(Baothanhhoa.vn) - Là thể loại báo chí mang nhiều yếu tố biểu cảm, sử dụng các thủ pháp châm biếm, đả kích hài hước, sâu cay vào những sự việc, hiện tượng “nổi cộm” trong xã hội, tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả, tạo nên hiệu ứng xã hội lớn, giúp nhà báo cất lên tiếng nói phản biện đanh thép, đối thoại xã hội sâu sắc, từ đó định hình phong cách, tài năng của mình.

Đọc tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi để hiểu người và học nghề

Là thể loại báo chí mang nhiều yếu tố biểu cảm, sử dụng các thủ pháp châm biếm, đả kích hài hước, sâu cay vào những sự việc, hiện tượng “nổi cộm” trong xã hội, tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả, tạo nên hiệu ứng xã hội lớn, giúp nhà báo cất lên tiếng nói phản biện đanh thép, đối thoại xã hội sâu sắc, từ đó định hình phong cách, tài năng của mình.

Đọc tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi để hiểu người và học nghề

Phần lớn di cảo tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi được sưu tầm và biên soạn trong tập sách Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo (Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Nhà xuất bản Tri thức ấn hành).

Xuất hiện như là một trong những con người "khổng lồ” của thế kỷ XX, Phan Khôi (1887–1959) hoạt động bền bỉ, xuất sắc trên nhiều lĩnh vực: báo chí, văn hóa – tư tưởng, cải cách xã hội, nhà thơ, lý luận phê bình văn học... Trong suốt cuộc đời mình, Phan Khôi đã viết hàng nghìn bài cho hàng chục tờ báo khác nhau. Đặc biệt, ông ghi dấu ấn với độc giả khi phụ trách các chuyên mục báo chí hấp dẫn lúc bấy giờ như: “Câu chuyện hằng ngày” trên Đông Pháp thời báo, Thần Chung; chuyên mục “Những điều nghe thấy” trên Trung Lập; chuyên mục “Dưới mắt chúng tôi”, “Tiểu phê bình” trên Phụ Nữ thời đàm; chuyên mục “Có có không không” trên Tràng An báo; “Lý luận của tôi” trên Tuần báo sông Hương...

Trong bối cảnh đời sống xã hội nói chung, đời sống báo chí sôi động diễn ra những năm đầu thế kỷ XX, các tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi xuất hiện mang nhiều nét mới mẻ, hấp dẫn. Về mặt nội dung, phần lớn các tiểu phẩm ấy đều mang tư duy phản biện và xu hướng đối thoại xã hội, điều này khác biệt hoàn toàn với quan niệm “an phận thủ thường” trong xã hội phong kiến. Tiếng nói phản biện ấy thông qua các bài viết phê phán, châm biếm, đả kích muôn hình vạn trạng các thói hư, tật xấu của xã hội. Thông qua đó, tác giả biểu đạt những quan điểm, nhận định của mình trên tinh thần thẳng thắn, văn minh, mang tính xây dựng.

Về phương diện hình thức, các tiểu phẩm báo chí thường gây ấn tượng với bạn đọc bởi sự ngắn gọn, súc tích mà không kém phần thuyết phục, hấp dẫn. Tiểu phẩm báo chí tuy cũng là một dạng bình luận xã hội nhưng so với những bài đăng trong mục xã luận, chính luận thì dung lượng câu chữ ít hơn nhiều. Một tiểu phẩm báo chí thường có dung lượng từ 300 – 700 từ, rất ít bài viết lên đến 1.000 – 1.500 từ.

Ngắn gọn mà xúc tích, chính sự giản dị trong ngữ pháp, ngôn ngữ nhưng gọn gàng, bất ngờ trong cách đặt vấn đề, xây dựng tình huống, đặc biệt là nội dung tư tưởng, quan điểm cùng thông điệp sắc bén là những nét đặc sắc của tiểu phẩm báo chí nói chung, tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi nói riêng. Các tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi xoay quanh các nội dung về chính trị, văn hóa, xã hội. Tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi, bên cạnh những câu chuyện mộc mạc, giản dị, tưởng như vụn vặt, tầm thường ở đời sống xã hội như: “Đố làm thế nào cho hết khạc nhổ”; “Cách xưng hô của người mình”; “80 tuổi vẫn còn thi sắc đẹp”; “Cuộc sống của công chức Sài Gòn và chế độ lương”; “Dịch phát trên tàu hỏa”... thì còn có nhiều tiểu phẩm đào sâu vào những nhức nhối, ung nhọt của xã hội lúc bấy giờ. Phan Khôi sử dụng tiểu phẩm báo chí của mình để phản biện Nho giáo, cổ xúy nữ quyền; phơi bày bản chất xã hội “văn minh nửa vời” và những hệ lụy...

