(Baothanhhoa.vn) - Trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19, các văn nghệ sĩ xứ Thanh đã chủ động, sáng tạo phát huy vai trò xung kích trong tuyên truyền, cổ vũ, động viên, đồng hành cùng các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ đã trở thành những “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần lan tỏa tinh thần “chống dịch như chống giặc” đi đến thắng lợi.   

Lan tỏa tinh thần chống dịch qua các sáng tác của văn nghệ sĩ xứ Thanh

Trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19, các văn nghệ sĩ xứ Thanh đã chủ động, sáng tạo phát huy vai trò xung kích trong tuyên truyền, cổ vũ, động viên, đồng hành cùng các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ đã trở thành những “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần lan tỏa tinh thần “chống dịch như chống giặc” đi đến thắng lợi.

Lan tỏa tinh thần chống dịch qua các sáng tác của văn nghệ sĩ xứ ThanhVở kịch “Chốt chặn cuối cùng” do các nghệ sĩ của Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn dàn dựng, biểu diễn góp phần tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Sân khấu cũng là “mặt trận”, diễn viên cũng là “chiến sĩ”

Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng vở kịch “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19”. Đây cũng là đơn vị nghệ thuật tiên phong trong tỉnh và trong cả nước có tác phẩm sân khấu tham gia tuyên truyền, cổ vũ tinh thần phòng, chống dịch. Sau thành công đó, UBND tỉnh giao cho Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa xây dựng 11 tiểu phẩm tuyên truyền về mảng đề tài này. Tháng 8-2021, khi tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ cho Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn mở một cuộc vận động sáng tác các ca khúc, điệu múa và tác phẩm sân khấu về phòng, chống dịch COVID-19. Với tinh thần, trách nhiệm cao của người nghệ sĩ, chỉ trong vòng 15 ngày, Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn đã sáng tác 6 ca khúc, 6 điệu múa, 2 vở kịch ngắn và 2 tiểu phẩm. Các tác phẩm trên được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận và đánh giá cao, đã và đang được phát trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.

NSƯT Vũ Trọng Huỳnh, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn, chia sẻ: “Cuộc vận động sáng tác về phòng, chống dịch COVID-19 không kêu gọi chung chung, mà mỗi một tác phẩm đều có định hướng nội dung cụ thể, thiết thực. Thông qua đó nhằm tuyên truyền, lồng ghép các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế về phòng, chống dịch để người dân dễ hiểu, dễ làm theo. Đồng thời cổ vũ, khích lệ tinh thần chống dịch của các lực lượng tham gia, trong đó đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu. Vì vậy, mỗi tác phẩm mà các nghệ sĩ sáng tác không chỉ hàm chứa đầy đủ nội dung thông điệp phòng, chống COVID-19, mà còn đạt tới trình độ thẩm mỹ, tính nhân văn cao đẹp và giá trị nghệ thuật ở trong đó”.

Trong số các sáng tác của các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn, phải kể đến vở kịch “Chốt chặn cuối cùng”, tác giả kịch bản Tất Thanh, đạo diễn NSƯT Vương Huỳnh. Vở kịch được dàn dựng trong vòng nửa tháng, thời lượng 45 phút, với 20 diễn viên tham gia đóng vai các lực lượng: công an, dân quân, y tế, cựu chiến binh, người dân... Tác phẩm ra đời trước đợt nghỉ lễ 2-9 và được phát sóng trong khoảng thời gian TP Thanh Hóa và một số địa phương thực hiện giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên có tác dụng kịp thời, lan tỏa, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao. Với phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, vở kịch “Chốt chặn cuối cùng” đã chuyển tải một thông điệp ý nghĩa, đó là ý thức chấp hành của người dân luôn là thứ vũ khí hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Cho dù các cấp, các ngành có nỗ lực, cố gắng đến đâu mà ý thức người dân không tốt thì sự nỗ lực, cố gắng ấy cũng như muối đổ biển. Vì vậy, ý thức chấp hành của người dân cũng chính là “chốt chặn cuối cùng” để cùng với các cấp, ngành, địa phương và các lực lượng chung tay dập dịch.

