(Baothanhhoa.vn) - Điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của thể loại du ký - một loại hình văn học trung gian, nằm giữa văn học và báo chí nếu không phải xuất phát từ “nhu cầu hiểu biết, khám phá, đổi thay không khí, nhu cầu xê dịch đi và xem chính là tâm trạng “nơi này yêu nơi kia”. Chính điều đó đã trở thành cơ sở cội nguồn, sức sống, thú vị của những chuyến viễn du và hình thành nên những trang du ký. “Thanh kỳ khả ái”, xứ Thanh địa linh nhân kiệt từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng, hấp dẫn bước chân của người xưa, góp phần làm nên nhiều bài du ký hay đăng tải trên các báo, tạp chí từ những năm đầu thế kỷ XX.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hình ảnh của đất và người xứ Thanh qua một số bài du ký đầu thế kỷ XX trên Tri Tân tạp chí (1941-1945)

Điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của thể loại du ký - một loại hình văn học trung gian, nằm giữa văn học và báo chí nếu không phải xuất phát từ “nhu cầu hiểu biết, khám phá, đổi thay không khí, nhu cầu xê dịch đi và xem chính là tâm trạng “nơi này yêu nơi kia”. Chính điều đó đã trở thành cơ sở cội nguồn, sức sống, thú vị của những chuyến viễn du và hình thành nên những trang du ký. “Thanh kỳ khả ái”, xứ Thanh địa linh nhân kiệt từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng, hấp dẫn bước chân của người xưa, góp phần làm nên nhiều bài du ký hay đăng tải trên các báo, tạp chí từ những năm đầu thế kỷ XX.

Hình ảnh của đất và người xứ Thanh qua một số bài du ký đầu thế kỷ XX trên Tri Tân tạp chí (1941-1945)

Núi Nưa – Am Tiên (Triệu Sơn) hôm nay đã trở thành địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách thập phương.

Tiếp nối các loại báo chí nghiêng về khảo cứu văn hóa ở chặng đường đầu thế kỷ XX ở nước ta như” Đông Dương tạp chí (1913–1919), Nam Phong tạp chí (1917–1937), vào chặng cuối thời thực dân và đêm trước Cách mạng Tháng Tám 1945 đã xuất hiện thêm hai cơ quan ngôn luận học thuật có vị trí quan trọng là Thanh Nghị (1941–1945) và Tri Tân tạp chí (1941–1945)... Với thời gian tồn tại không lâu nhưng Tri Tân tạp chí đã định hình sắc nét bộ phận văn học độc đáo, hấp dẫn là du ký” – ngay từ lời giới thiệu cuốn “Tinh hoa du ký trên Tri Tân tạp chí (1941–1945)”, PGS, TS. Nguyễn Hữu Sơn – TS. Trần Bá Dung nhận định. Ở đây có nhiều trang ghi chép khá sâu sắc, chi tiết về văn hóa học, dân tộc học như: Tam Lang với “Một ngày ở xứ Chàm” (1941); Nhật Nam Trịnh Như Tấu với “Sau tám năm trở lại thăm Lào Cai”, “Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể” (1942); Vân Đài với “Bốn năm trên đảo Cát Bà” (1944)... Trên con đường du ký ấy, xứ Thanh vinh dự là điểm dừng chân, thăm thú của nhiều cây viết. Diện mạo, vẻ đẹp và cảm xúc, nghĩ suy sau những chuyến đi ấy đọng lại trong một số bài du ký hay, hấp dẫn đăng tải trên “Tri Tân tạp chí” như: Hoàng Minh với “Am Tiên”, Vị Dung với “Lam Sơn”, Phạm Mạnh Phan với “Kỷ niệm Sầm Sơn”...

Khi tác giả Hoàng Minh viết bài du ký “Am Tiên” sẽ chẳng bao giờ hình dung được một Am Tiên của ngày hôm nay. Và khi đứng trước Am Tiên của hiện tại, mấy ai biết được đã từng có một Am Tiên trong những trang du ký của Hoàng Minh từ những năm đầu thế kỷ XX: “Am Tiên cách Cổ Định chừng năm cây số. Phải trèo qua ba quả núi. Mấy người bạn và tôi bắt đầu ra đi từ 8 giờ sáng. Chúng tôi đi theo sườn núi Nưa, lên dần mãi, qua ngọn núi này sang ngọn núi khác. Đường đi vằn vèo, lởm chởm những đá. Lau, sậy, nứa, giang mọc bum tùm. Những giọt sương còn đọng trên cành lá dần dần làm ướt hết quần áo, chúng tôi vừa đi vừa phát những cành nứa mọc ngang đường để lách lấy lối đi”.

