(Baothanhhoa.vn) - Trước Khương Công Phụ, nước Việt có Phùng Đái Tri thi đỗ ở phương Bắc được Vua Đường Cao tổ (618-626) hạ lời khen “Hồ Việt nhất gia”. Tuy nhiên, đỗ Trạng nguyên và giữ chức Tể tướng - đứng đầu triều đình Trung Quốc thì chỉ có duy nhất Khương Công Phụ.

Khương Công Phụ - người Việt duy nhất làm đến chức Tể tướng triều Đường

Trước Khương Công Phụ, nước Việt có Phùng Đái Tri thi đỗ ở phương Bắc được Vua Đường Cao tổ (618-626) hạ lời khen “Hồ Việt nhất gia”. Tuy nhiên, đỗ Trạng nguyên và giữ chức Tể tướng - đứng đầu triều đình Trung Quốc thì chỉ có duy nhất Khương Công Phụ.

Khương Công Phụ - người Việt duy nhất làm đến chức Tể tướng triều ĐườngĐền thờ Khương Công Phụ tại xã Định Thành (Yên Định). Ảnh: Kiều Huyền

Khương Công Phụ (731-805), người Ái châu, nay là thôn Tường Vân, xã Định Thành (Yên Định), từ bé đã nổi tiếng thông minh, có trí nhớ tuyệt vời, làu làu Tứ thư, Ngũ kinh và thấu hiểu nghĩa lý trong Kinh thư, Kinh lễ... (theo Danh nhân Thanh Hóa, tập 1, NXB Thanh Hóa, 2005).

Sinh ra, lớn lên trong thời Bắc thuộc, Khương Công Phụ sang kinh đô Trường An của nhà Đường (Trung Quốc) tham gia khoa thi tuyển dụng hiền tài năm Canh Tý 780, dưới triều Đường Đức tông và trở thành trạng nguyên người Việt đầu tiên đỗ đạt ở Trung Quốc.

Trong lịch sử có ghi nhận một số vị trạng nguyên nước ta có tài năng lỗi lạc, học vấn uyên bác, khi sang sứ cũng được hoàng đế Trung Quốc phong làm trạng nguyên, nên người đời gọi là “Lưỡng quốc trạng nguyên” như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Đăng Đạo..., nhưng trường hợp Khương Công Phụ thì khác hẳn.

Sau khi đứng đầu khoa thi, Khương Công Phụ được vua Đường đặc cách phong chức Hiệu thư lang. Với nhiều ý tưởng xuất sắc, trong đó có việc dâng lên “kế sách trị nước”, vua Đường Đức tông rất kính nể, cho Khương Công Phụ làm Hữu thập di Hàn Lâm học sĩ, kiêm chức Kinh triệu hộ tào tham quân. Đặc biệt, nhờ sự kiện ông can gián vua trong việc binh loạn Trường An mà được thăng chức Gián nghị Đại phu Đồng trung thư môn hạ Bình Chương sự, tương đương chức Tể tướng. Việc này trong chính sử “Cựu Đường thư”, “Tân Đường thư”... mà sau này “Khương Công Phụ sự trạng khảo” của Nhữ Bá Sĩ có ghi. Chính Vua Đường Đức tông đích thân tặng ông bài thơ ca ngợi đồng thời biệt thưởng ban cho túi gấm thêu màu đỏ như một ân tứ bậc nhất triều đình vì tài năng và đức độ ngay thẳng.

Nhờ Khương Công Phụ mà Vua Đường nhiều phen thoát được họa lớn, nhưng cũng chính sự ngay thẳng đã làm hại ông. Năm 784, khi binh loạn còn chưa dứt, thấy vua làm lễ hậu táng xây tháp cho công chúa Đường An, Khương Công Phụ đã viết văn can gián với mong muốn đức vua nên chú trọng nuôi quân hưng thịnh để nước được yên. Vua Đường Đức tông không bằng lòng giáng chức ông xuống là Tả thứ tử, nhận việc trông dạy học cho Thái tử. Năm 792, ông lại bị biếm chức xuống là Tuyền Châu biệt giá. Đến khi Đường Thuận tông lên ngôi mới cho ông làm Cát Châu Thứ sử. Tiếc là tuổi cao sức yếu, ông chưa nhậm chức thì mất. Sau này, Vua Đường Hiến tông truy tặng ông chức Lễ Bộ thượng thư.

