(Baothanhhoa.vn) - Về xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) hôm nay, người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau câu chuyện thú vị về nhị vị Thành hoàng làng, gắn với ngôi đình cổ làng Phú Khê. Tương truyền rằng thời bấy giờ có người đàn ông họ Chu ở Quảng Đức (Trung Hoa) lấy vợ cùng quê người họ Hoàng. Nhà ông Chu của cải giàu có, làm nghề buôn bán đi lại bằng thuyền bè. Vợ chồng ông lấy nhau được khoảng 4 năm thì vợ ông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Vào năm đó khi ông đã ngoài 30 tuổi, vận nước Trung Hoa lúc này ngập chìm trong cảnh đao binh khói lửa... Người họ Chu đã phải tìm đường sang nước Nam nương thân nơi đất khách quê người. Đến vùng đất Sơn Nam, ông thấy nơi đây đất đai màu mỡ, liền bỏ tiền ra mua lại để làm ăn sinh sống và “tối lửa tắt đèn” bên người dân bản ấp.  

Đình Phú Khêvà câu chuyện về nhị vị Thành hoàng làng

Về xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) hôm nay, người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau câu chuyện thú vị về nhị vị Thành hoàng làng, gắn với ngôi đình cổ làng Phú Khê. Tương truyền rằng thời bấy giờ có người đàn ông họ Chu ở Quảng Đức (Trung Hoa) lấy vợ cùng quê người họ Hoàng. Nhà ông Chu của cải giàu có, làm nghề buôn bán đi lại bằng thuyền bè. Vợ chồng ông lấy nhau được khoảng 4 năm thì vợ ông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Vào năm đó khi ông đã ngoài 30 tuổi, vận nước Trung Hoa lúc này ngập chìm trong cảnh đao binh khói lửa... Người họ Chu đã phải tìm đường sang nước Nam nương thân nơi đất khách quê người. Đến vùng đất Sơn Nam, ông thấy nơi đây đất đai màu mỡ, liền bỏ tiền ra mua lại để làm ăn sinh sống và “tối lửa tắt đèn” bên người dân bản ấp.

Đình Phú Khêvà câu chuyện về nhị vị Thành hoàng làngCổng tam quan đình Phú Khê (xã Hoằng Phú, Hoằng Hóa) vẫn lưu giữ được những nét cổ xưa.

Như duyên trời định sẵn, một năm sau ông đem lòng yêu và kết duyên cùng người con gái họ Phạm tên Khoan. Hai người sống với nhau hạnh phúc và được người dân nơi đây yêu mến vì đức tính nhân hậu. Không biết bao nhiêu mùa hoa đào đã nở, tóc đã điểm bạc pha sương, căn nhà càng ngày càng rộng ra nhưng vẫn thiếu tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ. Ông bà cũng đã đi khắp các chùa để cầu tự nhưng vẫn chưa có duyên.

Biết tin ở Phú Trừng Trang (nay là làng Phú Khê) có ngôi chùa Bảo Phúc linh thiêng, ông đã khăn gói lên đường tu tiết lễ nghi để cầu phúc đức. Đặt chân đến nơi đây, ông thấy có cảm giác lâng lâng khó tả và một niềm tin mãnh liệt. Ông đã hiến toàn bộ số tiền mang theo, cùng người dân nơi đây làm việc phúc đức của làng. Người dân nơi đây đón nhận tấm lòng của ông và xem ông như người con của quê hương. Sau đó ông trở lại quê hương, nơi có người vợ yêu dấu đang mong chờ, ông thấy lòng mình rất vui. Từ đó hai vợ chồng ông đều luôn hướng về chùa Bảo Phúc.

Hai năm sau vào một đêm trăng thanh, gió mát, bà Khoan nằm tựa cửa và ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ, bà thấy có hai vị thiên sứ hiện ra đỡ bà lên mây rồi biến mất. Bà thấy mình đang ở một nơi rất xa lạ, có cỏ cây hoa lá tốt tươi, có tiếng chim hót, có tiếng suối reo, bên cạnh bà đứng có một vườn cây trái chín mọng khác lạ. Bà đã giơ tay hái và ăn thử, bỗng nhiên cơn khát dày vò, bà giật mình tỉnh giấc biết là trong mộng. Sau đó 3 tháng, bà thấy trong người khác lạ rồi mang thai. Bà đem câu chuyện giấc mơ kể cho chồng nghe, người họ Chu vui mừng khôn xiết, ông cho rằng lời thỉnh cầu của ông đã động đến gió mây.