Khi văn minh nước Pháp theo gót giày thực dân tràn vào nước ta khiến xã hội Việt Nam vốn đã bất ổn nay càng thêm rối ren, điên đảo hơn. Xã hội lai căng, “nửa tây – nửa ta”, méo mó, dị dạng với những biến chứng của “sự văn minh nửa vời”. Nhận thức sâu sắc điều đó, Phan Khôi sâu cay dự đoán về hình hài con người trong tương lai: “Văn minh đời sau - đây là nói chung hết. Chừng đó người văn minh đi ra đường dưới chưn có cặp bánh xe điện khí đi lẹ nhe tên, trên đầu đội nón “caspue” có giây vô tuyến điện, mắt mang kiếng thiên văn đặng soi sao Mars, ống điếu cigarette là cái hàn thử xích, hai vai có cái cánh như tàu bay, trước ngực đẹp đàng máy blingraphie để coi múa, sau lưng ống vọi radiophone để nghe hát” (Người văn minh đời sau, Thần Chung, số 43, ngày 8–3–1929). Hình dung của Phan Khôi về con người trong tiểu phẩm nói trên thật đáng sợ, dị hợm, hèn yếu. Tất cả đều dựa dẫm, ỷ lại vào máy móc, vào công nghệ. Điều mà Phan Khôi dự đoán từ những năm đầu thế kỷ XX, đến nay, vẫn mang tính thời sự. Xã hội của chúng ta ngày hôm nay cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng này. Những thống kê, điều tra xã hội học về số giờ sử dụng internet, điện thoại... cùng những hệ lụy của việc nghiện game, nguy hại sức khỏe khi sử dụng điện thoại quá nhiều... khiến chúng ta giật mình nhìn nhận lại về cái gọi là văn minh, hiện đại đang có.

Những thói đời học được từ “nền văn minh nửa vời” cũng trở thành đề tài châm biếm, đả kích trong tiểu phẩm báo chí Phan Khôi. Từ cái tính tham lam, ham tiền của người đời: “Thâm trầm thay cái câu ấy. Người đời văn minh, chẳng có vật chi mà không tính ra một số bạc. Hai trăm năm chục bạc, hòa! Ông kia đi xe hơi rủi chết, đã có cô nhơn tình làm đơn đến tòa xin tiền thiệt hại năm bảy ngàn đồng; chồng bị tàu chìm, vợ đòi sở tổ hai ba vạn. Thậm chí con khóc cha, bà khóc cháu cũng tính ra một số tiền” (Hai trăm năm chục bạc, Thần Chung, số 40, ngày 5–3–1929). Đến những thói ăn chơi, đua đòi hợm hĩnh: Ăn mày văn minh tới mức mua một chiếc xe mô tô để hành nghề cho kịp với quy luật phát triển ở đời: “Đời nầy lấy sự mau lẹ làm chúa tể. Ai mau thì sống, ai chậm thì chết. Tôi không thể xách cặp giò quen của tôi mà đi chậm lại được”. Ăn mày đã văn minh, ngay cả ông thầy chùa cũng học hỏi xã hội, “ưa làm friction lắm”, mà friction nghĩa là “gội đầu bằng dầu thơm của mấy tiệm cúp tóc bày ra”. Đọc tiểu phẩm “Ăn mày văn minh, Thần Chung, số 284, ngày 31–12–1929” của Phan Khôi, người đọc không thể nhịn cười trước sự “văn minh” giả tạo này.

