(Baothanhhoa.vn) - Làng Động Bồng, xã Hà Tiến (Hà Trung) nằm trong khu vực có nhiều thắng cảnh. Trước làng là dãy núi đá vôi, có nhiều hang động kỳ thú. Phía Bắc có dòng sông uốn lượn như dải lụa, được con người tô điểm thêm bằng các công trình kiến trúc như đình chùa, miếu mạo. Cảnh sắc nơi đây sơn thủy hữu tình, cùng với bề dày lịch sử đã tạo nên một phong cảnh làng quê yên bình, trù phú. Nhân dân đặt tên cho làng của mình là làng Động Bồng, là vì thế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đình Động Bồng – công trình kiến trúc tiêu biểu thời Nguyễn

Làng Động Bồng, xã Hà Tiến (Hà Trung) nằm trong khu vực có nhiều thắng cảnh. Trước làng là dãy núi đá vôi, có nhiều hang động kỳ thú. Phía Bắc có dòng sông uốn lượn như dải lụa, được con người tô điểm thêm bằng các công trình kiến trúc như đình chùa, miếu mạo. Cảnh sắc nơi đây sơn thủy hữu tình, cùng với bề dày lịch sử đã tạo nên một phong cảnh làng quê yên bình, trù phú. Nhân dân đặt tên cho làng của mình là làng Động Bồng, là vì thế.

Đình Động Bồng – công trình kiến trúc tiêu biểu thời NguyễnĐình Động Bồng (xã Hà Tiến, Hà Trung).

Đình Động Bồng được xây dựng ở phía Tây của làng, nơi đây thờ Tô Hiến Thành – một bậc đại thần văn võ song toàn, tài năng đức độ, hết lòng vì sự nghiệp trung hưng đất nước. Không chỉ là một võ quan cương trực, thẳng thắn, ông còn là người biết chú trọng cả văn hóa và sùng mộ nho học. Ông thi đỗ Tiến sĩ dưới triều Lý Anh tông và mất tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179). Nhớ ơn và cảm phục tài năng đức độ của ông, Nhân dân đã lập đền thờ ở nhiều nơi. Riêng Thanh Hóa có nhiều nơi thờ, nhưng thờ chính là ở đình Động Bồng.

Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đình Động Bồng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, như: Là nơi Nhân dân nghe thư Bác Hồ gửi các cụ phụ lão toàn quốc; nơi diễn ra các lớp huấn luyện nhằm nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc chống thực dân Pháp; nơi phát động các phong trào thi đua yêu nước; nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hà Trung lần thứ nhất...

Về quá trình xây dựng đình, các tài liệu còn lại duy nhất được thể hiện trên bức thượng lương ghi chép chính xác thời gian xây dựng đình làng Động Bồng, đó là “Năm Gia Long thập niên” (1812). Dấu ấn kiến trúc trên bộ khung gỗ của ngôi đình còn để lại khá nguyên vẹn, phần nào nói lên ngôi đình được xây dựng từ thời nhà Nguyễn.

Về tổng quan, đình được bố trí theo kiểu chân vồ, tức là bao gồm Tiền đường và Hậu cung. Nhà Hậu cung đã bị phá bỏ hoàn toàn trong thời kỳ “bài phong” trước đây. Nhà Tiền đường bao gồm 5 gian 2 chái, với diện tích 405m2. Phía trước tiền đường sân đình rộng 12m, với cổng trụ ra vào, ở sân đình 2 đầu đại đao có 2 trụ cao, trên có gắn quả chi tử. Cổng đình có 2 trụ cột hình vuông kiểu bát đấu, trên có gắn con sấu đầu rồng. Hai bên cổng chính có cổng phụ, ngoài cùng là đường vào đình, liền với đình là ao đình hình vuông. Chung quanh sân đình được xây tường rào bao bọc, rào phía trước có hàng thiên hoa.