Vào một buổi sáng đẹp trời, giữa tiết xuân ấm áp bỗng bừng sáng muôn tia nắng ban mai, hoa đua nở lung linh trước gió. Sau 10 tháng cả dạ, bà Khoan sinh ra một cái bọc có 2 người con trai khôi ngô tuấn tú. Khoảng 2 năm sau, không quên những tháng ngày rong ruổi các chùa đi cầu tự, người họ Chu đã trở lại Phú Trừng Trang nơi có chùa Bảo Phúc linh thiêng để tạ ơn trời phật. Với những đặc ân cao quý của đất trời, lòng từ bi của Đức Phật ban cho, hai người con của nhà họ Chu mới 7 tuổi mà thông minh khác lạ người thường. Nhân dịp này nhà họ Chu mới đặt tên cho người con cả là Chu Minh, người con thứ 2 là Chu Tuấn.

Bao giờ cũng vậy ưu phiền thường đến sau niềm vui, như những chiếc lá trên cành lay lắt, năm đặt tên cho con cũng là năm bà Khoan lâm bệnh nặng rồi qua đời. Bà đã an nghỉ tại vùng đất Sơn Nam nơi quê hương của bà. Từ đó người chồng luôn thương nhớ vợ và dồn hết tình thương yêu, tình phụ tử để chăm sóc hai con.

Năm tháng trôi qua, Chu Minh và Chu Tuấn càng lớn càng thông minh, tài trí hơn người. Năm 13 tuổi, người cha dẫn hai con xuôi theo đường thủy về phương Nam thăm lại chùa Bảo Phúc. Chiếc thuyền vừa cập bến gần Phú Trừng Trang, đột nhiên giữa mùa hạ mà nước dâng lên quá cao chồng chềnh làm cho con thuyền bị đắm. Hai người con bị chìm mất tích, người cha may mắn nhờ những cơn sóng thủy triều dâng lên đã đánh dạt ông vào bờ và thoát nạn. Đứng trên bờ, ông nhìn những con sóng mà lòng đau quặn thắt, khi không thấy hai người con đâu nữa.

Ba ngày sau dân làng nhìn thấy phía xa xa có hai người đàn ông nổi lên mặt nước, dáng ngồi giống Đức Phật bồng bềnh trên mặt nước theo thủy triều từ từ tiến về Phú Trừng Trang, đột nhiên đến chùa Bảo Phúc thì dừng lại. Khi nước rút, dân làng đến nơi thì mối đắp thành hai ngôi mộ. Thấy kỳ lạ, dân làng đã cùng nhau tu lễ và lập lăng ngay tại đó.

Ba tháng sau người họ Chu quay trở lại và được nghe người dân nơi đây kể lại, người cha vô cùng cảm ơn dân làng, giơ hai tay vái lạy tạ ơn và nói rằng: “Tôi chỉ có tấm thân này gửi gắm nơi bản ấp, biết bao giờ mới trả hết ơn nghĩa”. Nói xong, ông từ từ tiến ra sông lớn và tự vẫn. Nơi ông hóa đã nổi lên một cái ụ như nấm mộ và dân làng để nguyên không dám di dời.

