(Baothanhhoa.vn) - Chùa Mậu Xương, xã Quảng Lưu (Quảng Xương) là ngôi chùa cổ có tuổi đời gần 600 năm. Dù đã trải qua bao biến cố do thiên nhiên và những thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc đẹp, giá trị, là điểm đến tâm linh thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chùa Mậu Xương – điểm đến tâm linh của huyện Quảng Xương

Chùa Mậu Xương, xã Quảng Lưu (Quảng Xương) là ngôi chùa cổ có tuổi đời gần 600 năm. Dù đã trải qua bao biến cố do thiên nhiên và những thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc đẹp, giá trị, là điểm đến tâm linh thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương.

Chùa Mậu Xương – điểm đến tâm linh của huyện Quảng XươngChùa Mậu Xương.

Chùa Mậu Xương - hay còn được gọi với cái tên cổ là Tuyết Sơn Phong tự, nằm trên khu đất “Đầu rồng” có diện tích tự nhiên là 12.500m2. Là ngôi chùa thờ Phật và liệt Thánh nội đạo. Đó là nét văn hóa riêng của Tuyết Sơn Phong tự. Chùa hình thành từ thời Trần, thuở sơ khai chùa có tên là Tuyết Phong; đến thời Lê, chùa có tên là Tuyết Sơn Phong tự. Khi Phật tổ giáng hạ và làng đổi tên thì chùa có tên gọi là Yên Đông. Đến năm 1830, làng Yên Đông lại đổi tên là làng Mậu Xương và từ đây chùa lại mang tên là chùa Mậu Xương cho đến ngày nay.

Sự hình thành và ra đời của ngôi chùa Mậu Xương rất đặc biệt. Truyền thuyết kể về sự giáng sinh của Phật tổ và liệt Thánh nội đạo chùa Mậu Xương như sau: Năm Mậu Dần 1578, ông Trần Ngọc Thích, con cái chưa có mà tuổi đã cao, ông đến chùa Tuyết Phong – làng Nguốn cầu nguyện mong có người nối dõi tông đường. Đến năm 1583, bà Hiệu Từ Ái (vợ ông) sinh hạ một nam nhi, dáng mạo khác thường, mặt như trăng rằm, thông sáng hơn người, đặt tên là Trần Ngọc Lành, lớn lên tinh thông võ lược văn thao, sau đổi tên là Trần Ngọc Trân. Vì cha bị bệnh nên ông không làm quan mà vào chùa Tuyết Phong cầu nguyện cho cha, ở đây ông gặp một vị Tôn Sư. Tôn Sư cùng ông vào chùa cầu nguyện và bảo ông đem nước lạnh, tàn nhang về nhà cho cha uống sẽ khỏi bệnh. Quả nhiên đúng như lời Tôn Sư nói.

Năm Bính Dần 1626, ông bỗng thấy trời mây đen tối, vị Tôn Sư xuất hiện trên điện thờ mà nói với ông rằng: Ta với con vốn có tiền nhân, nay đến đây bái đạo vài lời tiễn biệt. Trần Ngọc Trân vội khấu đầu nói: Từ khi được bảy nén hương để lại phụng thờ, một lòng kính mộ, há dám hẹn lại, nay thấy Tôn Sư, xin xả thân đầu giáo, nhưng chưa cởi bỏ tấm thân phàm tục, phỏng biết có được không?. Tôn Sư giảng đạo và chỉ cho ngài rằng: Tiền thân con là Quốc Vương Tây Vực, có lòng nhân ái, rất sùng đạo Phật, sau khi hóa thân đã được thụ sắc Na- La- Tri- Phật. Từ đó, đêm đêm Tôn Sư giáng hạ về chùa truyền đạo pháp cho Trần Ngọc Trân.

Năm Mậu Thìn 1628, Trần Ngọc Trân tham gia đào đắp đường huyệt, bắt gặp một bản đồng, trong đó có 40 ấn đồng, ngài mang về chùa, hương đăng cầu nguyện, hai tay vỗ vào nhau thành ấn, mở ra thành quyết, dậm chân luyện pháp cả vùng, phong vũ âm vang. Từ đó ngài đắc đại “Lục trí thần thông” hô phong hoán vũ, ngài là Đức Phật tổ - Thượng Sư Phật Bảo – Tự Pháp Lượng. Từ đây Tuyết Sơn Phong tự còn có tên là chùa Yên Đông vì tên làng Nguốn đã đổi tên thành làng Yên Đông, nay là Mậu Xương, xã Quảng Lưu. Ngài ra tay cứu nhân, giúp đời, dẹp yêu trừ quái. Ngài quy tiên giờ Dậu ngày 28 tháng Giêng năm 1643 (Quý Mùi), thọ 60 tuổi. Từ đó Nhân dân trong vùng hàng năm làm cỗ đến chùa để lễ kỷ niệm ngày mất của ông nhằm là ngày 28 tháng Giêng. Ở thời Lê, chùa xếp theo hình chữ tam và có ba cung thờ phụng...

Ngày nay, do nhu cầu của Nhân dân và số lượng khách đến chùa ngày càng nhiều, vì vậy được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, năm 2013 chùa làm lại mới cung Chính Tẩm bằng gỗ lim (còn lại đều bằng bê tông). Năm 2014 làm thêm nhà khách và bếp. Ban trị sự chùa Mậu Xương cũng đã trình lên các cơ quan chức năng để xây dựng thêm nhà viết sớ để phục vụ du khách thập phương đến chùa cầu nguyện. Chùa đã được Nhân dân địa phương và khách thập phương đóng góp xây dựng nhiều lần, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 25-1-1998. Đến tháng 1-2017 chùa đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ năm 2017 đến năm 2020, chùa tiếp tục được đầu tư, tôn tạo từ cảnh quan, cho tới các hạng mục, bảo đảm giữ nguyên được những nét đẹp, giá trị truyền thống cổ xưa của di tích lịch sử - văn hóa này.

Hàng năm, mỗi độ tết đên, xuân về, người dân và bà con phật tử từ khắp nơi đổ về hành lễ ở chùa như trẩy hội. Đây cũng là một trong những điểm đến quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của huyện Quảng Xương, giai đoạn 2021-2025.

Bài và ảnh: Khánh Hưng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]