(Baothanhhoa.vn) - Từ xưa xã Hoằng Lộc đã có tiếng là đất học. Trải qua các triều đại trước năm 1945, Hoằng Lộc có 2 vị đỗ Tam khôi, 5 vị đỗ Hoàng giáp, 5 vị đỗ tiến sĩ, hàng trăm người đỗ cử nhân và tú tài...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Day dứt trận Cồn Mơn

Từ xưa xã Hoằng Lộc đã có tiếng là đất học. Trải qua các triều đại trước năm 1945, Hoằng Lộc có 2 vị đỗ Tam khôi, 5 vị đỗ Hoàng giáp, 5 vị đỗ tiến sĩ, hàng trăm người đỗ cử nhân và tú tài...

Mười hai vị đỗ Đại khoa trong đó có 7 vị được khắc tên vào bia đá đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhiều cụ giữ chức hàng đầu triều chính. Đặc biệt có cụ Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất giữ chức Thượng thư tới 6 bộ, kinh qua 3 triều vua Lê; cụ cử nhân Hà Duy Phiên đã có thời gian thay vua nhiếp chính triều đình...

Noi gương các bậc tiền nhân, không những sống tốt ở quê nhà mà người Hoằng Lộc đã có mặt ở mọi miền Tổ quốc để sinh cơ lập nghiệp, làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Theo ban khuyến học xã Hoằng Lộc và các hội đồng hương Hoằng Lộc ở các tỉnh, thành: Từ năm 1945 đến năm 2015 Hoằng Lộc có hơn một ngàn người đạt học vấn đại học; 50 tiến sĩ, trong đó 19 người được Nhà nước phong chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Qua các cuộc chiến tranh vệ quốc tính từ năm 1945, hàng ngàn lượt người Hoằng Lộc hăng hái tòng quân; hàng ngàn lượt người đi dân công vận chuyển lương thực, làm đường phục vụ cho tiền tuyến, hàng ngàn lượt người là dân quân sát cánh cùng bộ đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Có 206 người đã hy sinh trên khắp các chiến trường, trong đó có một liệt sĩ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang - ông Hoàng Văn Kỷ. 19 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó: Một mẹ có cả chồng và con hy sinh; hai mẹ có 3 con hy sinh; năm mẹ có 1 con duy nhất hy sinh; tám mẹ có 2 con hy sinh.

Ngày nay Hoằng Lộc là xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Biết bao đổi thay trong cuộc sống ở mỗi gia đình nhưng còn một điều canh cánh của người Hoằng Lộc từ 53 năm nay là việc 14 chiến sĩ dân quân tử trận do bom đạn giặc Mỹ ở ngay quê hương mình vào đêm 10-7-1965 khi đang chấp hành lệnh điều động của huyện đắp trận địa pháo và đắp tích thổ tại Cồn Mơn như đã bị lãng quên. Đa số trong số họ chưa vợ, chưa chồng. Những đôi mắt tràn trề tương lai khép lại vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Hơn nửa thế kỷ qua, họ vẫn chưa được Nhà nước truy tặng là liệt sĩ.

Nào có phải cái kim bị cất giấu trong bọc đâu!... Cả ngàn người dân Hoằng Lộc có đủ tư cách là nhân chứng sống. Vì chính họ là những người trực tiếp giải quyết hậu quả trận bom Mỹ hoặc chính họ là chiến sĩ dân quân cùng chấp hành lệnh điều động của huyện trong hai đêm 9 và 10-7-1965 cùng 14 chiến sĩ đã hy sinh.

Ông Nguyễn Văn Danh nghẹn ngào: “Ông Ân và ông Cự đang đào đất, cô Tuyết, ông Bảng bốc đất vào gánh cho chúng tôi thì nghe một tiếng nổ đinh tai, đất đá tung mù mịt vào đầu, vào mặt. Ông Ân gục ngã. Tôi choáng váng ngã xuống thì ông Cự cũng ngã chận lên người tôi. Tiếng máy bay, tiếng bom đạn nghe xé trời. Rồi người ta kéo tôi dậy. Định thần lại, tôi sờ thấy người mình vẫn nguyên lành. Tôi sờ sang người ông Ân thấy máu đầm đìa. Rồi một người đỡ ông Ân lên vai tôi. Một người nữa vác ông Cự. Chúng tôi vác đồng đội lội tắt qua những thửa ruộng để lên đường. Cứ thế chạy về làng... Máu của ông Ân chảy xuống người tôi ướt đẫm cả áo. Về đến trạm xá thì có người đỡ ông Ân từ vai tôi xuống và đưa vào buồng bệnh. Ông Ân đã chết vì vết thương ở ngực trái. Ông Cự cũng không còn thở nữa vì vết thương ở bụng. Ở trạm xá khi đó hoảng loạn. Tiếng la khóc gọi tìm người nhà. Tiếng hét của những người bị thương. Người vác người kìn kìn vào phòng bệnh. Các phòng chật kín người. Trong phòng bệnh có ánh sáng đèn mới phân định được tình trạng vết thương nặng nhẹ. Ở đó, mới nhận ra ai là ai. Ông Hồng, các y sĩ, y tá, băng bó, khâu vết thương ngay trên giường bệnh. Ngoài sân trạm xá, năm, sáu cái cáng nằm một dẫy. Họ đã chết. Cả xã chỉ nghe tiếng la khóc thảm thiết!”.

