(Baothanhhoa.vn) - Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi!” - tiếng kêu thảng thốt tự đáy lòng của một người già ly hương - người mẹ lưu lạc, xa cách sau 44 năm gặp lại chính là một trong những điều thôi thúc đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng viết lại hồi ký cuộc đời mình khi đã ở cái tuổi ngoài 90. Cuốn hồi ký “Gánh gánh... gồng gồng...” ra đời, để trả lời cho chúng ta câu hỏi mang tính lịch sử, thời đại ấy, thông qua cuộc đời thăng trầm, lắm nỗi nhọc nhằn vất vả nhưng vẻ vang, chói ngời phẩm chất, nhân cách, tài năng của người phụ nữ mang tên Nguyễn Thị Xuân Phượng.

“Con chim Phượng” tôi luyện mình trong những cuộc thiên di

Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi!” - tiếng kêu thảng thốt tự đáy lòng của một người già ly hương - người mẹ lưu lạc, xa cách sau 44 năm gặp lại chính là một trong những điều thôi thúc đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng viết lại hồi ký cuộc đời mình khi đã ở cái tuổi ngoài 90. Cuốn hồi ký “Gánh gánh... gồng gồng...” ra đời, để trả lời cho chúng ta câu hỏi mang tính lịch sử, thời đại ấy, thông qua cuộc đời thăng trầm, lắm nỗi nhọc nhằn vất vả nhưng vẻ vang, chói ngời phẩm chất, nhân cách, tài năng của người phụ nữ mang tên Nguyễn Thị Xuân Phượng.

“Con chim Phượng” tôi luyện mình trong những cuộc thiên diCuốn hồi ký “Gánh gánh... gồng gồng...” của đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng.

“Đời người là những cuộc thiên di

Năm 16 tuổi, Xuân Phượng - thiếu nữ nhà giàu với cuộc sống sung túc, bình yên, sang chảnh theo nếp sống phương Tây đã quyết nghe theo tiếng gọi của lòng yêu nước, nhảy đò bỏ trốn gia đình đi theo tổ chức Học sinh cứu quốc Huế hoạt động chống Pháp. Bỏ lại sau lưng những chớp đỏ loang loáng phụt lên trong một trận Pháp càn, “con đò Huế của buổi sáng hôm ấy đã đưa người con gái mười sáu tuổi ra xa, xa mãi cái bến đò Chợ Mai của tuổi trẻ”.

Đời người là những cuộc thiên di. Để từ đó, “con chim Phượng” trải qua biết bao thăng trầm và biến ảo, niềm vui, hạnh phúc hòa cùng nước mắt, nghẹn ngào khổ đau, có lúc tưởng như là gục ngã, tự mình mò mẫm học cách cất cao đôi cánh bay cao, vươn xa. Người con gái đang độ xuân thì hăng hái tham gia Việt Minh với tất cả tình yêu nước, lòng nhiệt huyết, bản lĩnh tuổi trẻ: “Học sinh vào tuổi 16, 17 chúng tôi sẵn sàng rời bỏ gia đình, đồng lòng muốn đuổi quân xâm lược. Nguyện vọng của chúng tôi lúc bấy giờ chỉ có 7 chữ “giành lại độc lập cho đất nước”. Xuân Phượng kiên định với mục tiêu, lý tưởng ấy đến cùng. Bà khổ vì nó và cũng vinh quang bởi nó.

Nhiệt huyết, lý tưởng ấy bừng cháy dữ dội trong lòng người con gái trẻ. Ngay cả khi phải chia tay mối tình sâu đậm với Nam, bà vẫn nhất mực theo Đoàn Tuyên truyền kháng chiến chống Pháp Mặt trận Huế khu C. Ngay cả vào quãng thời gian đau khổ nhất, khó khăn nhất, khi gặp lại mẹ trong nước mắt, nghe mẹ nghẹn ngào động viên trở về, Xuân Phượng vẫn chọn con đường đi hoạt động chống Pháp xâm lược. Người con gái ấy không đành lòng “trở về, sống cuộc đời tĩnh lặng, êm đềm” trong lúc đất nước còn chưa sạch bóng quân thù, đồng đội vẫn kiên cường chiến đấu. Để rồi, 44 năm sau, Xuân Phượng mới gặp lại mẹ trên nước Pháp.

