(Baothanhhoa.vn) - Mùa xuân năm Bính Thân 1416 đã đi vào lịch sử dân tộc bằng sự kiện quan trọng: Hội thề Lũng Nhai. Sự kiện ấy đã in một dấu ấn đỏ tươi lên tiến trình cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khi đặt nền móng đầu tiên và vững chắc để Bình Định Vương Lê Lợi phất cao ngọn cờ đại nghĩa, thu phục nhân tâm, đánh đuổi xâm lăng, giải phóng đất nước, dựng nên đại nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hội thề Lũng Nhai: Dấu tích và ý nghĩa thời đại

Mùa xuân năm Bính Thân 1416 đã đi vào lịch sử dân tộc bằng sự kiện quan trọng: Hội thề Lũng Nhai. Sự kiện ấy đã in một dấu ấn đỏ tươi lên tiến trình cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khi đặt nền móng đầu tiên và vững chắc để Bình Định Vương Lê Lợi phất cao ngọn cờ đại nghĩa, thu phục nhân tâm, đánh đuổi xâm lăng, giải phóng đất nước, dựng nên đại nghiệp.

Địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai (trên đỉnh đồi Bái Tranh), xã Ngọc Phụng (Thường Xuân).

Cách đây tròn 6 thế kỷ, vào một ngày xuân tháng hai năm Bính Thân 1416, tại địa danh có tên Lũng Nhai, Lê Lợi và 18 vị hào kiệt đã cùng dâng lễ vật, sinh huyết để tấu cáo với trời đất và hồn thiêng núi sông. Rằng: “Phụ đạo chính thần là Lê Lợi và bọn Lê Lai đến Trương Chiến 18 người. Tuy họ hàng quê quán có khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như tổ liền cành, phận vinh hiển có nhau, nguyện có tính như cùng chung một họ... Chung sức đồng lòng chống giữ địa phương để xóm làng được an cư, sống chết cùng nhau, không quên lời thề son sắt”. Lời thề của 19 con người cùng chung chí hướng đánh đuổi giặc Minh, giành lại giang sơn gấm vóc đã trở thành lời hiệu triệu muôn người hướng Lam Sơn. Hội thề Lũng Nhai được ví như “hội thề đất trời, hội thề non nước, hội thề của những con người cần lao đã bị đẩy đến bước đường cùng thà chết không chịu làm nô lệ. Lời thề được chiết ra từ trái tim, khối óc vì non sông nghĩa cả một đi không trở lại”. Và rồi, từ tinh thần và khí phách Lũng Nhai, ngọn lửa bình Ngô đã được thổi bùng dậy, hừng hực nhiệt huyết chiến đấu và chiến thắng!

Mặc dù một số bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư rất ít thông tin đề cập đến; song, trong nhiều thư tịch cổ còn lại đến ngày nay như Lam Sơn thực lục, Lam Sơn lịch đại đế vương, Lam Sơn sự tích và trong Gia phả của nhiều bậc khai quốc công thần triều Lê, thì sự hiện diện của hội thề trong lịch sử đã được khẳng định. Tuy vậy, vẫn còn không ít vấn đề đã và đang tiếp tục đặt ra yêu cầu cần được nghiên cứu và tìm câu trả lời thỏa đáng. Đó là vị trí, tầm vóc, ý nghĩa của Hội thề Lũng Nhai đối với tiến trình phát triển cuộc khởi nghĩa Lam Sơn? Hội thề Lũng Nhai diễn ra ở đâu và vai trò của những nhân vật tham gia hội thề? Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến hội thề trong bối cảnh hiện nay?... Để có thể đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện hội thề lịch sử này, cuối năm 2012, một đoàn cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Sử học, Viện Lịch sử quân sự, Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Sư phạm Hà Nội và một số nhà nghiên cứu của tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành khảo sát tại các địa bàn gồm núi Pù Mé (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) và 2 xã Phúc Thịnh, Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc). Đến giữa năm 2013, cố GS Phan Huy Lê và một số nhà nghiên cứu thuộc Hội Sử học Thanh Hóa cũng tiến hành khảo sát lần 2 các địa điểm trên.

Qua quá trình khảo sát, đánh giá thực địa và dựa trên các thư tịch cổ, các truyền thuyết dân gian, nhiều học giả đã thống nhất cho rằng, địa bàn diễn ra Hội thề Lũng Nhai phải bảo đảm các yêu cầu bí mật, kín đáo, có khả năng bao quát và dễ dàng rút lui. Vùng núi Pù Mé đáp ứng các yếu tố đó nên đây có khả năng là nơi diễn ra hội thề. Dưới góc độ quân sự, khi nghiên cứu về địa thế núi Pù Mé, PGS.TS Lê Đình Sỹ (Viện Lịch sử quân sự) trong bài viết “Hội thề Lũng Nhai diễn ra ở đâu? Mấy suy nghĩ từ góc nhìn quân sự”, đã khẳng định: “Đây quả nhiên là vị trí đắc địa, có ý nghĩa to lớn về quân sự. Từ đây có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn phía trước. Đây lại là một vị trí kín đáo, ẩn sâu trong rừng, nằm bên hữu ngạn sông Âm và tả ngạn sông Chu, cách Lam Sơn khoảng 10 km về phía Tây; một địa bàn có thể là một căn cứ địa, vừa để che mắt kẻ thù, vừa có thể tiến thoái một cách dễ dàng. Với ý nghĩa quân sự ở khu vực này, rất có thể núi Né, làng Mé xưa đã được Lê Lợi chọn làm địa điểm tổ chức hội thề”. Cùng chung quan điểm này, tác giả Vũ Thị Minh Nguyệt trong bài viết “Góp thêm một vài ý kiến về địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai”, đã nhận định: Sau quá trình chuẩn bị, việc chọn thời điểm và địa điểm để tổ chức hội thề được đặt ra. Nhưng còn địa điểm? Việc tập hợp cùng một lúc tại một địa điểm các nhân vật có tiếng tăm là một điều hết sức mạo hiểm, hành động này có thể bị quân Minh bóp chết từ trong trứng nước. Vì vậy, phải tìm địa điểm cách xa địa bàn sinh sống của các hào kiệt, kín đáo, địch khó có thể đánh úp và dễ dàng rút lui khi có dấu hiệu nguy hiểm. Vùng núi Pù Mé được lựa chọn là do vậy.

