(Baothanhhoa.vn) - “Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật” là cuốn hồi ký được Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức viết ở tuổi trên tám mươi. Một nỗ lực cống hiến khiến bất kì, ai cũng cảm thấy nể phục. Tác phẩm không chỉ giúp người đọc thấu hiểu hơn cuộc đời, sự nghiệp của một nhà khoa học, nhà giáo mẫu mực mà còn góp phần cung cấp tư liệu sinh động, chân thực về nhiều sự kiện, giai đoạn phát triển của văn học nghệ thuật, giáo dục nước nhà.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức trên hành trình “đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật”

“Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật” là cuốn hồi ký được Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức viết ở tuổi trên tám mươi. Một nỗ lực cống hiến khiến bất kì, ai cũng cảm thấy nể phục. Tác phẩm không chỉ giúp người đọc thấu hiểu hơn cuộc đời, sự nghiệp của một nhà khoa học, nhà giáo mẫu mực mà còn góp phần cung cấp tư liệu sinh động, chân thực về nhiều sự kiện, giai đoạn phát triển của văn học nghệ thuật, giáo dục nước nhà.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức trên hành trình “đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật”

Cuốn hồi ký “Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật” của GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức.

Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức là một nhà khoa học, nhà giáo mẫu mực với nhiều cống hiến trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn đương đại. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 1957. Kể từ đó đến nay, ông đã trải qua nhiều công việc, đảm nhận nhiều chức vụ. Bằng nỗ lực phấn đấu, lao động khoa học nghiêm túc, bền bỉ, từ cuốn sách đầu tay “Nam Cao – nhà văn hiện thực xuất sắc” xuất bản năm 1962, đến năm 2019, ông đã xuất bản 73 đầu sách, từng bước xây dựng “gia tài” tác phẩm đáng ngưỡng mộ. Trong đó có nhiều cuốn sách tiêu biểu, được trao tặng giải thưởng danh giá như: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm “Đi tìm chân lý nghệ thuật, 2009”; giải thưởng Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam – Bộ Thông tin và Truyền thông về tác phẩm “Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình phong phú, 2001”, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; giải thưởng sách hay quốc gia lần thứ nhất – Bộ Thông tin và Truyền thông về tác phẩm “Hà Nội gặp gỡ những nụ cười, 2018”... Ngoài ra, ông còn vinh dự được trao tặng Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba 1995, Huân chương Lao động hạng Nhất 2000...

Cuốn hồi ký “Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật” xuất bản năm 2020 là tác phẩm được ông viết ở tuổi trên tám mươi. Cuốn hồi ký được chia làm 9 chương, diễn tiến theo từng giai đoạn, dấu mốc trong cuộc đời, sự nghiệp của tác giả từ “thời niên thiếu” cho đến khi “đường xa đã ngả bóng chiều”. Bên cạnh đó, tác giả cẩn trọng, tỉ mỉ, chu đáo xây dựng thêm phần phục lục nhằm hệ thống lại các tác phẩm của mình theo nhóm chủ đề: Các công trình nghiên cứu tập trung vào những vấn đề lý luận văn nghệ, văn học, báo chí Việt Nam thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 (trong đó có một phần là sáng tác văn học); cụm công trình về văn học Việt Nam hiện đại và lý luận văn học (đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000); cụm công trình: Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hóa, văn nghệ Việt Nam (đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2010). Đồng thời, trích đăng các bài viết giới thiệu về ông in trong các cuốn: “500 nhân vật châu Á xuất sắc đầu thế kỷ 21”, “2000 học giả nổi tiếng thế kỷ 21”...

GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa – vùng đất phong cảnh hữu tình, “địa linh nhân kiệt”. Tuổi thơ nhiều vất vả, lắm nhọc nhằn của ông gắn bó với làng quê bên bờ sông Mã. Chính cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây đã khiến ông đặc biệt lưu luyến. Đó là vẻ đẹp của dòng sông trong những đêm trăng sáng; hình ảnh những con đò dọc từ những chợ phiên miền ngược xuôi về, rộn vang tiếng hò sông Mã.. Những rung động ấy thắm đượm hồn thơ ông, lắng đọng trong tâm hồn ông, từng bước dung dưỡng, đắp bồi nên nhãn quan nghệ thuật tinh tế, mẫn tiệp - những tố chất quan trọng của một nhà lý luận, phê bình văn học.

GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức làm thầy dạy đại học trong khoảng thời gian dài. Vì vậy, “những trang hồi ký viết ở tuổi trên tám mươi” ấy ăm ắp kỷ niệm, suy tư, chiêm nghiệm về nghề, về đạo nghĩa thầy – trò, đúng như ông đã từng sâu sắc tổng kết lại: “Hết một đời người tôi vẫn yêu nghề, một nghề nhọc nhằn nhưng nhân hậu và ít phải hối hận về mình. Quả thực, nếu quê hương đã gieo những hạt mầm đầu tiên thì chính những năm tháng học tập tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp cung cấp hành trang quý giá để ông tự tin dấn thân và từng bước gặt hái thành công trên hành trình “đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật”. Trong cuốn hồi ký, ông nhắc nhiều đến những người thầy, người cô mà mình may mắn được gần gũi, học tập khi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp bằng tất cả lòng quý trọng như: GS. Đặng Thai Mai, GS. Trần Đức Thảo, GS. Nguyễn Mạnh Tường, GS Trương Tửu, GS Nguyễn Lương Ngọc... Ông cùng với các đồng nghiệp, cộng sự của mình đã “góp phần đào tạo được một đại đội những người giàu bản sắc và tài hoa”, có tài năng và bản lĩnh khoa học, sáng tạo nghệ thuật, chính trị. Tuy nhiên, khi nói về những đóng góp của mình trong công tác giảng dạy, GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức vẫn thường khiêm tốn mà rằng: “Hạt nảy mầm trong trường thôi, còn tươi tốt là nhờ cuộc đời”.

