(Baothanhhoa.vn) - Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã ghi lại vô số chương đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Đó là những cuộc tranh đấu không ngơi nghỉ cho quyền tự quyết dân tộc, dù phải đối đầu với bất kỳ kẻ thù tàn bạo nào. Trong số đó, khởi nghĩa Bà Triệu - một trong những cuộc nổi dậy có tầm ảnh hưởng và sức công phá mạnh mẽ, đã làm lung lay đến tận gốc rễ thành lũy đô hộ nhà Ngô thời bấy giờ - đã tạc vào sử sách một trang đầy bi hùng và rạng rỡ.

Khởi nghĩa Bà Triệu và dấu ấn trong lịch sử dân tộc (Bài 1): Khởi nghĩa Bà Triệu - mốc son trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã ghi lại vô số chương đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Đó là những cuộc tranh đấu không ngơi nghỉ cho quyền tự quyết dân tộc, dù phải đối đầu với bất kỳ kẻ thù tàn bạo nào. Trong số đó, khởi nghĩa Bà Triệu - một trong những cuộc nổi dậy có tầm ảnh hưởng và sức công phá mạnh mẽ, đã làm lung lay đến tận gốc rễ thành lũy đô hộ nhà Ngô thời bấy giờ - đã tạc vào sử sách một trang đầy bi hùng và rạng rỡ.

Khởi nghĩa Bà Triệu và dấu ấn trong lịch sử dân tộc (Bài 1): Khởi nghĩa Bà Triệu - mốc son trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc

Đông đảo du khách về dâng hương, vãn cảnh tại đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc). Ảnh: Khôi Nguyên

Sau khi triều Đông Hán sụp đổ vào năm 220, Trung Quốc hình thành thế cục Tam Quốc: Ngụy, Thục, Ngô (220-280). Dưới ách đô hộ của nhà Ngô, Nhân dân ta bị áp bức, bóc lột vô cùng nặng nề. Bọn thứ sử, thái thú nhà Ngô bắt hàng vạn trai tráng, xích trói đem sang Ngô để bổ sung vào quân đội, làm “bia thịt” trong các cuộc hỗn chiến triền miên giữa 3 nước Ngụy, Thục, Ngô. Nhà Ngô còn bắt hàng ngàn thợ thủ công Giao Châu đưa lên phía Bắc, để xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay). Không dừng lại ở việc bắt lính, bắt phu, bọn quan lại nhà Ngô còn ngày đêm lùng sục, vơ vét của cải, sản vật, lương thực để vừa đưa lên phía Bắc dâng cho triều đình, vừa lấp đầy bụng dạ tham lam. Sự bạo ngược của kẻ thù đã dấy lên ngọn cửa căm hờn và tinh thần đấu tranh của Nhân dân ta. Khắp nơi, Nhân dân đã nổi dậy chống lại cường quyền, khiến Thái thú Giao Chỉ là Tiết Tổng phải dâng sớ lên vua Ngô, than rằng: "Giao Châu đất rộng, người đông, hiểm trở, độc địa, dân xứ ấy hay sinh loạn, rất khó cai trị”. Tiêu biểu nhất cho phong trào phản kháng sự thống trị tàn bạo của nhà Ngô là cuộc khởi nghĩa do hai anh em Triệu Quốc Đạt, Triệu Thị Trinh khởi xướng và lãnh đạo đã gây tiếng vang lớn, khiến toàn “Giao Châu chấn động”.

Sau thời gian chuẩn bị căn cứ, hậu cần và lực lượng, năm Mậu Thìn 248, Triệu Quốc Đạt đã phát động cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông đã mắc bạo bệnh qua đời. Triệu Thị Trinh - một người hùng tài, trí lực vượt trội, võ nghệ cao cường và mang chí khí, hoài bão lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm - đã được toàn thể tướng sĩ tin tưởng tôn làm chủ tướng, tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Nhiều bộ chính sử còn ghi lại thông tin về cuộc khởi nghĩa này, trong đó, cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do Quốc Sử quán (cơ quan biên soạn Quốc sử triều Nguyễn) biên soạn, có phần viết về Bà Triệu và khởi nghĩa năm 248, có đoạn: “Mậu Thìn (248), Ngô, năm Xích Ô thứ 11, Hán, năm Diên Hi thứ 11, Ngụy, năm chính Thủy thứ 9. Bà Triệu Ẩu, người quận Cửu Chân họp dân chúng đánh phá các quận huyện”.

