(Baothanhhoa.vn) - Giữa nhịp sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian có xu hướng bị dần lãng quên. Chèo - loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tưởng chừng cũng trở thành dĩ vãng trong đời sống tinh thần của công chúng, thế nhưng, với ngôn từ đa thanh, trữ tình... gắn liền với tập tục văn hóa truyền thống của các địa phương, chèo vẫn trở thành “món ăn tinh thần” của nhiều người dân Hoằng Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hát chèo - món ăn tinh thần của người dân huyện Hoằng Hóa

Giữa nhịp sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian có xu hướng bị dần lãng quên. Chèo - loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tưởng chừng cũng trở thành dĩ vãng trong đời sống tinh thần của công chúng, thế nhưng, với ngôn từ đa thanh, trữ tình... gắn liền với tập tục văn hóa truyền thống của các địa phương, chèo vẫn trở thành “món ăn tinh thần” của nhiều người dân Hoằng Hóa.

Tiết mục hát chèo của làng Phượng Mao, Hoằng Phượng.

Được mệnh danh là “cái nôi” hát chèo của huyện Hoằng Hóa, đến nay, xã Hoằng Phượng vẫn lưu giữ và phát huy được các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật chèo. Về Phượng Mao trước và trong những ngày lễ hội, chúng ta sẽ cảm nhận rõ được sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm qua những làn điệu chèo tha thiết, trữ tình. Người đi trước dạy cho người đi sau từng động tác, câu luyến, câu ngân, câu ngắt theo nhịp trống, tiếng đàn rồi tấm tắc khen những giọng hát, những gương mặt của một nghệ sĩ nông dân và tiết mục hát chèo của đội sản xuất, của nhóm chèo gia đình. Những tích chèo như: Thị màu lên chùa, Tống Trân - Cúc Hoa... được các “nghệ nhân” quần chúng tái hiện một cách sinh động qua những điệu múa, lời ca trữ tình vào những đêm hội làng, hội diễn. Ông Hàn Ngọc Hường, Chủ nhiệm CLB Chầu văn làng Phượng Mao cho biết: Để chèo luôn có “đất sống”, những người đam mê với chèo đã tự nguyện đóng góp kinh phí hoạt động, mua loa đài, đạo cụ, nhạc cụ để phục vụ luyện tập và trình diễn. CLB không chỉ là sân chơi, nơi giao lưu văn hóa, gắn kết tình làng, nghĩa xóm mà đây còn là cơ sở để gìn giữ, phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương. Nhận thức được điều này nên các thành viên trong CLB đã truyền dạy cho thế hệ sau, trước tiên là trong gia đình mình, nhờ đó mà hầu hết người dân làng Phượng Mao ai cũng có thể ca được các làn điệu chèo.

Không chỉ riêng làng Phượng Mao, mà trên mảnh đất Hoằng Hóa, chèo đã khiến cho bao người trót “nặng lòng” với nó. Như ở thị trấn Bút Sơn, nhắc đến chèo, ai cũng tỏ lòng yêu thích bộ môn nghệ thuật dân gian này. Cũng như các địa phương khác, để chèo được bảo tồn và phát huy, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân và những người yêu mến chèo tại địa phương thành lập các CLB văn nghệ. Ông Nguyễn Như Chi, Chủ nhiệm CLB nghệ thuật dân gian thị trấn Bút Sơn, cho biết: Đam mê hát chèo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng đến khi về hưu niềm đam mê nghệ thuật chèo của ông mới thực sự được cháy hết mình. Để thỏa đam mê ông đã tự mua các nhạc cụ, tài liệu nghiên cứu, đến nay ông Chi có thể hát tới 30 làn điệu chèo cổ, chơi được 7 loại nhạc cụ dân tộc. Không chỉ hát được chèo ông còn có thể sáng tác, đạo diễn, biên đạo múa...Với tài năng và tâm huyết của mình với chèo, ông Chi đã tham gia truyền dạy cách chơi các nhạc cụ dân tộc, các điệu múa, hát chèo cho các thế hệ sau.

Hiện nay, huyện Hoằng Hóa có 10 CLB hát chèo đang hoạt động tại các xã: Hoằng Phượng, Hoằng Đạo, Hoằng Thái, Hoằng Hà, Hoằng Minh và thị trấn Bút Sơn. Hát chèo không chỉ là món ăn tinh thần của người dân nơi đây mà nó còn là thế mạnh của huyện khi tham gia giao lưu, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ quần chúng. Đặc biệt, chèo đã và đang trở thành sản phẩm du lịch của đất Hoằng Hóa. Ông Lê Thanh Cảnh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoằng Hóa, cho biết: Để khôi phục và phát huy vốn văn hóa phi vật thể, trong đó có bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống, hàng năm UBND huyện đã hỗ trợ cho mỗi CLB chèo 20 triệu đồng đối với việc khôi phục và 5 triệu đồng cho mỗi CLB để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức các lớp tập hát chèo và sử dụng các nhạc cụ dân tộc truyền dạy các làn điệu chèo cổ cho những người có đam mê hát chèo; mời các chuyên gia, nghệ sĩ am hiểu chèo, các loại nhạc cụ dân tộc ở trong và ngoài tỉnh về truyền dạy, hướng dẫn hát mẫu, cầm tay chỉ việc cho mọi người... Nhờ có cơ chế, chính sách hỗ trợ và sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền trong việc gìn giữ các di sản văn hóa, đến nay nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nói chung và chèo nói riêng đã và đang từng bước được khôi phục, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở.


Bài và ảnh: Nguyễn Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]