Bà Nguyễn Thị Minh: “Đêm đó thật là kinh khủng. Ông Lũy xoắn đất còn tôi bốc đất vào gánh cho cô Mong, cô Nhung và mấy chị. Bỗng nghe tiếng bom nổ choáng tai, tiếng đạn bay vèo vèo. Đất đá tung lên mù mịt. Như có người đẩy tôi nằm vật xuống, rồi thấy một thân người đổ vào tôi. Sau mới biết là ông Lũy! Tỉnh lại, tôi cùng với mấy chị đỡ ông Lũy và cô Mong lên vai mấy người đàn ông rồi đưa về làng. Về đến trạm xá thì ông Lũy đã mất vì vết thương ở ngực, cô Mong, cô Nhung cũng trút hơi thở cuối cùng vì vết thương ở đầu... Một đêm hoảng loạn! Sáng ra cả làng trắng khăn tang. Ngột ngạt vì hương khói. Thảm thiết bởi tiếng la khóc!”.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, nguyên là chủ tịch xã: “Sự thực thì không có sự lãng quên. Từ nhiệm kỳ của ông Lê Bá Quán là bí thư, ông Nguyễn Tiến Hành là chủ tịch đến nhiệm kỳ của tôi và ông Lê Duy Hòa đã sau 30 năm (ông Kỳ làm chủ tịch, ông Hòa là bí thư đảng ủy từ tháng 3-1991 đến tháng 9-2000) đến các nhiệm kỳ sau chúng tôi nữa đều có đề nghị các cấp Nhà nước về việc truy tặng 14 chiến sĩ dân quân tử trận do bom đạn Mỹ trong khi đang làm nhiệm vụ theo lệnh điều động của huyện đêm 10-7-1965. Bản thân chúng tôi và các anh lãnh đạo xã trước chúng tôi, sau chúng tôi không chỉ có chứng nhận vào hồ sơ mà còn cùng thân nhân của những chiến sĩ đã tử trận gõ cửa nhiều nơi. Những nơi chúng tôi đến họ đều hứa sẽ nghiên cứu giải quyết. Nhưng chờ mãi đến ngày nay vẫn không có hồi âm.

Đêm 10-7-1965 là đêm thứ hai Hoằng Lộc có lệnh của huyện cử gần trăm con người đi đào đắp trận địa pháo và đắp tích thổ ở Cồn Mơn. Bắt đầu vào việc lúc 6 giờ tối thì hơn 7 giờ tối máy bay Mỹ oanh tạc vào đội hình. Dù không phải ở chiến trường nhưng người đào đắp trận địa pháo và đắp tích thổ ở Cồn Mơn là những người thực hiện lệnh điều động của huyện đi làm nhiệm vụ cả. Họ phải là liệt sĩ. Tại sao không? Nếu không có lệnh điều động của huyện thì không có lý do gì mà gần trăm con người xã Hoằng Lộc lại kéo nhau lên Cồn Mơn, địa phận Hoằng Quang - nơi được gọi là túi bom thời bấy giờ - để đến nỗi tử thương hàng loạt như vậy. Đó là câu trả lời dễ nhất nhưng không hiểu tại sao những người thụ lý hồ sơ không báo cáo lên người có thẩm quyền xem xét?... Không ai được phép coi việc hy sinh của 14 chiến sĩ này là do tai nạn chiến tranh, vì như vậy là cào bằng những người hy sinh trong khi thực hiện lệnh điều động của huyện với những người chết ở chợ Quăng!... (ngày 19-5-1950 thực dân Pháp đã ném bom xuống chợ Quăng xã Hoằng Lộc làm 49 người chết và 20 người đi chợ bị thương).