Xuân Phượng đã trải qua 9 năm lăn lộn ở liên khu 4: Thanh Hóa, Vinh, Cầu Giát và chiến khu Việt Bắc: Khe Khao, Bắc Cạn, Chợ Mới, Tuyên Quang, An Toàn Khu, bà trải qua nhiều vị trí, công việc: tham gia Đoàn Tuyên truyền Mặt trận khu C, Quân Y vụ liên Khu 4, chế tạo thuốc nổ, làm báo, trải qua chiến dịch Điện Biên Phủ khốc liệt... Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, Xuân Phượng tiếp tục trải qua nhiều ngành, nghề khác nhau: vào ngành quân y, sang làm quân giới thuộc ban chế tạo thuốc nổ, làm phiên dịch tiếng Pháp, làm báo rồi trở thành phóng viên chiến trường.

Có lẽ, đọc cuốn hồi ký, độc giả không thể lý giải điều kỳ diệu nào, sức mạnh to lớn nào đã giúp người con gái ấy, băng qua mưa bom bão đạn kẻ thù đi rải truyền đơn, cứu chữa thương binh, truyền tin liên lạc, chế tạo thuốc nổ, làm báo... trong điều kiện “màn trời chiếu đất”, “luôn đói ăn”, “mỗi ngày hai nắm cơm, một chai nước”, “ăn bốc, ngồi xổm, ngủ giữa trời lạnh”, “gối đầu lên đường ray xe lửa”, hành quân trên những đôi chân trần băng rừng, vượt suối suốt đêm ngày: “Năm 1946-1947, đối với tôi là năm kỷ niệm những trận đau cùng cực của đôi chân trần đạp lên đá nhọn. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi khi nhắc đến chuyến đi ấy, cảm giác đau rợn người vẫn còn nguyên vẹn”.

Số phận cá nhân và vận mệnh dân tộc

Ở Xuân Phượng, vừa có phẩm chất chung của người phụ nữ Việt vừa có những nét riêng biệt làm nên chân dung, cá tính Xuân Phượng với một số phận đặc biệt.

Cũng như bao người phụ nữ Việt lúc bấy giờ, bà Xuân Phượng luôn gánh gồng tất cả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống để vun vén hạnh phúc cho tổ ấm nhỏ của mình. Lấy chồng chiến binh nay đây mai đó, bà một mình sinh đứa con đầu lòng giữa dòng sông Lô rồi lại cực nhọc, vất vả nuôi con khôn lớn. “Mất sữa vì thiếu ăn, hai mẹ con địu nhau chăm chỉ làm việc giữa đêm khuya lạnh lẽo núi rừng, “sương xuống ướt cả đầu con và cái địu”. Con ốm đau, bà địu con trên vai mò mẫm đi bộ suốt 20 cây số tìm thầy thuốc. Vì gia đình, vì con cái, người mẹ ấy lúc nào cũng trong trạng thái tất tả ngược xuôi, căng sức làm lụng, kiếm thêm tiền, nuôi dạy con. Độc giả làm sao quên hình ảnh Xuân Phượng quyết một mình đưa con rời khỏi Gò Gai về Hà Nội với vỏn vẹn một đôi quang gánh. Một bên là cái thúng với ba con gà nhốt trong lồng, một cái xoong khuấy bột; một bên quang gánh là Phước - con trai Xuân Phượng với một túi quần áo... Phương tiện di chuyển duy nhất là đôi chân trần của người mẹ. Cứ thế gánh gồng qua mưa nắng, có lúc đói, mệt lả, ngất lịm đi. Vì con, vì hạnh phúc gia đình mà người đàn bà mạnh mẽ, cá tính ấy phải nhẫn nhịn chịu bao tủi hổ, ấm ức trong căn nhà kho hôi hám mùi phân gà. Vì con mà dẫu có chịu bao nhiêu cay đắng, người đàn bà ấy vẫn cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện: “Gắng lên con ơi! Thế nào cũng có những ngày tốt đẹp hơn”. Đó là bản năng, là thiên chức của người phụ nữ - người mẹ trong cuộc đời này.

Điều quan trọng nhất, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, độc giả cũng không khỏi cảm phục, trân trọng xen lẫn niềm xót xa trước tinh thần mạnh mẽ, kiên cường, ý chí lạc quan của Xuân Phượng. Bà thà nhảy sông còn hơn để bị làm nhục, thà ngủ chuồng trâu hôi hám, bẩn thỉu còn hơn phải xin lỗi một người mà mình khinh bỉ chỉ để đổi lấy sự yên thân, cung phụng. Hình ảnh bà cắt phăng mái tóc dài yêu thương, gìn giữ suốt nhiều năm thả trôi xuống sông Bạch Ngọc rồi quay người rời đi, bắt đầu cuộc thiên di mới của đời mình như một biểu tượng đẹp về tinh thần, ý chí của người phụ nữ Việt trong thời chiến tranh, loạn lạc.

