(Baothanhhoa.vn) - Quy luật đất trời là một vòng tròn khép kín nhưng thời gian là tuyến tính, là hành trình bất tận có điểm khởi đầu nhưng không bao giờ có điểm kết thúc, đã qua đi là không bao giờ trở lại. Vì lẽ đó, khi xuân đương tới cũng là lúc lòng người lại chộn rộn lên biết bao hoài niệm, ký ức, thanh âm, hương vị gợi nhớ tết của những ngày xưa cũ.

Đi tìm bóng xuân xưa

Quy luật đất trời là một vòng tròn khép kín nhưng thời gian là tuyến tính, là hành trình bất tận có điểm khởi đầu nhưng không bao giờ có điểm kết thúc, đã qua đi là không bao giờ trở lại. Vì lẽ đó, khi xuân đương tới cũng là lúc lòng người lại chộn rộn lên biết bao hoài niệm, ký ức, thanh âm, hương vị gợi nhớ tết của những ngày xưa cũ.

Đi tìm bóng xuân xưaDù thú chơi cây cảnh ngày càng đa dạng, phong phú thì hoa thược dược vẫn được nhiều người ưa chuộng mỗi dịp tết đến, xuân về.

Là loài hoa cánh mỏng manh, dễ bị “tổn thương” nhưng một thời thược dược lại được ưa chuộng trong dịp tết! Đâu chỉ bởi rực rỡ sắc hoa, hương thơm ngan ngát, dáng vẻ đài các, sang trọng, hoa thược dược mang ý nghĩa rất riêng. Trong quan niệm dân gian, hoa thược dược được tôn vinh là “hoa tướng”, xếp sau hoa mẫu đơn. Loài hoa này là biểu trưng cho hạnh phúc, thủy chung, tình yêu vĩnh cửu.

Muôn đời là vậy, con người nỗ lực phấn đấu từng giờ, từng ngày sống để làm gì nếu không phải hướng đến mục đích cuối cùng là tình yêu, hạnh phúc, dẫu biết rằng định nghĩa về hạnh phúc của mỗi người chẳng giống nhau. Hạnh phúc – giá trị sống vĩnh hằng ấy càng có ý nghĩa đặc biệt hơn trong dịp tết đến xuân về, đất trời giao hòa, chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, đúng như học giả Phạm Quỳnh từng nhận định: “Tết, một chữ diệu kỳ mà dường như chứa đựng niềm vui sướng vô bờ bến của cả một dân tộc vô tư, vui vẻ vào mỗi khi bắt đầu năm mới. Họ quên đi mọi bất hạnh và khó khăn đã phải chịu đựng trong năm qua và sẵn sàng bắt đầu cuộc sống mới trong hy vọng và hoan hỉ” (“Tâm lý ngày tết” – Tết Việt Nam xưa, NXB Thế giới).

Khi xã hội ngày càng phát triển, thú chơi cây cảnh ngày tết càng thêm nở rộ, đa dạng, phong phú mặt hàng, lựa chọn. Bên cạnh đào, mai, cúc, quất... nhiều loại cây, hoa khác nhau được người dân ưa thích, săn đón như: hoa lan, bưởi cảnh, phật thủ... “Phú quý sinh lễ nghĩa”, giờ đây, người mua cây, hoa xem trọng dáng cây, sự bề thế, ý nghĩa phong thủy của loài cây, hoa đó. Tuy nhiên, giữa tấp nập, náo nhiệt dòng người đổ xô đi mua hoa, mua cây trưng bày ngày tết, nhiều người vẫn ôm ấp trong lòng hình dung về khoảng vườn, góc sân, trước thềm nhà với hình ảnh những bông hoa thược dược khoe sắc tỏa hương.

Ký ức về tết xưa sao có thể thiếu hình ảnh câu đối đỏ. Cùng với cây, hoa, vào mỗi dịp tết xưa, người Việt thường treo câu đối đỏ, tranh dân gian để ngôi nhà thêm phần sinh động, đẹp mắt, đề cao các giá trị văn hóa. Chẳng thế mà tự bao giờ, dân gian vẫn truyền nhau, ngày tết thiếu gì nhưng có 3 điều không được thiếu, đó là: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Những câu đối đỏ gắn liền với hình ảnh các ông đồ miệt mài viết chữ: “Sáng nay hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” (Ông đồ - Vũ Đình Liên). “Trên một chiếc chiếu nhỏ trải trên mặt đất, thầy đồ ngồi trên gót chân, uốn cong cột sống và tự tin cầm chiếc bút lông lớn của mình, ông ta nhúng vào mực tàu pha loãng để trên một chiếc bàn viết lớn” rồi bắt đầu thảo những nét như “phượng múa rồng bay”. Nội dung của những câu đối ấy để tán dương vẻ ngọt ngào của mùa xuân, sức hấp dẫn của sự đổi mới, niềm vui đoàn tụ gia đình, sự thiêng liêng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, biểu đạt suy nghĩ, ước vọng của mình trong năm mới...

