(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Song, để có thể hiện thực hóa mục tiêu đó, không chỉ cần chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư; mà nhân tố con người hay chất lượng nguồn nhân lực, thiết nghĩ, cần phải được nhấn mạnh như một trong những nhân tố quyết định.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Chìa khóa” mở cánh cửa nguồn nhân lực chất lượng cao

“Chìa khóa” mở cánh cửa nguồn nhân lực chất lượng cao

Hướng dẫn viên giới thiệu về Di sản Thành Nhà Hồ đến khách tham quan. Ảnh: Hoàng Xuân

Thanh Hóa xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Song, để có thể hiện thực hóa mục tiêu đó, không chỉ cần chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư; mà nhân tố con người hay chất lượng nguồn nhân lực, thiết nghĩ, cần phải được nhấn mạnh như một trong những nhân tố quyết định.

Vài năm trở lại đây, Thanh Hóa đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất du lịch; kêu gọi, thu hút đầu tư để hình thành các khu, điểm và sản phẩm du lịch mới... Đồng thời, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, vừa bảo đảm số lượng, vừa hướng tới chuyên nghiệp, chất lượng cao. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 40.600 lao động du lịch trực tiếp (tăng gần 200% so với năm 2016), trong đó, lao động được đào tạo chiếm 79,5% tổng số lao động; 100% lao động tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch trọng điểm được bồi dưỡng kiến thức về du lịch và văn hóa giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh du lịch.

Theo đánh giá của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, thì nhân lực du lịch không chỉ tăng về số lượng; mà còn từng bước củng cố về chất lượng, thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, đã có 300 lượt cán bộ, công chức quản lý Nhà nước về du lịch cấp tỉnh được cử tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về du lịch do Tổng cục Du lịch, Ban Quản lý Dự án EU tổ chức. Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức được 9 lớp bồi dưỡng du lịch cộng đồng tại các khu du lịch trọng điểm; 1 lớp tập huấn kỹ năng du lịch sinh thái vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên; 3 lớp bồi dưỡng về giao tiếp ứng xử cho học viên thuộc các đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch, với gần 1.300 lượt học viên tham gia; tổ chức trên 40 lớp bồi dưỡng về du lịch cho hơn 4.800 lượt lao động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh...

“Chìa khóa” mở cánh cửa nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhân viên Khách sạn Bộ Xây dựng (TP Sầm Sơn) chuẩn bị bàn ăn phục vụ khách du lịch.

Tuy vậy, cũng cần khách quan nhìn nhận, mặc dù lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao (79,5%), song số lao động chưa qua đào tạo vẫn còn trên 20%. Lực lượng lao động này thiếu kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng cơ bản và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Nhận thức của người dân địa phương về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, có lúc, có nơi vẫn còn hạn chế. Do đó, họ chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và môi trường văn hóa - xã hội, nhằm phục vụ phát triển du lịch bền vững. Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ nói riêng, hình ảnh du lịch Thanh Hóa nói chung. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch ở các địa phương còn khá mỏng, thiếu cán bộ chuyên trách mà chủ yếu là kiêm nhiệm, kể cả các địa phương là trọng điểm du lịch. Nguồn nhân lực trong các cơ sở kinh doanh du lịch, nhất là các cơ sở quy mô vừa và nhỏ, chưa được quan tâm đúng mức. Đây cũng là những “nút thắt” đang kéo chậm sự phát triển du lịch.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cơ sở đào tạo du lịch và định hướng du lịch, gồm: Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; Đại học Hồng Đức; Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Công thương và Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực du lịch, vài năm trở lại đây, các cơ sở đào tạo đã được tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có một bộ phận không nhỏ sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp phải đào tạo lại. Bởi, mặc dù có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng đội ngũ này lại khá hạn chế các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và nhất là khả năng ngoại ngữ.

Như vậy, nhìn tổng thể, nguồn nhân lực du lịch tỉnh ta những năm gần đây đã có chuyển biến cả về lượng và chất. Song, sự chuyển biến này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng và mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều ý kiến cho rằng, “chìa khóa” để mở cánh cửa nguồn nhân lực chất lượng cao, không gì khác là phải đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo. Đào tạo đủ về số lượng để cung cấp cho các cấp độ, từ cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp đến doanh nghiệp du lịch. Việc chuẩn bị đủ cơ cấu số lượng lao động quản lý và lao động nghiệp vụ sẽ bảo đảm cho “cỗ máy du lịch” vận hành thông suốt, từ khâu xây dựng chính sách, quản lý Nhà nước, đến công tác nghiên cứu, đào tạo và hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, việc đào tạo phải hướng đến bảo đảm về cơ cấu ngành nghề, phù hợp với yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động, nhất là doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng đến chất lượng đào tạo cả về mặt chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cơ bản và tính chuyên nghiệp, thái độ, đạo đức nghề nghiệp. Bởi, thực tế cho thấy, số lượng mới là điều kiện “cần”; còn điều kiện “đủ” để thúc đẩy các hoạt động du lịch phải là chất lượng chuyên môn và văn hóa của đội ngũ nhân lực. Theo tiến sĩ Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trong tham luận tại Hội thảo “Phát triển du lịch Thanh Hóa trước thời cơ và thách thức mới”, diễn ra hồi cuối tháng 1-2021), để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, thì nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn hóa và phát triển. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa cần đội ngũ nhân lực có năng lực tư vấn, thiết kế, đào tạo và chuyển giao công nghệ đào tạo. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích, tạo lập kết nối bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa các thành phần trong “hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp”; bao gồm các cơ sở đào tạo du lịch, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức nghiên cứu - phát triển du lịch. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và sử dụng đội ngũ nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch thời gian tới.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]