Từ căn cứ Ngàn Nưa (huyện Triệu Sơn), nghĩa quân tràn xuống tấn công thành Tư Phố, nơi đặt cơ quan đầu não của chính quyền đô hộ. Cuộc tấn công giành được thắng lợi, khiến chính quyền đô hộ không kịp trở tay, trở nên hoảng loạn. Sau khi chiếm được Tư Phố, Bà Triệu chia quân thành 2 hướng: Hướng thứ nhất tiến xuống giải phóng các huyện Trạm Ngô (huyện Quảng Xương và một phần huyện Đông Sơn ngày nay), Tòng Nguyên (huyện Nông Cống ngày nay), Thường Lạc (thị xã Nghi Sơn và phía Bắc tỉnh Nghệ An ngày nay). Hướng thứ hai tiến quân ra vùng Bồ Điền hợp quân với ba anh em họ Lý, đánh chiếm các huyện phía Bắc (các huyện Thạch Thành, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, thị xã Bỉm Sơn ngày nay). Đồng thời, Bà Triệu cho xây dựng tuyến phòng thủ từ vùng núi ra cửa biển Thần Phù (cửa biển giáp giữa tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay), đề phòng viện binh quân Ngô theo đường biển tấn công xuống từ phía Bắc.

Trang Bồ Điền xưa (vùng đất Triệu Lộc ngày nay) là vùng đồng bằng nhỏ, nằm giữa hai dãy núi đá vôi. Từ Bồ Điền sang phía Đông có thể dễ dàng tiến về phía biển qua vùng đồng bằng (Hoằng Hóa, Hậu Lộc); ngược lên phía Tây theo sông Lèn có thể lui về vùng đất Quan Yên, hoặc theo con sông Lèn tiến quân chặn đánh địch ở cửa biển Thần Phù. Căn cứ quân sự Bồ Điền được xây dựng trên địa thế chiến lược, hiểm yếu, thuận lợi cho cả việc chủ động tấn công, áp chế trước khi địch tấn công vào quận Cửu Chân; đồng thời, thuận lợi cho việc lui quân, bảo toàn lực lượng nếu gặp quân địch lực lượng mạnh. Bên cạnh đó, Bà Triệu và các thuộc tướng đã chọn dãy núi Chung Chinh ở mạn Bắc bờ sông Lèn (thuộc địa phận xã Hà Sơn và xã Hà Ngọc ngày nay) để xây dựng hệ thống đồn lũy quân sự liên hoàn ở phía Bắc.

Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã lan rộng ra các vùng Giao Chỉ, kéo vào tận vùng Nhật Nam. Cuộc khởi nghĩa đã đặt chính quyền đô hộ ở Giao Châu đứng trước nguy cơ tan rã. Trong thư tịch của triều Ngô có đoạn ghi lại: “Năm Xích Ô thứ 11 (triều Ngô Tôn Quyền năm 248), bọn giặc ở Cửu Chân, Giao Chỉ tấn công thu được thành ấp, vùng Giao Châu rối loạn”. Để đối phó với cuộc khởi nghĩa, vua Ngô đã phái viên tướng lão luyện lắm mưu mô là Hành Dương đốc quân Đô úy Lục Dận giữ chức Thứ sử kiêm Hiệu úy và cho hắn toàn quyền quyết định cả về quân sự và dân sự ở Giao Châu. Nhận lệnh, Lục Dận đem theo 8.000 quân được trang bị vũ khí hùng hậu và lâu thuyền yểm trợ, kéo quân vào Giao Châu. Sau khi nắm kỹ tình hình, Lục Dận cùng bọn quan lại cai trị đã dùng nhiều thủ đoạn thâm độc để trấn áp cuộc khởi nghĩa.

