(Baothanhhoa.vn) - Là huyện miền núi có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Thái và Mông chiếm gần 90%, huyện Mường Lát đang lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc. Vì vậy, huyện đã và đang tập trung bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

Huyện Mường Lát nỗ lực phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống

Là huyện miền núi có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Thái và Mông chiếm gần 90%, huyện Mường Lát đang lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc. Vì vậy, huyện đã và đang tập trung bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

Huyện Mường Lát nỗ lực phát huy nét đẹp văn hóa truyền thốngCác em học sinh trên địa bàn huyện Mường Lát mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong các ngày lễ, tết và các sự kiện của nhà trường.

Chứng kiến những tiết mục văn nghệ đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát được thể hiện trong ngày liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ II, như: múa khèn, múa ô của dân tộc Mông, trò chơi dân gian Tó Mác Lẹ, ẩm thực (gói bánh ú) và trưng bày các gian hàng sản phẩm của địa phương mới thấy được sự nỗ lực của các phòng, ban, đoàn thể chính trị xã hội và Nhân dân huyện Mường Lát trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú, độc đáo của các dân tộc anh em nhằm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện.

Được biết, để có được những kết quả trên, những năm qua UBND huyện Mường Lát giao cho phòng văn hóa – thông tin, phòng dân tộc huyện phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên xuống cơ sở gặp gỡ người dân tìm hiểu về các nét văn hóa, những tập tục cổ xưa đang dần mất đi để tìm cách khôi phục. Vận động bà con xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan, trong các ngày hiếu, hỷ, tết, hội, không tổ chức chơi cờ bạc, uống rượu mà cùng nhau múa hát, tham gia chơi trò chơi dân gian vừa giữ được bản sắc truyền thống vừa gắn tình đoàn kết. “Những ngày tết, lễ hội chúng tôi không chỉ vận động, tuyên truyền mà còn quan sát nét văn hóa diễn ra trong đời sống hàng ngày. Gặp gỡ già làng, trưởng bản, người có uy tín tìm hiểu phong tục, tập quán rồi tham mưu cho huyện tìm cách khôi phục. Vận động người dân mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt, sản xuất, quan tâm đến các nghệ nhân, giúp đỡ họ về mọi mặt trong cuộc sống để họ có cơ hội lưu giữ, truyền bá nét văn hóa tới cộng đồng” - bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường Lát, cho biết.

Trên địa bàn huyện Mường Lát hiện nay có 50 bản, khu phố/8 xã, thị trấn có đội văn nghệ thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ do địa phương tổ chức. Tất cả các đội văn nghệ từ bản đến xã đã quan tâm sưu tầm, dàn dựng, các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc của địa phương, như: khặp, hát giao duyên, hát về Đảng, Bác Hồ có phần lời bằng tiếng dân tộc; múa xòe, múa sạp, múa khèn, múa ô, múa sanh tiền, khua luống...

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 10 lễ hội, nghi lễ lớn nhỏ khác nhau như: lễ Xên bản (dân tộc Khơ Mú); lễ hội tết, lễ cưới (dân tộc Mông); lễ hội Tén Tằn (dân tộc Thái xã Tén Tằn); lễ cấp sắc (dân tộc Dao); lễ Xên Mường (dân tộc Thái); lễ hạn khuông, lồng tông, cầu mưa, mừng lúa mới; nghi lễ trong đám cưới (dân tộc Dao)... Trong đó có một số lễ hội, nghi lễ hiện vẫn được Nhân dân bảo tồn và duy trì, như: lễ cấp sắc, nghi lễ trong đám cưới (dân tộc Dao); lễ hội tết, lễ cưới (dân tộc Mông). Qua đó, không chỉ thể hiện bản sắc truyền thống mỗi dân tộc qua trang phục, điệu múa, lời hát, tập tục cổ xưa, trò chơi dân gian mà còn là nơi giúp bà con các dân tộc được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, sản xuất...

Ngoài ra, các trò chơi dân gian, như: đánh cù Mông, chọi cù Thái, tó lẹ, kéo co, ném còn... cũng được chú trọng và được coi là một trong những phần chính của các hoạt động trong các ngày lễ, góp phần bảo tồn các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các loại nhạc cụ: khèn môi, sáo, trống của đồng bào Mông; khèn bè, sáo, trống của đồng bào Thái; trống, chiêng, khay gõ đôi, chuông múa của đồng bào Dao được lưu truyền. Đàn môi, đàn nhị của đồng bào Mông; cồng – chiêng, trống của đồng bào Thái; đàn gỗ của đồng bào Dao đang được lưu giữ ở một số gia đình.

Trong ẩm thực, mỗi dân tộc đều có bí quyết chế biến thực phẩm riêng, tạo ra các món ăn đặc sắc và được sử dụng hằng ngày vào các dịp lễ tết, như: đậu phụ hoa, thịt lam ống nứa, cơm nhồi lòng lợn (đồng bào Dao); bánh ú, cơm lam, thịt hun khói, cá nướng (đồng bào Thái); bánh dầy, mèn mén, thắng cố (đồng bào Mông)... Trong các đơn vị trường học, các em học sinh mặc bộ quần, áo truyền thống vào dịp nhà trường có hoạt động lớn, như: Ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20–11, khai giảng năm học, hoạt động văn nghệ, chào cờ đầu tuần... từ 2 – 3 buổi học/tuần. Các giờ học ngoại khóa, các thầy, cô cho học sinh tìm hiểu nét truyền thống của dân tộc mình thông qua các tư liệu hình ảnh, thước phim, đọc thơ, hát bằng tiếng dân tộc, tham gia các trò chơi dân gian để các em biết thêm về cội nguồn. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức 3 lớp dạy viết chữ cho những người dân trên địa bàn.

Ông Chá Văn Dia, bí thư chi bộ, trưởng bản Pù Toong, xã Pù Nhi, cho biết: Từ khi cán bộ xã, huyện tuyên truyền, vận động, người dân trong bản đã biết nhiều hơn về các nét văn hóa lâu đời để tìm cách giữ gìn, khôi phục, như: hát mừng đám cưới, thường xuyên mặc trang phục dân tộc, chơi các trò chơi dân gian. Trong những ngày lễ hội của người Mông, nét truyền thống đó được tái hiện. Là người đứng đầu bản, tôi không chỉ vận động bà con giữ gìn bản sắc mà còn tiên phong trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ để dân bản noi theo. Hy vọng với sự quyết tâm đồng lòng của chính quyền và Nhân dân trong huyện, bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ xuất hiện trong các ngày lễ, hội mà sẽ luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của bà con các dân tộc huyện Mường Lát.

Bài và ảnh: Tiến Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]