(Baothanhhoa.vn) - Được đan cài và gắn kết bằng nhiều mối quan hệ tác động, hỗ trợ và làm bền vững cho nhau, song, khi nói đến gia đình người ta đề cao và coi trọng đến mối quan hệ huyết thống - sợi dây máu mủ tình thân, mà nhờ đó, con người được sinh ra và trưởng thành, được trao cho diện mạo, quyền và bổn phận làm người. Bởi vậy, gia đình là một cộng đồng đặc biệt, được hình thành và vun đắp bằng giá trị khởi nguồn: Tình yêu thương!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gia đình - điểm tựa yêu thương

Được đan cài và gắn kết bằng nhiều mối quan hệ tác động, hỗ trợ và làm bền vững cho nhau, song, khi nói đến gia đình người ta đề cao và coi trọng đến mối quan hệ huyết thống - sợi dây máu mủ tình thân, mà nhờ đó, con người được sinh ra và trưởng thành, được trao cho diện mạo, quyền và bổn phận làm người. Bởi vậy, gia đình là một cộng đồng đặc biệt, được hình thành và vun đắp bằng giá trị khởi nguồn: Tình yêu thương!

Một tiết mục tham dự hội thi thể thao, văn nghệ gia đình nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa năm 2017.

Tình yêu thương trong gia đình có lẽ là tình cảm thiêng liêng, nhân văn và nhân bản nhất của con người. Không phải tiền bạc hay các điều kiện vật chất, tình yêu thương từ gia đình mới là điểm tựa cho mỗi cá nhân trên hành trình vạn dặm đời người. Điều này cũng hoàn toàn đúng với quan niệm sống của người Việt vốn trọng một chữ Tình – tình thương yêu con người, đề cao và tôn trọng phẩm giá người; càng đúng với văn hóa truyền thống ngàn đời của một dân tộc vốn gắn liền với chữ Nhân - “Lấy chí nhân để thay cường bạo”! Và, khi soi mình qua lăng kính của chữ “Tình” và chữ “Nhân” ấy, người Việt biết hướng đến điều thiện mà xa rời cái ác như một cách để răn mình và khẳng định giá trị làm người.

Người Việt lấy tình yêu thương làm mực thước cho việc đối nhân xử thế trong gia đình và ngoài cộng đồng. Vậy nên mới có cái gọi là tình cha con, tình anh em, tình vợ chồng... Đến lượt nó, cái “tình” ấy lại trở thành cơ sở để nhân lên tình bạn bè, tình làng xóm, tình đồng bào, tình người... Vậy mới nói, gia đình không chỉ là tế bào xã hội khi xét trên phương diện kinh tế, hay duy trì nòi giống; mà cộng đồng đặc biệt này còn là một nền tảng của đạo đức và văn hóa dân tộc. Điều này càng đúng nếu xét trên kiểu gia đình truyền thống “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”, nơi mà người đàn ông lớn tuổi nhất cũng đồng thời là người “cầm trịch” để giữ cho nền nếp, gia phong được thực hành một cách đầy đủ và hiệu quả nhất, cũng chính là giữ cho đại gia đình được “trên thuận dưới hòa”, “trong ấm ngoài êm”. Gia đình ấy dựa trên huyết thống là sợi dây gắn kết các thành viên, còn tình yêu thương để giáo dục và làm điểm tựa cho các thành viên phát triển toàn diện cả về trí tuệ và nhân cách. Bởi vậy mới nói, ngôi nhà muốn vững cần vật liệu tốt, thì tổ ấm muốn bền phải được xây từ những “viên gạch” của tình yêu thương, sự tôn trọng, chia sẻ, bình đẳng và trách nhiệm. Về lý thuyết mà nói, hầu hết các gia đình trẻ ngày nay đều được xây dựng dựa trên nền tảng đầu tiên là tình yêu. Thế nhưng, tính bền vững của nó dường như lại “yếu” hơn so với kiểu đại gia đình truyền thống – vốn dĩ đang ngày càng bị thu hẹp và nhường chỗ cho kiểu gia đình hạt nhân 2 thế hệ? Thực tế là, số lượng các cặp đôi đưa nhau ra tòa hiện nay chiếm phần đa là các gia đình trẻ, mà nguyên nhân được dùng để lý giải luôn là “không hợp”, hay đúng hơn là mỗi người không thể dung hòa được tình cảm và trách nhiệm. Vậy nên, cái nền của mái ấm không thể được đắp cho vững.