Đường lên Am Tiên nhọc nhằn nhiều nỗi nhưng có sức hấp dẫn khó chối từ. Gói gọn trong một đoạn văn, Hoàng Minh như vẽ nên được hành trình đáng mơ ước của những người ưa thích trải nghiệm, khám phá: “Qua đỉnh núi thứ nhất, sang đến ngọn thứ hai, chúng tôi men theo kẽ núi mà nước mưa, từ đời ấy sang đời khác, chảy đã thành vệt. Đường đi dốc ngược lên tận đầu non, thật là cheo leo, nguy hiểm. Một đôi khi có từng phiến đá to tướng chắn ngang đường, chúng tôi phải cúi khom người, đi bằng cả hai chân, hai tay. Trăm thức cỏ bùm tum, nhiều chỗ che kín cả lối đi, nhiều chỗ cao quá đầu bọc kín lấy chúng tôi”. Đọc bài ký của Hoàng Minh, chúng ta thấy được một Am Tiên trong quá khứ với vẻ hoang tàn, hiu quạnh, chỉ có đôi chút vết tích sót lại: “Dưới những nhát búa thời gian, Am Tiên bây giờ chỉ còn là một nơi hoang tàn, hiu quạnh, để hàng năm nắng rọi với trăng soi. Bây giờ chỉ còn đôi chút vết tích sót lại. Hay nói cho đúng, Am Tiên bây giờ tức là một cái lều tranh mà một người dân ở vùng này mới dựng lên để ghi lại cái dấu vết của ngàn xưa”.

Hoang tàn, hiu quạnh là thế mà chỉ qua chút ít vết tích, lịch sử sót lại, Am Tiên vẫn đủ sức khiến tác giả hình dung về sự lớn lao, kỳ vĩ của di tích này từ trước đó mấy ngàn năm. Hơn hết, khung cảnh nơi đây làm bật lên bao hoài niệm, trở trăn: Chúng tôi lẳng lặng cùng nhau đi trên những dấu vết ngàn xưa. Không biết từ mấy ngàn năm, mấy trăm năm về trước, chỗ này đã có một thời oanh liệt. Biết đâu trong lòng trái đồi này còn ngậm bao dấu vết của tiền nhân? Mà biết đến đời nào mới lại có người moi ra ánh sáng? Hay theo những cuộc phế, hưng, tang, hải, lớp người đã sống ở đây từ mấy mươi thế kỷ trước cứ bị quên dần trong bóng tối của thời gian cũng như vết tích họ để lại bị chôn vùi trong thâm tâm trái đất!.

Nếu Am Tiên của Hoàng Minh đưa độc giả về nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu thì chuyến đi “thăm dấu tích cũ” ở Lam Sơn của tác giả Vị Dung lại vẽ nên cung đường chữ nghĩa, đưa ta đến vùng đất Lam Sơn (Thọ Xuân), vùng đất lịch sử, nơi vẻ vang muôn thuở: “Lòng tràn một niềm thành kính, chúng tôi có cái hăm hở của những tín đồ đi vào đất thánh”.

Theo vòng lăn chậm rãi của xe ngựa đến với xứ Thanh, những vị khách tiếp tục ngồi đò ngang vượt dòng sông Chu – con sông mà “lá cờ khởi nghĩa đã làm tung bao lớp sóng”, tiến vào địa phận làng Lam Sơn: “Làng to, đồng ruộng phẳng phiu. Có lẽ Lam Sơn không giữ được cái phong phú của thời vua Lê Lợi còn là một trưởng trại. Lam Sơn không còn thấy những đàn trâu bò dài dằng dặc ra vào cổng làng những buổi tinh sương và những lúc hoàng hôn; không còn nghe tiếng sừng trâu đây đó thổi vang, tiếng người, tiếng vật hỗn độn. Lam Sơn không còn thấy bụi tung trắng xóa. Bao nhiêu đời bụi đã thôi tung, Lam Sơn bây giờ lặng lẽ, thái bình”. Cái lặng lẽ, thái bình ấy vẩn lên trong lòng người nhiều nghĩ suy: “Dĩ vãng đau thương, dĩ vãng oanh liệt, tất cả đều đã nằm lại xuống với đồng ruộng; từng lớp thời gian đã phủ lên ngày lại một ngày. Mỗi trận gió xuyên qua, lúa xào xạc, đồng ruộng như giở mình thở một hơi dài rồi nối lại giấc ngủ êm đềm”.

Những vị khách đã đi qua làng mạc, đã ghé thăm cánh rừng xưa kia “người trưởng trại Lê Lợi đã đêm đêm họp các mưu sĩ để luận binh cơ”. Cánh rừng thiêng ấy – nơi vẫn còn lưu dấu hình ảnh, bước chân của những con người vĩ đại đã làm “tôn lòng sùng thượng”, “cảm động một cách thấm thía” khiến những vị khách e dè, chẳng ai bảo ai mà đều lặng im trước vẻ trang nghiêm phảng phất: “Mỗi gốc cây, mỗi ngọn cỏ như mang một kỷ niệm, một dấu tích gì khiến chúng tôi không dám xâm phạm đến, khiến chúng tôi nhìn bằng con mắt kính cẩn”. Chính những vị khách ấy bất giác mà tự hỏi: “Có phải máu Nam quân xưa kia đã đổ lên cây lá để ngày nay cây lá trở nên thiêng?”.