Đỉnh Pù Mé cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, vốn được thiên nhiên ban tặng phong cảnh hữu tình và vị thế quân sự đắc địa. Lưng chừng núi có một đồi đất khá bằng phẳng gọi là đồi Bái Tranh, tương truyền, là nơi Lê Lợi cùng 18 vị hào kiệt dâng hương tế cáo trời đất, kết nghĩa huynh đệ. Dưới chân núi là làng Mé (nay là thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân). Các truyền thuyết dân gian còn lưu lại, trước khi những người Mường đầu tiên tìm đến đây quần tụ sinh sống, vùng này từng là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn. Nhiều “vật chứng” được tìm thấy, mà theo như phỏng đoán của người dân trong vùng, chắc hẳn có liên quan đến cuộc khởi nghĩa và nhất là sự kiện Hội thề. Đó là chiếc bàn làm lễ và ly rượu chứa máu thề của Lê Lợi và những người đồng chí cùng “nếm mật nằm gai”. Phiến đá trên ngọn Pù Mé và chiếc ly đồng được một người dân đào được dưới chân núi cách đây chừng dăm, bảy năm.

Sự ly kỳ của hiện vật được gọi là chiếc ly hội thề, cho đến nay, vẫn chưa thể lý giải. Chuyện là, người đàn ông sau khi tìm thấy chiếc ly đã trở nên đau ốm và thỉnh thoảng đi lang thang như kẻ mất trí. Vì cho rằng chiếc ly mang lại điều không may nên người nhà ông ta đã bán nó đi. Thêm một điều lạ nữa là dù nhiều người đã cố chụp lại hiện vật này, nhưng không có bất kỳ tấm hình nào về chiếc ly được máy móc hiện đại lưu lại thành công?! Đặc biệt, trên địa bàn xã Ngọc Phụng hiện còn tồn tại một khu mộ cổ, được đánh dấu bằng những phiến đá to nhỏ xẻ dọc và cắm thẳng xuống đất. Khu mộ nằm cách chân dãy Pù Mé khoảng 800m, rộng chừng 11.300m2 và không ai trong làng biết nó xuất hiện từ bao giờ, ai là “chủ nhân” của những ngôi mộ và cũng không có bất kỳ tục lệ thờ cúng nào diễn ra quanh khu mộ. Chỉ có truyền thuyết xa xưa kể lại rằng, đây là khu mộ chôn những nghĩa quân Lam Sơn hy sinh trong các trận đánh quanh vùng này? Dù vẫn còn một số ý kiến về địa điểm diễn ra hội thề, song, sự tồn tại đậm đặc một “không gian văn hóa”, gồm cả vật thể và phi vật thể, gắn chặt với khởi nghĩa Lam Sơn ở huyện miền núi phía Tây xứ Thanh, thiết nghĩ, rất cần được tìm hiểu, nghiên cứu thêm, nhằm đề cao vai trò của nó đối với các sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra đầu thế kỷ XV.

Cũng trong khoảng giữa năm 2013, một hội thảo khoa học lớn, dành riêng cho Hội thề Lũng Nhai đã được tổ chức tại huyện Thường Xuân, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam. Tại sự kiện, các vấn đề về tầm vóc, giá trị của Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đưa ra bàn thảo và có những đánh giá xác đáng, khách quan. Trong đó, quan điểm xuyên suốt là khẳng định, đề cao vai trò của Hội thề Lũng Nhai như là thành quả của giai đoạn đầu tiên chuẩn bị, xây dựng lực lượng cho cuộc khởi nghĩa toàn dân. Đồng thời, hội thề đã chính thức xác lập đường hướng phát triển cuộc khởi nghĩa, hình thành bộ tham mưu đầu tiên, thúc đẩy nhanh hơn công cuộc chuẩn bị lực lượng, xây dựng căn cứ địa và phát động khởi nghĩa tại núi rừng Lam Sơn. Đặc biệt, nhiều học giả còn khẳng định, Hội thề Lũng Nhai là nhân tố cơ bản quyết định toàn bộ tiến trình phát triển và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa do Bình Định Vương Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo. Nói về hội thề, PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) trong bài viết “Những cuộc hội thề trong lịch sử - mục đích và ý nghĩa biểu tượng”, đã nhấn mạnh: “Lời thề Lũng Nhai là lời thề non nước. Lời thề ấy có thể coi như bệ đỡ tinh thần để chủ tướng Lê Lợi và 18 vị nhân kiệt đi hết chặng đường 10 năm gian nan, khổ cực, làm nên chiến thắng Đông Quan oai hùng vào cuối năm 1427”!

Như vậy, vai trò to lớn và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hội thề Lũng Nhai trong công cuộc bình Ngô, dựng xây nền thái bình thịnh trị cho quốc gia Đại Việt là điều không thể phủ nhận. Vấn đề đặt ra cho hậu thế là tìm tòi, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc hội thề lịch sử. Để từ đó nhân lên niềm kính ngưỡng đối với tổ tiên; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cùng tinh thần tự lực, tự cường mà cách đây 600 năm, từ trong tăm tối cần lao, cha ông ta đã dày công vun đắp và trao truyền lại.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]