(Baothanhhoa.vn) - Đình Khánh Vượng là ngôi đình được gọi theo tên của làng Khánh Vượng, xã Lộc Sơn (Hậu Lộc). Trước đây, đình có tên là đình Ba Làng, gồm: Làng Giáp, làng Thượng và làng Đông. Đến năm 1959, trên cơ sở hợp nhất địa danh của 2 thôn Cát Vượng và Cát Khánh của ba làng trên, nên được đổi thành làng Khánh Vượng. Đình Ba Làng được gọi là đình làng Khánh Vượng cho đến ngày nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đình Khánh Vượng – từ lịch sử đến công trình kiến trúc thuần Việt

Đình Khánh Vượng là ngôi đình được gọi theo tên của làng Khánh Vượng, xã Lộc Sơn (Hậu Lộc). Trước đây, đình có tên là đình Ba Làng, gồm: Làng Giáp, làng Thượng và làng Đông. Đến năm 1959, trên cơ sở hợp nhất địa danh của 2 thôn Cát Vượng và Cát Khánh của ba làng trên, nên được đổi thành làng Khánh Vượng. Đình Ba Làng được gọi là đình làng Khánh Vượng cho đến ngày nay.

Đình Khánh Vượng – từ lịch sử đến công trình kiến trúc thuần Việt

Đình Khánh Vượng (xã Lộc Sơn, Hậu Lộc). Ảnh: Ngọc Anh

Theo các cụ cao niên ở làng cho biết, đình Khánh Vượng thờ vị thần có tên là Nguyễn Văn Ba, làm quan thời nhà Hồ, có công đầu tiên về đây quy dân lập nên làng Khánh Vượng.

Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Hậu Lộc, hậu cung của đình từng là nơi cất giấu vũ khí thô sơ, là nơi hội họp, luyện tập chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa của đội tự vệ cứu quốc Hoàng Long 2. Những năm 1950-1952, đình Khánh Vượng là căn cứ hậu phương tập kết của bộ đội chủ lực đi đánh Pháp ở vùng địch hậu huyện Nga Sơn, Phát Diệm, Ninh Bình. Cuộc cách mạng giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất cũng diễn ra tại đình làng này. Đình còn là trụ sở của đơn vị quân đội trao trả tù binh giữa ta và Pháp; là trụ sở và bệnh viện quân y của đơn vị quân đội tập kết từ miền Nam ra theo Hiệp định Giơnevơ giữa Chính phủ ta và Pháp. Cũng tại ngôi đình này đã diễn ra nhiều đợt huy động, tiễn đưa lớp lớp thanh niên trong làng chi viện cho chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược và nhiều năm liền là kho chứa thóc của quốc gia.

Trong 2 năm 1958-1960, đình là trường học cấp 1 của xã, cấp 2 của huyện, là địa điểm đại hội đảng bộ huyện, xã thời chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Đình làng cũng là nơi sơ tán họp chợ từ chợ Lãi lên để tránh máy bay Pháp oanh tạc thời kỳ 1951-1953. Đình là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, giáo dục cho các thế hệ con cháu kế tục truyền thống của làng, nhằm tăng cường lòng yêu nước, bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã dày công xây dựng.

Hàng năm tại đình làng diễn ra đại lễ trong 2 ngày 14 và 15 tháng 11 âm lịch. Trong hai ngày này, lễ vật được chuẩn bị gồm: xôi, thịt lợn, gà do các trai làng nuôi dưỡng từ đầu năm và các đồ chay, quả phẩm. Ngày đầu, làng tổ chức rước kiệu, trên kiệu đặt một con lợn thịt, một thúng gạo nếp thơm. Một kiệu khác đặt một mâm ngũ quả, một ít thực phẩm chín, trầu cau, một bát nước, một bát rượu ở mỗi kiệu. Làng cắt cử trai làng mỗi năm 12 người khiêng kiệu, quay tròn 3 vòng trong sân đình rồi ra ngoài đường làng, khi đến ngã ba, ngã tư lại quay tròn mấy vòng nữa. Nếu bát nước, bát rượu đổ ra ngoài, làng sẽ bắt trai làng khiêng kiệu nộp phạt bằng gà, rượu, tiền bạc, vì cho là có điều không may mắn có thể xảy ra với làng.

