(Baothanhhoa.vn) - Sau khi nghỉ hưu, nhiều phụ nữ đã chọn cho mình một cuộc sống an hưởng tuổi già. Thế nhưng, với các nghệ sĩ của nhóm hát nữ “Chiều tím” thì dường như không có tuổi, không có khoảng cách trong tâm hồn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hát mãi với “Chiều tím”

Sau khi nghỉ hưu, nhiều phụ nữ đã chọn cho mình một cuộc sống an hưởng tuổi già. Thế nhưng, với các nghệ sĩ của nhóm hát nữ “Chiều tím” thì dường như không có tuổi, không có khoảng cách trong tâm hồn...

Hát mãi với “Chiều tím”

Một tiết mục biểu diễn của nhóm “Chiều tím”.

Xuất thân đều là các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhân dân Thanh Hóa (nay là Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn), nhóm hát nữ “Chiều tím” gồm 5 thành viên, hội tụ những giọng ca đặc sắc của Thanh Hóa 20 năm trước: Đó là cô Uyên Phi hát giọng nữ trầm; cô Thanh Oai (người dân tộc Thái, quê Quan Hóa) hát giọng nữ cao và chuyên thiết kế phục trang; cô Tuyết Chinh chuyên sáng tác nhạc và chơi đàn vi-ô-lông; cô Kim Chung vừa là diễn viên múa vừa hát giọng nữ trung; cô Trang Hòa hát giọng nữ cao. Người nhiều tuổi nhất nhóm là cô Thanh Oai 76 tuổi, ít tuổi nhất là cô Trang Hòa 60 tuổi.

Tuy đã nghỉ hưu nhưng các cô không cảm thấy hẫng hụt, vì các cô vẫn được sống với nghề, không thể thiếu tiếng hát. Các cô quan niệm: “Cuộc sống không có tiếng hát chẳng khác gì trái đất không có ánh mặt trời”. Chính vì vậy, xuất phát từ đam mê, lòng yêu nghề đã thôi thúc các cô thành lập nhóm. Trước là để sinh hoạt cho vui, sau là được cống hiến những gì còn lại cho cuộc đời.

Ý tưởng đặt tên nhóm ban đầu là “Hoàng hôn”, nhưng nghe bạn bè các cô bảo: “Các chị trẻ mãi thế này, sao gọi là “Hoàng hôn” được!”. Ngẫm cũng đúng, các cô tuy tuổi đã xế chiều, nhưng trong tâm hồn vẫn còn trẻ trung, yêu đời lắm. Nghĩ là làm, các cô đổi tên nhóm thành “Chiều tím”, nghe vừa có chất thơ, vừa cháy bỏng niềm khát khao, tin yêu cuộc sống. Và từ đó, cái tên “Chiều tím” sống mãi cho đến bây giờ. Ngoài ra, nhóm “Chiều tím” duy trì và phát triển được cũng nhờ một số bạn bè văn nghệ sĩ yêu mến nhóm, như nhạc sĩ Thanh Nhung đã tích cực hỗ trợ nhóm về trang phục, sáng tác ca khúc, phương tiện đi lại, đệm đàn ắc-coóc-đê-ông, làm MC cho nhóm...

Những năm 70 của thế kỷ trước, các cô vinh dự được biểu diễn phục vụ các đoàn nước ngoài đến thăm tỉnh ta; phục vụ các đơn vị bộ đội trong Nam, ngoài Bắc, ra đảo Mê, lên biên giới cửa khẩu Na Mèo, sang đất bạn Lào. Tiếng hát của các cô đã làm ấm lòng những thương, bệnh binh, tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội đánh thắng quân thù. Ở những nơi các cô đặt chân đến, tiếng hát đã gieo mầm sự sống và lan tỏa tình yêu thương...

Các cô vẫn nhớ có lần đi biểu diễn phục vụ địa bàn miền núi, không có phục trang và ánh đèn sân khấu như bây giờ, nhưng nhân dân háo hức xem rất đông. Có lần đi diễn ở đảo Mê phục vụ bộ đội đón giao thừa đêm 30 tết. Cả chuyến đi say sóng, lạnh rét như thế, nhưng khi đặt chân đến đảo Mê, các cô vẫn tươi tỉnh hát phục vụ bộ đội. Nhớ nhất là kỷ niệm trên đất bạn Lào, các cô phải đi bộ một quãng đường khá xa, trú ở trong hang, đêm không ngủ được vì chỉ sợ rắn rết cắn. Khi các cô đến các bản làng, người dân ùa ra đón từ đầu ngõ, hái tặng các cô những bó hoa rừng nhỏ xinh, khiến các cô vơi đi mệt nhọc, chỉ còn tiếng hát vang vọng chứa chan giữa không gian đại ngàn và tình người nồng ấm xích lại gần nhau...

Trong nhóm hát “đa thanh”, “đa sắc” ấy, có người đàn, người hát, có cung thanh, cung trầm, hát phong phú ở nhiều thể loại, chủ đề, nhưng thế mạnh của các cô vẫn là dòng nhạc cách mạng, như các bài: Tiếng đàn Ta lư, Đường Trường Sơn xe anh qua, Nhạc rừng, Cô gái mở đường... Bên cạnh đó, các cô còn hát các bài hát lời Việt, nhạc Nga, như bài: Kachiusa, Cây Thùy dương, Triệu bông hồng, Đôi bờ...; các bài hát ca ngợi đất nước Lào giàu đẹp như bài: Hoa đẹp ChămPa, Lăm Tơi... Sẵn có nghề nên mỗi người có ý tưởng nghĩ ra các động tác múa, diễn và thiết kế trang phục để phù hợp với lứa tuổi và nội dung lời bài hát va phối kết hợp rất ăn ý. Vào thứ 5 hàng tuần, nhóm hát nữ “Chiều tím” lại tập trung sinh hoạt một lần. Từ sinh hoạt của nhóm đã có tác động lan tỏa lôi cuốn các bạn trẻ tham gia học hát, học múa. Hiện nhóm “Chiều tím” còn tham gia với vai trò nòng cốt trong tổ văn nghệ của Câu lạc bộ Hàm Rồng và Câu lạc bộ nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh.

Cô Uyên Phi, trưởng nhóm chia sẻ, các cô chỉ mong muốn được mang lời ca, tiếng hát tới các bệnh nhân trong bệnh viện, góp phần nhỏ bé của mình động viên xoa dịu người bệnh vượt qua nỗi đau. Dù đã tuổi lên bà, nhưng các cô vẫn sống vui, sống khỏe, sống có ích bằng việc thắp lửa đam mê cháy bỏng yêu thương cho mọi người qua tiếng hát. Mỗi lần được hát là được thăng hoa vì nghệ thuật. Dẫu không được phong danh hiệu gì, chỉ với hai từ “Nghệ sĩ” thôi thì các cô đã luôn sống mãi trong lòng nhân dân rồi. Nghĩ đơn giản, bởi nơi nào cần tiếng hát để làm đẹp thêm cho cuộc đời này, nơi đó ắt các cô sẽ đến...

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài Và Ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]