(Baothanhhoa.vn) - Hồ Pha Đay, thuộc bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) nằm trên độ cao khoảng 1.250m so với mặt nước biển và được bao bọc bởi những núi đá vôi hàng nghìn năm tuổi. Mặt hồ quanh năm xanh biếc như chiếc gương khổng lồ gom những nét đẹp nguyên sơ của núi rừng vào lòng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồ trên núi và “giấc mơ” du lịch cộng đồng

Hồ Pha Đay, thuộc bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) nằm trên độ cao khoảng 1.250m so với mặt nước biển và được bao bọc bởi những núi đá vôi hàng nghìn năm tuổi. Mặt hồ quanh năm xanh biếc như chiếc gương khổng lồ gom những nét đẹp nguyên sơ của núi rừng vào lòng.

Bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) đầu tư chỉnh trang vườn, ao, ruộng bậc thang tạo mỹ quan cho khu dân cư.

Đến Quan Hóa vào ngày nắng, nhưng sự chân tình, gần gũi của ông Hà Công Chức, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Bút, khiến cái mệt của chúng tôi nhanh chóng vơi đi. “Đến với bản Bút, những ngày nắng nóng thế này, chỉ cần lên thăm hồ Pha Đay, thưởng thức sự giao hòa của thiên nhiên, cảm nhận nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái nơi đây thì mọi sự mệt mỏi sẽ tan biến. Người Thái ở vùng Nam Xuân này xem hồ Pha Đay chẳng khác nào mạch nguồn của cuộc sống” - ông Chức chia sẻ.

Trong tiếng Thái, Pha có nghĩa là núi, Đay có nghĩa là bậc thang. Như ý nghĩa của tên gọi, hồ Pha Đay nằm trên đỉnh ngọn núi Bút, đường lên chênh vênh, khúc khuỷu với những con dốc dựng đứng, những cung đường uốn lượn trong tầng tầng lớp lớp sương giăng. Ven con đường độc đạo lên hồ là những thửa ruộng bậc thang xen lẫn những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái xứ Thanh. Bản Bút có 105 hộ dân sống đoàn kết bên nhau. Con đường dẫn lên hồ dài gần 3 km, cũng là huyết mạch giao thông của bản giờ đã được bê tông hóa. Những hộ dân trong bản đã được xã, huyện hướng dẫn quy hoạch, cải tạo lại vườn, ao, ruộng để trồng cây ăn quả, nuôi con đặc sản như cá lăng, lợn mán... nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Trong hành trình đến hồ Pha Đay, chúng tôi được giới thiệu sơ lược rằng, Pha Đay vốn là hồ tự nhiên, năm 1977, người dân làm đường dẫn nước từ hồ xuống núi. Kể từ đó, hồ Pha Đay được sử dụng như một công trình thủy lợi, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong vùng. Năm 1992, hồ chính thức được giao khoán cho hội cựu chiến binh địa phương khai thác, nuôi thả cá, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái quanh hồ. Nằm ở độ cao khoảng 1.250 mét so với mực nước biển, hồ Pha Đay chứa khoảng 200.000 m3 nước của các mó tụ về. Diện tích mặt nước khoảng 2,2 ha, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hàng nghìn năm tuổi. Độ sâu trung bình của hồ khoảng 6,7 mét. Theo lời kể của ông Chức, hồ Pha Đay chưa bao giờ cạn nước, vào mùa khô mực nước trong hồ vẫn giữ ở mức xấp xỉ 3 mét.

Sau hơn nửa giờ đồng hồ vừa đi xe, vừa leo bộ, chúng tôi chạm đỉnh núi Bút, chiêm ngưỡng hồ Pha Đay. Lúc này, khoảng 9 giờ sáng, những làn sương mờ ảo vẫn còn dập dờn phủ xuống mặt hồ, quấn quanh chân người, hơi lạnh vẫn còn bao phủ cả không gian. Khi mặt trời cao dần, những màn sương trắng đục huyền ảo trên mặt hồ cũng tan vào sóng nước. Mặt hồ gợn sóng lăn tăn, lấp lánh như dát bạc. Vài chiếc thuyền độc mộc chở những người khách tham quan cũng dần hiện ra. Thuyền độc mộc cải tiến chính là một nét riêng chỉ có ở hồ Pha Đay. Thuyền được làm từ một cây gỗ lớn chẻ làm đôi, đục ở giữa, chiều dài đủ ba người ngồi, hai bên thuyền được cố định bởi 2 cây luồng nhằm giữ thăng bằng trên mặt nước.