Năm 1039, thời nhà Lý (Vua Lý Thái tông) phía Nam nước Đại Việt có quân giặc Ai Lao quấy nhiễu, tướng sĩ triều đình đã nhiều lần ra trận nhưng vẫn không phân thua thắng bại. Nhà vua phải thân chinh ra trận, tiến quân đến đạo Thanh Hoa, phủ Hà Trung, nghe nơi Phú Trừng Trang người đông, đất rộng có thể chiêu binh, vua liền tiến về nơi đấy để dựng trại. Ngay đêm hôm ấy, trong giấc ngủ nhà vua bỗng nhìn thấy có hai chàng trai khôi ngô, tuấn tú hiện ra chắp tay vái lạy nhà vua mà tâu rằng: “Chúng tôi là những người con họ Chu đến từ phương Bắc, lưu lạc sang nước Nam, sau một chuyến đi thăm thú làm ăn, đã gặp nạn và trôi dạt vào đây, được người dân bản ấp lo cho giấc ngủ ngàn thu, nay thấy người ra trận, chúng tôi nguyện âm phù dương trợ, mong nhà vua sớm khải hoàn trở về...”. Nghe chưa dứt câu thì nhà vua tỉnh giấc và biết đây là điều linh thiêng báo ứng.

Ngay hôm sau, nhà vua triệu tập các bô lão trong làng đến để vấn an và lệnh cho dân làng sắm sanh lễ nghi, lập đàn cúng tế trước khi ra trận. Trong một cuộc giao đấu, nhà vua chưa biết xử lý như thế nào thì bỗng đâu từ phía Phú Trừng Trang nổi mây đen giông gió tụ về phía quân giặc, làm cho quân giặc tan tác hoảng loạn, thừa cơ quân ta tiến đánh, đã thu lại toàn bộ đất đai.

Nhà vua thắng trận trở về không quên làm lễ tạ, sửa sang dựng tòa lăng miếu và đèn nhang. Nhà vua đã cấp cho dân bản một số quan tiền để đèn hương thờ cúng, phong tặng chữ khen “Tốt đẹp vậy thay” và phong sắc cho hai vị thần là Đại Vương, chuẩn cho Thanh Hoa đạo, Hà Trung phủ, Phú Trừng Trang nhà nhà đèn hương làm chính lễ để thờ phụng. Chuẩn cho 3 năm miễn binh lương (các ngày sinh nhật, húy nhật, khánh nhật đều cỗ bàn tế lễ và xướng ca trò vui).

Vào giữa thế kỷ XIX dưới triều Tự Đức, làng Phú Khê đã dựng lại ngôi đình trên nền thiêng đất cũ và từ đó đến nay Nhân dân thường xuyên chăm lo bảo vệ. Ngôi đình được thiết kế theo kiểu chữ Nhị, gồm 2 tòa đại bái và hậu cung. Hiện nay trong đình còn lưu giữ nhiều di vật quý có niên đại trải dài vài thế kỷ như: câu đối, hoành phi, long ngai, bài vị... Đặc biệt là 2 long ngai cao 1,2m biểu tượng quyền lực của hai vị thần được thờ trong hậu cung và nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến xưa.

Đình Phú Khê được xây bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, bốn bờ chái trang trí hình hoa lá cách điệu hoặc tứ linh “long, ly, quy, phượng”. Trên nóc đình là rồng chầu mặt nguyệt. Phía trước đình có bức bình phong, cửa tam quan, gác chuông, ngoài cùng là hai cột trụ. Hình ảnh con rồng với những nét chạm khắc tinh tế, biểu tượng cho ước vọng về một cuộc sống thanh bình, no đủ, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Cột đình được làm bằng gỗ nguyên cây, không có cột nối, không sơn vẽ và được liên kết với nhau bằng các kèo lẻ, con rường hoặc kết hợp của hai loại liên kết trên (thượng rường - hạ kẻ). Trong đình đặt một chiếc trống lớn. Cổng đình còn lưu giữ được nhiều câu đối cổ.

Nhờ những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật còn được lưu giữ nơi đây, đình Phú Khê đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Từ đó đến nay với sự quan tâm của các cấp và lòng hảo tâm của toàn thể Nhân dân làng Phú Khê, con em xa quê luôn hướng về quê hương và khách thập phương xa gần đã cung tiến tu bổ xây dựng, sửa sang khang trang, đẹp đẽ. Hằng năm, vào ngày 16-2 đến 20-2 và 22-4 đến 23-4 âm lịch, Nhân dân làng Phú Khê lại tổ chức lễ hội kính dâng lễ vật lên nhị vị Thành hoàng làng để tỏ lòng thành kính biết ơn, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an, mọi nhà, mọi người bình an, hạnh phúc.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]