ ơn vua cha, đất mẹ, Mai An Tiêm đã hái những quả chín thả xuống biển, hy vọng một ngày nào đó ở phía đất liền xa xôi nhận được quả ngọt do vợ chồng chàng gieo trồng.

Và rồi, những chiếc thuyền buôn, thuyền đánh cá ghé vào đảo hoang cũng được vợ chồng Mai An Tiêm tiếp đãi bằng thứ quả lạ. Cũng từ đó, tiếng lành đồn xa, người thập phương nô nức kéo nhau tìm đến với Mai An Tiêm như đi trẩy hội. Đảo hoang từ đó trở nên đông vui, nhộn nhịp và Mai An Tiêm không còn cô độc nữa. Sản vật được dâng lên Vua Hùng. Nhà vua dùng thử và không khỏi ngạc nhiên về thứ quả hiếm lạ. Khi được biết đó chính là sản vật do Mai An Tiêm làm ra, nhà vua tỏ ý hối hận, liền cho triệu gia đình chàng về, phục lại chức cũ cho chàng. Nhà vua còn cho phép đặt tên bãi đất mà chàng trồng quả là bãi An Tiêm để ghi nhớ lại.

Bãi An Tiêm ngày nay vẫn còn. Hòn đảo hoang vu mà Mai An Tiêm đã làm nên sự nghiệp giờ đây đã được bồi đắp gắn chặt với đất liền. Thứ quả lạ Mai An Tiêm trồng được chính là dưa hấu hiện được trồng rất nhiều ở Nga Sơn và ở cả những vùng ven biển của Thanh Hóa. Hằng năm, trong khoảng từ ngày 12 đến 14-3 âm lịch, chính quyền và Nhân dân địa phương đều tổ chức lễ hội Mai An Tiêm để tưởng nhớ, tri ân người đã có công khai phá, mở mang bờ cõi, chinh phục đảo hoang, là thủy tổ ngành canh nông phát hiện ra giống dưa đỏ và nhân rộng ra mọi vùng.

Lễ hội Mai An Tiêm thường được diễn ra tại đền thờ Mai An Tiêm ở xã Nga Phú (Nga Sơn), gồm 2 phần: Phần lễ có các hoạt động truyền thống được lưu truyền từ xưa đến nay, như: lễ rước sắc phong từ đình làng ra đền thờ Mai An Tiêm; lễ dâng hương tại đền thờ chính... Phần hội được tổ chức dưới màn trình diễn nghệ thuật bằng hình thức sân khấu hóa, tái hiện cảnh Mai An Tiêm và cả gia đình bị đày ra đảo hoang. Sau đó, Mai An Tiêm đã tìm ra giống dưa quý và nhân rộng ra khắp vùng. Nhờ quả dưa hấu truyền tin vào đất liền, vua biết được Mai An Tiêm và gia đình không những còn sống mà còn tìm ra giống dưa quý, nhà vua đã minh oan và đưa gia đình Mai An Tiêm trở về đất liền đoàn tụ... Trong khuôn khổ lễ hội còn có các trò chơi, trò diễn dân gian, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao truyền thống như: thi cắm trại, bóng chuyền, khắc dưa, kéo co, chọi gà, cờ người...

Lễ hội Mai An Tiêm được tổ chức không chỉ nhằm tái hiện lại cuộc sống khó khăn, song cũng đầy nghĩa tình của đôi vợ chồng trẻ, mà còn đề cao nghị lực sống của con người, cũng như mang ý nghĩa giáo dục về truyền thống yêu nước, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, quê hương. Đồng thời là dịp để giới thiệu, quảng bá, bảo lưu những giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích đền thờ Mai An Tiêm, về truyền thuyết Mai An Tiêm và quả dưa hấu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần, tâm linh của các tầng lớp Nhân dân và du khách thập phương.

Năm nay, để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, huyện Nga Sơn đã quyết định chỉ tổ chức phần lễ tại lễ hội Mai An Tiêm, bao gồm dâng hương, đọc chúc văn tế lễ. Mặc dù vậy, thông qua truyền thuyết về Mai An Tiêm và phần lễ tại lễ hội Mai An Tiêm, đã gợi cho Nhân dân và du khách hiểu thêm về nhân vật lịch sử đã có công khai khẩn vùng đất hoang ven biển, gắn với quá trình khai phá và chinh phục biển cả của người Việt ở buổi bình minh dựng nước. Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu luôn là niềm tự hào không chỉ của Nhân dân Nga Sơn, mà đó còn là đại diện cho sức sống mãnh liệt của dân tộc ta từ thời dựng nước cho đến ngày nay.

Anh Ngọc


Anh Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]