(Baothanhhoa.vn) - Với đồng bào các dân tộc đã định cư lâu dài ở huyện vùng cao Quan Sơn, thì các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó nổi bật là văn hóa phi vật thể dân gian, đã ăn sâu bắt rễ trong tư tưởng, tình cảm các thế hệ người. Đồng thời, được gìn giữ và lưu truyền liên tục, để đến hôm nay, nó vẫn hiện hữu đậm nét trong đời sống tinh thần và tâm hồn của mỗi con người, mỗi gia đình và cả cộng đồng bản làng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các giá trị văn hóa phi vật thể:

Đậm đà bản sắc tộc người

Đậm đà bản sắc tộc người

Nghi thức rước lễ vật tế thần linh trong lễ hội Mường Xia. Ảnh: Lê Dung

Với đồng bào các dân tộc đã định cư lâu dài ở huyện vùng cao Quan Sơn, thì các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó nổi bật là văn hóa phi vật thể dân gian, đã ăn sâu bắt rễ trong tư tưởng, tình cảm các thế hệ người. Đồng thời, được gìn giữ và lưu truyền liên tục, để đến hôm nay, nó vẫn hiện hữu đậm nét trong đời sống tinh thần và tâm hồn của mỗi con người, mỗi gia đình và cả cộng đồng bản làng.

Trong quá trình chống chọi với thiên tai địch họa, để sinh tồn và dựng mường giữ bản, những cư dân sống trên dải đất vùng biên Quan Sơn, đã sáng tạo và tích lũy nên một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng. Ở đó, nhiều giá trị văn hóa, đã vượt qua sự “mài mòn” của thời gian, bằng sức sống âm thầm nhưng mãnh liệt. Để rồi, cũng chính các giá trị ấy là nhân tố quan trọng, góp phần hình thành nên diện mạo riêng, hay bản sắc của một cộng đồng giữa các cộng đồng – dân tộc anh em. Với đồng bào các dân tộc đã định cư lâu dài ở huyện vùng cao Quan Sơn, thì các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó nổi bật là văn hóa phi vật thể dân gian, đã ăn sâu bắt rễ trong tư tưởng, tình cảm các thế hệ người. Đồng thời, được gìn giữ và lưu truyền liên tục, để đến hôm nay, nó vẫn hiện hữu đậm nét trong đời sống tinh thần và tâm hồn của mỗi con người, mỗi gia đình và cả cộng đồng bản làng.

Quan Sơn mặc dù là nơi định cư của nhiều dân tộc anh em, song không thể phủ nhận, các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái, có khả năng đại diện cho văn hóa của cả miền đất hội sơn tụ thủy này. Quá trình hình thành cộng đồng người Thái ở Quan Sơn nằm trong bối cảnh chung về nguồn gốc người Thái ở Thanh Hóa. Kết quả khảo sát, nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử của người Thái ở Thanh Hóa đã được phác họa qua nhiều con đường. Chẳng hạn, người Thái ở Ca Da (Quan Hóa) thì “Con đường di dân đến Ca Da trong lịch sử của người Thái, đã được thể hiện trong mo đưa hồn người chết. Trong bản mo ghi chép tại vùng Ca Da, khi kể đến đường đi ngày xưa của cây cỏ, súc vật từ trên trời xuống trần gian, có các địa danh tên đất, tên mường đã phản ánh một cách rõ ràng người Thái ở Ca Da từ Tây Bắc, từ nước Lào, đi dọc sông Mã xuống vùng Quan Hóa... Khi đã định cư vững chắc, người Thái lại tiếp nhận nhiều đợt di cư sau này của những người đồng tộc theo con đường truyền thống mà cha ông họ đã đi. Còn với người Thái ở Quan Sơn, qua các nguồn dữ liệu, nghiên cứu và điều tra khảo sát, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra có nhiều nguồn gốc hình thành nên cộng đồng người Thái bản địa. Trong đó bao gồm nguồn di cư từ Tây Bắc vào, từ Nghệ An ra, từ Lào sang và còn được bổ sung nguồn “Thái hóa” từ người Mường, người Kinh (họ Mạc, họ Hoàng...). Vì vậy, trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử, văn hóa của người Thái ở Quan Sơn, có nhiều nét đan xen mà hình thành nên sắc thái địa phương.