Trong số “di cảo” tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi, có khá nhiều tiểu phẩm đề cập đến công việc làm báo, chủ yếu được đúc rút từ chính những trải nghiệm của tác giả - người trong cuộc. Từ chuyện vui, chuyện buồn, khó khăn, vất vả, muôn sự khôi hài “cười ra nước mắt” hay những trăn trở về nghề, nghề đời đều được ông khéo léo “chế biến” thành câu chuyện hài đàm – tiểu phẩm báo chí. Trong tiểu phẩm “Một câu chuyện buồn cười trong làng báo” đăng trên Đông Pháp thời báo số 761, ngày 28–8–1928, ngay từ dòng mở đầu, tác giả đã nói về công việc làm báo của mình với bao gian nan, thử thách: “Nghề viết báo hay gặp nhiều điều phiền phức. Ăn cơm nhà lo chuyện người. Đã mấy ai biết công cho, mà lâu lâu nghe lời phiền trách. Có người trách vì quá yêu mình, muốn cho mình tận thiện tận mỹ. Có người cũng trách, nhưng trách là tại lòng tham muốn như đáy biển sâu, mà phận sự mình lại có ngần, đâu phải như phận con chim toan lấp biển. Đó là sự phiền với công chúng”. Từ khó khăn chung của người làm báo, đến khó khăn của người phụ trách chuyên mục: “Trong tòa soạn, không phải không có điều khó. Dễ hơn hết là trách nhậm của mình đây. Mình lãnh chuyên mục “Câu chuyện hằng ngày” thì cũng phải mang cái khó mỗi ngày một câu chuyện. Trọn năm ba trăm sáu mươi lăm chuyện, không lẽ không trật chuyện nào. Rủi gặp cảnh mực cạn bút cùn, thì chi khỏi cái khổ nhà in kêu ông tổng lý hỏi”.

Tâm sự như thế không phải để thanh minh hay tỏ ý chán chường mà tác giả dẫn dắt người đọc đến một bài học sống còn của nghề báo, đó là thái độ nhập cuộc và mẫn cảm với thời cuộc. Thế giới xung quanh ta có muôn hình vạn trạng đề tài hấp dẫn nhưng có nhận thức, lẩy lên thành bài viết hay không phụ thuộc vào năng lực, trí tuệ của mỗi người làm báo: “... Đã lạm danh là người làm báo làm biếc với người ta, nên có nhiều anh em quá thương khuyên Tân Việt (bút danh của Phan Khôi và Diệp Văn Kỳ ký chung khi viết Câu chuyện hằng ngày – PV) lúc nào có tiền thì nên sang Moscou hay là Paris để học nghề nghiệp mình cho được thêm tinh. Tân Việt cảm ơn lắm, nhưng nói đến tiền, thì Tân Việt tháng nào tháng ấy cũng vậy, hễ đầu tháng thì còn bốp – phơi mà 2 tây thì đã “phơi bốp” rồi, làm thế nào sang Nga, sang Pháp được? Xin để việc đó lại sau sẽ hay, bây giờ đây, Tân Việt bữa nào thiếu câu chuyện hằng ngày, thì cứ lang thang đi bộ nội châu thành Sài Gòn mình chừng nửa giờ, thì có chuyện liền, cần chi phải ngồi tàu, đi xe lửa qua Moscou với Paris mà học hỏi. Sài Gòn cũng là trường học viết báo vậy mà”. Có thật sự nhập cuộc với tinh thần xông xáo, hăng hái nhất thì nhà báo mới có thể nhìn thấy vấn đề để khai thác. Một bài học được đúc kết từ chính những trải nghiệm trong quá trình tác nghiệp của tác giả luôn vẹn nguyên giá trị thực tiễn.

Tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi tuy “nhỏ nhắn” về hình hài nhưng ẩn chứa trong đó là những vấn đề lớn lao của xã hội đã được phát hiện, xử lý một cách tài tình, tinh tế, sắc cạnh. Người viết cứ thản nhiên trêu ghẹo cuộc sống, đả kích các vấn đề nổi cộm trong xã hội, đặt ra trăn trở cho độc giả. Khi độc giả đã nhận thức được thực tại thì mới có những điều chỉnh cho đúng, phù hợp. Qua tiểu phẩm báo chí, Phan Khôi đã cất lên tiếng nói nhằm phê phán, đả kích thói hư tật xấu, đồng thời tuyên truyền, vận động, lan tỏa cái tốt đẹp trong xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy cải cách xã hội. Với những người làm báo, tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi chính là cuốn sổ tay có giá trị, “cẩm nang không tuổi” mà mỗi người cầm bút nên tìm đọc để hiểu hơn về một tài năng, nhân cách và học được từ đó nhiều bài học làm nghề bổ ích, thú vị.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]