(Baothanhhoa.vn) - Dọc từ miền núi, xuống đồng bằng và ra tận miền biển xứ Thanh là một “vệt dày” lễ hội lịch sử, tín ngưỡng – tâm linh vừa đa dạng, vừa đậm đà bản sắc tộc người. Đây không chỉ là “gương mặt đại diện” nổi bật nhất cho kho tàng di sản văn hóa phi vật thể; mà còn là sinh hoạt văn hóa gắn chặt với đời sống tinh thần cộng đồng.

Dọc miền lễ hội xứ Thanh

Dọc từ miền núi, xuống đồng bằng và ra tận miền biển xứ Thanh là một “vệt dày” lễ hội lịch sử, tín ngưỡng – tâm linh vừa đa dạng, vừa đậm đà bản sắc tộc người. Đây không chỉ là “gương mặt đại diện” nổi bật nhất cho kho tàng di sản văn hóa phi vật thể; mà còn là sinh hoạt văn hóa gắn chặt với đời sống tinh thần cộng đồng.

Dọc miền lễ hội xứ ThanhLễ hội cầu ngư Diêm Phố. Ảnh: tư liệu

Mường Xia (huyện Quan Sơn) là một mường lớn của người Thái, nằm ở biên giới phía Tây. Tương truyền, khoảng thế kỷ XV, khi suối Xia bắt nguồn từ nước Lào chảy men qua các chân núi đá rồi nhập vào sông Luồng, tạo nên một vùng ngả ba sông – suối có cảnh sắc hữu tình, đất đai màu mỡ. Khoảng thế kỷ XVIII, khi Tư Mã Hai Đào – người có công giúp vua dẹp yên loạn lạc vùng biên giới – chọn Mường Xia là nơi xây dựng thủ phủ, cũng từ đó Mường Xia ngày càng trở nên giàu mạnh, dân cư tấp nập. Khi Tư Mã Hai Đào mất, ông được an táng trên núi Pha Dùa. Cái chết của người anh hùng đất mường ấy đã được “thiêng hóa” và người dân Mường Xia tôn ông là người “giữ vía” cho mường. Tưởng nhớ công lao của người đã xây dựng nên bản mường, hàng năm, người dân Mường Xia lại mở hội Cầu Mường hay lễ hội Mường Xia để cầu cho bản làng no ấm, vạn vật tốt tươi. Khi Mường Xia mở hội, trai thanh gái tú khắp các mường trong, mường ngoài lại kéo về tấp nập để chơi hội và cầu duyên.

Trong đời sống cư dân ngư nghiệp, lễ tế Cá Ông là nghi lễ quan trọng nhất, cũng đồng thời là ngày hội lớn nhất của làng, thậm chí của một vùng. Đối với cư dân ven biển Thanh Hóa, lễ nghi này đã hình thành từ xa xưa, được gìn giữ và phát triển cho đến tận ngày nay mà trở thành những lễ hội lớn, linh thiêng bậc nhất. Lễ hội Cầu Ngư phát triển thành một “vệt” dài từ các xã Nga Bạch (Nga Sơn), Ngư Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), Quảng Cư và Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), Quảng Nham (Quảng Xương) vào đến Hải Thanh, Hải Bình (thị xã Nghi Sơn)... Song, lễ hội Cầu Ngư Diêm Phố (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) là tiêu biểu hơn cả. Một điểm nhấn của lễ hội này là Long Châu hay thuyền rồng – lễ vật không thể thiếu được người dân kỳ công tạo ra, biểu tượng cho chức năng, quyền lực của các vị thần vùng sông, biển và gửi gắm trong đó nhiều ước muốn, tâm nguyện của người dân. Đây cũng là vật thiêng, được dùng để cúng tế trong suốt quá trình diễn ra lễ hội. Lễ hội chỉ kết thúc sau khi Long Châu được hóa về biển. Cùng với các nghi thức quan trọng của phần lễ, thì phần hội trong lễ hội Cầu Ngư được ví như sân khấu thu nhỏ, nơi trình diễn nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như hò đối, kéo co, đua thuyền và tái hiện nếp sinh hoạt truyền thống đặc trưng của cư dân ven biển Ngư Lộc như tróc quại, câu mực, đan lưới...

