(Baothanhhoa.vn) - Sầm Sơn vốn nổi tiếng với những bãi tắm đẹp, nhưng dải đất nơi đầu sóng này cũng được biết đến là một miền cổ tích - với những danh thắng, di sản giàu giá trị và đậm đà sắc thái văn hóa biển...

Khám phá “miền cổ tích” trên dãy Trường Lệ

Sầm Sơn vốn nổi tiếng với những bãi tắm đẹp, nhưng dải đất nơi đầu sóng này cũng được biết đến là một miền cổ tích - với những danh thắng, di sản giàu giá trị và đậm đà sắc thái văn hóa biển...

Khám phá “miền cổ tích” trên dãy Trường LệHòn Trống Mái.

Đứng trước vẻ thiên nhiên tươi đẹp và hữu tình của dãy Trường Lệ, một nhà thơ khuyết danh đã cảm khái mà họa nên bức tranh bằng thi ca giàu tính gợi hình, gợi cảm: “Bể rộng ai đào để đắp non/ Vết chân Độc Cước tới nay còn/ Lô nhô sườn núi nhà thưa mái/ Khấp khểnh chân mây, đá mấy hòn”. Nhìn từ trên cao, dãy Trường Lệ trông như hình dáng người phụ nữ đang nằm, mà một phần cơ thể đang bao bọc lấy những xóm làng trù phú, còn một phần vươn về phía biển để du dương khúc tự tình non nước nghìn năm.

Theo các tài liệu còn ghi chép lại, Trường Lệ là dãy núi đá hoa cương Diệp Thạch, được hình thành cách đây trên 300 triệu năm. Trải qua quá trình tạo sơn lâu dài mà hình thành nên nhiều đỉnh cao, ngọn thấp được gọi bằng những cái tên độc đáo như Cổ Giải, Đầu Voi, hay Phù Thai, hòn Kèo... Thế nhưng, những cư dân của vùng đất cửa biển này lại có cách của riêng mình để lý giải cho sự hình thành ấy. Rằng từ xa xưa, có một phụ nữ bụng mang dạ chửa bị trận đại hồng thủy cuốn đi, rồi trôi dạt vào bờ biển này. Bà đã nằm lại nơi đây và nguyện làm con đê chắn sóng, để chở che sự sống cho miền đất hoang vu. Cảm phục trước tấm lòng cao cả của bà, Nhân dân trong vùng đã đem đất đá đắp lên thi hài bà. Nấm mồ dần lớn và trở thành dáng núi Trường Lệ như ngày nay. Câu chuyện có phần ly kỳ, huyền ảo ấy lại phản ánh lối tư duy dung dị, chất phác của những cư dân ngư nghiệp buổi đầu cắm sào trên triền cát nóng bỏng để gây dựng nên xóm làng.

Du khách có dịp về với Sầm Sơn để say sưa cùng sóng nước, thì đừng quên một lần quá bộ lên dãy Trường Lệ. Dạo bước trên những cung đường quanh co, được phủ một lớp nhựa phẳng và nhuộm lên cái sắc xanh của những cánh rừng thông, bạch đàn, cây keo lá chàm bạt ngàn. Con người như đang hòa mình vào không gian xanh trong lành và hít thở không khí tươi mát, có thể xua tan mọi mệt mỏi, phiền muộn. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, du khách khi đến Trường Lệ còn được tham quan một phức hợp di sản văn hóa vật thể độc đáo và giàu giá trị, mà nổi tiếng hơn cả là đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành và Hòn Trống Mái.

Đền Cô Tiên nằm trên đỉnh hòn Đầu Voi, phía Tây Nam cuối dãy Trường Lệ. Sự ra đời của di tích này gắn với truyền thuyết về người con gái làm nghề thuốc cứu nhân độ thế. Cô gái vì không vâng lời cha lấy một kẻ nhà giàu nên bị cha đuổi đi. Cô đem lòng yêu và lấy một chàng trai nghèo khó mà tốt bụng tên là Côi. Cuộc sống đang êm ả thì cô gái bị bệnh hủi. Một cụ già xuất hiện, lấy thuốc lá nam và nước suối từ Vụng Tiên chữa khỏi bệnh cho cô gái. Sau đó bà cụ ra đi để lại cho hai vợ chồng một tay nải và một giỏ mây đựng lá thuốc cứu người. Một lần, hai vợ chồng đi chữa bệnh về khuya gặp trời mưa to, nhớ lời bà cụ dặn lấy tay nải ra che mưa, rồi thiếp đi lúc nào không biết. Sáng dậy, hai vợ chồng thấy mình đang ngồi trong một ngôi nhà 3 gian khang trang, sạch sẽ. Từ đó họ ở lại ngôi nhà, hái lá nam chữa bệnh cho mọi người trong vùng. Một buổi sáng đẹp trời, hai vợ chồng ăn mặc đẹp, dắt tay nhau đi lên đỉnh núi rồi không thấy trở về. Ngôi nhà nơi họ ở được dân làng quét dọn, khói hương và trở thành đền Cô Tiên như ngày nay.

