(Baothanhhoa.vn) - Nằm ven sông Hoàng, người dân làng cổ Quần Thanh, xã Khuyến Nông (Triệu Sơn) tin rằng ngôi làng đã có lịch sử ra đời từ rất sớm. Những tên đất, tên làng, cồn, bãi... đều mang dấu tích lịch sử.

Làng cổ Quần Thanh và vị thành hoàng làng thời Trần

Nằm ven sông Hoàng, người dân làng cổ Quần Thanh, xã Khuyến Nông (Triệu Sơn) tin rằng ngôi làng đã có lịch sử ra đời từ rất sớm. Những tên đất, tên làng, cồn, bãi... đều mang dấu tích lịch sử.

Làng cổ Quần Thanh và vị thành hoàng làng thời Trần

Ở Quần Thanh, không chỉ cùng nhau chung tay giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, các thế hệ người dân trong làng luôn nhắc nhớ nhau về tinh thần yêu thương, đoàn kết, tạo sức mạnh nội sinh. Ảnh: Khánh Lộc

Từ những địa danh...

Làng cổ Quần Thanh không lớn nhưng có đến 14 dòng họ quần cư. Tuy nhiên, không vì thế mà có sự phân biệt, người dân Quần Thanh đời nối đời luôn răn dạy nhau: “Dù Đỗ, Nguyễn hay Đình, dù Trần, Đinh hay Chu, Vũ... cùng chung tên đất, tên làng - thương nhau đùm bọc, chị ngã em nâng, không bao giờ chém nhau bằng lưỡi”. Chính bởi tinh thần đoàn kết, yêu thương giữa các dòng họ ở Quần Thanh đã tạo nên sức mạnh nội sinh của một làng quê truyền thống.

Các bậc cao niên trong làng kể lại, Quần Thanh thuở xa xưa vốn hoang vu, cỏ cây rậm rạp, muông thú, trăn, rắn, nhiều vô kể. Nhưng nhờ có bàn tay cha ông xưa không quản khó khăn, gian khổ vỡ đất, trồng cây để sự sống được sinh sôi. Năm tháng trôi qua mà hình thành nên làng xóm tốt tươi, trù phú. Theo sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, trước thời vua Gia Long (nhà Nguyễn) đã có tên làng Quần Thanh. Quá trình hình thành làng cổ Quần Thanh gắn liền với công lao của vị thần (thành) hoàng làng.

Trước đó, vào thế kỷ thứ III, ở vùng núi Nưa (Na Sơn) diễn ra cuộc khởi nghĩa do anh em Triệu Quốc Đạt - Triệu Thị Trinh khởi xướng. Để bảo vệ căn cứ núi Nưa, anh em họ Triệu đã cho quân đắp thành lũy dọc theo phía sau sông Hoàng (một phần ở địa phận làng Quần Thanh - PV). Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, khi vua quan nhà Trần với kế sách bỏ lại Thăng Long “vườn không nhà trống”, rút về Thanh Hóa chuẩn bị đánh giặc lâu dài thì thành lũy phía sau sông Hoàng đã được tiếp tục tu sửa, mở rộng, lập thành chiến tuyến để khi cần thiết có thể rút về vùng núi Nưa nhằm bảo toàn lực lượng. Trên thành lũy năm xưa được trồng rất nhiều tre gai, bởi vậy mà có tên gọi “Thành Gai”. Về Quần Thanh hôm nay, vẫn còn Thành Gai và dấu tích thành lũy năm xưa.

Vào cuối thời Trần, danh tướng Trần Khát Chân và vị tướng dưới trướng tên Trần Huệ được giao canh giữ phòng tuyến sông Hoàng. Và Quần Thanh là một trong những điểm đồn trú quan trọng. Còn đó những tên đất, tên đồng gắn liền với giai đoạn lịch sử, như Mã Sở (nơi để ngựa); gần Mã Sở là Đồng Binh (nơi quân lính đóng quân và sản xuất tự cung tự cấp); Cồn Cốc (nơi thổi tù và, đánh mõ báo động, tập hợp quân lính); Đường Cái Quan (đường dành cho quan trên đi lại tuần tra canh phòng); dọc Đường Cái Quan có nhiều giếng nước phục vụ quan quân, binh sĩ...

