(Baothanhhoa.vn) - Trong tiết trời se lạnh của một sáng mùa thu, chúng tôi tìm đến ngôi làng đã bao đời đổ bóng bên dòng Phồn Giang hiền hòa: Làng Cổ Bôn. Ngôi làng được hình thành và phát triển từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, với niên đại hơn 2.000 năm, nằm ở trung tâm của huyện Đông Sơn và cũng gần như trung tâm của vùng đồng bằng châu thổ sông Mã. Nay, Cổ Bôn thuộc xã Đông Thanh, bao gồm 4 làng (Tứ Bôn): Phúc Triền, Ngọc Tích, Kim Bôi và Quỳnh Đôi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng Cổ Bôn, làng khoa bảng

Trong tiết trời se lạnh của một sáng mùa thu, chúng tôi tìm đến ngôi làng đã bao đời đổ bóng bên dòng Phồn Giang hiền hòa: Làng Cổ Bôn. Ngôi làng được hình thành và phát triển từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, với niên đại hơn 2.000 năm, nằm ở trung tâm của huyện Đông Sơn và cũng gần như trung tâm của vùng đồng bằng châu thổ sông Mã. Nay, Cổ Bôn thuộc xã Đông Thanh, bao gồm 4 làng (Tứ Bôn): Phúc Triền, Ngọc Tích, Kim Bôi và Quỳnh Đôi.

Lễ vinh danh tiến sĩ dòng họ La, xã Đông Thanh, giai đoạn từ 1975 đến 2018.

Trò chuyện với nhiều cao niên trong làng, chúng tôi mới hiểu, trên vùng đất cổ này, từ thuở sơ khai lập ấp, lập làng, việc học hành đã được nhân dân đặc biệt coi trọng, trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, dòng họ. Có lẽ vì thế mà từ xa xưa, để bày tỏ niềm tự hào về những vùng đất nổi tiếng văn vật của xứ Thanh, người Ái Châu vẫn thường nói: “Đông Sơn Tứ Bôn, Hoằng Hóa lưỡng Bột”. Nay, nhắc đến những địa danh này, người ta không quên gắn với những danh hiệu cao quý: “Làng hiếu học”, “làng khoa bảng”... Và không biết tự bao giờ, những đứa trẻ ở Cổ Bôn, khi còn nằm trong nôi đã được nghe những câu hát ru của các bà, các mẹ: “Em là con gái Kẻ Bôn/ Đi bán trầu miếng, nuôi chồng đi thi/ Ba năm chồng đỗ kinh kỳ/ Chàng đi ngựa tía, thiếp đi võng đào”. Nơi đây, những người vợ, người mẹ sớm hôm tần tảo nuôi chồng, nuôi con thành tài đều được dân làng nể trọng. Cũng từ đó mới có những ông nghè, ông tổng, ông hương cống và những vị đại khoa được ghi danh bảng vàng. Theo cuốn “Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa” do tác giả Trần Văn Thịnh chủ biên (Nhà Xuất bản Thanh Hóa, 1995), thời phong kiến, làng có tới 7 vị đỗ tiến sĩ, đã được triều đình cho tạc bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Truyền thống khoa bảng ở làng Cổ Bôn được xây đắp nên từ nhiều dòng họ, nhiều gia đình có người đỗ đạt. Nhưng nổi danh nhất vẫn là dòng họ Nguyễn, trong đó tiêu biểu nhất là Nho thần Nguyễn Văn Nghi. Theo cuốn “Khảo sát văn hóa truyền thống làng Cổ Bôn” của nhóm tác giả: Trần Thị Liên, Phạm Minh Trị (Nhà Xuất bản KHXH Hà Nội - 2005), ông đỗ Đệ nhất Giáp chế khoa, khoa thi năm Giáp Dần (1554), dưới thời vua Lê Trung tông, được phong tặng là Tuyên Lực Công Thần, là thầy dạy của 2 vị vua: Lê Anh tông và Lê Thế tông. Nhà sử học Phan Huy Chú trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí”, (Nhà Xuất bản Giáo dục, tái bản 2007), đã xếp Nguyễn Văn Nghi vào danh sách các nhà Nho đức nghiệp cùng với các nhà Nho danh tiếng khác, như: Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Vũ Quỳnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Khi chết, ông được vua Lê phong là Phúc Thần. Con trai Nguyễn Văn Nghi là Nguyễn Khải, người thông minh, mưu lược, được phong đến Binh bộ Thượng thư và là bậc Quốc lão tham dự triều chính. Cháu nội Nguyễn Văn Nghi là Nguyễn Văn Lễ, đỗ Hoàng Giáp khoa Nhâm Dần (1602), đời vua Lê Kính tông, ông làm tới chức Hàn Lâm viện hiệu lý tước nam.