Họ đã đến bên lăng vợ vua Lê – “một ngôi mộ lớn, xung quanh xây gạch, ở trên đắp đất”, “không một chân nhang” nằm giữa khoảng rộng, “từng bậc, từng bậc cao lên, hai bên có ngựa, voi, đình thần bằng đá đứng chầu... Họ đã đi tìm mộ vua Lê Lợi trong rừng cây um tùm rậm rạp, lau mọc chi chít rồi ngậm ngùi buồn vương: “Cái bậc có công với đất nước là dường ấy, vị vua khai quốc ấy, ngày nay yên nghỉ nơi nào, hỏi ai là người biết rõ?”. Họ đã ghé thăm đền thờ vua Lê Thái tổ, ngôi đền nhỏ dựa vào rừng, nhìn về phía làng Lam Sơn... Tất cả đều để lại những ấn tượng, kỷ niệm, nỗi niềm khó quên.

Nhắc đến vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh, làm sao có thể thiếu được Sầm Sơn biển xanh, cát trắng, từ trước khi bài du ký “Kỷ niệm Sầm Sơn” của Phạm Mạnh Phan đăng tải trên “Tri Tân tạp chí” tự bao đời. Nhưng đọc bài du ký ấy để thêm tự hào về danh thắng quê hương và cảm mến tấm lòng của vị khách phương xa đã lặn lội về với Sầm Sơn, với xứ Thanh. Phạm Mạnh Phan, cũng như hầu hết những du khách khác, vì một ham muốn được xua tan đi những buổi hè oi ả, tách mình ra khỏi ồn ã, xô bồ, nghe theo tiếng lòng thúc giục “phải ra đi, tìm kiếm một cuộc “đổi gió” mà tác giả Phạm Mạnh Phan đã về với vùng đất biển Sầm Sơn xinh đẹp, đầy nắng gió – “nơi nghỉ mát thần tiên với những rặng phi lao vi vút”. “Kỷ niệm Sầm Sơn” vì vậy mà có, cuộc gặp gỡ nên thơ vì Sầm Sơn mà có...

Trước khi “cập bến” Sầm Sơn, Phạm Mạnh Phan đã phác thảo “đường về xứ Thanh” rất hấp dẫn với cầu Hàm Rồng, con sông Mã “nằm ngang chia địa giới hai quả núi”... Sau một chặng hành trình, “Sầm Sơn huyền ảo” hiện ra trước mắt: “Núi Sầm Sơn với những biệt thự nguy nga, với những cây phi lao nhởn nhơ trước gió, đã đứng nghiêm trang một cách kiêu kỳ và lộng lẫy...” “Sầm Sơn! Cả một bài thơ đẹp và mơ mộng! Sầm Sơn với non nghìn biệt thự xây rải rác ở các nơi theo một kiến trúc đặc biệt tối tân đã quyến rũ bao khách phương xa tấp nập”.

Đọc bài ký của Phạm Mạnh Phan khiến lòng người chộn rộn lên niềm yêu thích, bước chân như muốn đến ngay mảnh đất này: “Nơi nghỉ mát ấy đủ mãnh lực để ru ngủ lòng người, đủ phép tiên để hàn gắn những vết thương lòng và đủ quyền thế để chinh phục các khách viễn du phải say sưa và mến tiếc”. Còn lời mời gọi nào thân tình, tinh tế, quyến rũ hơn thế: “Ra Sầm Sơn khách chẳng muốn về. Lìa Sầm Sơn khách lòng bâng khuâng xao xuyến... Khách ôn lại những khi giỡn đùa với làn sóng bạc dồn dập tự ngoài khơi đưa lại với những lúc đêm khuya thanh vắng, tắm ánh trăng trong mà nghe gió rì rào ca hát trên ngọn thông xanh!... Ai đến Sầm Sơn lòng cũng thấy nhẹ nhàng và thanh thản. Ai đến Sầm Sơn tâm hồn cũng thấy khoan khoái và trong trẻo... Xa Sầm Sơn, người ta những mong một phen trở lại. Người ta nhớ tới một khoảng trời êm dịu ấy để ngắm cảnh bể rộng mênh mông, phương trời xa thẳm với những con thuyền của ngư phủ rập rình đầu ngọn sóng!”.

Những bài ký trên “Tri Tân tạp chí” là một kho tư liệu quý, một chứng tích của thời gian về đất và người xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung, đúng như PGS, TS. Nguyễn Hữu Sơn – TS. Trần Bá Dung nhận định: “Các tác phẩm được viết từ ngót 80 năm trước, nhưng vẫn là những bài học nghiệp vụ hữu ích cho những người viết, người làm công tác khảo cứu, văn hóa, du lịch... hôm nay; góp phần khẳng định vị thế thể tài du ký văn học – báo chí và giá trị văn hóa – văn học – báo chí của “Tri Tân tạp chí” như một sự tiếp nối và phát triển của “Nam Phong tạp chí” (1917-1934) và “Phong Hóa”, “Ngày Nay” (1932–1939); cung cấp tư liệu cho người yêu văn hóa, văn học, báo chí, các ngành du lịch, địa phương học, nhân học và liên ngành khoa học xã hội...”.

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]