(Baothanhhoa.vn) - Các danh hiệu văn hóa là sự cụ thể hóa những thành quả đạt được trong quá trình triển khai các phong trào văn hóa. Tuy nhiên, phía sau các danh hiệu có không ít vấn đề đang đặt ra và yêu cầu thay đổi. Bởi, danh hiệu không phải để... cho đẹp, mà là nhân tố nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kéo gần khoảng cách “lượng” - “chất” các danh hiệu văn hóa: (Bài 1)

Không chỉ là danh hiệu... cho đẹp!

Các danh hiệu văn hóa là sự cụ thể hóa những thành quả đạt được trong quá trình triển khai các phong trào văn hóa. Tuy nhiên, phía sau các danh hiệu có không ít vấn đề đang đặt ra và yêu cầu thay đổi. Bởi, danh hiệu không phải để... cho đẹp, mà là nhân tố nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa.

Không chỉ là danh hiệu... cho đẹp!Thôn Thác Làng, xã Vạn Xuân (Thường Xuân) đang nỗ lực để khắc phục tình trạng “treo” danh hiệu văn hóa. Ảnh: P.V

Từ bất cập chính sách...

Có lẽ chưa khi nào câu chuyện văn hóa lại được đưa ra bàn thảo nhiều như hiện nay. Từ các vấn đề vĩ mô như chính trị, kinh tế..., đến những việc tưởng chừng giản đơn hàng ngày là giao tiếp, ứng xử... cũng đang được gắn với yếu tố văn hóa. Rồi không ít chuẩn mực đạo đức đang lung lay trước “cơn bão” hội nhập, kinh tế thị trường, lối sống cá nhân vị kỷ... người ta cũng gọi tên văn hóa. Nhiều phong trào, cuộc vận động đang lấy văn hóa làm một “tiêu chí cứng”... Để rồi, nhìn theo hướng tích cực, vai trò của văn hóa dường như đang được đánh giá lại, để đặt nó vào vị thế tương xứng?.

Đặc biệt, để văn hóa “không bị bỏ lại phía sau” khi kinh tế đang được đặt trên “đường băng” phát triển, thì không ít chính sách và giải pháp đã được đề ra. Trong đó, sự ra đời và phát triển của các phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”); phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... suốt 2-3 thập kỷ qua, là một đòi hỏi tất yếu. Cũng từ các phong trào mà nhiều danh hiệu văn hóa như “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”, “Đơn vị văn hóa”... đã lần lượt ra đời.

Song, để được công nhận danh hiệu văn hóa, các gia đình, địa phương, cơ quan, đơn vị phải hội đủ và đáp ứng nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn, cũng như vượt qua một quy trình đánh giá tương đối chặt chẽ. Cụ thể là theo các quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10-10-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương (sau đây gọi là Thông tư 12). Qua triển khai Thông tư 12, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 758.120/947.205 gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 80%; 4.396/6.031 làng, thôn, bản được công nhận danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 72,8% (số liệu tổng hợp trước khi thực hiện sáp nhập làng, thôn, bản, tổ dân phố); 29/78 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, chiếm tỷ lệ 37,2%...

Những con số khá cao kể trên phần nào phản ánh sự phát triển sâu rộng của các phong trào văn hóa. Đặc biệt, với nhận thức đúng đắn, tinh thần trách nhiệm và cách làm sáng tạo, nhiều địa phương đã đưa các phong trào văn hóa vượt qua giới hạn đơn thuần của “phong trào”. Từ đó, thổi làn gió mới vào đời sống vật chất - văn hóa, tinh thần của xã hội và làm thay đổi về chất diện mạo làng quê. Song, khách quan nhìn nhận, chất lượng của các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”... ở một số địa phương chưa thực sự bền vững. Để rồi, sau khoảng 7 năm được áp dụng trong thực tiễn, Thông tư 12 đã cho thấy không ít bất cập nội tại, do nhiều quy định thiếu tính khả thi và gây khó cho cơ sở. Hệ quả là việc công nhận các danh hiệu văn hóa có biểu hiện chạy theo hình thức mà chưa đi vào chiều sâu. Để rồi, phía sau các danh hiệu văn hóa là sự “tụt dốc” các tiêu chí, tiêu chuẩn khi vấn nạn ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em hay sự lung lay các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục từ trong gia đình đến cộng đồng... vẫn đang xảy ra dưới những mái nhà hay làng, bản văn hóa. Đặc biệt, khi các phong trào văn hóa trở thành một “tiêu chí cứng” để đánh giá thành tích thi đua chung, thì khó tránh khỏi việc “vận dụng linh hoạt”, nhằm “mềm hóa các tiêu chí” hay “làm tròn các con số” từ cơ sở.

...đến thắt chặt quy định

Bất cập chính sách phải được khắc phục bằng chính sách. Đó là lý do ra đời Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ, quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” (sau đây gọi là Nghị định 122). Với những quy định tương đối chặt chẽ, Nghị định 122 được kỳ vọng sẽ đẩy lùi “bệnh hình thức”, hay việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa khá dễ dãi đã diễn ra ở một số địa phương thời gian qua.

