(Baothanhhoa.vn) - Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống văn hóa – tinh thần cho Nhân dân. Do vậy, trong nhiều năm trở lại đây, huyện Hà Trung đã quan tâm đến công tác này bằng nhiều giải pháp phù hợp và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Hà Trung: Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống văn hóa – tinh thần cho Nhân dân. Do vậy, trong nhiều năm trở lại đây, huyện Hà Trung đã quan tâm đến công tác này bằng nhiều giải pháp phù hợp và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Huyện Hà Trung: Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch

Di tích Phủ Mỗ, xã Hà Thái được đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị.

Trước hết, để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện Hà Trung đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị di sản, cũng như tiềm năng to lớn các di sản văn hóa trong việc thúc đẩy du lịch phát triển, nhằm khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm trong các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, lắp đặt các biển quảng cáo tại các điểm như đầu cầu Lèn, đường 217, đường Hà Đông đi Hà Sơn, cầu Cừ, cầu Tống Giang, đầu đường 522, Dốc Xây...; tăng cường in ấn tờ gấp, băng đĩa, tranh ảnh, dựng phim tài liệu và đưa thông tin giới thiệu vùng đất, con người Hà Trung lên trên trang thông tin điện tử của địa phương.

Bên cạnh đó, giao ngành giáo dục thực hiện chăm sóc, bảo vệ di tích tại các địa phương và đưa thông tin, tư liệu, hình ảnh của các di sản văn hóa vào giảng dạy ngoại khóa. Ngoài ra, địa phương cũng đấu mối với các đơn vị chuyên môn mở lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa du lịch, quản lý di tích, hướng dẫn viên du lịch... cho cán bộ quản lý văn hóa và thông tin, công chức văn hóa xã, cán bộ quản lý, phục vụ tại các điểm di tích và người dân kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, liên kết mở các lớp tập huấn khôi phục lễ hội truyền thống; vận động các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ kế cận; kêu gọi các nhà tài trợ đỡ đầu các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống.

Đặc biệt, huyện Hà Trung đã chú trọng xây dựng kế hoạch kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng di tích trên địa bàn toàn huyện làm cơ sở đề xuất danh mục các dự án đầu tư, tu bổ, tôn tạo; đấu mối và tranh thủ mọi nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích, khôi phục lễ hội truyền thống hàng năm; lập dự án quy hoạch chi tiết các điểm di tích quan trọng và di tích có ảnh hưởng rộng... Kết quả, đến nay đã có 54/72 (chiếm 75%) di tích xếp hạng đã được khoanh vùng bảo vệ; 5 di tích đã được quy hoạch tổng thể, chi tiết (Lăng miếu Triệu Tường, Ly cung Trần Hồ, đền Hàn Sơn, đền Cô Bơ, đền Rồng - đền Nước); 29/72 di tích đã xếp hạng các cấp được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp (trong đó có 7/9 di tích cấp quốc gia được trùng tu, tôn tạo; 22/63 di tích cấp tỉnh được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp); 3 di tích đang làm thủ tục đề nghị tu bổ, phục hồi; 2 danh thắng là hồ Con Nhạn và ngã ba Bông đã được quản lý, đầu tư nâng cấp; rà soát và lập dự án làm cơ sở để huy động các nguồn lực nhằm sớm phục dựng các di tích, phế tích như chùa Linh Xứng, chùa Cao, chùa Đồng Bồng, Ly cung nhà Hồ...

Lễ hội truyền thống được ví như tấm gương phản chiếu đời sống văn hóa - tinh thần, do đó, những năm gần đây, huyện Hà Trung đặc biệt quan tâm đến việc khôi phục và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống. Kết quả, có 47 lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức gắn với di tích trọng điểm và các làng. Điển hình như lễ hội Đốt Đình Liệu vào đêm 30 tết ở đình Động Bồng, xã Hà Tiến và đình Quan Chiêm, xã Hà Giang; lễ hội Cơm thi, xã Hoạt Giang vào đầu xuân; lễ hội Khai ấn đền Lý Thường Kiệt vào 25 tháng Giêng, xã Hà Ngọc; lễ hội đền Hàn; lễ hội khai ấn đền Trần ở xã Yên Dương vào rằm tháng Giêng... Qua đó, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần của Nhân dân; đồng thời quảng bá hình ảnh đất và người Hà Trung, cũng như thu hút đông đảo khách thập phương về với vùng đất giàu truyền thống này.

Cùng với việc quan tâm đầu tư phục dựng và tổ chức các lễ hội truyền thống, huyện Hà Trung cũng quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Điển hình như hát chèo, hò Sông Mã, hát ca trù, múa lân, múa sư tử, hát chầu văn, rước bóng, rước nước, nấu cơm thi, đấu vật, cờ người, kéo co, đua thuyền, bắt vịt... Nhiều lớp tập huấn dàn dựng ca khúc, truyền dạy các làn điệu dân ca truyền thống đã được địa phương tổ chức. Các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ đã được công diễn trong các lễ hội truyền thống địa phương và tham gia các hội thi, hội diễn cấp tỉnh, cấp quốc gia và đã đạt nhiều giải cao. Điển hình như Câu lạc bộ chèo xã Hà Tân đã đạt nhiều giải cao cấp tỉnh; Chi hội bảo tồn và phục hồi ca trù Hà Trung tham gia liên hoan ca trù toàn quốc đạt 1 Huy chương Bạc... Hiện địa phương đã hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị công nhận hò Sông Mã là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét.

Song song với việc đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, huyện Hà Trung cũng từng bước kết nối các di tích trên địa bàn với các điểm du lịch tâm linh trong tỉnh. Đồng thời, quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là các tuyến đường liên xã, đường vào các khu di tích nhằm tạo thuận lợi cho việc thu hút du khách; xây dựng, nâng cấp các nhà hàng, khách sạn, khu vực bến bãi đậu xe, các ki-ốt dịch vụ, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch và các công trình vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, các di tích quan trọng. Đặc biệt, địa phương đã gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với xây dựng lối giao tiếp, ứng xử văn hóa, thân thiện nhằm tạo ấn tượng đẹp cho du khách khi về với Hà Trung. Ngoài ra, địa phương cũng tích cực huy động các nguồn lực xã hội để trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa - tâm linh trọng điểm, nhằm đa dạng các điểm đến du lịch trên địa bàn... Các giải pháp nêu trên đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương phát triển.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]