Ngoài việc giảng dạy, GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức phải đảm nhiệm thêm công việc quản lý một khoa, một viện, tham gia vào hoạt động của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Đối với ông, đây đều là “những cánh cửa nhỏ mở ra với cuộc sống”. Mặc dù trải qua nhiều vị trí, đảm nhiệm nhiều công việc nhưng ở bất kỳ cương vị nào, ông vẫn luôn chứng tỏ được “cái tâm” và “cái tầm” của mình. Minh chứng sinh động nhất là “gia tài” các tác phẩm và giải thưởng mà ông gặt hái được trên suốt hành trình “đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật”.

Để có được những “trái ngọt” ấy, quả không phải là điều dễ dàng. Đó là thành quả của thái độ làm việc nghiêm túc, hăng say, không ngừng nỗ lực, cố gắng và ý thức tự làm mới mình. Theo dấu chân ông trên từng chặng đường đời, đường nghề, bạn đọc trân trọng và học hỏi được ở ông nhiều đức tính tốt đẹp, trước nhất là sự say mê học hỏi, nỗ lực trau dồi, hoàn thiện bản thân, lao động khoa học bằng thái độ nghiêm túc, cầu thị. Học hỏi là quá trình không ngơi nghỉ: “Tôi ghi chép, nhặt nhạnh vốn kiến thức trong đời qua sách vở ở môi trường này, môi trường khác, nước này, nước khác”. Ngay cả khi đã ở vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn không thôi trăn trở: “Trước mắt còn nhiều công việc, nhiều suy nghĩ và tư liệu mà tôi tích lũy trong hàng chục năm và dài hơn nữa, nay phải làm sao để sử dụng hữu ích trong một thời gian không còn dài”. Đó là nguyên cớ cho sự ra đời của hàng loạt các đầu sách nghiên cứu, lý luận về các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn ngồn ngộn tư liệu như: “Tự lực văn đoàn – Trào lưu, tác giả” dày 600 trang, “C.Mác – Ph. Ăngghen – V.I. Lênin với báo chí”, “Nguyễn Đình Thi, chim phượng bay từ núi” dày 403 trang, “Một thế kỷ thơ Việt Nam 1900–2000” dày 407 trang... Đối với nhiều độc giả khi đọc hồi ký “Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật”, nội dung của chương VII – “Những cuốn sách ở tuổi bảy mươi” tuy thuần túy kể lại quá trình lao động khoa học thông qua các đầu sách được giới thiệu nhưng thực sự gây ấn tượng và có một điều gì cảm phục, trân trọng, xúc động nhiều trước tình yêu, niềm đam mê, cống hiến bền bỉ của một con người yêu hoạt động khoa học như lẽ sống.

Như đã nói, cuốn hồi ký không chỉ cung cấp tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức mà còn cho độc giả biết thêm về một số sự kiện, giai đoạn của văn học nghệ thuật, giáo dục nước nhà. Ví như việc đấu tranh Nhân văn giai phẩm, không khí học thuật ở Khoa Ngữ văn nói riêng, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói chung; thời kỳ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Mỹ leo thang chiến tranh và ném bom miền Bắc, Trường Đại học Tổng hợp sơ tán lên vùng Đại Từ (Thái Nguyên); thời kỳ đất nước thống nhất, các thầy cô ở miền Bắc được mời tham gia giảng dạy cho sinh viên ở các trường phía Nam...

Xuyên suốt 9 chương của cuốn hồi ký “Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật”, độc giả dường như quên mất rằng mình đang đọc sách. Cái lối kể chậm rãi, mạch lạc, giản dị, chân thật, liên kết “đâu ra đó” khiến người đọc có cảm giác như đang được trực tiếp lắng nghe tác giả giãi bày, tâm sự và dường như đã thấu hiểu, đã tỏ tường con người này lắm. Đối với tác giả, cuốn hồi ký là “những kỷ niệm theo thời gian, là những bài học cần ghi nhớ, là tự xem xét lại mình”. Nhưng đối với độc giả, cuốn sách là kho tư liệu chân thực, minh chứng thuyết phục cho tài năng và nhân cách của một nhà giáo, nhà khoa học lớn. Dù ở bất kỳ cương vị nào vẫn luôn sống đúng là mình, “nhất quán trong đời với tư cách một GS và nhất quán trong trang viết, tôn trọng lý tưởng và sự thật”.

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài và ảnh: Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]