Trước hết, thay vì được công nhận một lần và công nhận lại, thì “vòng đời” của các danh hiệu văn hóa theo Nghị định 122 sẽ chỉ giới hạn trong 1 năm. Sau khi được công nhận (vào cuối năm), các gia đình, địa phương, cơ quan, đơn vị lại tiếp tục đăng ký (vào đầu năm sau) để được xem xét và công nhận nếu đạt đủ điểm số, tiêu chí. Điều này đặt ra yêu cầu phải liên tục “làm mới” các tiêu chí để giữ vững danh hiệu văn hóa nếu không sẽ bị đào thải. Cùng với đó, thay cho các tiêu chí chung chung và khá định tính của Thông tư 12; Nghị định 122 đưa ra các quy định mang tính định lượng và dễ áp dụng, trong đó có việc xây dựng các thang điểm và cách chấm điểm đối với từng danh hiệu văn hóa. Cụ thể, đối với “Gia đình văn hóa”: hộ gia đình thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc Trung ương phải đạt từ 90 điểm trở lên; hộ gia đình thuộc xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn hoặc hộ nghèo, hộ cận nghèo phải đạt từ 60 điểm trở lên; hộ gia đình không thuộc các trường hợp trên phải đạt từ 85 điểm trở lên. Đối với “Khu dân cư văn hóa”: khu dân cư thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc Trung ương phải đạt từ 90 điểm trở lên; khu dân cư thuộc xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn phải đạt từ 60 điểm trở lên; khu dân cư không thuộc các trường hợp trên phải đạt từ 80 điểm trở lên.

Với thang điểm cụ thể, Nghị định 122 cũng quy định rõ các trường hợp không xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” khi gia đình có thành viên: bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế; bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường; tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống; có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính; mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc; tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, không xét tặng danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” nếu khu dân cư có khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật; có điểm, tụ điểm ma túy, mại dâm; có hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật.

Từ những quy định mới và một quy trình triển khai cũng mới không kém, nhiều địa phương tỏ ra khá “hào hứng” khi áp dụng Nghị định 122 vào thực tiễn. Ông Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn, cho biết: Bắt đầu từ năm 2019, quy trình bình xét các danh hiệu văn hóa trên địa bàn huyện Quan Sơn được tiến hành theo các bước chặt chẽ. Chẳng hạn với “Gia đình văn hóa”, các bước này bao gồm: (1) các gia đình đăng ký; (2) trưởng khu dân cư lập danh sách ban đầu (3) tổ chức họp xét (4) trưởng khu dân cư dựa trên kết quả họp xét để lập danh sách chính thức gửi lên xã; (5) Chủ tịch UBND xã xem xét và ra quyết định tặng danh hiệu văn hóa. Trong quá trình đăng ký và họp xét từ cơ sở, tuyệt đối không đưa vào diện được đăng ký đối với những trường hợp vi phạm được quy định trong Nghị định 122. Đồng thời, việc xét tặng bảo đảm tính khách quan, công bằng, chính xác và công khai, có sự giám sát của nhiều ban, ngành, đoàn thể từ thôn đến xã. Dù phải đáp ứng nhiều tiêu chí, nhưng qua 2 năm triển khai, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn huyện Quan Sơn đã tăng từ 63% (năm 2018) lên 66% (năm 2020); đồng thời, toàn huyện hiện có 79/94 thôn, bản, tổ dân phố văn hóa.

Khắc phục “bệnh hình thức”

Thôn Thác Làng, xã Vạn Xuân (Thường Xuân) có thể xem là một ví dụ điển hình cho “hành trình đi tìm danh hiệu văn hóa”, với không ít trắc trở. Song, điều đó cũng phần nào cho thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bình xét. Ông Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân, cho biết: Năm 2012, thôn Thác Làng đã đăng ký khai trương thôn văn hóa. Đến năm 2015, khi rà soát để công nhận lại, thì thôn không đạt do tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm hơn 60%). Năm 2019, khi bình xét theo Nghị định 122, do vướng tiêu chí an ninh trật tự (nghi ngờ trên địa bàn có tụ điểm ma túy), thôn Thác Làng lại “trượt” danh hiệu văn hóa. Đến năm 2020, về cơ bản tụ điểm ma túy đã bị triệt xóa, nhưng “chiếu” theo các tiêu chí Nghị định 122, thôn Thác Làng vẫn không được đưa vào danh sách đăng ký. Hiện, danh hiệu văn hóa vẫn đang “treo” và trở thành mục tiêu phấn đấu của địa phương trong năm 2021.

“Nói không” với tỷ lệ “đẹp” mà chú trọng đến chất lượng các danh hiệu văn hóa, là điều mà huyện Thường Xuân đang hướng đến. Chia sẻ về vấn đề này, ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, cho hay: Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 122, địa phương đã quán triệt đến tất cả các xã/thị trấn trên địa bàn, đó là tuyệt đối không nới lỏng các tiêu chí bình xét. Cho dù điều đó đã ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cụ thể, năm 2018, huyện Thường Xuân có 84/124 thôn đạt danh hiệu văn hóa; thì năm 2020, chỉ tăng thêm 1 thôn (85/124 thôn văn hóa).

Từ thực tế triển khai tại một số địa phương, có thể nói, Nghị định 122 với các tiêu chí và cách thức triển khai chặt chẽ, phản ánh đầy đủ các yếu tố văn hóa chủ đạo trong đời sống xã hội, không chỉ giúp cơ sở dễ định lượng khi bình xét, mà còn góp phần nâng các danh hiệu văn hóa tiệm cận dần đến các giá trị cao hơn.

Hoàng Xuân - Nguyễn Đạt

Bài 2: Khi chính sách vẫn “chạy theo” đời sống.


Hoàng Xuân - Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]