Đi vào chi tiết về nghệ thuật kiến trúc, trong tổng 5 gian 2 chái có tổng số 36 cột, được bố trí thành 4 hàng cột, bao gồm 12 cột lớn, 20 cột quân. Ngoài ra còn 4 cột ở hai đầu chái nối với cột lớn để tạo thành gian chái. Ở mái hiên trước có 4 cột bằng đá, thân cột đặt trên thân tảng hình tròn phía trên và đế vuông ở phía dưới. Ở mái hiên sau để đỡ các đầu kẻ bẩy là cột trụ vuông được xây bằng gạch, kiến trúc mái đình theo kiểu mái cong, gồm 4 mái. Kiến trúc này làm cho ngôi đình được nâng lên thanh thoát, nhẹ nhàng, bay bổng. Đặc biệt là những trang trí trên mái của ngôi đình đã tạo cho kiến trúc hòa quện nhịp nhàng với con người, cỏ cây, hoa lá và các loài vật trong thế giới thiên nhiên bao quanh ngôi đình. Các góc đao uốn cong duyên dáng như một bông hoa tươi tắn, đóa nào cũng lớn và mềm mại, màu sắc rực tươi. Hình tượng con rồng trên đầu đại đao cong vút, như đang bay lên phù hợp với tổng thể của kiến trúc. Ngói có hình mũi hài, có hoa văn trang trí hài hòa đẹp mắt. Diềm mái được trạm khắc hình chiếc lá ba chẽ như phiến lá đu đủ. Ngoài ra, trên nóc, bờ rải đầu kìm của mái cong có trang trí các con vật như con sấu đầu rồng ở 4 góc. Trên nóc có phập phù mặt nguyệt long chầu, làm cho sự hòa quện một cách hợp lý của mái đình càng thêm đẹp đẽ.

Bên trong ngôi đình được chia làm 2 phần chính: Vì kèo chính và vì kèo mái diềm. Về mặt kết cấu, 4 vì giống nhau hoàn toàn và liên kết chủ yếu theo kiểu “chồng rường kẻ bẩy”. Những con rường này được tạo tác giống nhau và được ăn mộng vào trụ đứng. Những trụ đứng này được tạc giống hình chiếc “Độc bình”, chỉ khác nhau ở độ lớn nhỏ của trụ.

Cấu tạo vì kèo là một bộ khung gỗ hình chữ nhật, gồm 4 hàng cột là 2 hàng cột lớn và 2 hàng cột quân ở hiên trước và hiên sau. Liên kết với kẻ bẩy vươn ra để tạo mái hiên ở cả hai phía trước và sau. Bộ vì nóc mái trên cơ bản được cấu tạo hoàn toàn giống nhau trên đầu họng của 2 cột lớn là quá giang. Phía trên quá giang là 2 đầu trụ đục mộng gắn với khâu đầu, cứ thế cho đến cuối cùng là đầu trụ đục mộng đưa con giang vào làm nhiệm vụ đỡ thượng lương. Nối các vì kèo với nhau là các hàng xà dọc gồm 3 hàng. Hàng xà dọc nằm dưới quá giang trong tổng 6 vì có 10 chiếc.

Hàng xà nằm ngang với quá giang cũng có 10 chiếc. Phía trên sát mái là hàng xà làm nhiệm vụ như các hoành đỡ mái cũng có 10 chiếc. Nhìn chung, các vì kèo kết cấu, kiến trúc tuân theo một quy luật đăng đối. Ngoài tính chất tạo sự vui mắt mang tính nghệ thuật độc đáo, thì những đấu trụ này còn chứa đựng một sự khỏe mạnh, chắc chắn, bởi đã phối hợp các yếu tố khác như: Quá giang, khâu đầu, kẻ bẩy... tạo nên sự bề thế không gian kiến trúc của ngôi đình.

Quy mô và nghệ thuật kiến trúc còn lại của ngôi đình cho thấy kỹ thuật tạo dáng cùng với quy mô kiến trúc thanh thoát, bay bổng hòa quện với cuộc sống của một làng quê. Đình Động Bồng được xem như là một công trình kiến trúc tiêu biểu về một kiểu “Kiến trúc địa phương” dưới thời Nguyễn trên đất Thanh Hóa. Điều đó cũng nói lên khả năng trí tuệ, sáng tạo, sự đóng góp nhân tài, vật lực của lớp cha ông thời trước. Cùng với những sự kiện lịch sử trọng đại đã diễn ra tại ngôi đình và những hoạt động văn hóa truyền thống của Nhân dân, đã mang lại cho ngôi đình một sự tôn nghiêm, bề thế hiếm có.

Năm 2001, đình Động Bồng được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi đình, cần có sự kết nối mở rộng với các di tích khác lân cận trong và ngoài vùng như: Đình Gia Miêu và lăng miếu Triệu Tường, đình Trung (Hà Trung); Chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành)... Chỉ khi đó, vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan của Di tích lịch sử đình Động Bồng mới trở thành một điểm văn hóa, du lịch quan trọng ở phía Bắc của tỉnh, thu hút sự quan tâm tín ngưỡng của Nhân dân và du khách gần xa.

Nguyễn Ngọc


Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]