Làm quan nơi đất khách quê người, Khương Công Phụ luôn da diết nhớ về quê hương. Sinh thời, Khương Công Phụ sáng tác không nhiều lại thêm các tác phẩm bị thất lạc, nên đến nay chỉ còn 2 bài thơ gồm: “Bạch vân chiếu xuân hải” và “Đối cực ngôn trữ gián sách”. Trong đó, “Bạch vân chiếu xuân hải” (Mây trắng rọi biển xuân) với 323 chữ ra đời vào thế kỷ thứ VIII được giới nghiên cứu văn học sử đánh giá là tác phẩm mở đầu của nền văn học chữ Hán Việt và là bài sớm nhất trong các bài phú hiện còn của Việt Nam:

“Biển in mây mà thêm xuân; Mây soi

biển mà sinh trắng.

Khi hây hây mà sáng ngời; Lúc

trầm trầm mà biếc hẳn.

...

Mây vốn vô tâm mà giăng cuốn;

Biển há có ý gì mà đầy vơi.

Bên thì chứa chan trời đất; Bên

thì buông thả đầy trời.

Bóng dợn nước mà rung động;

Hình theo gió mà đổi dời.

Soi bóng hồng mà cùng rạng;

Ngang nước lục mà đều tươi”.

Bài thơ thể hiện quan niệm của đạo Lão về vũ trụ, với lời văn nhẹ nhàng, thanh thoát, âm điệu du dương bay bổng. Theo “Việt sử tiêu án” bài thơ khiến nhiều kẻ sĩ Trung Hoa thời bấy giờ khen là kiệt tác.

Hơn 30 năm làm quan triều Đường, sau khi bị biếm đi Tuyền Châu, Khương Công Phụ còn có gần 13 năm ở ẩn. Cuộc đời ông nếm đủ thăng trầm quan vị cho đến tiêu dao với đạo bát ngát mây trời nhưng công danh muôn thuở, tiếng thơm trung nghĩa mãi lưu để đến nay vẫn vang vọng chuyện một vị danh nhân, huân thần, một vị thần linh người Việt.

Về đền thờ Khương Công Phụ ở xã Định Thành (Yên Định), ngôi đền nhỏ ghi công đức lớn của tiền nhân. Không ai biết được chính xác đền được xây dựng năm nào, nhưng theo nhiều tài liệu Hán Nôm còn đến ngày nay, trong đó có văn bia Cung tiến bi ký và Khương Tiên sinh từ bi có ghi chép lại việc trùng tu đền thờ vào năm Tự Đức thứ 13 (1860). Ngoài ra, còn hệ thống sắc phong, trong đó đáng kể là sắc phong thời Tự Đức thứ 3 (1850) ban cho thờ Khương Công Phụ là Tinh trung hiển tiết Gia danh Phương Trục Quang ý Trung đẳng thần. Với những giá trị ấy, năm 2001, đền được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Ông Thiều Sỹ Hưng, Chủ tịch UBND xã Định Thành cho biết: “Khu di tích có tổng diện tích 5.600m2. Theo các nhà nghiên cứu, đền thờ gồm khu tiền đường và hậu cung bố cục hình chữ Đinh. Trải qua hàng trăm năm tồn tại với sự biến thiên của lịch sử, thật tiếc là kiến trúc cũ không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại một số chữ Hán được khắc trên đá ở cung trong nằm trên phần nền móng cũ”.

Dẫu được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 2001, tuy nhiên công trình chưa được quan tâm đầu tư tôn tạo. Mãi đến năm 2013-2014, nhờ công đức của bà con Nhân dân trong xã, di tích mới được làm cổng và bờ rào, đảo lại ngói, quét vôi ve, lắp hệ thống điện, bắn tôn chống xuống cấp. Càng thán phục tài năng của tể tướng Khương Công Phụ thì càng chạnh lòng khi đến với ngôi đền. Không chỉ là nhỏ bé, ngôi đền đã quá xuống cấp. Ông Nguyễn Viết Bá (sinh năm 1955), thủ từ cho biết: Năm 2019, con cháu của làng đã quyên góp để đúc tượng ngài. Tuy nhiên cũng mới an vị, còn chờ các cấp có thẩm quyền quyết định đưa tượng ngài lên ban thờ. Dự án quy hoạch và tôn tạo lại Khu Di tích đền thờ Khương Công Phụ đã có cả chục năm nay và bà con Nhân dân xã Định Thành vẫn mòn mỏi chờ đợi.

Vào ngày 10-3 âm lịch hàng năm, lễ giỗ Khương Công Phụ được đông đủ con cháu họ Khương, người dân trong làng, cùng người dân ở nhiều nơi khác tổ chức nhẹ nhàng, ấm cúng như một dịp để nhắc nhớ con cháu về những kỳ tích của thế hệ tiền nhân không chỉ ở đất Thanh mà còn cả nước Nam trong buổi vận nước bĩ cực, đồng thời động viên con cháu hãy lấy đó làm tấm gương để sống thật tốt và cống hiến dựng xây quê hương.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]