Việc tách gia đình hạt nhân khỏi gia đình truyền thống là xu hướng tất yếu trước những thay đổi của đời sống kinh tế và các chức năng của gia đình. Đó là kiểu gia đình hiện đại, nhiều điểm mới nổi trội nhưng không phải không có “điểm yếu”, ví như trong giáo dục con cái. Trong gia đình nhiều thế hệ, đứa trẻ nhận được sự giáo dục về đạo đức, nhân cách, tri thức từ môi trường đầu tiên là gia đình, thông qua truyền thống, gia phong và qua những “tấm gương sống” là cụ, là ông, là cha mình. Còn không ít gia đình trẻ hiện nay, việc giáo dục đầu đời cho trẻ lại phụ thuộc khá nhiều vào các trung tâm giáo dục kỹ năng sống, hay qua các thiết bị điện tử hiện đại, với vô số các chương trình giải trí, học tập trên internet. Điều này không phải là không tốt, song, ở chừng mực nào đó nó cho thấy sự “bất lực” của gia đình hiện đại trong việc tạo dựng môi trường giáo dục đầu đời tối ưu nhất dành cho con trẻ. Để rồi, thay vì trở thành điểm tựa yêu thương, có không ít gia đình đang biến thành quán trọ. Dù sống dưới một mái nhà nhưng các thành viên ít giao tiếp, ít chia sẻ mà thu mình trong thế giới riêng của công việc, của các mối quan hệ, của facebook, của internet... Và hệ quả tất yếu sẽ là sự thờ ơ, vô cảm, lạnh nhạt thiếu trách nhiệm giữa cha mẹ đối với con cái và ngược lại. Phải chăng, cũng vì lối sống và cách nghĩ “rất mới” mà xuất hiện ngày càng nhiều hành vi đánh đập, giam nhốt con cái một cách tàn bạo, vô nhân tính của chính những người được gọi là cha, là mẹ? Hay số lượng trẻ phạm pháp ngày càng gia tăng, tỷ lệ thuận với độ tuổi ngày càng trẻ hóa, trong đó nhiều kẻ thủ ác sẵn sàng giết hại chính cha mẹ mình để thỏa mãn nhu cầu bản thân, hoặc giết người chẳng vì lý do to tát nào. Người ta đổ lỗi cho hệ thống giáo dục trong nhà trường khi quá đề cao dạy chữ mà xem nhẹ dạy người; hoặc lên án xã hội khi xuất hiện nhiều tệ nạn, văn hóa lai căng, lối sống thực dụng... Điều đó có thể đúng nhưng chưa đủ nếu không nhìn nhận một cách thấu đáo vai trò của môi trường giáo dục gia đình, mà trước hết là trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ, khi họ chính là những người “đóng dấu lên tâm hồn trẻ niềm xác tín về cách hành xử và giải quyết vấn đề”.

Tình yêu thương trong gia đình là tình cảm đẹp và quý giá đối với mỗi người. Song, đó không phải thứ tình cảm bất biến, mà trong bối cảnh hiện nay, tình cảm ấy đang va chạm kịch liệt với các tác nhân bên ngoài, đó là thói sống cá nhân vị kỷ, đề cao hưởng thụ, xem nhẹ trách nhiệm, coi thường máu mủ ruột thịt... mà nếu không được điều chỉnh sớm, đó sẽ là nguy cơ biến tổ ấm thành mái nhà dột. Vậy nên, để gia đình thực sự trở thành điểm tựa yêu thương hay môi trường an toàn để ươm dậy những “hạt giống tâm hồn” đẹp, hơn ai hết, mỗi thành viên phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc vun đắp và gìn giữ cho mái ấm ấy. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải luôn đặt gia đình vào trung tâm của sự phát triển, để chăm lo cho mỗi tế bào luôn khỏe mạnh và giàu sức sống.


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]