(Baothanhhoa.vn) - Là nơi bảo quản và trưng bày các hiện vật nhiều ý nghĩa, bảo tàng có vai trò quan trọng trong việc truyền tải những giá trị lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để bảo tàng gắn kết với cộng đồng

Để bảo tàng gắn kết với cộng đồng

Học sinh Trường THPT Trường Thi đến tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Là nơi bảo quản và trưng bày các hiện vật nhiều ý nghĩa, bảo tàng có vai trò quan trọng trong việc truyền tải những giá trị lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của đất nước.

Việc gắn kết giữa bảo tàng với cộng đồng vừa phát huy tối đa tiềm năng vốn có của đơn vị này vừa giúp cho mọi người hiểu được những nét cơ bản nhất về lịch sử, văn hóa dân tộc.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được đặt tại vị trí khá đẹp ngay trung tâm TP Thanh Hóa. Với hệ thống các nhà trưng bày được xây dựng từ nhiều thập kỷ của thế kỷ trước theo lối kiến trúc Pháp, không gian thoáng đãng, yên tĩnh khiến nơi đây như có nét cổ kính, tách biệt với sự ồn ào, náo nhiệt của phố xá phía bên ngoài. Ngay khuôn viên trước mặt khu vực trưng bày chính là nơi trưng bày các tác phẩm điêu khắc đá từ thời Lê - Nguyễn, chiếc máy cày của Bác Hồ tặng cán bộ và Nhân dân xã Yên Trường, huyện Yên Định trong lần về thăm Thanh Hóa tháng 12–1961, chiếc máy bay Trung đoàn Không quân 921 trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng tháng 4-1965... Dẫn vào phía bên trong là hệ thống trưng bày chính gồm 4 phòng trưng bày cố định gắn liền với từng thời kỳ phát triển của lịch sử từ khi xuất hiện những con người tối cổ đầu tiên trên đất Thanh Hóa đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước; 3 phòng trưng bày chuyên đề: “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa”, “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa” và “Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa”, với tất cả hơn 30.000 đơn vị hiện vật.

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là một trong những bảo tàng địa phương có nhiều bộ sưu tập, nhiều hiện vật giá trị so với các bảo tàng trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Nơi đây là trung tâm lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền tải đến mọi người dân hiểu về nguồn cội, về những chặng đường lịch sử, những nét văn hóa đặc sắc. Từ đó góp phần tạo nên khối đoàn kết cộng đồng, tạo nền tảng yêu nước trong quần chúng Nhân dân. Mặt khác, trong phát triển du lịch, bảo tàng cũng được xem là trung tâm kết nối đến các khu, điểm du lịch văn hóa lịch sử khác. Sau khi được giới thiệu cơ bản về các hiện vật gắn liền với vùng miền trên địa bàn tỉnh, du khách có thể hiểu rõ về vùng đất và con người xứ Thanh để đưa ra những lựa chọn về điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử một cách dễ dàng nhất”.

Để tăng sự gắn kết giữa bảo tàng với cộng đồng, để nơi đây thực sự gần gũi, thân thuộc với người dân, ban lãnh đạo Bảo tàng tỉnh đã có nhiều cách làm cụ thể. Ngoài việc trưng bày tại chỗ để đón khách, đơn vị này còn tổ chức đưa các hiện vật đi trưng bày lưu động tại khắp các vùng miền, đặc biệt là ở các huyện miền núi để phục vụ đông đảo bà con. Việc phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa để đón tiếp học sinh ở các trường đến tham quan, học hỏi cũng được thực hiện khá hiệu quả. Bên cạnh việc thuyết minh giúp các em học sinh hiểu về từng hiện vật cụ thể, bảo tàng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian, đố vui có thưởng, những hoạt động trải nghiệm để tăng sự tương tác cho học sinh...

Chị Nguyễn Thị Thủy, phường Đông Sơn cho biết: Gia đình chị sống tại TP Thanh Hóa đã nhiều năm nhưng trước đây chưa bao giờ đến bảo tàng. Năm vừa qua, con trai chị được nhà trường tổ chức đi học tập trải nghiệm tại bảo tàng, cháu rất hào hứng và phấn khởi. Từ đó, mỗi khi có thời gian, gia đình chị lại cho 2 con đến đây tham quan để hiểu biết hơn về lịch sử và văn hóa địa phương mình.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sự gắn kết giữa bảo tàng với cộng đồng vẫn chưa chặt chẽ. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thực sự trở thành điểm đến đối với người dân và du khách. Trong những năm gần đây, lượng khách đến tham quan ở bảo tàng tuy có tăng hơn so với những năm trước song hầu hết số khách này đều từ các đoàn nghiên cứu và học sinh, sinh viên từ các trường đến học tập ngoại khóa. Còn đối tượng khách du lịch vốn là tiềm năng lớn vừa đem lại doanh thu để bảo tàng có nguồn kinh phí phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo, mở rộng quy mô và hiện vật vừa chính là kênh quảng bá và truyền thụ các giá trị văn hóa đó đến rộng rãi người dân ở khắp nơi thì chưa có. Đây chính là sự thiếu hụt mà bảo tàng tỉnh cần tìm cách khắc phục.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trịnh Đình Dương cho biết: Mặc dù đã vận dụng nhiều cách làm mới để “kéo” khách tham quan đến với bảo tàng nhưng vẫn còn việc quan trọng mà đơn vị chưa làm được đó là chưa kết nối được với ngành du lịch để phát huy những thế mạnh về du lịch văn hóa, lịch sử. Về nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, ông nói: “Vẫn biết du lịch chính là một đầu mối quan trọng, giới thiệu bảo tàng với đông đảo công chúng. Tuy nhiên, việc kết hợp với các công ty du lịch lại không hề dễ dàng bởi phần lớn các đơn vị lữ hành thường muốn đưa khách đến những điểm du lịch có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí. Đây cũng là xu hướng của phần đa khách du lịch trong nước, họ thích đến những điểm được vui chơi, nghỉ dưỡng hơn là việc tham quan, học hỏi như ở bảo tàng. Mặt khác, những hạn chế về không gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh cũng khiến cho khâu đón tiếp, phục vụ du khách không được như mong muốn. Không gian trưng bày của bảo tàng được tận dụng từ một công trình được xây dựng đã khá lâu với công năng ban đầu không phải phục vụ cho công việc lưu giữ, bảo tồn và trưng bày. Số phòng ít, không gian mỗi phòng lại hẹp và thiếu trầm trọng khiến cho các bộ sưu tập hiện vật mang tính thế mạnh của Thanh Hóa như: Thanh Hóa thời tiền sử, “Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa” và các hiện vật gắn với đặc trưng văn hóa một số dân tộc Kinh, Dao, Thổ không được giới thiệu. Phần lớn hiện vật đều phải cất giữ trong kho, chỉ có 2.000/hơn 30.000 hiện vật được đưa ra trưng bày để đón khách. Việc thiếu cơ sở vật chất phục vụ du khách như nơi đỗ xe, khu vực nghỉ chân, nhà vệ sinh và các dịch vụ khác... cũng là một trong những nguyên nhân khiến bảo tàng chưa có sức hấp dẫn”.

Khoảng cách giữa bảo tàng với cộng đồng được thu hẹp lại và nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn chỉ khi nào đơn vị này xây dựng được chiến lược dài hạn và một sự đầu tư đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với nhiều ngành. Có như vậy, bảo tàng mới phát huy được hết những giá trị vốn có để đóng góp vào sự nghiệp giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc mà còn là điểm đến hấp dẫn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]