(Baothanhhoa.vn) - Đến với Pù Luông trong tháng 5 này, ta được đón bằng cái nắng dịu dàng chạy dọc trên sườn núi, trải dài trên những thửa ruộng bậc thang. Từng cơn gió mang theo không khí mát lành của đại ngàn hùng vĩ mơn man da thịt, ngấm vào tận chân tơ, kẽ tóc. Trên đỉnh Pù Luông nhìn xuống, xen giữa màu xanh ngút ngát tầm mắt là những dải lúa chín vàng uốn lượn, sóng sánh, ẩn hiện đâu đó là những ngôi nhà sàn như lời chào đón e ấp mà quyến rũ.

Du lịch Pù Luông – hành trình trở lại: Bài 1 - Vùng đất giàu bản sắc

Đến với Pù Luông trong tháng 5 này, ta được đón bằng cái nắng dịu dàng chạy dọc trên sườn núi, trải dài trên những thửa ruộng bậc thang. Từng cơn gió mang theo không khí mát lành của đại ngàn hùng vĩ mơn man da thịt, ngấm vào tận chân tơ, kẽ tóc. Trên đỉnh Pù Luông nhìn xuống, xen giữa màu xanh ngút ngát tầm mắt là những dải lúa chín vàng uốn lượn, sóng sánh, ẩn hiện đâu đó là những ngôi nhà sàn như lời chào đón e ấp mà quyến rũ.

Du lịch Pù Luông – hành trình trở lại: Bài 1 - Vùng đất giàu bản sắc

Cảnh đẹp Pù Luông. Ảnh: Tiến Đông

Thiên nhiên đẹp đẽ

Trên đỉnh núi, lưng chừng đồi, hay trên vách đá và trên đường đi xuyên qua các bản, làng, thoang thoảng những làn mây, khói chờn vờn bay lên khiến cho cảnh vật ở đây trở nên huyền ảo... Bản làng hiện lên mộc mạc, dung dị nhưng đẹp bình yên đến nao lòng.

“Thời tiết miền núi mùa này thích thật”, một đồng nghiệp của chúng tôi vừa hạ cánh cửa xe nhìn xuống bản Đôn (xã Thành Lâm) vừa thốt lên. Từ trên cao, bản Đôn như một lòng chảo được nhuộm vàng bởi màu lúa chín dài tít tắp đến chân các rặng núi cao cùng với những làn khói trắng giăng ngang mờ ảo. Cuộc trở lại Pù Luông của chúng tôi lần này không rõ là lần thứ bao nhiêu nhưng mỗi lần đến đây là một lần được lạc vào “thiên đường giữa đại ngàn”.

Từ lâu bản Đôn - khu vực phần lớn đồng bào dân tộc Thái sinh sống, được coi là “trái tim” của quần thể du lịch Pù Luông. Đây cũng là nơi có những cánh đồng lúa chín rực rỡ nhất, trở thành một trong những điểm dừng chân lý tưởng của những ai lên lịch trình đi Pù Luông. Và, nhiều người cũng nói rằng chưa đặt chân đến thung lũng Kho Mường (xã Thành Sơn) thì chưa được coi là đã đến Pù Luông. Khi chưa đến, có người hình dung ra một cánh đồng Kho Mường đầy sương mù nằm dưới thung lũng. Riêng chúng tôi, đó là một “góc” với những khoảnh khắc thanh bình êm ả. Nằm sâu trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Kho Mường hầu như vẫn giữ được nguyên nét hoang sơ vốn có. Ở đây 60 hộ dân tộc Thái với hơn 200 nhân khẩu sống quây quần bên những ruộng lúa, nương ngô và cách biệt với các bản khác trong vùng. Cuối bản Kho Mường có hang Kho Mường nổi bật trong quần thể hang động tại khu bảo tồn với những khối nhũ đá vôi tuổi đời tới 250 triệu năm với đủ hình thù kỳ lạ, như: Hình người, hình cây, mãnh thú... mang nhiều màu sắc khác nhau.

Một điểm đến hấp dẫn khác ở Pù Luông là thác Hiêu, ở bản Hiêu (xã Cổ Lũng). Thác Hiêu có chiều dài khoảng 800m, không chảy theo một đường thẳng mà lại tách thành 2 nhánh tại lưng chừng núi, rồi đến cuối hợp lại tạo thành một vòng tay ôm mát lạnh. Nước chảy từ thác Hiêu trong xanh và tạo nên những lớp kết tủa đá vôi giữa nền và đôi bên bờ suối. Cách đó không xa, bản Hiêu nằm bên bờ suối Hiêu bắt nguồn từ trên đỉnh Pù Luông, từ đầu bản đến cuối bản có 5 thác nước nằm dài gần 1 cây số. Những ngôi nhà sàn của người Thái cứ rải rác dọc hai bên bờ suối. Mỗi khi có một ghềnh thác đẹp, những nóc nhà cũng dày hơn tạo nên một khung cảnh suối thác - nhà sàn đẹp như một bức tranh.