Cũng chính quá trình tồn tại lâu dài và đa dạng ấy, đã hình thành nên trong cộng đồng tộc người Thái Quan Sơn đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Đặc biệt trong đó phải kể đến hệ thống các tín ngưỡng dân gian, lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa – lịch sử, văn học dân gian, các trò chơi trò diễn dân gian, âm nhạc dân gian, ngôn ngữ, các phong tục vòng đời, ma chay, cưới hỏi... Theo quan niệm người Thái, thế giới chia làm bốn tầng theo trục dọc. Tầng con người đang sống trên mặt đất gọi là mường lúm (mường thấp); phía dưới mường lúm là mường lúm linh (người lùn bằng bình vôi); phía trên mường lúm là mường vun; phía trên mường vun là mường phạ (mường trời). Trong đó, tầng phạ bắt đầu từ “Ba mươi con đường tới, chín mươi con đường chụm”. Còn mường vun là thế giới mà linh hồn con người lên hưởng hạnh phúc vĩnh hằng, sau khi hoàn thành tốt đẹp kiếp sống làm người. Người Thái cho rằng, làm người phải biết kính trọng và sợ phép trời, nếu không sẽ bị trời phạt vì những hành vi bất kính. Chính vì lẽ đó, tín ngưỡng đa thần hay tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” – vốn là quan niệm phổ biến trong các cộng đồng cư dân các dân tộc – cũng là tín ngưỡng đã in đậm dấu ấn trong quá trình hình thành, tồn tại của tộc người Thái ở Quan Sơn.

Người Thái nơi đây thờ đa thần, gồm cả nhiên thần và nhân thần. Trong đó, nhiên thần gồm có thần núi, thần sông, thổ công, thổ địa, hang động, rừng thiêng, thần cây, thần nhà, thần bếp... Gắn với tín ngưỡng này là hệ thống các lễ nghi dân gian như lễ cúng cơm mới, lễ cúng vía lúa, lễ cầu mưa... Chẳng hạn, lễ cúng vía lúa. Người Thái quan niệm rằng, hạt lúa và ngô có hồn nên phải làm lễ cúng tế thì mùa sau mới gặp may mắn, tươi tốt. Cho nên, mỗi mùa vụ sẽ cúng vía trước và sau khi thu hoạch. Trước khi cấy trỉa, người Thái chuẩn bị lễ vật gồm một con gà luộc chín chặt ra, rượu và xôi đồ. Thầy mo sẽ cúng mời hồn lúa về dùng cơm; cúng thần địa mời thần ăn và bảo vệ cho cây lúa được tốt tươi; cúng mời ma nhà chứng kiến để bảo vệ mùa màng. Khi thu hoạch, dân bản cũng làm một lễ tương tự, với những sản vật quý nhất của bản như gà luộc, thịt luộc, bánh trái và một mâm cơm gạo mới. Sau khi các lễ vật được sắp xếp cẩn thận, thầy mo của bản thay mặt bà con làm lễ cúng để cảm tạ trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho con cháu khỏe mạnh để lao động sản xuất và làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia súc sinh sôi nảy nở từng đàn...

Lễ hội là hình thức sinh hoạt cộng đồng thể hiện lòng thành kính đối với những người có công với bản làng, với nước; đồng thời, là phương diện thể hiện đậm đặc ý thức cộng đồng, cũng như khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với người Thái Quan Sơn cũng vậy, quan niệm về nhân sinh, về thế giới và mong muốn của họ về cuộc sống bình yên, đã được phản ánh trong hệ thống các lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa – lịch sử lâu đời. Trong đó, lễ hội Mường Xia có sức sống lâu bền và tầm ảnh hưởng rộng khắp mảnh đất Quan Sơn. Lễ hội được tổ chức vào những ngày giữa tháng 3 âm lịch hằng năm. Đây là lễ nghi văn hóa lớn, nơi người dân thành kính hướng đến tri ân tướng quân Tư Mã Hai Đào, người đã có công gìn giữ biên cương và mang lại cuộc sống ấm no, phồn thịnh cho vùng đất. Người dân nơi đây còn lập đền thờ và coi ông là người giữ vía cho cả mường. Theo tục lệ truyền thống, người dân mường Xia gửi vía vào một hòn đá, còn gọi là hòn Đá Vía (tiếng Thái gọi là Lặc Mắn) để cầu ông giữ vía cho cả mường. Cũng từ đó, mỗi lần tổ chức lễ hội mường Xia, hòn Đá Vía sẽ được đào lên, tắm rửa sạch sẽ, bọc vải đỏ và được rước về đền thờ làm lễ. Đây là một trong những nghi thức trang trọng nhất của lễ hội Mường Xia và được người dân thực hành bằng tất cả sự thành kính. Kết thúc lễ hội, Đá Vía được rước về và chôn xuống chỗ cũ, ngay giữa bản Chung Sơn (xã Sơn Thủy), gần sát nền móng nhà ở của tướng quân Tư Mã Hai Đào xưa kia và được người dân bảo vệ cẩn thận, để tránh mọi sự xâm hại.

Có thể nói, cùng với kho tàng văn hóa vật thể, các giá trị văn hóa phi vật thể là những tín hiệu văn hóa lấp lánh của cộng đồng người Thái trong tiến trình lịch sử của mảnh đất Quan Sơn. Hiện nay, cùng với các phong trào văn hóa đang phát triển rộng khắp, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới; thì các giá trị văn hóa và thuần phong mỹ tục của đồng bào Thái, càng được quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Đồng thời, đây cũng chính là cơ sở quan trọng, góp phần làm nên diện mạo nền văn hóa mới, vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]