(Baothanhhoa.vn) - Trong chiều dài ngàn vạn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng kiến biết bao thành trì được dựng lên bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của cha ông. Và trên vùng đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt còn đó đến hôm nay những dấu xưa thành cổ đang âm thầm “kể chuyện” lịch sử. Dấu tích thành cổ không chỉ là niềm tự hào, đó còn là minh chứng khẳng định cho vị thế của vùng đất này trong dòng chảy thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt.

Dấu xưa thành cổ

Trong chiều dài ngàn vạn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng kiến biết bao thành trì được dựng lên bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của cha ông. Và trên vùng đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt còn đó đến hôm nay những dấu xưa thành cổ đang âm thầm “kể chuyện” lịch sử. Dấu tích thành cổ không chỉ là niềm tự hào, đó còn là minh chứng khẳng định cho vị thế của vùng đất này trong dòng chảy thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt.

Dấu xưa thành cổHơn 6 thế kỷ tồn tại, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ vẫn khiến hậu thế kinh ngạc về kỹ thuật xây dựng.

Sừng sững thành đá Tây Giai

Sau những năm tháng hưng thịnh, nhà Trần bộc lộ dấu hiệu suy vong. Trong tình thế ấy, Hồ Quý Ly trở thành nhân vật chính trị nổi lên trong bộ máy nhà Trần lúc bấy giờ. Với tài năng, Hồ Quý Ly đã từng bước thâu tóm và xác lập quyền lực. Ông khát vọng xây dựng đất nước hùng mạnh với hàng loạt cải cách. Đỉnh điểm, ông cho đổi Thanh Hóa làm Thanh Đô trấn và xây dựng Tây Đô tại đây vào tháng Giêng năm Đinh Sửu (1397), công trình hoàn thành đã đưa xứ Thanh chính thức trở thành trung tâm chính trị của quốc gia Đại Việt - Đại Ngu.

Thành Nhà Hồ (Tây Kinh hay còn gọi là Tây Đô) ở xứ Thanh thay thế kinh đô Thăng Long (Đông Kinh) được xây dựng thần tốc với sự phi thường. Một tòa thành đá kiên cố với quy mô lớn hiếm có được khởi dựng và hoàn thành chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng. Hậu thế vẫn không thể lý giải, bằng cách nào, phải huy động bao nhiêu sức người, bao nhiêu tâm lực, máu xương, nước mắt mới có thể làm nên tòa thành đá kỳ vĩ cả về kiến trúc, công năng và giá trị độc đáo.

Người ta nhắc đến Thành Nhà Hồ với tư cách kinh đô của nước Đại Ngu (niềm vui lớn) - niên hiệu của đất nước ta dưới thời nhà Hồ. Điều đó đúng, nhưng là chưa đủ. Thành được khởi dựng và hoàn thành vào đầu năm 1397, tuy nhiên phải chính thức đến năm 1400 thì Hồ Quý Ly mới xác lập việc ra đời của triều đại nhà Hồ. Có nghĩa, trong thời gian từ 1397-1400 thì Thành Nhà Hồ vẫn là kinh đô của nước Đại Việt do vua Trần đứng đầu. Và như vậy, Thành Nhà Hồ lẽ dĩ nhiên chính là kinh đô của hai triều đại Trần - Hồ nối tiếp. Như vậy, lịch sử của Tây Đô nói chung và Thành Nhà Hồ nói riêng còn là lịch sử của một cuộc dời đô trong những biến động của dân tộc.

TS Lê Ngọc Tạo - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa nhìn nhận: “Khi Hồ Quý Ly cho dời đô từ Thăng Long (Hà Nội) về Tây Đô (Thanh Hóa) còn là vì những tính toán về mặt phòng ngự quân sự. Bởi khi ấy nhà Minh đang mưu đồ xâm lược. Vùng đất Thanh Hóa có vị thế hiểm trở, dựa vào thế núi sông, thuận lợi cho việc phòng thủ, chống đỡ với kẻ thù. Thành Nhà Hồ mang đầy đủ yếu tố của một kinh đô hành chính, phòng thủ quân sự. Và lịch sử đã chứng minh vị thế phòng thủ của Thành Nhà Hồ cả ở những giai đoạn biến động về sau. Chính vì vậy, việc Hồ Quý Ly lựa chọn Thanh Hóa làm nơi xây dựng Tây Đô với Thành Nhà Hồ (Thành Tây Giai) được xem là một bước ngoặt lịch sử trong việc khẳng định vị thế của vùng đất Thanh Hóa”.