Trong thời kỳ phong kiến, bên cạnh dòng họ Nguyễn, ở làng Cổ Bôn còn nhiều dòng họ lớn và sản sinh ra biết bao “nhân kiệt” qua các triều đại, như: Họ Thiều, họ Cao, họ Lê Khả, họ Lưu, họ La... với những người nổi danh tài giỏi, hay chữ, như: Thiều Sỹ Lâm, Cao Cử, Lê Khả Trù, Lê Khả Trinh, Lưu Ngạn Quang... Truyền thống đỗ đạt của đất Cổ Bôn đã góp phần làm cho vùng này trở thành “đất học” của xứ Thanh.

Với niềm tự hào của một người con sinh ra, lớn lên và lập nghiệp trên mảnh đất này, ông La Đức Quang, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức xã Đông Thanh, chia sẻ với chúng tôi: “Từ bao đời nay, trong tâm thức của người dân nơi đây, tiêu chí để đánh giá một người được xem là thành đạt đều phải đỗ đại học, có việc làm, có địa vị xã hội. Chính vì thế, ngay từ bé, các thế hệ con cháu của làng đã nuôi dưỡng ý chí, nghị lực để phấn đấu vươn lên, tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông. Hiện nay, trong mỗi dòng họ ở làng Cổ Bôn đều có người đỗ đạt cao, công tác tại các trường đại học, các học viện nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài, như: Úc, Ru-ma-ni...”. Theo thống kê chưa đầy đủ của bà Trần Thị Bình, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đông Thanh, nếu tính từ năm 1975 đến nay, làng Cổ Bôn có khoảng 50 người được phong học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và hàng trăm cử nhân. Trung bình, mỗi năm có khoảng 2/3 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên tổng số học sinh dự thi; hầu như hộ gia đình nào cũng có cử nhân, có gia đình có 8 người đều là cử nhân (gia đình ông La Văn Mùi), có gia đình có 3 người là tiến sĩ (gia đình ông giáo Tài), gia đình có 2 anh em đều là tiến sĩ (La Vân Trường, La Hữu Phúc). Con, cháu của làng dù công tác ở nhiều ngành nghề nhưng nhiều nhất vẫn là nghề dạy học. Làng có nhiều thầy giáo nổi tiếng, như: La Khắc Hòa, La Đức Quang, Thiều Huy Thạch, Lê Văn Nhu, Thiều Văn Châu, Thiều Minh Tú, Nguyễn Hữu Hiền... Những người con sinh ra trên vùng đất cổ này, sau khi đỗ đạt, thành danh đều có tinh thần trách nhiệm và quan tâm trở lại với phong trào khuyến học, khuyến tài của quê hương. Ông Nguyễn Hữu Văn, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, thể hiện rõ sự vui mừng: “Điều đáng mừng nhất là những người con thành đạt của quê hương đã không quên nguồn cội. Hằng năm đều về quê thắp hương cho tổ tiên và có đóng góp cho quỹ khuyến học của làng. Đó cũng là cách để con cháu đời sau nhìn vào mà học tập”.

Được biết, để tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông và phát huy truyền thống đó trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, những năm qua, các gia tộc, dòng họ đã có nhiều hoạt động thiết thực, như: Biên soạn, bổ sung gia phả; xây dựng, thực hiện, hương ước, quy ước, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ học tập của con cháu trong làng; lập ban khuyến học - khuyến tài của làng, dòng họ và lập tủ sách dòng họ, tạo điều kiện cho con cháu được học hành, mở mang tri thức. Hằng năm, chính quyền địa phương kết hợp với các dòng họ tổ chức lễ vinh danh cho tiến sĩ, thạc sĩ, các cháu đỗ đại học và có thành tích học tập xuất sắc. Việc giáo dục, đào tạo được chú trọng, đưa nhiệm vụ giáo dục trở thành ý thức, trách nhiệm của toàn dân. Ngoài ra, các thành viên trong làng đều tự giác học tập thường xuyên dưới nhiều hình thức và tham gia tích cực vào phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tích cực tham gia và thực hiện tốt các nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

Rời mảnh đất hiếu học Cổ Bôn khi những tia nắng mùa thu đã phủ vàng trên khắp cánh đồng, con ngõ, chúng tôi hiểu rằng, dù cảnh cũ, người xưa đã thay đổi nhiều, nhưng truyền thống hiếu học ở làng vẫn như mạch nguồn chảy mãi. Mỗi thế hệ sau lại nối tiếp thế hệ trước ghi tên mình lên bảng vàng truyền thống của quê hương như một ngọn lửa không bao giờ tắt.


Bài và ảnh: Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]