... đến vị thành hoàng làng được ban phong “Thượng đẳng thần”

Người dân Quần Thanh luôn hằng tin, thành hoàng làng chính là dũng tướng Trần Huệ. Ông vốn là người Lôi Dương nay là huyện Thọ Xuân, theo danh tướng Trần Khát Chân đi đánh trận mạc, một lòng trung thành với nhà Trần. Khi đến đất Quần Thanh, thấy nơi đây thế đất tốt, có thể gây dựng sự nghiệp, nên đã đưa người thân tín từ Quần Lai, Quần Đội (Thọ Xuân) xuống đây khai phá ruộng hoang, lập thành thôn trang với tên gọi ban đầu làng Xanh. Về sau đổi tên thành Quần Thanh. Trong đó, chữ “Quần” ngụ ý nhắc nhớ cháu con không được quên gốc tích, nguồn cội.

Thành hoàng làng Quần Thanh với tài trí hơn người không chỉ giỏi đánh trận mạc, khi về đời thường, ông hướng dẫn người dân làm ăn, cấy cày, gây dựng cơ nghiệp; dạy cách ứng xử, tạo nên thuần phong mỹ tục của vùng đất ven sông Hoàng. Vì thế, người dân trong làng luôn nhớ ơn ông.

Tuy nhiên, khi âm mưu mưu sát Hồ Quý Ly ở Đốn Sơn thất bại, danh tướng Trần Khát Chân không tránh khỏi họa chém đầu. Cùng với đó, những tướng sĩ dưới trướng của ông cũng chung số phận bi thảm. Và tướng Trần Huệ cũng vậy. Người dân Quần Thanh biết ơn người đã có công khai mở vùng đất, bởi vậy đã suy tôn ông làm thành hoàng làng, âm thầm lập dựng đền thờ nhỏ. Ông Nguyễn Xuân Đống (89 tuổi), trưởng làng Quần Thanh lý giải: “Khi ấy, vì sợ nhà Hồ phát hiện nên chỉ gọi là đền bản thổ. Đến thời Lê Trung hưng, Nhân dân Quần Thanh cùng nhau đóng góp tiền bạc, công sức để dựng nên đền thờ lớn khang trang, vững chãi, chạm khắc long, ly, quy, phượng rất đẹp. Đồng thời xin với triều đình “bạch hóa” thân phận cho vị thành hoàng làng Quần Thanh. Dù có những tên gọi khác nhau, song thành hoàng làng Quần Thanh chỉ có một”.

Trải qua thời gian, thành hoàng làng Quần Thanh đã được các triều đại phong kiến trong lịch sử dân tộc 12 lần ban sắc phong. Trong đó, sắc phong cổ nhất còn giữ được đến ngày nay là vào triều vua Cảnh Hưng (năm 1783). Nội dung các bản sắc phong được dịch cũng cho biết: Tướng Trần Huệ đã cùng với danh tướng Trần Khát Chân đánh thắng giặc ngoại xâm (Chăm-Pa). Về sau, chính ngài đã tham gia canh giữ phòng tuyến sông Hoàng - bảo vệ căn cứ Na Sơn (núi Nưa). Thành hoàng làng Quần Thanh là người có công dựng làng, lập xóm, dẫn dắt người dân làm ăn... Các đạo sắc phong đều ghi nhận ngài có công lao bảo quốc hộ dân, thần nhân chính trực, linh ứng hiển uy, tôn phong Đại sĩ Đại vương - Thượng đẳng thần. Đền thờ ngài ở làng Quần Thanh là “Tối linh từ”.

Trông coi việc hương khói tại đền Quần Thanh nhiều năm qua, bác Đỗ Xuân Đạo cho biết: “Đi qua thời gian và những biến động lịch sử, năm 2016, đền Quần Thanh được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là do các dòng họ, con cháu trong làng cùng nhau đóng góp. Ở Quần Thanh xưa nay vẫn thế, cha ông xưa đã dạy phải cùng nhau chung tay đoàn kết, vì vậy khi có việc của làng, là tinh thần - sức mạnh đoàn kết cộng đồng được thổi bùng. Từ đó vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Ngoài 12 đạo sắc phong, tại đền Quần Thanh còn lưu giữ một số hiện vật (gươm giáo; bài biểu; phủ việt...), tất cả đều là báu vật của làng, được giữ gìn, trông coi cẩn trọng. Năm 2001, đền Quần Thanh vinh dự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”.

Còn theo bậc trưởng làng Quần Thanh Nguyễn Xuân Đống: Con người sinh ra mỗi người một số phận, có thể giàu, nghèo khác nhau. Nhưng cội nguồn tiên tổ thì không có sự phân biệt. Vì vậy, hàng năm vào ngày hội làng Quần Thanh mùng 10 tháng Giêng, con cháu của 14 “cửa họ” trong làng đều tề tựu đông đủ, cúng dâng lễ vật lên thành hoàng làng và cùng nhắc nhớ nhau lời dạy của người xưa: “... Chị ngã em nâng, không bao giờ chém nhau bằng lưỡi”!

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]