(Baothanhhoa.vn) - Trong tâm thức của mỗi người Việt từ xưa “cây đa, giếng nước, sân đình” luôn là hình ảnh gợi nên sự thân thuộc, gần gũi, bình yên. Đình làng không chỉ là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp; mà còn là “địa chỉ đỏ” giúp kết nối bao thế hệ người và là hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng.

Đình làng: “Địa chỉ đỏ” gắn kết tình quê

Trong tâm thức của mỗi người Việt từ xưa “cây đa, giếng nước, sân đình” luôn là hình ảnh gợi nên sự thân thuộc, gần gũi, bình yên. Đình làng không chỉ là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp; mà còn là “địa chỉ đỏ” giúp kết nối bao thế hệ người và là hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng.

Đình làng: “Địa chỉ đỏ” gắn kết tình quêĐình làng Thổ Sơn (phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn).

Đình làng Đại Đồng (thôn Đại Đồng, xã Quảng Chính, Quảng Xương) được xây dựng từ năm 1938, trong quần thể kiến trúc đình làng Đại Đồng còn có cả giếng làng và nghè đều được xây dựng năm 1938 tạo nên một quần thể kiến trúc vừa uy nghiêm, cổ kính mà gần gũi, gắn bó với nhiều thế hệ người làng Đại Đồng. Ông Cao Viết Vũ, trưởng thôn Đại Đồng, chia sẻ: Với lối kiến trúc đặc trưng, ngôi đình từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ, trao truyền truyền thống của quê hương. Lễ hội đình làng hàng năm với các trò chơi, trò diễn luôn luôn là niềm mong đợi, là nơi gắn kết cộng đồng làng xã. Mỗi dịp tết đến, xuân về, con cháu từ khắp nơi trở về làng, thắp nén hương thơm cầu mong bình yên, may mắn đến với mọi người, mọi nhà, gìn giữ nét văn hóa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc ta.

Đình làng Đại Đồng là 1 trong 3 công trình văn hóa kiến trúc cổ (gồm Đại Đồng, Phú Lương, Chính Đa) của xã Quảng Chính, được huyện Quảng Xương hỗ trợ trùng tu, tôn tạo từ năm 2015 đến nay. Xác định giá trị đặc biệt của đình làng - những công trình kiến trúc biểu trưng của cả làng, mang trong mình những câu chuyện lịch sử, thể hiện rõ nhất lối sinh hoạt gắn bó mang tính cộng đồng bền chặt; cho nên năm 2015, huyện Quảng Xương đã ban hành Nghị quyết số 14/2015/NQ-HĐND ngày 6-1-2015 về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao thôn, khu phố trên địa bàn huyện Quảng Xương, gắn với khôi phục đình làng cổ, với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/đình làng. Năm 2016, huyện Quảng Xương tiếp tục ban hành Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 13-1-2016 về việc xây dựng nhà văn hóa thôn gắn với khôi phục đình làng cổ, với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/đình làng. Nhờ sự hỗ trợ này mà nhiều di tích có giá trị trên địa bàn đã được tôn tạo, trùng tu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân.

Không chỉ là nơi thờ tự, mà từ xưa đến nay đình làng Thổ Sơn (tổ dân phố Sơn Thắng, phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn) đã trở thành “ngôi nhà chung” của dân làng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã, nơi bảo tồn và phát huy những thuần phong mỹ tục quê hương, góp phần làm giàu thêm truyền thống tốt đẹp, gắn bó, nghĩa tình. Ông Đinh Ngọc Lộc, bí thư chi bộ tổ dân phố Sơn Thắng, chia sẻ: Đình làng Thổ Sơn thờ Thành hoàng làng Lê Khánh Sơn, người đã có công khai phá, thành lập làng Thổ Sơn. Ngày nay, đình làng Thổ Sơn vẫn luôn phát huy tốt giá trị, là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, nơi gắn kết tình quê. Lễ hội làng diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, con cháu của các dòng họ trong làng dù đang làm ăn, sinh sống, học tập, công tác trong Nam, ngoài Bắc đều tụ hội về dự hội làng tổ chức tại đình làng Thổ Sơn, cùng nhau quyên góp trùng tu, tôn tạo đình làng, giúp đỡ những người nghèo trong tổ dân phố sửa sang nhà cửa, phát triển kinh tế để cùng nhau xây dựng làng xóm, quê hương ngày càng khang trang, giàu đẹp.

Xã hội ngày càng phát triển, song với người dân đất Việt, đình làng vẫn luôn giữ một vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần, một “đặc sản văn hóa” được bao thế hệ trân trọng, giữ gìn. Toàn tỉnh hiện có 458 đình làng, trong đó có 149 đình làng đã được xếp hạng (12 đình làng được xếp hạng cấp quốc gia). Tuy nhiên, trong số 458 đình làng, chỉ có 279 đình làng hiện còn giữ được kiến trúc, 179 đình làng đã trở thành phế tích. Trong khi, bảo tồn và phát huy giá trị đình làng không chỉ để giữ lại địa điểm sinh hoạt cộng đồng mà còn là gìn giữ giá trị văn hóa tâm linh, tinh thần, tạo nên thế cân bằng trong sự phát triển của xã hội và quá trình đô thị hóa. Do đó, để đình làng trở thành một di sản “sống”, một thiết chế văn hóa mang giá trị thực, thì việc bảo tồn “không gian văn hóa đình làng” gắn với bảo tồn cả nếp sống, phong tục, tập quán, huyền thoại, nghề thủ công truyền thống, diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian... càng cần được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương chú trọng. Đồng thời, chính người dân - người sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa càng phải hiểu hơn ai hết giá trị của đình làng để ra sức gìn giữ, góp phần cố kết cộng đồng làng xã càng trở nên bền chặt.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]