Tết – một tiếng gọi tha thiết, ngân vang cảm xúc, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc. Một hình ảnh, một thanh âm hay đơn thuần chỉ là mùi hương thoang thoảng cũng đủ gợi lên bao nhớ nhung, háo hức, mong chờ. Tết của những ngày xưa cũ, hẳn tâm trí nhiều người chẳng thể nào quên hương thơm tỏa ra từ nồi nước mùi già mà các bà, các mẹ thường chuẩn bị vào chiều 30 tết. Theo quan niệm dân gian, tắm nước mùi già vào chiều 30 tết như là cách mỗi người gột rửa đi lo lắng, muộn phiền, vận hạn của năm cũ để sẵn sàng tâm thế tốt nhất đón chào năm mới với nhiều niềm vui, may mắn.

Ngay từ sáng ngày 30 tết, mẹ tất bật xách làn đi chợ từ sáng sớm cốt là để mua cho được những bó mùi già ưng ý về đun nước tắm, một điều khác biệt so với 364 ngày còn lại trong năm. Bởi lẽ, thường ngày, các bà, các mẹ đi chợ vẫn thường chê ỏng chê eo mấy món rau già thì trong buổi sáng ngày 30 tết, cũng vẫn là các bà, các mẹ ấy lại đon đả “săn đón” những bó mùi già như món quà quý. Người bán, người mua xôn xao cả góc chợ quê. Cứ thế, những bó mùi già được trao tay nhau trong cái không khí rộn ràng, khẩn trương, niềm vui giản đơn ấy.

- Mùi này bán thế nào chị ơi?

- Chỗ mùi ấy có người đặt hàng từ hôm qua rồi, chị chọn mấy bó khác đi!

- Vậy chị lấy cho em mấy bó kia, giũ sạch đất rồi nhẹ tay gói gọn lại giúp em...

Để chuẩn bị cho “nghi thức” đặc biệt chiều 30 tết ấy, mùi già sau khi mua về sẽ được mẹ tỉ mẩn nhặt hết các lá hư hỏng, cây cỏ bám lẫn vào rồi rửa qua nhiều lần nước. Mùi được xếp khoanh tròn trong nồi nước to, đun với lửa lớn cho đến khi sôi ùng ục. Hương mùi già theo làn hơi nước lan tỏa khắp một khoảng không gian. Cái mùi thơm quen thuộc gợi nhớ về những bữa cơm gia đình đầm ấm. Mùi của đồng đất quê hương với bóng dáng mẹ cha tảo tần mưa nắng. Mùi của dịu dàng, an nhiên. Mùi của những gì giản dị, gần gũi, chân thật...

Sau những hương sắc, thanh âm, mùi vị, điều lắng đọng nhất trong ký ức xuân xưa là gì nếu không phải là hình bóng những người ta yêu mến, quý trọng – những con người đã rời xa ta, xa rời cõi nhân gian đến một “thế giới khác” nhưng từng ngày trôi qua, ta vẫn không nguôi niềm nhớ thương. Nhớ sao bóng dáng bà cặm cụi, tất bật với mảnh vườn trước sân. Bà mua hạt giống, xới đất lật cỏ gieo trồng, chăm chỉ tưới nước, bắt sâu để hạt giống ấy nảy mầm, phát triển tươi tốt. Nào xu hào, bắp cải, hành lá, mùi tươi... Mấy vuông đất tưởng chẳng vừa vào việc gì cũng được bà khéo léo tận dụng. Con, cháu về quê ăn tết, trước khi đi đều xúc động mang theo món quà quê của bà. Chẳng cao sang, chẳng phải giá trị vật chất, những rau, trái bà hái trong vườn tuy chỉ là những điều giản dị, nhỏ bé vậy mà gói trọn niềm vui, hạnh phúc của bà.

Nhiều mùa xuân đã qua đi, đâu đó trong bữa cơm tất niên chiều cuối năm, mọi người vẫn thường kể cho nhau nghe câu chuyện lúc ông còn sống. Ông gánh vác gia đình đi qua thời cơm độn, khoai vùi. Ông lo toan, chắt chiu với đủ thứ nghề kiếm sống nhưng không quên dạy con, cháu bài học, đạo lý làm người: Đói cho sạch, rách cho thơm. Ông gói những chiếc bánh chưng bằng khuôn lá dừa vuông vức, bao giờ cũng chu đáo chuẩn bị thêm cho các cháu nhỏ mấy chiếc bánh chưng nhỏ làm niềm vui ngày tết. Dường như những câu chuyện kể về ông luôn thường trực bên mâm cơm gia đình, như một cách xoa dịu nỗi nhớ nhung và khiến mỗi người cảm thấy ấm áp, đủ đầy hơn trong ngày tết sum vầy.

Tết đến xuân về, đất trời giao hòa, lòng người rộn ràng niềm vui, hạnh phúc. Đó là ước vọng hướng tới tương lai nhưng cũng là dịp để sống lại cùng ký ức, hoài niệm những ngày xưa cũ. Tết nay – tết xưa luôn kết nối với nhau trong mạch nguồn cảm xúc ấy.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]