Tiếng hát át COVID

Nếu như trong thời chiến, tiếng hát có sức mạnh át cả tiếng đạn bom, thì trong thời điểm “chống dịch như chống giặc” hiện nay, tiếng hát đã trở thành thứ vũ khí mềm át đi những hiểm họa mà đại dịch COVID-19 đã gây ra cho con người. Một trong những ca khúc đó là “Vì bình yên cuộc sống”, lời Đỗ Thế Tuấn – NSƯT Huy Phước, tác giả âm nhạc NSƯT Huy Phước. Đây cũng là ca khúc mà tác giả tham gia hưởng ứng cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Chia sẻ về “đứa con tinh thần” của mình, NSƯT Huy Phước thổ lộ: “Ý tưởng của bài hát bắt nguồn từ sau khi tôi nghe một câu chuyện. Nhân vật chính là một nữ bác sĩ trẻ, biết hy sinh hạnh phúc của cá nhân để xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Đúng thời điểm này hai bên gia đình đã chọn ngày cưới cho đôi bạn trẻ. Trước nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc đang cần, nữ bác sĩ đã quyết định thưa chuyện với hai bên gia đình và người yêu xin hoãn đám cưới, xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Quyết định đó đã không được hai bên gia đình và người yêu chấp thuận. Nhưng, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tâm huyết với nghề, cô đã thuyết phục được gia đình và người yêu... Với cảm xúc đó, tôi đã viết ca khúc “Vì bình yên cuộc sống”. Tuy không phải là nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp nhưng với tinh thần và trách nhiệm của một người nghệ sĩ, tôi hy vọng bài hát là lời cổ vũ, động viên tinh thần các bác sĩ, ngành y và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch”.

“Khoác áo blu ra tuyến đầu chống dịch/ Tổ quốc cần em phải biết hy sinh/ Dẫu có thể tình yêu mình xa cách, em sẽ trở về cùng hát khúc hoan ca/ Đừng buồn nhé anh, hạnh phúc là cho đâu chỉ nhận riêng mình/ Trận tuyến này đâu chỉ có riêng em/ Đất nước hiểm nguy, lời Đảng gọi, cả non sông đáp lời/ Hiệu triệu đồng bào cùng đoàn kết đứng lên/ Có tên em trong đoàn quân ra trận. Bao con người rất cần em có mặt/ Chống dịch lần này như chống giặc đó anh/ Hãy chung tay vì bình yên cuộc sống/ Quyết đồng lòng chiến thắng dịch cô vi/ Tự hào lắm Tổ quốc mình anh nhỉ?/ Bốn ngàn năm không khuất phục bao giờ/ Bởi sức mạnh của lòng người nhân hậu/ Bởi tình yêu Tổ quốc ở trong tim”.

Với giai điệu tự hào, ca từ mạnh mẽ, thúc giục tinh thần chúng ta đi tới chiến thắng, tác giả muốn tri ân sâu sắc tới các bác sĩ, ngành y và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm không quản ngại gian khổ, hy sinh để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của Nhân dân. Và hơn hết, mỗi lời ca ấy cất lên như lời hiệu triệu, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc, cùng tin tưởng đại dịch COVID-19 sẽ sớm được dập tắt.

“Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

Cũng như bao văn nghệ sĩ khác, trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra, nhà thơ Mai Hương, Phó Ban thơ – Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã trăn trở viết nên những vần thơ thép: “Trận chiến này, phải thắng!”. Đó là vấn đề thực trạng xã hội khi dịch bệnh xảy ra, có cả những thói hư, tật xấu; có cả những tấm lòng nhân hậu, bao dung.

...Dịch bệnh là phép thử, để loài người thêm một lần phân định trắng – đen.

...Nhưng thời nào cũng vậy, trước giặc dã, bão giông, ta lại nối vòng tay lớn.

Bão COVID tràn qua, càng rõ tình người lúc tối đèn tắt lửa.

Đó chính là truyền thống ngàn đời của dân tộc: “trước giặc dã, bão giông ta lại nối vòng tay lớn”. Đó chính là tình đoàn kết tạo nên sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù, thiên tai, dịch bệnh... Những con người sẵn sàng lao vào hiểm nguy để cứu đồng loại, dù họ biết có thể mình phải hy sinh trong trận chiến ấy.

...Những người mẹ oằn mình, quyết dành hơi thở cuối cho con được sống.

Những người cha đi cứu mạng người, không níu giữ được con mình giữa lằn ranh sinh tử...

Có những người con hy sinh để lại cha già, mẹ héo, con thơ... Trên tất thảy sự hy sinh ấy là niềm ước vọng cứu nhân loại khỏi đại dịch. Họ đã hy sinh để bao người có cơ hội được sống. Vì vậy, suy cho cùng, thông điệp của tác giả bài thơ cũng là mong muốn của bao triệu người:

...Chỉ mong những người còn ở lại

Giữ lấy chiến thắng cuối cùng của toàn nhân loại:

Biết trân quý từng hơi thở của đời nhau!

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]