Còn theo sách sử ghi chép lại, thì đền Cô Tiên được xây dựng vào thời Lý, theo kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 3 lớp tiền đường, trung đường và hậu cung. Trải qua thiên tai và chiến tranh tàn phá, đền đã bị hư hỏng nặng và đã phải qua nhiều lần trùng tu. Lần gần đây nhất là vào năm 2010, đền đã được trùng tu lại song vẫn giữ được lối kiến trúc cùng nét đẹp cổ kính vốn có. Hậu cung của đền đặt Tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên tức bà chúa Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải). Trong quần thể di tích, ngoài đền chính, còn có đền trình, miếu lộ thiên Nam Hải Đại Vương và miếu Cô Chín. Vì đền Cô Tiên nằm ở vị thế đẹp, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, nơi trời biển mênh mang giao hòa, nên từ lâu nơi đây đã là một điểm tham quan hấp dẫn du khách. Đặc biệt, ngôi đền còn vinh dự được Bác Hồ chọn là nơi dừng chân nghỉ ngơi khi Người về thăm Sầm Sơn và kéo lưới cùng ngư dân Vinh Sơn (năm 1960).

Tham quan phức hợp di sản trên dãy Trường Lệ, sẽ vô cùng thiếu sót nếu không đến với địa danh Hòn Trống Mái, vốn nổi tiếng với câu chuyện tình yêu đẹp. Đó là chuyện về đôi vợ chồng trẻ đã sống chết bên nhau trong trận đại hồng thủy, khiến bầy Tiên khi du ngoạn trần gian đã động lòng cảm phục, liền cho hóa thành đôi chim đá, để được quấn quýt bên nhau trên núi cao, không bao giờ chịu cảnh lụt lội. Hòn Trống Mái vốn được dân gian dùng để gọi tên hai hòn đá nằm chênh vênh cạnh nhau. Điều kỳ lạ là, mặc dù cái thế chênh vênh, nhưng qua biết mấy thời gian cùng sự mài mòn của mưa nắng, chúng vẫn nằm cạnh nhau, bền bĩ như sợi dây tình cảm của loài lông vũ luôn có đôi có cặp vậy. Để rồi, cũng từ câu chuyện của đá, con người đã thổi hồn mình vào đá mà dệt nên câu chuyện tình yêu đẹp giữa người với người, dẫu đầy bất trắc nhưng cũng thật lãng mạn. Đồng thời, dựa vào “cái tích” của Hòn Trống Mái mà lễ hội Tình yêu cũng được hình thành và bước đầu để lại nhiều ấn tượng đẹp cho du khách khi về Sầm Sơn.

Có thể nói, phức hợp di sản trên dãy Trường Lệ là thành quả từ sự “thăng hoa” của trí tuệ, cảm xúc của những nghệ nhân dân gian, gắn với thế giới quan, nhân sinh quan hồn hậu, chất phác. Bằng tài hoa và sức sáng tạo của mình, những cư dân nơi đây đã gây dựng nên một đời sống văn hóa tinh thần – tín ngưỡng, tâm linh phong phú, đậm đà bản sắc, được phản ánh đậm nét trong hệ thống di tích và lễ hội diễn ra suốt vào “xuân thu nhị kỳ” như lễ hội bánh chưng - bánh dày, lễ hội Cầu Phúc, lễ hội Cầu Ngư... Để rồi, đây có thể ví như một miền cổ tích nếu được đầu tư thỏa đáng cho công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị gắn với du lịch nghỉ dưỡng biển Sầm Sơn.

Thực tế, xác định được những giá trị độc đáo, riêng có của nó mà từ năm 2002, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu Du lịch văn hóa - sinh thái núi Trường Lệ (Quyết định số 1440/QĐ-CT, ngày 10-5-2002), với mục tiêu xây dựng khu vực núi Trường Lệ thành khu du lịch văn hóa - sinh thái hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch khi về với Sầm Sơn. Tuy việc định hình nên sản phẩm du lịch văn hóa – sinh thái vẫn đang ở giai đoạn bước đầu; song, đây được xem là căn cứ để Sầm Sơn thực hiện việc bảo vệ, hoàn thiện hệ thống hạ tầng và từng bước kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư, nhằm hình thành nên các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.

Bài và ảnh: Kim Ngân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]