Theo thống kê của ngành chức năng, Thanh Hóa hiện có khoảng 300 lễ hội, trong đó có 4 lễ hội cấp tỉnh, 15 lễ hội cấp huyện, còn lại là lễ hội quy mô làng xã. Bức tranh lễ hội cổ truyền xứ Thanh cũng phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc không kém bất kỳ vùng, miền nào của đất nước, bao gồm các lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử; lễ hội tôn giáo – tín ngưỡng; lễ hội gắn với hiện tượng tự nhiên, nhân vật huyền thoại, thành hoàng làng... Nếu xét về quy mô, tính lan tỏa, ý nghĩa, giá trị và hội tụ đầy đủ các yếu tố về thần tích, điển tích, thần điện, lễ nghi, trò chơi, trò diễn thì lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn (Thọ Xuân), lễ hội Sòng Sơn (Bỉm Sơn), lễ hội Hàn Sơn, Cô Bơ (Hà Trung), lễ hội đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội Cầu Ngư (Hậu Lộc), lễ hội đền Độc Cước, lễ hội bánh chưng - bánh dày (Sầm Sơn), lễ hội Cửa Đạt (Thường Xuân), lễ hội Phủ Na (Như Thanh), lễ hội Mai An Tiêm (Nga Sơn), lễ hội đền Quang Trung (Nghi Sơn)... là những lễ hội tiêu biểu nhất của Thanh Hóa hiện nay.

Trải khắp vùng đất xứ Thanh, từ địa đầu Mường Lát đến cửa biển Lạch Trào, hay từ đèo Ba Dội chạy vào thị xã Nghi Sơn, đều có các lễ hội đặc trưng. Đó là những “vệt lễ hội” được phân bố khá dày và đồng đều. Dọc theo sông Mã ở phía hạ lưu với vùng đồng bằng rộng lớn, xóm làng trù phú, người Việt đã tích luỹ nên những lớp văn hóa đặc trưng và hấp dẫn, mà các lễ hội truyền thống là loại hình đặc sắc bậc nhất. Đó là các lễ hội lịch sử, gắn với tên tuổi các danh nhân, anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Lê Hoàn, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành... Đó còn là các lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ cũng Thành Hoàng làng, đặc biệt là các tổ nghề, như nghề đúc đồng làng Trà Đông, nghề đan dệt săm xúc làng Triều Dương, rồi nghề muối, nghề tằm tơ canh cửi... Đặc biệt, sức hấp dẫn của các lễ hội còn ở sự kết tinh nhiều giá trị văn hóa độc đáo, gồm các trò chơi, trò diễn (trò Xuân Phả, trò Chiềng, Chèo chải, Xanh Ngô...), dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian (dân ca Đông Anh, hò Sông Mã...) và các thần tích, huyền thoại, ca dao, tục ngữ, ẩm thực... Trong khi đó, khu vực miền núi cũng có nhiều lễ hội đặc sắc, điển hình như lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái; lễ hội Gầu Tào của người Mông vào mùa rẫy cuối năm; người Thổ có lễ hội Đình Thi, người Mường có lễ hội Pồn Pôông, người Dao có lễ tục Sắc Bùa... Đặc biệt, các lễ hội gắn với tục thờ Mẫu Thượng Ngàn, Bà chúa Cửa rừng ở Cửa Đặt, Phủ Na, Phố Cát ngày nay đã vượt ra ngoài không gian văn hóa một làng xã hay vùng miền để trở thành lễ hội lớn, thu hút đông đảo khách thập phương khắp cả nước. Ngoài ra, “vệt” lễ hội miền biển xứ Thanh cũng phong phú và hấp dẫn không kém, từ các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP Sầm Sơn chạy vào tận thị xã Nghi Sơn, lễ hội cầu ngư tôn vinh các vị thủy thần, hải thần như Độc Cước, Đức Ông, Cá Ông... diễn ra tưng bừng.

Khi nhận định về vai trò của lễ hội trong đời sống văn hóa cộng đồng, GS Trần Lâm Biền trong “Hội Xuân, vài dòng suy ngẫm”, thì “lễ hội, nếu như không còn thì khó mà tưởng tượng nổi, xã thôn như trở về miền hoang dã, lấy gì để cân bằng cho một năm đầy vất vả, cho hòa hợp yêu thương và phần nào bản sắc sẽ dễ tàn phai, làm cạn mòn lòng yêu quê hương nguồn cội!”. Với ý nghĩa đó, bảo vệ và phát huy phần giá trị, cái tinh túy của lễ hội truyền thống, cũng chính là bảo vệ một phần cái tâm nhân ái của con người và của cả cộng đồng.

Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]