Cuộc đời bà dường như đã chứng kiến những khoảnh khắc, ký ức lịch sử đắt giá nhất của dân tộc Việt trong thế kỷ 20.

Từ năm 17 tuổi, đứng dưới kỳ đài trước cửa Ngọ Môn Huế, bà đã chứng kiến cảnh “Vua Bảo Đại mặc áo gấm vàng, hai tay nâng thanh kiếm và một khay phủ vải vàng trên đặt chiếc ấn. Vị Hoàng Đế thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn quay mặt ra phía rừng người đang đứng dưới kỳ đài, rồi từ từ quay lại trao ấn kiếm cho đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời, ông Trần Huy Liệu. Lá cờ vàng từ từ kéo xuống, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Tiếng hoan hô vang dậy, dòng sông Hương rực đỏ cờ”.

Cùng với đồng chí, đồng đội của mình, bà đã góp phần nhỏ bé làm nên chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày Hà Nội tổ chức Lễ duyệt binh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, bà đã “vội vã bế hai con đến đứng rất sớm ở đầu góc Hàng Trống - Hàng Khay” để chờ đợi khoảnh khắc được nhìn thấy chồng mình oai phong ngồi trên chiếc command - car tham gia đoàn duyệt binh.

Bà vinh dự có hai lần được gặp Bác Hồ, được nghe người nghiêm khắc phê bình như người cha và ân cần, tin tưởng giao nhiệm vụ tháp tùng những người bạn Pháp quay phim chiến trường...

Năm 46 tuổi, chính bà đã quay phim cảnh “tướng Dương Văn Minh cùng các thành viên Chính phủ Việt Nam cộng hòa từ từ rời khỏi Dinh Độc Lập vào ngày 2-5-1975. Cũng vào ngày ấy, giờ ấy, những chiếc xe tăng của quân giải phóng đang đậu trước sân dinh vẫn chưa kịp rửa sạch những vết bùn từ các chiến trường trở về”.

Những thước phim chân thực, sinh động bà cùng đồng nghiệp quay được ở chiến trường, nơi Vĩ tuyến 17 bỏng rẫy đạn bom và nhiều bộ phim tài liệu khác nữa như: “Đêm trung thu”, “Tội phá nhà thờ”, “Việt Nam và chiếc xe đạp” (giải thưởng Bồ Câu bạc tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức), “Tôi viết bài ca hồi sinh”, “Khi những nụ cười trở lại”, “Hai tiếng quê hương”, “Trên một đoạn đường Trường Sơn”, “Giọt nước Tây Nguyên”, “Ông Năm Yerin”, “Khi tiếng súng vừa tắt”... Xuân Phượng không chỉ là người chứng kiến, là nhân chứng mà bà còn là một phần của lịch sử, quá khứ hào hùng ấy. Chính bà đã nói: “Tôi may mắn được chứng kiến những giờ phút lịch sử”. Thật kỳ diệu khi đọc cuốn hồi ký về cuộc đời của một người phụ nữ nhưng độc giả lại như thấy được diện mạo đất nước trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Điều đó chỉ xảy ra ở những con người đặc biệt mà số phận gắn liền với vận mệnh dân tộc, thời đại.

Từ khi về hưu (năm 1989), đạo diễn Xuân Phượng trở thành chủ sở hữu phòng tranh Lotus ở TP Hồ Chí Minh. Bà dành những năm tháng còn lại của cuộc đời mình để sống trọn với đam mê, vui vầy với bạn bè, người thân, gia đình và hồi tưởng lại tất cả vui buồn, sướng khổ, thăng trầm và thăng hoa trong quá khứ. Bà gói ghém cuộc đời mình trong cuốn sách nhỏ với tất cả lòng biết ơn, trân trọng, bao dung, độ lượng. Ở các nơi bà đã từng đi qua, các công việc mà bà đã từng làm, những người bà đã từng gặp, những sự việc đã xảy ra trong đời... đều như những nét chấm phá để khi tựu chung lại cùng khắc họa nên chân dung người phụ nữ Việt tiêu biểu - Nguyễn Thị Xuân Phượng.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]