(Baothanhhoa.vn) - Ao làng từ xa xưa đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thương, gắn liền với đời sống của những người sinh ra, lớn lên từ làng.

Gìn giữ những “mảnh hồn quê”

Ao làng từ xa xưa đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thương, gắn liền với đời sống của những người sinh ra, lớn lên từ làng.

Gìn giữ những “mảnh hồn quê”Cảnh quan tại khu vực trung tâm xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa).

Quê tôi là vùng trũng trong huyện nên trước đây có rất nhiều ao lớn, nhỏ nằm rải rác trong các khu dân cư. Ao được ví như những “mảnh hồn quê” soi bóng, chứa đựng những câu chuyện vui buồn của biết bao thế hệ. Đó là nơi thoảng cơn gió dịu mát những ngày hè nóng nực; là nơi tiêu thoát nước sau những ngày mưa tầm tã. Đó cũng là nơi thả cá, nuôi bèo phục vụ chăn nuôi... Trải qua thời gian, sự phát triển của đời sống làm cho nhiều ao ở quê tôi dần bị lấp đầy, thay vào đó là những khu dân cư đông đúc. Đó cũng là thực trạng chung ở nhiều nơi trong tỉnh. Trước sức ép của quá trình phát triển đô thị, phát triển dân cư, có muôn vàn lý do để ao, hồ biến mất. Một số vì khi không còn chức năng, nhiệm vụ nên trở thành nơi để các hộ dân xung quanh đổ rác thải, phế thải hoặc lấn chiếm. Một số khác, vì ao tù, nước đọng, không bảo đảm vệ sinh môi trường hoặc để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, các gia đình lấp lại để mở rộng diện tích đất. Cứ thế, số lượng ao, hồ vùng nông thôn giảm nhanh đáng kể.

Đứng trước thực tế ao, hồ đang dần bị “xóa sổ”, vài năm trở lại đây, từ thực hiện chương trình chỉnh trang cảnh quan, bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều xã ở huyện Hoằng Hóa đã quan tâm giữ gìn, cải tạo để giữ lại những “mảnh hồn quê” còn sót lại như một vốn tài sản quý của cộng đồng.

Ông Lê Văn Sỹ, trưởng thôn 2, xã Hoằng Thái, chia sẻ: Thôn tôi may mắn vẫn còn giữ lại được 1 ao làng rộng hơn 2.000m2. Khi thôn được lựa chọn để xây dựng thôn kiểu mẫu, đầu năm 2021, Nhân dân và cán bộ trong thôn đã lựa chọn, quy hoạch, cải tạo nơi này thành công viên mini của thôn. Với nguồn kinh phí chủ yếu từ xã hội hóa, ao được cải tạo kè đá, bó vỉa, kê thêm ghế đá, trồng cây xanh... tạo một không gian công cộng thoáng đãng để người dân có thêm điểm dừng chân. Sau khi hoàn thành, công viên mini này được giao cho chi hội phụ nữ thôn tự quản về vệ sinh môi trường.

Không chỉ ở thôn 2, việc chỉnh trang cảnh quan, bảo vệ môi trường ở xã Hoằng Thái đã biến khu vực hồ nước ở trung tâm xã với diện tích rộng khoảng 10.000m2 trở thành công trình văn hóa, tâm linh ấn tượng. Hồ nước được cải tạo, kè lát với hình dáng uốn lượn. Phía trên hồ, địa phương đã tiến hành xây dựng mới công trình đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với tượng đài cao 14m, hai bên là hồ nước trong lành, xung quanh cảnh quan được chỉnh trang gọn gàng, sáng, xanh, sạch, đẹp với những hạng mục như khuôn viên vui chơi, tập thể dục, đường dạo, ghế đá, cây xanh, hệ thống điện năng lượng mặt trời và mở rộng đường giao thông... Nhiều người dân mỗi lần qua đây đều trầm trồ khen ngợi bởi ở nơi đất chật, người đông như ở Hoằng Thái, cán bộ và Nhân dân địa phương vẫn giữ lại được những khoảng không gian thoáng đãng với công trình điểm nhấn mang lại sắc màu cho làng quê NTM.

Hoằng Lộc là địa phương có nhiều ao. Trải qua thời gian, câu chuyện lấp ao ở đây cũng không ngoại lệ nên số lượng ao giảm đáng kể. Vài năm trở lại đây, để giữ lại những khoảng không gian công cộng cần thiết cho cuộc sống, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xã đặc biệt quan tâm gìn giữ, cải tạo đối với một số ao trên địa bàn. Như ở thôn Phúc Lộc, “Ao cá Bác Hồ” có diện tích lớn, nằm sát trục đường chính của xã. Đây cũng là địa điểm mà địa phương đã lựa chọn để đầu tư, kêu gọi xây dựng công trình công viên trung tâm của xã. Từ chủ trương đó, nhiều phần việc đã được thực hiện với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Ở thôn Thành Nam, ao làng nơi đây vẫn còn giữ được điểm đặc trưng là những hàng dừa xanh mát đã nhiều năm tuổi. Khi thực hiện việc chỉnh trang, cảnh quan, bảo vệ môi trường từ năm 2020, một số ao trong thôn đã được nạo vét, kè lát, dọn dẹp, chăm sóc những hàng dừa cũ, trồng thêm những hàng dừa mới quanh ao. Nguồn vốn để thực hiện những công việc này từ sự chung tay đóng góp của Nhân dân trong xã, con em làm ăn xa quê và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ao làng thay “áo mới” đã góp phần giữ gìn nét đẹp làng quê không phải nơi nào cũng có được như ở thôn Thành Nam.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Lộc Bùi Quang Sáng, cho biết: Xã Hoằng Lộc hiện còn khoảng 60 cái ao nằm rải rác trong các khu dân cư, trong đó có một số ao do xã quản lý. Khi triển khai chương trình xây dựng xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu, xã đã rà soát các ao do xã quản lý để có phương án bảo vệ. Theo đó, xã đã tuyên truyền, vận động, kêu gọi, huy động xã hội hóa để đầu tư, cải tạo thành ao điều hòa, ao sinh thái bởi đây chính là những “lá phổi” điều hòa không khí mát mẻ vào mùa hè, tiêu thoát nước, tránh ngập úng vào mùa mưa. Khi các ao được cải tạo khuôn viên, cảnh quan khu dân cư sạch đẹp thì ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường chung ngày càng được nâng cao.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]