Khởi nghĩa Bà Triệu và dấu ấn trong lịch sử dân tộc (Bài 1): Khởi nghĩa Bà Triệu - mốc son trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc

Sân khấu hóa cuộc khởi nghĩa Bà Triệu tại Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên 2023. Ảnh: Thùy Linh

Một mặt, Lục Dận lúc dùng lực lượng áp đảo để tấn công các căn cứ nghĩa quân; mặt khác, hắn dùng tiền tài, địa vị mua chuộc, dụ dỗ các thủ lĩnh nghĩa quân. Nhiều thủ lĩnh ở Giao Chỉ đã quy thuận nhà Ngô, khiến nghĩa quân Bà Triệu bị rơi vào tình thế cô lập. Do vậy, chỉ sau một thời gian, nội bộ nghĩa quân đã xuất hiện dấu hiệu chia rẽ. Lúc này, Lục Dận mới tập trung binh lực tấn công áp đảo nghĩa quân ở Giao Chỉ vốn đã bị phân tán. Tiếp đó, chúng dồn toàn bộ binh lực tấn công vào vùng Cửu Chân - trung tâm của cuộc khởi nghĩa. Lục Dận dùng thủy quân chia theo 2 đường: một mũi từ Tạc Khẩu tiến qua hành lang Hoàng Cương - Chính Đại - Bạch Ác, ngược sông Lèn vây bức phía Bắc; mũi thứ hai vòng qua cửa Sung (sông Mã) và Vích Lạch (Lạch Trường), tiến vào phía Nam.

Trước ý đồ của địch, Bà Triệu đã cho quân xuôi sông Lèn và men theo sông Đào tiến ra đánh chặn địch ở cửa biển Thần Phù. Tuy nhiên, trước lực lượng đông đảo, hung hãn của địch, nghĩa quân đã lui quân về tuyến phòng thủ phía bờ Bắc sông Lèn. Tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh lớn, nhỏ giữa nghĩa quân Bà Triệu và giặc Ngô. Nghĩa quân đã chiến đấu anh dũng, quyết không cho địch tiến vào bản doanh Bồ Điền. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng giữa hai bên chênh lệch, địch đã vây hãm Bồ Điền suốt 2 tháng, khiến lương thực của nghĩa quân dần cạn kiệt, nhiều tướng sĩ đã anh dũng hy sinh. Biết tình thế không thể kéo dài thêm, Bà Triệu đã cùng với các tướng sĩ mở trận quyết chiến nhằm mở vòng vây hãm, phá thế cô lập. Trong trận đánh cuối cùng diễn ra vào ngày 22-8 âm lịch (năm Mậu Thìn, 248), Bà Triệu đã anh dũng hy sinh trên núi Tùng.

Có thể nhấn mạnh rằng, tuy không phá tan được xiềng xích nô lệ hà khắc của nhà Ngô, nhưng cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã rạch một “tia chớp” sáng chói lên nền trời tăm tối suốt nghìn năm Bắc thuộc. “Tia chớp” ấy là sự khẳng định cho tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, anh dũng, kiên cường và khát khao độc lập của dân tộc ta. Đặc biệt, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu là sự tiếp bước truyền thống từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng, quyết đấu tranh chống ách thống trị của ngoại bang. Mặc dù bị đàn áp dã man, song cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Cuộc khởi nghĩa đã nung nấu và hun đúc mạnh mẽ thêm tinh thần yêu nước, ý chí quật cường để khi một lực lượng yêu nước mới bước lên vũ đài lịch sử, sẽ một lần nữa bùng cháy và thiêu rụi bè lũ ngoại xâm.

(Bài viết có sử dụng một số thông tin trong cuốn “Lý lịch di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa”).

Bài 2: Đóng góp của Nhân dân Thanh Hóa trong cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]