(Baothanhhoa.vn) - Trong không gian văn hóa làng xã cổ truyền, ngôi đình là công trình kiến trúc lớn, nổi bật, in đậm trong tâm trí của người Việt. Chính vì vậy, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã, đang tiếp tục phục hồi không gian văn hóa đình làng, bảo tồn, phát huy giá trị, làm cho đình làng “sống lại” trong cộng đồng với tư cách là một thiết chế văn hóa cổ truyền, tạo nên bức tranh đa màu sắc trên mỗi làng quê xứ Thanh.

Không gian văn hóa đình làng trong xây dựng nông thôn mới

Trong không gian văn hóa làng xã cổ truyền, ngôi đình là công trình kiến trúc lớn, nổi bật, in đậm trong tâm trí của người Việt. Chính vì vậy, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã, đang tiếp tục phục hồi không gian văn hóa đình làng, bảo tồn, phát huy giá trị, làm cho đình làng “sống lại” trong cộng đồng với tư cách là một thiết chế văn hóa cổ truyền, tạo nên bức tranh đa màu sắc trên mỗi làng quê xứ Thanh.

Không gian văn hóa đình làng trong xây dựng nông thôn mới

Không gian đình làng Sơn, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) vẫn giữ được nét cổ kính và hiện là nơi diễn ra các hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương.

Theo số liệu kiểm kê của Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản văn hóa, toàn tỉnh hiện có 458 đình làng, trong đó có 149 đình làng đã được xếp hạng, với 12 đình làng xếp hạng cấp quốc gia. Trong số 458 đình làng, chỉ có 279 đình làng hiện còn giữ được tòa kiến trúc, 179 đình làng đã trở thành phế tích (song vẫn còn quỹ đất của đình được UBND các xã xác định).

Hiện nay, huyện Hà Trung là địa phương còn giữ được số lượng đình làng cổ nhiều nhất tỉnh, với 27 đình. Đa phần đình làng đều được xây dựng cách đây hàng trăm năm và đã được xếp hạng, công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các thôn có đình làng trên địa bàn một số xã, như: Yến Sơn, Hoạt Giang, Hà Ngọc, Hà Vinh... đã đầu tư thiết kế thêm các công trình phụ trợ bên ngoài của một nhà văn hóa thôn theo tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí. Do vậy, các đình làng đến nay cơ bản đáp ứng được chức năng của một nhà văn hóa thôn như: hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao... Đối với một số ngôi đình hư hỏng, xuống cấp, các địa phương đã trích nguồn kinh phí chương trình xây dựng NTM, kết hợp với huy động nguồn lực xã hội hóa để sửa chữa, phục hồi lại trên cơ sở hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Điều này đáp ứng được nguyện vọng sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng làng xã, vừa giảm được kinh phí đầu tư công trình mới cho địa phương.

Không chỉ có Hà Trung, huyện Hậu Lộc hiện có tới 20 đình làng (tính đến tháng 12-2018) và là một trong những địa phương có số lượng đình làng lớn của tỉnh. Sau nhiều nỗ lực xây dựng NTM, phần lớn các địa phương trên địa bàn huyện đã có nhà văn hóa thôn, tồn tại song song cùng với đình làng. Theo đó, việc hội họp, tổ chức các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đã chuyển sang thiết chế văn hóa mới, đình làng là nơi thờ thành hoàng làng, tổ chức một số hoạt động văn hóa tâm linh, họp bàn công việc làng xóm...

Trong tiềm thức nhiều người, nhắc đến văn hóa làng thì hình ảnh đặc trưng, thân thuộc nhất có lẽ là cây đa, giếng nước, mái đình... Hiện nay không gian đó vẫn được người dân thôn Sơn, thôn Ngọ (hay còn gọi làng Sơn, làng Ngọ) xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) gìn giữ, phát huy giá trị. Bước vào công cuộc xây dựng NTM, diện mạo làng quê đã có nhiều đổi thay về cơ sở hạ tầng, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, không gian đình làng được người dân quan tâm gìn giữ, bảo tồn, tạo nên cảnh quan mang nhiều nét đặc trưng của miền quê Bắc bộ.

Ông Hoàng Trọng Dần, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết: Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong quá trình xây dựng NTM, xã Tiến Lộc luôn xác định “văn hóa làng” là cốt lõi, là nơi lưu giữ “hồn cốt” của dân tộc. Hiện nay trên địa bàn xã còn đình làng Sơn và làng Ngọ. Trong đó, đình làng Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây không chỉ là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Vì thế, những năm qua cùng với việc quan tâm thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, chính quyền và người dân địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa làm mục tiêu chủ đạo. Đó cũng là tiền đề để địa phương xây dựng NTM thành công.

Được biết, thôn Sơn và thôn Ngọ đến nay vẫn chưa có nhà văn hóa, do đó đình làng vẫn đóng vai trò như “trụ sở hành chính” của thôn, là nơi tổ chức các hoạt động hội họp, văn hóa cộng đồng. Trong đình làng, bàn ghế được bố trí theo kiểu hội trường, phía sau là hậu cung thờ thành hoàng làng, sân đình rộng rãi, thoáng đãng. Mặc dù chính quyền địa phương đang bố trí quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa, song người dân thôn Sơn, thôn Ngọ vẫn mong muốn được bảo tồn, phát huy giá trị để đình làng trở thành trung tâm tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tổ chức các nghi lễ, phong tục tập quán truyền thống... Qua đó, xây dựng đình làng trở thành nơi cố kết cộng đồng dân cư làng xã trong cuộc sống hiện đại.

TS Lê Thị Thảo, Trưởng Khoa Văn hóa Xã hội, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Nhà văn hóa thôn với đầy đủ công năng, diện tích phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân và tiêu chí xây dựng NTM, đặc biệt là truyền tải những yếu tố mới của văn hóa, khoa học - kỹ thuật, trong đó có không gian cho người dân tham gia sáng tạo văn hóa. Còn đình làng, trong mối quan hệ với nhà văn hóa thôn vẫn là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, phát triển nghệ thuật dân gian... Do đó, các địa phương cần xem xét, sử dụng đình làng như một nhà truyền thống, một thư viện “mi ni” của làng để trưng bày những hiện vật, hình ảnh gắn bó với lịch sử làng xã, hoặc những nông cụ, hay các vật dụng hàng ngày gắn bó với đời sống làng xã cổ truyền... để đình làng thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và làm cho đình làng “sống” trong quá trình xây dựng NTM với tư cách là một thiết chế văn hóa cổ truyền.

Bài và ảnh: Hoài Anh


Bài và ảnh: Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]