Đình Khánh Vượng tọa lạc trên một thửa đất bằng phẳng, rộng rãi, xung quanh là đồng ruộng, xóm làng. Đình có địa thế cảnh quan đẹp, có kiến trúc hình chữ Nhất, với những giá trị mỹ thuật độc đáo, gắn với không gian mở, gần với thiên nhiên, gần với đời sống. Việc thờ Thành hoàng làng là một trong những đặc điểm của tín ngưỡng người Việt. Đồng thời, sự phân bố trong không gian ngôi đình cũng là biểu hiện vừa mang tính tôn giáo, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng.

Đình được cấu tạo 5 gian. Đình có những nét đặc trưng về điêu khắc gỗ, với bàn tay tài hoa, người nghệ nhân sử dụng các đề tài trang trí “Tứ linh”, “Tứ quý” và các con vật gần gũi với đời sống thực trên các cấu kiện gỗ của ngôi đình, tạo nên nét đẹp truyền thống về nghệ thuật điêu khắc của người Việt. Nghệ thuật chạm khắc ở đình chủ yếu tập trung ở 6 vì kèo, kẻ hiên, các con rường. Đặc biệt ở phần nóc hai vì 1 và vì 6 chạm khắc hình rồng, hình “Long, ly, quy, phượng”. Nghệ thuật chạm, nét đục sâu, tạo khối nổi thể hiện tính mềm mại, uyển chuyển. Các mảng chạm lộng, chạm bong nhiều tầng, nhiều lớp, với nhiều sáng tạo hình khối, hình nét, làm cho các hệ thống khung gỗ của đình trở nên lộng lẫy và sinh động với những đề tài về “Long, ly, quy, phượng”, “Tùng, cúc, trúc, mai”. Trong đó lấy hình tượng rồng làm chủ đạo. Hoa văn vân mây, sen, cúc... làm nền trang trí trên các mảng chạm khắc gỗ ở trên câu đầu, xà hoành, xà nách, bẩy hiên và hai nóc của vì hồi.

Hệ thống ở các vì có mảng kiến trúc giống nhau: Xà thuận được chạm khắc rất tinh xảo, với đường nét hoa văn vừa mềm mại, nhiều đề tài phản ánh tâm thức nông nghiệp, vừa toát lên được ý tưởng của nghệ thuật xưa. Nghệ nhân chú ý phần chạm khắc ở bẩy và lá lật hình tượng các hoa cúc dây trên cấu kiện xà lòng, trụ và con rường. Mảng lá chạm lật trên hệ thống xà nách vì hồi, các con rường là hình hoa cúc được chạm khắc rất tinh xảo và mềm mại. Mảng chạm “Lưỡng long chầu nguyệt” ở xà hạ, giữa hai vì 3 và 4 trên phía ban thờ Thành hoàng làng, cho thấy được cái tinh xảo của mảng chạm, đường nét mềm mại, hình rồng vờn mây, thân rồng uốn lượn ẩn rất tinh tế trong mây, thể hiện sáng tạo của nghệ nhân dân gian, đồng thời phản ánh rõ nét những yếu tố kiến trúc thuần Việt.

Nét độc đáo ở ngôi đình này là hình tượng rồng chạm khắc ở các bẩy hiên, trên bức ván mê ở đỉnh vì hồi hoặc ở trên xà nách là phong phú nhất. Đặc biệt, so với các ngôi đình khác thì đình Khánh Vượng có các hình “Tứ linh”, “Tứ quý” ở kẻ hiên. Thông thường ở các ngôi đình khác thì quay ra, nhưng tại đình Khánh Vượng tất cả đều quay mặt vào trong đình. Đây cũng là một hiện tượng ít gặp trong kiến trúc truyền thống của người Việt. Ngoài ra, các hình tượng linh thú khác cũng được chạm khắc, điển hình như là: lân, rùa, cá chép. Thông qua hệ thống chạm khắc trên đình Khánh Vượng, các đồ án đều rất phong phú, sinh động, ghi nhận tài năng, tình cảm của nghệ nhân dân gian đương thời. Đồng thời cho thấy được tín ngưỡng Nho giáo, Phật giáo xuất hiện trong tư tưởng, không gian văn hóa làng, xã xứ Thanh.

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, năm 2013 đình Khánh Vượng đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Ngày nay, đình Khánh Vượng nằm trong quần thể di tích gồm: Đền thờ Uy Hổ Thượng Tướng quân Đỗ Tất Quý, đền Cầu Lãi và đền Độc Cước, đã tạo thành điểm tham quan du lịch, thu hút sự chú ý của người dân, du khách và các nhà nghiên cứu.

Nguyễn Ngọc


Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]