Gần đây có chủ trương của Đảng và Nhà nước cho kê khai những người đã tham gia đi dân công tiếp tế lương thực, đạn dược, làm đường cho người và xe ta ra tiền tuyến. Đó là sự tri ân của Nhà nước với những người có công trong chiến tranh vệ quốc. Nhiều người tham gia đã về với tiên tổ. Chúng ta đều biết số tiền tuy quý nhưng danh dự và lòng tự hào của một gia đình có người tham gia vào cuộc kháng chiến giành tự do độc lập cho dân tộc còn quý hơn nhiều! Từ đây chúng ta liên tưởng đến những người đã hy sinh tối 10-7-1965. Chỉ tiếc là trước đây do chủ quan hoặc khách quan nên hồ sơ chuyển từ cấp này qua cấp khác đã bị thất lạc làm mất cơ hội thời gian vàng của các thông tư quy định! Lại nữa, một số người làm công tác thương binh xã hội thời bấy giờ còn mang nặng “tính xin cho”, hoặc còn nhầm lẫn trách nhiệm nên chưa nghĩ đến việc về Hoằng Lộc, nơi xảy ra tử thương hàng loạt do bom đạn Mỹ trong lúc đang thực thi lệnh của huyện để nghe người dân nói lên sự thật và hướng dẫn dân kê khai hồ sơ theo yêu cầu của các thông tư thì việc 14 chiến sĩ dân quân tử trận đêm 10-7-1965 không đến nỗi bức xúc trong nhân dân cho mãi đến ngày nay. Hàng trăm con người trực tiếp giải quyết hậu quả sau trận bom đêm 10-7-1965 và có người từng trực tiếp tham gia việc thực hiện lệnh của huyện hôm đó đang còn sống đây mà lại không làm chứng được ư? Đành rằng có câu bằng chứng tại hồ sơ, không ai quản lý Nhà nước chỉ bằng nhân ái! Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Nếu không tin dân, nếu cứ bắt bẻ một cách máy móc thì chỉ mươi mười lăm năm nữa chuyện hy sinh của 14 chiến sĩ dân quân Hoằng Lộc đêm 10-7-1965 trên trận địa Cồn Mơn chỉ còn là chuyện cổ tích! Là người lãnh đạo, dù là ở cấp cơ sở, như chúng tôi cũng hiểu muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ đảng giao, dân tin phải dùng thế, dùng thuật và dùng luật! Chúng tôi cứ nghĩ như vậy để an ủi mình trước những nặng nợ với tiền nhân... Và, tin chắc rằng sự hy sinh của 14 chiến sĩ dân quân Hoằng Lộc khi đang chấp hành lệnh điều động của huyện tại trận địa Cồn Mơn phải nhận được sự công bằng, minh bạch!...”.

Chúng tôi ghi lại những dòng tâm huyết này, sau những lần gặp gỡ các chiến sĩ dân quân Hoằng Lộc đã chấp hành lệnh điều động của huyện đi đắp trận địa pháo cùng với 14 chiến sĩ dân quân đã hy sinh trong đêm 10-7-1965; gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo xã Hoằng Lộc, càng thấu hiểu thêm một điều rằng: Dân ta mỗi người có một cách đóng góp thậm chí là hy sinh cả tính mạng của bản thân họ cho sự nghiệp vệ quốc và mỗi người cũng có một cách làm để tri ân với tiền nhân đã hy sinh thân mình cho cuộc sống an bình. Đó là nét đặc trưng của văn hóa ứng xử mà ngàn đời vẫn chảy trong mỗi con người. Có khi nó âm ỉ, có khi nó trào dâng nên cảm nhận của người đời về những sự việc đã qua mỗi người mỗi khác. Suy cho cùng thì không chỉ có cuộc sống phức tạp mà cái chết cũng muôn hình vạn trạng. Có người cho rằng chết là hết. Về một khía cạnh nào đó cũng đúng thôi, vì từ xưa tới nay những người có nhiều tiền bạc, của cải ngập đầu mà nào ai đã mang theo cái mình có xuống âm phủ? Và, cũng từ ngàn xưa trong dân gian lại có câu: “Người chết để tiếng!”. Thế thì cái chết của 14 chiến sĩ dân quân Hoằng Lộc trong đêm 10-7-1965 là khúc vĩ thanh của cuộc sống về bình diện giáo dục con người mãi mãi ngời sáng trong chúng ta. Khi ta thấy cuộc sống càng đẹp đẽ, càng quý trọng và cần phải được nâng niu bao nhiêu thì khúc vĩ thanh càng sâu lắng, càng thanh cao, càng thấm đậm nghĩa tình và cần phải được lời một phán quyết công minh nhất về những gì họ đã dâng hiến cho đời.

Sự hy sinh của họ không thể lãng quên nếu chúng ta dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật.

Hoằng Lộc, mùa xuân năm Mậu Tuất - 2018.


Bút ký của NGUYỄN HUY SÚC

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]