(Baothanhhoa.vn) - Hương ước gắn với lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của các làng, xã. Trải qua thời gian và sự đổi thay không ngừng của cuộc sống, hương ước cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Song, “phần hồn” của nó là những quy định có khả năng điều chỉnh nhận thức và hành vi của con người, nhằm hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn, thì vẫn còn nguyên ý nghĩa và sức sống cho đến ngày nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hương ước - nhân tố góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới

Hương ước gắn với lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của các làng, xã. Trải qua thời gian và sự đổi thay không ngừng của cuộc sống, hương ước cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Song, “phần hồn” của nó là những quy định có khả năng điều chỉnh nhận thức và hành vi của con người, nhằm hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn, thì vẫn còn nguyên ý nghĩa và sức sống cho đến ngày nay.

Hương ước - nhân tố góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới

Đình làng Đông Cao (xã Trung Chính, Nông Cống).

Làng là nơi ra đời của hương ước, cho nên hương ước cũng ví như tấm gương phản ánh những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, nhất là phong tục, tập quán, cùng nhiều sự đổi thay của làng. Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên trong cuốn “Văn minh Việt Nam”, đã chỉ ra: “Làng không phải chỉ gồm những người cư trú tại đấy, mà cả những người gốc tích ở làng và có thể chỉ về làng một hai lần trong đời. Nhưng những người này có mồ mả tổ tiên, nhà thờ do một người trong họ trông nom. Dù thế nào thì đối với một người Việt Nam, bao giờ cũng là vinh dự khi có một làng quê ở tỉnh lẻ. Nếu không dưới mắt dân làng, họ được gọi bằng cái từ khá khinh thị là người tứ xứ. Với phương tiện đi lại dễ dàng, mọi người có thể sinh con đẻ cái ở vùng khác, nhưng bao giờ họ cũng viện đến làng mình, đóng thuế thân ở làng, góp vào các khoản ở làng ngay khi họ không hưởng những cái lợi vật chất, đăng ký tên con cháu tại đấy, cố gắng có ở làng ít nhất một phần ruộng, dù phải bỏ lại cho bà con nghèo. Nhiều người tìm cách thu xếp một góc ở làng, dù chỉ là ngôi nhà lá đơn sơ nhất, để kê bàn thờ tổ tiên...”. Có lẽ, xuất phát từ những lý do tưởng như giản đơn ấy mà làng luôn có sức níu giữ tâm hồn, tình cảm con người. Đồng thời, đó cũng là lý do mà phần đa những người sinh ra từ làng đều mặc nhiên thừa nhận và thực hiện những quy định, những ràng buộc được đề ra trong hương ước làng.

Ngày nay, cuộc sống dẫu đã khác xưa nhiều. Đặc biệt là các phương tiện truyền thông, internet phủ sóng rộng khắp đã thu hút con người khám phá thế giới rộng mở bên ngoài cánh cổng làng. Tình làng nghĩa xóm có lúc, có nơi cũng “co” lại, khiến cho sự thấu hiểu, cảm thông giữa những người trong làng có đôi khi cũng nhạt hơn. Rồi sự thay đổi về diện mạo và những chuyển động không ngừng trong lối sống, trong cách nghĩ, trong lối ứng xử của con người, có tích cực và có cả những tiêu cực... Thế nhưng, những giá trị truyền thống tốt đẹp như kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo, hiếu thuận, giàu lòng yêu thương, đề cao nhân phẩm con người - những giá trị cốt lõi của những làng quê sau lũy tre xưa - thì vẫn được đề cao trong hương ước làng ngày nay.

Ví như “Quy ước Đông Cao” (hương ước làng văn hóa Đông Cao, huyện Nông Cống) được xây dựng gồm 4 mục/24 điều (trong đó, mục văn hóa – xã hội có 7 điều; mục xây dựng kinh tế có 5 điều; mục an ninh trật tự có 4 điều và các quy định chung có 8 điều). Những điều này được quy định tương đối chặt chẽ và gắn với đặc trưng của làng, được chính quyền phê duyệt và được người dân đồng thuận thực hiện. Qua hơn 30 năm xây dựng làng văn hóa, những điều được đề ra trong “Quy ước Đông Cao” luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành đời sống văn hóa mới. Đặc biệt, nó được xem là “công cụ” góp phần hun đúc và rèn luyện nhiều phẩm chất quý của con người nơi đây như lòng yêu quê hương, tính cần cù trong lao động, tính hòa nhã, thân thiện, mến khách... Đồng thời, mỗi người dù đi xa khỏi làng vẫn luôn ý thức bảo vệ và làm đẹp thêm cho tên làng bằng lối sống tử tế, bằng lòng tự hào về quê hương bản quán, quê cha đất tổ.

Cũng giống như làng văn hóa Đông Cao, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được xem là một giải pháp quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở xã Bát Mọt (huyện Thường Xuân). Thực hiện kế hoạch của UBND huyện về sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước, UBND xã Bát Mọt đã rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước thôn, bản trên địa bàn. Việc sửa đổi, bổ sung quy ước nhằm động viên Nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng và chính quyền ngày càng vững mạnh. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Phòng, chống tội phạm ma túy”, “Toàn dân giáo dục cảm hóa người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng”, “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” trên địa bàn. Đặc biệt, thông qua việc đề cao tình làng nghĩa xóm, Nhân dân các thôn, bản đã giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng vi phạm pháp luật trở thành người có ích, hỗ trợ họ có công ăn việc làm ổn định; giáo dục, giúp đỡ các đối tượng thanh, thiếu niên chậm tiến; tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh phong trào tự quản an ninh trật tự ở địa bàn dân cư và nơi công cộng... Đến nay, toàn xã thành lập được 8 tổ hòa giải và đã tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, bất hòa trong gia đình, góp phần giữ vững tình hình trật tự an ninh thôn, bản.

Tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận trong sản xuất, chiến đấu để bảo vệ xóm làng, quê hương... Đó là những di sản quý mà mỗi làng, xã đều muốn gìn giữ, bảo vệ và truyền lại cho các thế hệ con cháu mình thông qua hương ước, quy ước. Để rồi, việc kế thừa và phát huy hiệu quả các hương ước ấy, đã và đang là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới hiện nay.

Bài và ảnh: Trần Giang


Bài và ảnh: Trần Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]