(Baothanhhoa.vn) - Xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) trước đây là vùng đất cổ Biện Sơn không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Hơn hết, nơi đây còn là vị trí chiến lược về mặt quân sự, gắn liền với những sự kiện lịch sử đáng nhớ của dân tộc. Trên nền giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời, phân bố rải rác khắp xã đảo Nghi Sơn, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hệ thống giếng cổ mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm. Điều này càng góp phần khẳng định chiều sâu giá trị văn hóa - lịch sử cho xã đảo tươi đẹp này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn văn hóa Chăm trên xã đảo Nghi Sơn

Xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) trước đây là vùng đất cổ Biện Sơn không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Hơn hết, nơi đây còn là vị trí chiến lược về mặt quân sự, gắn liền với những sự kiện lịch sử đáng nhớ của dân tộc. Trên nền giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời, phân bố rải rác khắp xã đảo Nghi Sơn, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hệ thống giếng cổ mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm. Điều này càng góp phần khẳng định chiều sâu giá trị văn hóa - lịch sử cho xã đảo tươi đẹp này.

Dấu ấn văn hóa Chăm trên xã đảo Nghi SơnCận cảnh trong lòng giếng cổ với cấu trúc, kỹ thuật tạo giếng mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên xã đảo Nghi Sơn.

Quá trình dựng nước và giữ nước của vương quốc Chăm Pa gắn liền với những cuộc chiến tranh liên miên với các quốc gia láng giềng để giành quyền lợi. Trong đó, có nhiều lần họ đã giao tranh với người Việt. Cuộc chiến đầu tiên giữa hai quốc gia nói trên diễn ra dưới thời vua Lê Đại Hành. Sau khi “bình Chiêm”, vua đã “bắt sống được tướng sĩ không biết bao nhiêu mà kể” đưa về nước ta lập làng, khai ấp, khẩn hoang.

Tại Thanh Hóa, do có vị trí địa chính trị đặc biệt nên hình thành mối liên hệ đặc biệt với người Chăm. Người Chăm đến Thanh Hóa cư trú, lập trang, ấp, khẩn hoang ở các làng như: Đồn Điền (Quảng Thái, Quảng Xương), làng Xuân Phương (Quảng Châu, TP Sầm Sơn), làng Du Vịnh (Quảng Vinh, TP Sầm Sơn), làng Đại Khánh (Thiệu Khánh, Thiệu Hóa), Bồ Lồ trang (xã Đông Thanh, Đông Sơn), làng Bồ Lô, làng Thiết Cương (Triệu Sơn). Người Bồ Lô – di duệ của người Chăm cổ từ xưa đã từng cư trú ở Thanh Hóa và đã Việt hóa thành cư dân các làng ven biển: Bạch Câu, Nga Bạch (Nga Sơn), Hải An (thị xã Nghi Sơn)...

Trong nhiều lĩnh vực đời sống, phương thức sản xuất, canh tác đáng học hỏi của người Chăm phải kể đến kinh nghiệm khai thác nguồn nước ngầm. Minh chứng thuyết phục cho điều đó là sự tồn tại của một số giếng cổ trên xã đảo Nghi Sơn. Năm 2006, trong đợt khảo sát khảo cổ học ở thị xã Nghi Sơn, các nhà nghiên cứu Viện Khảo cổ học đã phát hiện được một số giếng cổ tại các thôn: Trung Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn thuộc xã đảo Nghi Sơn và nhận định rằng: Các giếng cổ này mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm từ kỹ thuật khai thác mạch nước ngầm đến cấu trúc và kỹ thuật tạo dựng giếng.

