(Baothanhhoa.vn) - Khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường được xem là “nơi phát phúc” của hoàng tộc Nguyễn. Đây không chỉ là nơi thờ cúng tổ tiên, thể hiện sự tôn kính hướng về tổ tiên, nguồn cội của hoàng tộc; mà còn phản ánh đậm nét truyền thống văn hóa và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường - nơi in đậm dấu ấn vương triều Nguyễn

Khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường được xem là “nơi phát phúc” của hoàng tộc Nguyễn. Đây không chỉ là nơi thờ cúng tổ tiên, thể hiện sự tôn kính hướng về tổ tiên, nguồn cội của hoàng tộc; mà còn phản ánh đậm nét truyền thống văn hóa và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường - nơi in đậm dấu ấn vương triều Nguyễn

Miếu Triệu Tường sau khi được đầu tư trùng tu, tôn tạo.

Khi những bước chân đầu tiên trên “hành trình vạn dặm” mở rộng bờ cõi của Nguyễn Hoàng in dấu lên vùng đất phương Nam, cũng đồng thời đã đặt “nền móng” cho sự ra đời của vương triều Nguyễn. Nói về hành trình đặc biệt ấy của Chúa Tiên, tác giả của cuốn “Tỉnh Thanh Hóa” – C. Robequain, đã tìm hiểu về các luồng di cư đã diễn ra trên đất Thanh Hóa và đưa ra nhận định: “Thu thập các truyền thuyết truyền khẩu hoặc thành văn chắc chắn ta sẽ phát hiện ở Nghệ An, Hà Tĩnh và miền Trung Trung Kỳ, nhiều làng, nhất là từ thế kỷ thứ XVI đã được thành lập bởi những người Thanh Hóa”. Để lý giải rõ hơn cho nhận định này, sách dẫn thêm một đoạn chú thích: Về luồng di cư vào Nam, chúng ta biết một thí dụ nổi tiếng: Khi Nguyễn Hoàng, con Nguyễn Kim, năm 1558 được cử làm trấn thủ Thuận Hóa (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Bắc Quảng Nam hiện nay), ông đem theo nhiều quan lại, người giúp việc và lính quê ở Tống Sơn (Hà Trung); nhiều người khác cũng đi theo khi thế lực của Nguyễn Hoàng đã được khẳng định: họ thành lập những trại lính sau này thành làng, nhưng con cháu họ cũng thành lập một tầng lớp công dân có đặc quyền: “Danh hiệu người Tống Sơn còn là một danh hiệu danh dự”!

Xuất phát từ ý nghĩa đặc biệt ấy mà sự ra đời của Khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường (thuộc thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung), dưới thời vua Gia Long cũng ví như một lời tri ân đến tiền nhân, cũng là hướng về cội nguồn tiên tổ của các vua Nhà Nguyễn. Sử sách còn ghi lại, ngay sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long đã về bái yết lăng Thiên Tôn. Cùng với việc vinh phong vùng đất Quý hương, nhà vua đã cho xây dựng khu lăng miếu để thờ các vị tổ tiên Nhà Nguyễn. Đồng thời, truy tôn Nguyễn Kim là Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Khải Vận Nhân Thánh Tĩnh hoàng đế, miếu hiệu là Triệu Tổ, lăng gọi là Trường Nguyên và cho xây dựng Nguyên miếu để thờ các tiên vương khai mở ra triều đại. Đến đời vua Minh Mạng đã đổi tên núi Thiên Tôn thành núi Triệu Tường và lăng gọi là lăng Triệu Tường.

Gắn với lăng (nơi an táng) là miếu (nơi thờ tự), năm 1806 vua Gia Long tiếp tục cho xây miếu ở cánh đồng dưới chân núi Triệu Tường, cách khu vực lăng khoảng 1 km. Theo sử liệu và sách ảnh còn lưu giữ, thì miếu Triệu Tường được xây dựng hết sức cầu kỳ, công phu và được ví như “kinh thành Huế thu nhỏ”. Miếu gồm hai công trình là Nguyên miếu hay miếu chính thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế (Nguyễn Kim) ở gian giữa và Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế (Nguyễn Hoàng) ở gian bên tả; miếu trước nằm về phía Đông của miếu chính là nơi thờ Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu (thân phụ Nguyễn Kim) và Nguyễn Hán (con trai của Nguyễn Hoàng). Toàn bộ công trình đều nhìn về phương Nam. Hàng năm, gặp tiết ngũ hưởng và các tiết khác theo quy định của triều đình, quan tỉnh Thanh Hóa vâng mệnh hành lễ theo lệ như các miếu ở Kinh thành Huế. Đồng thời, nhiều vua Nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Thành Thái, Khải Định sau khi lên ngôi đã về dâng hương, bái yết tổ tiên.

Khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường - Quốc miếu nhà Nguyễn, không chỉ là công trình hội tụ tinh hoa về mặt kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc trang trí hay các điển lễ thờ cúng; mà còn đóng góp nhiều tư liệu quý về lịch sử và văn hóa thời Nguyễn. Kết quả từ nhiều lần khai quật khảo cổ, các nhà khoa học đã thống nhất nhận định, dấu tích khu Lăng miếu Triệu Tường có mặt bằng quy mô và cấu trúc khác lạ; kỹ thuật xây dựng cầu kỳ, công phu vào bậc nhất so với các khu lăng mộ ở Việt Nam đã được biết đến. Điển hình như đợt khai quật khảo cổ được tiến hành năm 2019, trên diện tích lên đến 4.319,8m2, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu tích tường thành và cổng phía Bắc; tường thành và cổng phía Đông; cổng phía Tây; cổng phía Nam; cầu phía Đông; nhà công quán; nhà kho; tường miếu và nghi môn; tây đường; miếu nhỏ; hồ bán nguyệt. Ngoài các dấu vết kiến trúc đã xuất lộ, còn thu được số lượng khá lớn di vật, thuộc 4 nhóm cơ bản là vật liệu xây dựng, gốm sứ, sành và kim loại. Đặc biệt, có gần 3.000 hiện vật là các mảnh bát, đĩa, lon, bình... thuộc các dòng men nâu, men trắng vẽ lam có niên đại trải từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX. Hệ thống di vật này đã góp phần phản ánh những đặc trưng cơ bản của vật liệu và nghệ thuật trang trí miếu thờ hoàng tộc, cũng như phản ánh sinh động lịch sử của di tích, gắn với thời gian tồn tại của triều Nguyễn. Đồng thời, những dấu tích đã xuất lộ phản ánh trình độ kỹ thuật và văn minh dưới thời Nguyễn, cũng như văn minh Đại Việt.

Từ kết quả khai quật khảo cổ và qua các thư tịch cổ, đã mở ra nhận thức về kết cấu tổng thể kiến trúc “ngoài thành – trong miếu” của khu Lăng miếu Triệu Tường. Đó là phần bên ngoài được bao bọc bởi lũy thành, hào nước; bên trong là tường bao xung quanh, được chia thành các khu vực khác nhau và lấy Nguyên Miếu là trung tâm. Mặt bằng kiến trúc cho thấy tính quy chuẩn và tính đăng đối giữa các công trình. Đồng thời, bước đầu so sánh có thể thấy di tích này có nét tương đồng với Thế miếu ở kinh thành Huế. Bởi nếu Thế miếu là nơi thờ các vua và chúa Nguyễn, thì khu Lăng miếu Triệu Tường là nơi thờ gốc tổ Nhà Nguyễn tại cố hương, kết hợp với nơi an táng Nguyễn Kim (Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế). Tuy nhiên, trải qua thời gian và chịu nhiều tác động từ ngoại cảnh, cả khu di tích bao gồm lăng Trường Nguyên, miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu và nhà thờ Nguyễn Hữu đã bị hủy hoại nặng nề.

Do vậy, kết quả từ các cuộc khai quật khảo cổ đã cung cấp nhiều tư liệu khoa học quan trọng, góp phần nghiên cứu một cách toàn diện hệ thống lăng miếu hoàng gia thời Nguyễn ở Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung. Đồng thời, bổ sung tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, thiết kế, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích, nhằm trả lại diện mạo vốn có cho công trình kiến trúc nghệ thuật này. Với những giá trị của di tích, năm 2007 khu Lăng miếu Triệu Tường đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Nhằm từng bước khôi phục lại diện mạo di tích, năm 2010, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường đã được xây dựng. Đồng thời, ngày 11-9-2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2948/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán hạng mục phục hồi, tôn tạo Nguyên miếu và Trừng Quốc công miếu (thuộc dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Lăng Miếu Triệu Tường, giai đoạn 1). Tiếp đó, năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Quyết định 3199/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Lăng miếu Triệu Tường.

Hiện Khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường đã và đang được tôn tạo lại trên cơ sở nền móng cũ, dựa trên kết quả khảo cổ học và ảnh tư liệu từ thời Pháp còn lại. Theo đó, khu vực chính của miếu đã được tôn tạo gồm Nguyên miếu và Trừng Quốc Công miếu. Tuy nhiên, để trả lại diện mạo cho toàn bộ khu di tích cần nguồn kinh phí lớn và tiến hành trong thời gian dài. Do vậy, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước rất cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực xã hội vào công tác bảo tồn, tôn tạo nhằm sớm phục dựng lại diện mạo khang trang, bề thế cho di tích. Đồng thời, thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với công lao của tiền nhân, cũng như di sản văn hóa đồ sộ, giàu giá trị và là tài sản quý báu của quốc gia.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]