(Baothanhhoa.vn) - Xác định văn hóa đọc phát triển góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, thời gian qua, huyện Thường Xuân đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, hoạt động nhằm khơi dậy thói quen, kỹ năng đọc và nâng cao văn hóa đọc sách cho người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thường Xuân: Điểm sáng văn hóa đọc

Xác định văn hóa đọc phát triển góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, thời gian qua, huyện Thường Xuân đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, hoạt động nhằm khơi dậy thói quen, kỹ năng đọc và nâng cao văn hóa đọc sách cho người dân.

Huyện Thường Xuân: Điểm sáng văn hóa đọc

Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân tổ chức Ngày hội đọc sách hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Ngay từ đầu năm, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn thường xuyên đọc sách, báo và duy trì việc đọc sách, báo, nhằm tạo thói quen, kỹ năng và phương pháp đọc hiệu quả; định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội. Hàng năm, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch giao cho thư viện huyện tổ chức các hoạt động phong phú, thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân như: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam; triển lãm sách, báo; ngày hội đọc sách; hội thi kể chuyện theo sách; các phong trào đóng góp sách; hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc sách, chọn sách phù hợp cho từng đối tượng, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên. Cụ thể, năm 2021, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thư viện huyện đã tổ chức Ngày hội đọc sách bằng hình thức phục vụ xe thông tin lưu động cho các em học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Bát Mọt, Trường Tiểu học Bát Mọt 1, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Yên Nhân, Trường Tiểu học Yên Nhân 2. Ngoài việc phục vụ đọc sách tại chỗ, thư viện còn trao tặng 477 bản sách cho 4 điểm trường; tổ chức các trò chơi, cuộc thi tìm hiểu về sách, về tác giả... tạo sân chơi bổ ích, khơi dậy niềm đam mê sách, đọc sách của các em học sinh và người dân địa phương. Cùng với đó, Thư viện huyện Thường Xuân đã phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức thư viện lưu động tại Trường Tiểu học Vạn Xuân và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Xuân Chinh.

Song song với tổ chức các hoạt động, huyện Thường Xuân đã quan tâm xây dựng hệ thống thư viện từ huyện xuống xã và thôn, làng. Đến nay toàn huyện có 1 thư viện huyện, 16 phòng thư viện/tủ sách pháp luật tại trung tâm văn hóa xã, thị trấn; gần 60 phòng đọc báo làng. Hiện, thư viện huyện đã xây dựng được kho sách với hơn 5.590 đầu sách, gần 6.400 bản sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, môi trường, nông - lâm - ngư nghiệp...; thường xuyên bổ sung mới và sắp xếp khoa học. Đặc biệt, để tạo điểm mới, thu hút bạn đọc, năm 2020, thư viện huyện đã được quan tâm xây dựng thêm khu đọc sách ngoài trời, lắp đặt xích đu, gần gũi với thiên nhiên, giúp bạn đọc thoải mái khám phá tri thức. Nhờ đó, thư viện luôn là điểm đến tra cứu, tìm kiếm thông tin, tri thức của người dân. Từ đầu năm đến nay, có gần 600 lượt bạn đọc đã đến thư viện mượn sách và 89 bạn đọc làm thẻ thư viện. Ngoài ra, thư viện huyện đã quan tâm xây dựng kho sách, luân chuyển sách, báo xuống các tủ sách pháp luật, phòng thư viện và các phòng đọc báo tại thôn, làng. Qua đó, nâng cao số lượng, chủng loại sách và bổ sung sách hay, mới cho cơ sở. Đặc biệt, thời gian gần đây, thư viện huyện đang tập trung xây dựng kho sách, phòng đọc báo cho xã vùng biên, vùng khó khăn Yên Nhân, Bát Mọt. Kết quả, từ đầu năm đến nay, thư viện đã luân chuyển 640 đầu sách xuống cơ sở.

Để xây dựng nguồn sách phong phú, đa dạng, hàng năm, huyện đã vận động các nguồn xã hội hóa đóng góp sách từ bạn đọc, công ty sách; phối hợp với Thư viện tỉnh, các công ty sách thực hiện luân chuyển sách nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân địa phương. Nhiều địa phương đã chú trọng tuyên truyền vai trò của việc đọc sách trong các buổi sinh hoạt thôn, hội, nhóm để người dân biết và đến đọc, mượn sách tại thư viện, phòng đọc sách báo. Tiêu biểu như xã Ngọc Phụng đã xây dựng thư viện hơn 800 đầu sách, 1.000 bản sách. Ngoài ra, xã còn đầu tư thêm khu đọc sách ngoài trời, bố trí bàn ghế và tủ sách để tạo điều kiện cho người dân có không gian đọc sách thoải mái, thân thiện. Đây là một sáng tạo của lãnh đạo xã Ngọc Phụng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Nhờ đó, phần lớn người dân trong xã đã dần hình thành thói quen đọc sách. Phong trào đọc sách và xây dựng tủ sách, phòng đọc báo làng phát triển mạnh như thôn Hòa Lâm, Xuân Lập.

Không chỉ phát huy hiệu quả văn hóa đọc từ các thư viện, phòng đọc sách báo tại các địa phương mà việc phát triển văn hóa đọc tại các trường học cũng được huyện thực hiện hiệu quả. Hiện 100% các trường đã xây dựng thư viện trường với nguồn tài liệu đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu của giáo viên và học sinh; nội dung và số lượng đảm bảo theo yêu cầu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có thể khẳng định, với sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự tâm huyết, sáng tạo của những cá nhân yêu sách, giàu nhiệt thuyết cống hiến cho cộng đồng đã góp phần phát triển văn hóa đọc tại huyện Thường Xuân. Từ đó, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh: Thùy Linh


Bài và ảnh: Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]