(Baothanhhoa.vn) - Hò Sông Mã là nét văn hóa đặc sắc, đã gắn liền với cuộc sống của nhiều thế hệ người dân vùng sông nước xứ Thanh. Cùng với ngành văn hóa, huyện Hà Trung đã và đang có những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu hò Sông Mã.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Hà Trung bảo tồn và phát huy giá trị hò Sông Mã

Huyện Hà Trung bảo tồn và phát huy giá trị hò Sông Mã

Các diễn viên quần chúng của huyện Hà Trung luyện tập trình diễn các làn điệu hò Sông Mã.

Hò Sông Mã là nét văn hóa đặc sắc, đã gắn liền với cuộc sống của nhiều thế hệ người dân vùng sông nước xứ Thanh. Cùng với ngành văn hóa, huyện Hà Trung đã và đang có những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu hò Sông Mã.

Nói đến những người tâm huyết với hò Sông Mã, không thể không nhắc tới anh Nguyễn Văn Long, ở xã Hà Ngọc. Anh Long là con của nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh, nên từ sớm anh đã hiểu được đặc trưng cơ bản của hò Sông Mã: Đó là những câu vừa hò vừa nói của các chàng trai chèo đò, đưa các lái buôn xuôi dòng sông Mã. Họ vừa sáng tác, vừa hò, vừa làm điệu bộ để trấn an tinh thần khách và cổ vũ bản thân. Vì thế, âm điệu hò khỏe khoắn, sinh động,... “Nghe các cụ hò hay quá nên mình mới học. Đến bây giờ thì hò Sông Mã lúc nào cũng trong tâm trí mình”, anh Long cho biết. Hò Sông Mã hiện có 13 làn điệu, mỗi làn điệu lại mang một sắc thái khác nhau. Bắt đầu với điệu hò rời bến, rồi hò xuôi nhịp một, hò xuôi nhịp hai. Suốt chặng đường chèo lái, có khi gặp những con thác hung dữ chảy xiết; cũng có lúc đò bị mắc cạn. Vậy là các trai đò xưa phải lội xuống nước để đẩy hai bên mạn thuyền hoặc dùng vai vác thuyền ra khỏi chỗ cạn. Từ đó, họ lại nghĩ ra điệu hò mắc cạn, hò vượt thác... Điệu hò về xuôi dần thong thả, bởi đây là lúc mọi người vui sướng khi kết thúc một chuyến đò an toàn. Hiện anh Long vẫn tích cực sưu tầm, phổ biến và bảo tồn các làn điệu hò Sông Mã; đồng thời nỗ lực truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Từ năm 2007, anh Long đã tích cực tham gia thành lập Chi hội bảo tồn, phục hồi ca trù và hò Sông Mã. Trong thời gian này, anh cùng với 24 thành viên trong chi hội tổ chức biểu diễn hò Sông Mã trong các chương trình nghệ thuật của địa phương. Đồng thời, tham gia dạy nhiều lớp học hát hò Sông Mã, lớp tập huấn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ven sông Mã (do Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với UBND huyện Hà Trung thực hiện). Đến tháng 5-2018, Câu lạc bộ hò Sông Mã, dân ca và nhạc cổ được thành lập, anh Long làm chủ nhiệm. Với mong mỏi đưa hò sông Mã trở lại gần hơn với công chúng, từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ vẫn duy trì đều đặn mỗi tuần hai buổi tập cho 25 thành viên. Đồng thời tham gia biểu diễn và giành nhiều giải cao tại các liên hoan văn nghệ quần chúng, liên hoan tuyên truyền cổ động, hội diễn cấp tỉnh.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do phải tự trang trải kinh phí để duy trì hoạt động nhưng câu lạc bộ do anh Long làm chủ nhiệm vẫn là nơi gặp gỡ của những người yêu mến hò Sông Mã. Tuy nhiên, điều mà anh Long luôn trăn trở và mong muốn đó là cần sớm đưa điệu hò Sông Mã vào giảng dạy trong các giờ ngoại khóa ở trường học; tuyên truyền, quảng bá hò Sông Mã trên các phương tiện truyền thông đại chúng, để loại hình văn hóa dân gian đặc sắc này tìm được chỗ đứng và phát huy giá trị của nó trong đời sống văn hóa - tinh thần.

Để có căn cứ đề nghị đưa hò Sông Mã vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, những năm qua, huyện Hà Trung đã nỗ lực đưa hò Sông Mã vào đời sống và tham gia nhiều hội thi, hội diễn các cấp. Để có phần trình diễn đặc sắc, các nghệ sĩ diễn viên quần chúng đã duy trì luyện tập các điệu hò Sông Mã. Từ việc hát sao cho đúng từng làn điệu rồi chuẩn bị trang phục, đạo cụ theo tập quán lao động xưa kia. Đặc biệt là việc đưa hò Sông Mã trở về với con đò và dòng sông Mã thân thương, hay trở về với môi trường diễn xướng đích thực của nó. Với đặc trưng riêng, hò Sông Mã hoàn toàn có thể bảo tồn và phát huy theo hướng khai thác phát triển du lịch. Một chuyến du lịch trên con đò dọc theo dòng sông, vừa ngắm cảnh quan thiên nhiên, vừa thưởng thức các điệu hò đặc sắc của những “trai đò”, nhất định sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách.

Mặc dù vậy, để hò Sông Mã thực sự trở thành “di sản tinh thần” quý giá, thì rất cần những cơ chế, chính sách cụ thể và hiệu quả hơn nữa, để bảo tồn và phát huy giá trị. Đó là kinh phí để hỗ trợ nghệ nhân, các câu lạc bộ; các hội thi, hội diễn; tuyên truyền, quảng bá... để hò Sông Mã thực sự “sống” cùng đời sống.

Mạnh Cường


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]