(Baothanhhoa.vn) - Nghệ thuật hát chèo cổ (hát chèo thờ) gắn với lễ hội Đền Mưng, xã Trung Thành, huyện Nông Cống đã tồn tại gần 1.400 năm, đến nay vẫn được Nhân dân gìn giữ và duy trì.

Hát chèo thờ đền Mưng - nét sinh hoạt cộng đồng độc đáo

Nghệ thuật hát chèo cổ (hát chèo thờ) gắn với lễ hội Đền Mưng, xã Trung Thành, huyện Nông Cống đã tồn tại gần 1.400 năm, đến nay vẫn được Nhân dân gìn giữ và duy trì.

Hát chèo thờ đền Mưng - nét sinh hoạt cộng đồng độc đáo

Ảnh tư liệu hát chèo thờ trên sông Lãng Giang

Chèo thờ làng Mưng bắt nguồn từ một câu chuyện cảm động. Theo truyền thuyết, Thánh Lưỡng là em của Tam Giang thần nữ tức Vua Bà. Thánh Lưỡng hy sinh anh dũng trong chiến trận.

Chị gái trên đường từ Nghệ An ra thăm em, đến khu vực Cầu Quan thì biết tin em đã hi sinh anh dũng trong chiến trận. Chị vì quá thương xót em nên đã gieo mình xuống dòng Lãng Giang tự vẫn.

Thi thể của bà trôi đến ngã ba nơi hợp lưu giữa sông Lãng, sông Hoàng và sông Yên thì được dân làng đưa lên an táng, lập đền thờ Vua Bà, cúng bái từ ngày mùng 5 đến 8 tháng 3 ÂL.

Từ xưa vẫn có tục lệ “em đến thăm chị” là xuất phát từ việc Đức Thánh Lưỡng được rước bằng thuyền dọc sông Lãng Giang dài gần 10 km từ làng Mưng xuống đền Vua Bà. Trò diễn hát chèo thờ trên sông cũng bắt nguồn từ đó.

“Trên đền trò hát, dưới sông chèo thuyền” là câu nói về những trò diễn chính tiêu biểu của lễ hội Đền Mưng. Các hình thức chèo thuyền trong lễ hội được Nhân dân ở đây gọi là hát chèo thờ.

Có hai loại hát chèo, đó là chèo cạn (diễn ra tại sân Đền Mưng) và hát chèo dưới nước (diễn ra trên sông Lãng Giang), mỗi loại đều có cách trình diễn, lời ca, tiết tấu và giai điệu khác nhau.

Hát chèo thờ đền Mưng - nét sinh hoạt cộng đồng độc đáo

Ảnh tư liệu hát chèo cạn trên sân đền

Sáng mùng 5-3 ÂL, sau cuộc đại tế, hát chèo cạn bắt đầu tại sân Đền Mưng. Dân làng lúc này sẽ đặt một thuyền rồng khung bằng tre đan chính giữa sân, bọc vải đỏ, không có đáy, lấy hướng chính tẩm làm hướng cho đầu thuyền. Phụ nữ mặc áo mớ ba, vấn khăn đỏ, tóc bỏ đuôi gà, yếm đào, váy lĩnh, thắt lưng xanh đứng vào lòng thuyền thành hai hàng dọc theo mạn thuyền, mỗi người cầm một mái chèo, miệng hát tay chèo theo nhịp trống.

Trong khi đó, dưới bến đá, 5 chiếc thuyền rồng lớn trang trí nhiều màu sắc rực rỡ, lòng thuyền làm thành nhà có mái che, hai bên mạn thuyền mỗi bên có 6 cửa hoa, mỗi cửa hoa đặt một mái chèo sơn son, phía trong là ghế ngồi của quân bơi... đã đậu sẵn ở bến đá, tất cả mũi thuyền đều quay về xuôi. Số lượng quân bơi ở mỗi thuyền là những cô gái thanh tân, ăn mặc hệt như những con hát đang chèo cạn trên sân đình.

Khi nghe hiệu lệnh phát ra từ trên án thờ, các quân bơi bước xuống thuyền, treo nón lên vách, ngồi vào ghế, tay cầm mái chèo son. Theo nhịp trống, nhịp sênh, quân bơi tay chèo, miệng hát khoan thai nhịp nhàng. Đôi khi là hát đối đáp giữa quân bơi dưới thuyền với người trên bờ sông.

Hát chèo thờ đền Mưng - nét sinh hoạt cộng đồng độc đáo

Ảnh tư liệu hát chèo thờ trên sông Lãng Giang

Chèo thờ làng Mưng có bốn tấn (vở chèo) khá nổi tiếng: Tống Trân Cúc Hoa, Thục Vân, Tuấn Khanh, Lưu Quân Bình.

Nếu như chèo nơi khác đệm bằng từ i để luyến láy cho óng mượt câu hát, thì chèo làng Mưng lại dùng âm a ở mỗi đoạn, mỗi câu.

Văn trong lịch sử dụng các thể thơ 6/8, thơ 8 chữ cùng những đoạn văn xuôi đối thoại, nhưng phần lớn là sử dụng thể thơ 4 chữ.

Chèo làng Mưng mặc dù có sử dụng một số làn điệu chèo đồng bằng Bắc Bộ như nói lối, nói sử, hát cách, nhưng chủ yếu dùng các làn điệu mang sắc thái, âm điệu của dân ca Thanh Hóa như Vãn lên đường, Vãn tuyết sương, Vãn khổng, Hát chú tiếu...

Trải qua hàng nghìn năm với biết bao thăng trầm của lịch sử, lễ hội Đền Mưng đã đi vào tâm trí của mỗi người dân trong vùng.

Ông Đặng Minh Thư, Trưởng phòng VHTT huyện Nông Cống cho biết: Ngày 20 tháng 12 năm 2019 Lễ hội Đền Mưng đã được Bộ VH, TT&DL chứng nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm vui, niềm tự hào không chỉ đối với người dân xã Trung Thành mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn huyện Nông Cống.

Trong dịp tổ chức Lễ hội Đền Mưng năm nay cũng sẽ diễn ra Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội Đền Mưng.

Chính lễ sẽ diễn ra vào sáng thứ 6 ngày 16-4-2021 (tức ngày 5-3 năm Tân Sửu) tại Đền Mưng, làng Côn Sơn, xã Trung Thành, huyện Nông Cống.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]