Tưởng chúng tôi là khách đến tham quan, du lịch, câu cá ở hồ, ông Lữ Văn Phia, người đang khai thác, bảo vệ lòng hồ chào hỏi, giới thiệu về bản Bút, hồ Pha Đay. Giống như một hướng dẫn viên du lịch, với giọng nói già nua của “cái tuổi xưa nay hiếm”, ông kể: Theo lịch sử truyền lại, xưa kia quanh hồ chỉ là piềng bãi, tức vùng bằng phẳng, xung quanh có các núi đá vôi với các khe suối chảy xuống nên người dân cải tạo, mở hồ chứa nước phục vụ thủy lợi. Qua thời gian, diện tích của hồ ngày càng mở rộng. Để nhớ công người khai phá, mở hồ, trước đây, dân bản có lập đền thờ Hiên Tai - người đầu tiên phát hiện, đào hồ Pha Đay. Song, giờ không còn miếu thờ, chỉ những người đi rừng mới giữ tục thờ, cúng Hiên Tai.

Theo chiếc thuyền của ông Phia, đoàn chúng tôi được tham quan hệ sinh thái quanh hồ, cả một vùng mênh mông chỉ có trời, nước và rừng. Gia đình ông lên hồ từ năm 1992, khi đó trên hồ cá, tôm nhiều vô kể. Những đêm trở trời, đi cất vó có thể thu được 30-40 kg cá, có những mẻ cá thu hàng chục cân. Việc bắt được cá trắm, trê nặng 5 đến 6 kg không phải là hiếm. Biết được tập quán ăn đêm của cá, người dân trong vùng đã đầu tư vó, thả đèn để lên hồ khai thác, dẫn đến lượng thủy sinh trong hồ giảm sút. Từ năm 2002, UBND xã Nam Xuân đã có văn bản cấm đánh bắt cá trong hồ và giao khoán cho gia đình ông Phia để nuôi cá lồng và bảo vệ, kiểm soát việc khai thác cá, lâm sản trái phép trên núi Bút và hồ Pha Đay. Theo chia sẻ của ông Phia, khí hậu trên vùng hồ mát mẻ nên việc chăn nuôi, trồng trọt rất thuận lợi. Việc trồng rau, nuôi cá lồng, lợn rừng, gà thả đồi mang lại cho gia đình ông 80 đến 90 triệu đồng mỗi năm. Những năm gần đây, khi tiềm năng du lịch của hồ Pha Đay được “gợi mở”, gia đình còn có thêm thu nhập từ việc cho thuê thuyền. Vào các ngày cuối tuần, dịp mùa hè, 3 chiếc thuyền của gia đình không đáp ứng hết nhu cầu của khách tham quan. Chỉ với 10.000 đồng/lượt thuê thuyền, cũng mang lại cho gia đình ông từ 100 đến 200.000 đồng/ngày. Vào thăm nhà ông Lữ Văn Phia, trong nếp nhà sàn truyền thống, vợ ông đon đả khoe cây sáo trúc, chiếc khăn thổ cẩm thêu tay và mời chúng tôi vài chén rượu nấu từ men lá, ăn cá nướng truyền thống... Sự hiếu khách, nhiệt tình của gia đình như một cách truyền dẫn và giới thiệu những nét đặc trưng của đồng bào Thái ở bản Bút với chúng tôi - những người khách lần đầu đến bản.

Đồng chí Phạm Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Thực hiện Đề án “Chương trình phát triển du lịch sinh thái – văn hóa giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, huyện Quan Hóa đã có kế hoạch xây dựng hồ Pha Đay và bản Bút thành điểm du lịch cộng đồng gắn với các tín ngưỡng văn hóa. Hiện tại, huyện đã giao UBND xã Nam Xuân xây dựng cụ thể Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng vùng hồ Pha Đay, bản Bút”. Song song với đó, huyện sẽ cân đối nguồn kinh phí xây dựng hệ thống giao thông lên vùng hồ, hướng dẫn bà con trong bản quy hoạch lại khuôn viên, nhà sàn, đưa những loại cây ăn quả, những đặc sản của địa phương vào trồng, nuôi để tạo nên thương hiệu riêng cho điểm du lịch. Khi khu du lịch đi vào hoạt động sẽ góp phần làm thay đổi đời sống của người dân địa phương.

Chúng tôi rời hồ Pha Đay khi bóng chiều đã đổ, ánh nắng vàng, bóng núi nghiêng xuống mặt hồ hệt như một bức bích họa thiên nhiên. Cái cảm giác nuối tiếc cùng với những dòng suy nghĩ về “giấc mơ” phát triển du lịch cộng đồng vùng hồ Pha Đay chính là động lực để chúng tôi trở lại với “đệ nhất hồ” trong thời gian không xa.


Ghi chép của Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]