(Baothanhhoa.vn) - Theo kế hoạch, Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu được tổ chức vào ngày 23-4-2022 (tức ngày 23-3 âm lịch) với chuỗi sự kiện quan trọng nhằm tri ân sâu sắc công lao, đóng góp của Nhà sử học Lê Văn Hưu. Những ngày này, trên quê hương của Nhà sử học Lê Văn Hưu, người dân xã Thiệu Trung rất phấn khởi, tự hào khi nơi đây sắp diễn ra sự kiện quan trọng lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh.

Hướng tới kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu

Theo kế hoạch, Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu được tổ chức vào ngày 23-4-2022 (tức ngày 23-3 âm lịch) với chuỗi sự kiện quan trọng nhằm tri ân sâu sắc công lao, đóng góp của Nhà sử học Lê Văn Hưu. Những ngày này, trên quê hương của Nhà sử học Lê Văn Hưu, người dân xã Thiệu Trung rất phấn khởi, tự hào khi nơi đây sắp diễn ra sự kiện quan trọng lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh.

Hướng tới kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn HưuĐường vào xã Thiệu Trung - quê hương Nhà sử học Lê Văn Hưu.

Những ngày qua, gần như ngày nào ông Trần Văn Hinh (75 tuổi), bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn 3 cũng có mặt tại di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu từ sáng sớm, có hôm bận công việc ông cũng tranh thủ ghé qua đôi ba lần để xem thợ thi công. Ông hồ hởi tâm sự: “Trước nay chưa bao giờ “giỗ ông Hưu” được tổ chức quy mô cấp tỉnh, nên với tôi và người dân địa phương rất phấn khởi và tự hào. Đây vừa là ngày để tưởng nhớ, tri ân sâu sắc công lao của cụ cũng là thêm một lần nữa để thế hệ con, cháu chúng tôi được tự hào về cụ, tự hào là người dân xã Thiệu Trung, những người con xa quê hương, khi biết được thông tin UBND tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu cũng rất phấn khởi, muốn về để tham dự lễ kỷ niệm”.

Nhớ lại “giỗ ông Hưu” hàng năm, ông Trần Văn Hinh cho biết: “Đến ngày giỗ cụ (23-3 âm lịch) người dân trong làng, trong xã không ai bảo ai đều cố gắng thu xếp công việc, lễ mọn tâm thành đến đền thắp một nén nhang. Năm nay, người dân chúng tôi càng vui hơn khi năm 2021 vừa qua, thôn 3 chúng tôi được công nhận là thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, đền thờ của cụ cũng được tu bổ khang trang, sạch đẹp. Mặc dù có xảy ra “sự cố” trong việc tu bổ di tích, song người dân rất mong muốn vấn đề được giải quyết một cách nhanh chóng để Nhân dân và du khách thập phương về dự ngày lễ kỷ niệm.

Theo kế hoạch của ban tổ chức, trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu, tại xã Thiệu Trung sẽ diễn ra triển lãm giới thiệu hình ảnh, tư liệu lịch sử, các ấn phẩm và sản phẩm đúc đồng truyền thống của làng Trà Đông - quê hương của Nhà sử học Lê Văn Hưu. Dự kiến sẽ có gần 40 gian hàng tham gia triển lãm. Trong đó, xã Thiệu Trung sẽ tham gia 10 gian hàng. Đến nay, các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm đúc đồng truyền thống đã và đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu, Công ty TNHH đúc đồng truyền thống Đông Sơn - Chè Đông (xã Thiệu Trung) cho biết: “Triển lãm là dịp để chúng tôi quảng bá sản phẩm truyền thống, hình ảnh, con người và văn hóa trên quê hương của Nhà sử học Lê Văn Hưu. Đặc biệt, đây còn là dịp để những người làm nghề đúc đồng nói riêng và người dân địa phương nói chung bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của Nhà sử học Lê Văn Hưu. Chuẩn bị cho triển lãm, cơ sở chúng tôi dự kiến sẽ trưng bày, giới thiệu đến Nhân dân và du khách khoảng 100 hiện vật đúc đồng truyền thống Trà Đông”.

Được biết, cơ sở của gia đình ông Nguyễn Bá Châu còn được giao “trọng trách” làm tượng cụ Lê Văn Hưu bằng đồng để đặt tại đền thờ. Với ông Nguyễn Bá Châu, đó là niềm vui, là sự tự hào khi được đóng góp một phần vào sự kiện quan trọng. Tượng cụ Lê Văn Hưu đã được ông cùng với hơn 10 người thợ hoàn thành sau 2 tháng và bàn giao cho địa phương vào tháng 1-2022. Trong niềm tự hào, ông Nguyễn Bá Châu còn cho biết thêm: “Vào năm 1969, bố tôi đang là chủ nhiệm HTX đúc đồng Thiệu Trung thì được phòng công thương giao cho đúc pho tượng đồng Bác Hồ theo mẫu của nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ. Đây là lần đầu tiên bố tôi cùng với mười mấy gia đình trong làng nghề đúc pho tượng đồng nặng 470 kg. Mọi công việc đều được bố tôi và mọi người làm bằng tất cả sự cẩn trọng và tập trung cao độ... Kế thừa, tiếp nối nghiệp cha ông, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được tin tưởng ở những sự kiện quan trọng”.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu, Huyện ủy Thiệu Hóa đã phát động cuộc thi “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Nhà sử học Lê Văn Hưu”. Qua vòng sơ khảo từ cơ sở, xã Thiệu Trung có 136 bài dự thi đạt chất lượng gửi về ban tổ chức. Ông Vũ Đình Thành (82 tuổi, Câu lạc bộ Lê Văn Hưu xã Thiệu Trung) là một trong những cá nhân tiêu biểu, tích cực tham gia cuộc thi. Ông cho biết: “Cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và cống hiến của Nhà sử học lỗi lạc Lê Văn Hưu, một danh nhân văn hóa lớn của quê hương Thanh Hóa và của cả dân tộc. Mặc dù không còn nhanh nhẹn, hoạt bát để tiếp cận được đa dạng các tài liệu về Nhà sử học Lê Văn Hưu, song bằng trí nhớ của chính bản thân, niềm tự hào về cụ cùng với một số tài liệu ít ỏi, tôi tin rằng mình đã đóng góp một phần vào sự thành công của cuộc thi. Và hơn cả, cuộc thi là biểu thị thiết thực nhất tấm lòng trân trọng, niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với một danh nhân văn hóa, Nhà sử học kiệt xuất đã đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam”.

Đến thời điểm này, các hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu đã và đang tiếp tục được ban chỉ đạo, ban tổ chức lễ kỷ niệm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tích cực triển khai, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ theo Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 27-1-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh; đảm bảo tổ chức thành công Lễ kỷ niệm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu. Về phía xã Thiệu Trung - quê hương của Nhà sử học Lê Văn Hưu, đảng ủy xã đã chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp nhà sử học sâu rộng trong Nhân dân; tích cực phối hợp với các cấp, sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện nhiệm vụ; chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau sự kiện... Cùng với đó, Nhân dân trên địa bàn xã tiếp tục quan tâm công tác vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh, chỉnh trang nhà ở dân cư... tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp hướng tới lễ kỷ niệm.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]