(Baothanhhoa.vn) - Là địa phương có đa số đồng bào dân tộc Thái, Mường cùng sinh sống, lại được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng... Thời gian qua, huyện Như Thanh đã và đang phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, nhất là loại hình du lịch xanh. Qua đó, vừa góp phần bảo tồn thiên nhiên, vừa tạo nên những trải nghiệm mới cho du khách.

Huyện Như Thanh quan tâm phát triển du lịch xanh

Là địa phương có đa số đồng bào dân tộc Thái, Mường cùng sinh sống, lại được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng... Thời gian qua, huyện Như Thanh đã và đang phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, nhất là loại hình du lịch xanh. Qua đó, vừa góp phần bảo tồn thiên nhiên, vừa tạo nên những trải nghiệm mới cho du khách.

Huyện Như Thanh quan tâm phát triển du lịch xanh

Du khách tham quan Vườn Quốc gia Bến En.

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Như Thanh những danh lam, thắng cảnh đẹp, hấp dẫn đắm say lòng người. Bên cạnh những điểm di tích lịch sử, văn hóa như Lò cao kháng chiến Hải Vân; đền Mẫu Phủ Sung, đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung), đền Phủ Na (xã Xuân Du), đền Bạch Y Công chúa (xã Phú Nhuận), hay những điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn... thì đặc ân lớn nhất mà tạo hóa ban tặng cho huyện chính là Vườn Quốc gia Bến En.

Vườn Quốc gia Bến En được mệnh danh là một “Hạ Long thu nhỏ” của xứ Thanh. Đến đây du khách sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, được du thuyền đi dạo trên lòng hồ sông Mực với dòng nước bình yên, êm ả, bốn mùa xanh mát, cùng hít thở bầu không khí trong lành và thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt mỹ của đôi bờ. Nơi đây, còn nổi tiếng với 21 hòn đảo lớn nhỏ như những viên ngọc lấp lánh giữa trời mây, non nước hữu tình. Đặc biệt, du khách còn được khám phá hệ sinh thái động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Xung quanh Vườn Quốc gia Bến En là những làng bản bình yên của người Thái, Mường với những phong tục tập quán và nét văn hóa vô cùng đặc sắc... Đến đây, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương thơm ngon hấp dẫn như gà đồi, cá nướng... Từ Bến En du khách lại có thể thuận lợi để kết nối đến nhiều khu, điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện như tại thôn Cây Nghĩa, hay thôn làng Lúng (xã Xuân Thái), với cảnh quan thiên nhiên thanh bình, hoang sơ, khí hậu mát mẻ cùng những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những dãy nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái, Mường và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc như cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, các làn điệu dân ca, dân vũ vẫn đang được lưu giữ... Rồi khám phá hang Lèn Pót ở thôn Thanh Xuân (xã Xuân Thái), một hang động trong núi đá, còn rất hoang sơ, chưa có tác động nhiều của con người, với những nhũ đá trong hang đẹp, được tích tụ qua hàng nghìn năm về trước. Đồng thời, từ Vườn Quốc gia Bến En du khách cũng có thể đến tham quan Khu Di tích Lò cao Kháng chiến Hải Vân, vườn hoa Thủy Sơn (thị trấn Bến Sung), vườn bưởi Hải Tân, thôn Vĩnh Lợi (xã Hải Long)... Cùng với đó, là tham quan nhiều mô hình nông nghiệp có quy mô lớn, các mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao gắn kết với các tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện.

Để các điểm du lịch xanh phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình trong việc thu hút khách du lịch, những năm qua, huyện đã và đang tích cực xây dựng kết nối với các tour, tuyến du lịch tâm linh trên địa bàn. Đồng thời, phát huy hiệu quả các hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, các hoạt động lễ hội như: Lễ hội Rước Bóng Phủ Na, Sết Boọc Mạy (xã Cán Khê); Kin Chiêng Boọc Mạy (xã Xuân Phúc); Cơm mới (xã Phượng Nghi); Lễ hội rước linh vị Bạch Y Công chúa (xã Phú Nhuận)... Tại các điểm du lịch, huyện cũng tăng cường quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: các cây dược liệu như chè vằng, lá lạc tiên, nấm lim... của Vườn Quốc gia Bến En; các sản phẩm nông nghiệp được công nhận OCOP như mộc nhĩ khô, nấm bào ngư xám, nấm linh chi đỏ (xã Yên Thọ), miến dong riềng (Yên Lạc), mật ong thiên nhiên (Phượng Nghi)... Giới thiệu và phục vụ những món ăn ẩm thực đặc sắc của huyện như cá mè sông mực, lợn mán, nem chua lợn mán, dúi, gà đồi...

Cùng với đó, huyện đã chủ động xây dựng các đề án về phát triển du lịch và triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ đến năm 2025 tăng 17,2%; tỷ lệ cơ cấu ngành dịch vụ đạt 35%. Đồng thời, huyện đang chuẩn bị tốt các điều kiện khi Tập đoàn Mặt trời (SunGroup), Công ty CP Khoáng sản Phong Thủy và các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Như Thanh. Kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng mở rộng và trùng tu tôn tạo các hạng mục công trình tại các điểm di tích cụ thể như: dự án mở rộng đầu tư tôn tạo đền Phủ Sung, đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung); dự án xây dựng Cổng tam quan đền Phủ Na (xã Xuân Du), dự án tôn tạo các hạng mục bên ngoài di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân (thị trấn Bến Sung, giai đoạn 2). Tiếp tục chỉ đạo xã Phú Nhuận phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch mở rộng, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền Bạch Y Công chúa trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng để nâng cao khả năng kết nối các khu, điểm du lịch trọng điểm của huyện như: tuyến đường giao thông Bến En đi thị trấn Bến Sung; vòng xuyến - vành đai phía Tây thị trấn Bến Sung; Phượng Nghi đi Cán Khê. Khôi phục lại nếp nhà sàn truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi, trò diễn dân gian, văn hóa văn nghệ của dân tộc Thái, Mường ở các xã trọng điểm phát triển du lịch của huyện. Tập trung chỉ đạo, phối hợp hoàn thiện các thủ tục pháp lý để làm cơ sở thu hút đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn Quốc gia Bến En (đề án du lịch; phương án thu phí tham quan danh lam thắng cảnh tại Vườn Quốc gia Bến En).

Có thể thấy rằng, việc phát triển du lịch xanh trên địa bàn huyện là hướng đi đúng đắn và cần thiết trong xu thế phát triển hiện nay. Du lịch xanh không chỉ giúp du lịch huyện phát triển bền vững lâu dài, mà còn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]