Đến kinh đô kháng chiến

Vạn Lại - Yên Trường

Vùng đất Thanh Hóa dường như sinh ra là để trở thành nơi tìm về “thủ thế” của các triều đại mỗi lúc nguy nan. Và lịch sử dường như đã khẳng định cho nhận định ấy.

Qua những năm thái bình, thịnh trị, quốc gia dân tộc phát triển rực rỡ, nhà Lê không tránh khỏi dấu hiệu suy yếu. Đánh dấu bằng biến loạn chính trị năm 1527 khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, xưng hoàng đế. Và lúc này, sau 100 năm, vùng đất xứ Thanh lại trở thành chỗ dựa “căn bản” để quần thần giương cao ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc”.

Năm 1546, sau 13 năm kể từ khi Vua Lê Trang tông lên ngôi phải nương nhờ Ai Lao, thì lúc này đã chính thức chọn Vạn Lại, sau đó là cả Yên Trường để xây dựng hành cung và kinh đô kháng chiến.

Dấu xưa thành cổMột số hiện vật đá tại kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường còn lưu giữ đến ngày nay.

Cách Lam Kinh không xa, Vạn Lại được xem như “cửa ngõ” ra vào Lam Kinh khi xưa, đây cũng được biết đến như “phên dậu” của hương Lam Sơn. Bởi vậy, khi nhà Lê chọn Vạn Lại - Yên Trường làm nơi xây dựng kinh đô kháng chiến chống nhà Mạc thì nơi đây cũng chính thức trở thành chốn tìm về của hào kiệt bốn phương như Phùng Khắc Khoan, Hoàng Đình Ái, Lương Hữu Khánh... để dốc lòng phò tá cơ nghiệp trung hưng.

Bắt đầu từ việc đào hào, đắp lũy, xây thành trì, hành cung để nhà vua đến ở và cả thành lũy để chiến đấu. Và trong những năm tháng ấy, Vạn Lại - Yên Trường đã thực sự trở thành kinh đô kháng chiến của nhà Lê Trung hưng. Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường được kiến thiết với đầy đủ yếu tố: Triều nghi; trường thi, đàn tế, chợ búa, phố xá...

Trong khoảng gần 50 năm, do diễn biến phức tạp của chiến sự đã dẫn đến việc di dời kinh đô kháng chiến của nhà Lê Trung hưng từ Vạn Lại về Yên Trường và Yên Trường về Vạn Lại. Trong đó “Vạn Lại là nơi căn bản vững chắc, khi chiến sự xảy ra, kinh đô Vạn Lại là nơi sống còn và gắn chặt với việc Trung hưng của nhà Lê. Yên Trường giữ vị trí chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ kinh đô Vạn Lại từ xa, đảm bảo an toàn cho hành điện” (theo sách Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường).

Nếu như Lam Sơn là nơi khởi phát của vương triều hậu Lê thì Vạn Lại - Yên Trường là kinh đô kháng chiến để sự nghiệp nhà Lê sau những thăng trầm được “viết” tiếp. Đáng tiếc, thời gian và những biến động lịch sử qua nhiều thế kỷ đã khiến cho kinh đô kháng chiến ngày nào giờ đây phần nhiều chỉ còn là phế tích. Có chăng, chỉ còn lại dấu tích của hệ thống thành lũy xưa, cùng những địa danh lịch sử thiêng liêng: Đồi Phủ, Giếng Mắt Rồng, Bái Tiến, Long Hồ; Bến Tiên, Hành điện Vạn Lại, Đàn tế Nam Giao... mang trong mình những câu chuyện kể lịch sử.

Theo dấu thành cổ, “lắng nghe” di tích để hiểu thêm về những kỳ tích hào hùng, vĩ đại và cả mất mát đau thương của lớp lớp cha ông đi trước. Thấu hiểu, tự hào về lịch sử, để mỗi người nỗ lực hơn trong trách nhiệm “viết tiếp” tương lai.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]