Chiếc giếng có kích thước lớn nhất, chiều dài mỗi cạnh khoảng 3m; sâu hơn 5m, nằm ở thôn Nam Sơn, người dân địa phương thường gọi là giếng Uống. Đây là chiếc giếng cổ còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Cấu trúc miệng giếng hình vuông, thành giếng được ghép bằng các phiến đá dày, ghè đẽo công phu, xen kẽ là một vài phiến đá lớn có bề mặt khá bằng phẳng, không có chất kết dính. Càng đi sâu xuống phần đáy giếng được thu nhỏ lại đột ngột bằng 3 lớp đá xếp giật cấp theo hình vuông từ trên xuống. Tuy mực nước đáy giếng không sâu nhưng nguồn nước dưới giếng luôn dồi dào. Cũng theo bà con địa phương cho biết, trải qua thời gian, có nhiều năm hạn hán, không chỉ người dân địa phương mà cả dân cư các vùng khác vẫn sang lấy nước từ giếng cổ về phục vụ sinh hoạt. Tại thôn Trung Sơn, đoàn khảo sát cũng tìm thấy một chiếc giếng cổ, người dân địa phương thường gọi là giếng Bà Vải. Mặc dù có kích thước nhỏ hơn nhưng chiếc giếng này có cấu trúc và kỹ thuật tạo hình tương tự những chiếc giếng ở thôn Nam Sơn. Được biết, ở thôn Bắc Sơn, nơi có dấu tích phòng tuyến thủy quân Tây Sơn cũng phát hiện được một giếng có hình dáng, kích thước, cấu trúc giống với giếng ở thôn Trung Sơn. Trước đòi hỏi, tác động của cuộc sống thường nhật, giếng cổ ở thôn Bắc Sơn đã bị lấp, chỉ còn lại dấu vết miệng giếng.

Ngoài những đặc trưng giống nhau về cấu trúc cũng như kỹ thuật tạo dựng giếng, một đặc điểm chung nổi bật là các giếng cổ nơi đây đều phân bố gần sát đường bờ biển xưa nhưng nước giếng không bị nhiễm mặn. Nước giếng trong lành, chưa bao giờ cạn, cư dân hiện nay vẫn sử dụng nước giếng trong sinh hoạt hàng ngày. Mới đây, các công trình xây kè chắn sóng, đường sá, nhà ở dân sinh đã đẩy mép nước biển ra xa so với quá khứ. Điều này cho thấy kinh nghiệm, kỹ thuật chọn mạch nước ngọt của người xây dựng lên những chiếc giếng này rất đáng học hỏi.

Những chiếc giếng này có từ bao giờ, do ai xây dựng, người dân xã đảo Nghi Sơn chẳng biết rõ. Chỉ biết rằng, chúng đã tồn tại trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây từ rất lâu rồi, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác uống nguồn nước trong những cái giếng này mà lớn lên. Giếng như “chứng nhân lịch sử” của làng, xã. Theo nhận định ban đầu của đoàn khảo sát, xét về niên đại, có nhiều khả năng các giếng cổ được hình thành vào thời gian nhà Tây Sơn xây dựng phòng tuyến thủy quân. Phòng tuyến thủy quân Tây Sơn trên xã đảo Nghi Sơn là một phần của phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn gắn liền với tên tuổi và công trạng của nghĩa quân Tây Sơn mà người đứng đầu là vị vua áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Tuy không được sử cũ ghi chép tỉ mỉ, rõ ràng nhưng hầu hết các tài liệu còn lưu lại đều có chung nhận định: Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc năm 1788 – 1789, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn giữ vai trò chiến lược quan trọng trong giai đoạn rút lui chiến lược cũng như giai đoạn phản công chiến lược. Đó là giới hạn rút lui cuối cùng của quân Tây Sơn ở Bắc Hà và cũng là địa điểm tập kết của đại quân Tây Sơn do vua Quang Trung thống lĩnh từ Phú Xuân kéo ra. Phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn được xem như bàn đạp của cuộc phản công chiến lược, là căn cứ xuất phát của các đạo thủy bộ hùng binh Tây Sơn tiến ra đại phá quân Thanh. Hiện nay, tại xã đảo Nghi Sơn, dấu tích phòng tuyến thủy quân Tây Sơn chỉ còn được lưu lại qua sự tồn tại của một số đoạn tường thành nhỏ: Thành Đồn, thành Hươu và thành Nguyệt.

Một xã đảo nằm giữa mênh mông sóng nước. Một vùng thắng cảnh mang đậm giá trị văn hóa – lịch sử vững bền tồn tại cùng năm tháng. Ở đó, sự hiện diện của những chiếc giếng cổ mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trong sinh hoạt, lao động sản xuất và đời sống tinh thần của người dân nơi đây như là minh chứng sinh động, tiêu biểu cho thấy quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ tự lâu đời. Chính quá trình ấy đã góp phần làm nên những nét đặc sắc, tiêu biểu trong văn hóa bản địa nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]