Những năm gần đây, Pù Luông được mệnh danh là một trong những “địa chỉ vàng” cho du khách trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên rừng núi, đắm chìm trong bản sắc văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc cùng chung sống đan xen, hòa hợp, đoàn kết, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm tới hơn 90%. Người Thái trước đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi, các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát..., giờ đây họ còn làm du lịch. Chỉ tính riêng huyện Bá Thước đã có hàng chục hộ dân làm du lịch cộng đồng, tập trung tại các bản: Hiêu (xã Cổ Lũng); Đôn (xã Thành Lâm); bản Báng, bản Kho Mường (xã Thành Sơn); Nủa, Kịt, Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao). Ngoài ra, nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay cao cấp... cũng được các “ông lớn” đến đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành. Điều này đã kéo theo một lượng khách lớn đến du lịch, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.

Con người thân thiện

Pù Luông như một cộng đồng lớn, ở đó mỗi một bản làng là một sắc thái khác nhau, đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ... nhưng đều tựu chung ở sự mến khách, gần gũi. Người dân địa phương luôn sẵn lòng làm hướng dẫn viên giới thiệu về vẻ đẹp hoang sơ cùng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; dẫn du khách đi thăm các bản trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, khám phá hệ sinh thái phong phú của núi rừng; tham quan vườn cam, quýt đặc sản của Thành Sơn; trải nghiệm các hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày với người dân bản địa...

Phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch. Để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, huyện Bá Thước đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, khôi phục, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, nét văn hóa độc đáo để làm phong phú thêm các hoạt động, sản phẩm du lịch, góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Có trực tiếp tham quan, ngắm cảnh, gặp gỡ và hòa mình vào nhịp sống của người dân bản địa mới cảm nhận hết được nét tính cách độc đáo của vùng đất và con người nơi đây. Dù trẻ, già hay là gái, trai, dù trực tiếp làm du lịch hay chỉ là người dân mà ta gặp gỡ ven đường, ở họ đều toát lên vẻ thuần hậu, chất phác với nụ cười thân thiện, mến khách. Trao đổi cảm nghĩ đó với chị Bùi Thị Hoa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bá Thước, chị nhẹ nhàng đáp lại: “Khách du lịch đến với Bá Thước đều có chung nhận xét: Khí hậu Bá Thước mát mẻ, phong cảnh Bá Thước hữu tình, người Bá Thước thuần hậu, chất phác...”.

Là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ vùng đất này, chị Hoa kể thêm cho chúng tôi nghe về truyền thống quê hương bằng giọng đầy tự hào: Từ xa xưa người dân các bản, các mường đã một lòng đi theo những nhà tạo, những nhà lang nhân hậu, yêu nước, thương dân, dẹp bỏ những thế lực gian ác, cùng xây dựng bản, mường; trong cuộc kháng chiến chống nhà Minh xâm lược, nhiều nhân sĩ là người con Bá Thước đã một lòng theo Lê Lợi, xây dựng căn cứ, tòng quân chống giặc. Từ khi có Đảng, đồng bào luôn một lòng theo Đảng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, phẩm chất người Bá Thước vẫn tiếp tục được phát huy, thể hiện trong việc đoàn kết, đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đơn cử như, thực hiện chương trình phát triển du lịch, bà con sinh sống quanh vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã đồng thuận tự giác di dời chuồng trại ra khỏi khu dân cư; dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, trồng hoa, cây cảnh ven đường, trồng lúa nếp để kéo dài thời vụ, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bà con còn đồng thuận với cấp ủy, chính quyền trong việc khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần; tập hát, tập múa những làn điệu mang đậm bản sắc của đồng bào Thái, Mường; nấu những món ăn truyền thống để tiếp đãi du khách... Bà con còn nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn làm du lịch cộng đồng do huyện, xã tổ chức; động viên con em đi học tiếng Anh, học nấu ăn, pha chế để xin vào làm việc ở các khu lưu trú...

Du lịch Pù Luông – hành trình trở lại: Bài 1 - Vùng đất giàu bản sắc

Du khách quốc tế đến trải nghiệm sinh hoạt văn hóa cùng người dân bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước). Ảnh: Tiến Đông

“Ngoài cảnh quan thiên nhiên, Bá Thước còn có một kho tàng văn hóa nhân văn khá phong phú, đa dạng, được cấp tỉnh xếp hạng và nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên đã và đang được khai thác, như: Di tích khảo cổ Mái Đá Điều (xã Hạ Trung); thác Muốn (xã Điền Quang), hồ Thạch Minh (xã Điền Hạ), thác Hiêu (xã Cổ Lũng), hang Tống Duy Tân (xã Thiết Ống), hang Dơi (xã Thành Sơn)... Bá Thước còn tự hào là cái nôi của sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường, “Khăm Panh” của người Thái và được coi như vùng đất cổ với những sự tích “Cây chu đá, lá chu đồng, bông thau quả thiếc”. Các thể loại thơ ca, tục ngữ, truyện dân gian, hát ru em, hát đố, đồng dao...; các làn điệu dân ca, dân vũ múa sạp, múa xoè, múa trống chiêng, khặp giao duyên, Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Mường, Thái; các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang hay những thung lũng đều là những giá trị văn hóa đặc sắc góp phần tạo nên thương hiệu của du lịch Pù Luông, tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn cho du khách trải nghiệm ở vùng đất này” – chị Bùi Thị Hoa, Phó Bí thư Huyện ủy Bá Thước nhấn mạnh.

Bài 2: Bản sắc văn hóa - sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Tô Dung – Việt Hương


Tô Dung – Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]