(Baothanhhoa.vn) - Cứ mỗi lần xuất bản thơ, anh lại tặng tôi một tập. Từ năm 2013 đến nay, Vũ Duy Hòa (bút danh Minh Trang) lần lượt cho ra mắt bạn đọc 7 tập thơ. Tập đầu “Một mình” xuất bản năm 2013; năm 2014 liên tiếp xuất bản bốn tập: “Ký ức”, “Tiếng sóng”, “Giai điệu tháng năm” và “Giọt nhớ”. Hai tập “Những cung bậc nghĩa tình” và “Chiều nhớ” cùng xuất bản năm 2015.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chất lính và hồn thơ Vũ Duy Hòa

Cứ mỗi lần xuất bản thơ, anh lại tặng tôi một tập. Từ năm 2013 đến nay, Vũ Duy Hòa (bút danh Minh Trang) lần lượt cho ra mắt bạn đọc 7 tập thơ. Tập đầu “Một mình” xuất bản năm 2013; năm 2014 liên tiếp xuất bản bốn tập: “Ký ức”, “Tiếng sóng”, “Giai điệu tháng năm” và “Giọt nhớ”. Hai tập “Những cung bậc nghĩa tình” và “Chiều nhớ” cùng xuất bản năm 2015.

Chất lính và hồn thơ Vũ Duy Hòa

Nhà thơ Vũ Duy Hòa.

Thơ Vũ Duy Hòa có hai miền cảm hứng chủ đạo. Thứ nhất, anh hoài niệm về chiến tranh và người lính. Hoài niệm vì anh không làm thơ khi anh còn là người lính ở mặt trận mà đến khi tuổi cao, trưởng thành trong cuộc sống anh mới biến những ký ức chiến tranh thành những vần thơ. Miền cảm hứng thứ hai trong thơ Vũ Duy Hòa là tình yêu. Trước hết anh viết về bố, mẹ, vợ, con, cháu. Rồi ngòi bút mới lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước. Những nơi mà anh đã đặt chân tới, nơi mà anh ghi dấu ấn bao kỷ niệm.

Mảng thơ về ký ức chiến tranh, về đồng đội, về những hoài niệm có tới gần 30 bài: Đồng đội, Tết Quý Mùi, Nhớ sông Thương, Thiên Thai ngày ấy, Nhớ miền Đông, Hoài niệm thời quân ngũ, Thủ trưởng của chúng tôi, Một chiều Quảng Trị gửi người lính đảo, Nghĩa tình, Ký ức tháng tư, Nợ, Cô gái Trường Sơn, Bà mẹ vá cờ, Gạc Ma khắc khoải nỗi đau...

Có lẽ vì anh là người lính. Người lính đã chiến đấu ở ngoài trận địa, kể cả ở đảo Trường Sa, Hoàng Sa nên nguồn tư liệu cho thơ cứ ngồn ngộn chất lính. Hoài niệm đầu tiên của anh là ngày đầu ra đi nhập vào đội quân hùng hậu. Ra đi chống Mỹ cứu nước: Tuổi trẻ chúng tôi lớn lên trong gian khó/ Đất nước nghèo nên rau cháo nuôi nhau/ Từ những câu ca dao, chúng tôi thành chiến sĩ/ Với lời thề nguyện giải phóng miền Nam...

Thuở chúng tôi ra đi Trường Sơn Đông nắng lửa/ Trường Sơn Tây mưa lũ quét rừng già/ Sốt rét rừng run từng cơn bom đạn/ Mà chiến trường phơi phới những niềm tin (Hoài niệm quân ngũ). Và chàng trai ấy nhớ lại những gian nan khổ luyện trước khi bước vào trận đánh: “Sông Mã những tháng năm gian khổ/ Sóng cuộn dâng trong đạn bom khói lửa/ Có một chàng thư sinh mảnh khảnh/ Tình nguyện lên đường thành chiến sĩ nơi xa”. Và cái chịu đựng đầu tiên là: “Đêm dã ngoại gió buốt từng cơn lạnh/ Súng trên vai đi suốt chặng đường dài”. Và anh nhớ lại: Chúng tôi chung nhau một căn hầm dã chiến/ Cùng chia đôi cơn sốt rét giữa rừng. Rồi: Đêm pháo sáng rừng cao su lá đổ/ Võng bạt đung đưa trong tiếng bom thù. Cái mạch thơ “nhớ lại” ấy cứ miên man tuôn chảy: Ngày anh đi qua bao bom đạn/ Chẳng thấy em chỉ lấp loáng ánh đèn/ Nghe giọng nói răng mà thương mà nhớ. Và Em đã đi qua vạn ngày gian khổ/ Em đã đến với tận cùng khốc liệt... Sốt rét rừng xanh màu da con gái/ Bát canh măng đồng đội tự chăm mình... Hai người lính yêu nhau dẫu cho lời hẹn ước/ Để rồi xa nhau, xa mãi đến bây giờ.

Trường Sa, Hoàng Sa là biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi Vũ Duy Hòa đã từng đặt chân tới để bảo vệ những tấc đất thiêng liêng ấy. Anh không hoài niệm về những gian nan, vất vả thiếu thốn mà về tinh thần người lính thật hiên ngang: Anh đứng đó nơi Trường Sa lộng gió/ Canh đất trời cho Tổ quốc bình yên.../ Vinh quang ấy trao cho người lính biển/ Máu con tim khắc đỏ lời thề.

Cuộc chiến tranh ác liệt kéo dài nhiều năm tháng, người lính ở chiến trường không những phải đối mặt với bom đạn, kẻ thù mà phải đối mặt với bao nhiêu thử thách gian nan, ốm đau, bệnh tật, thiếu thốn, nhất là tình cảm. Vì thế những người lính họ thương nhau hơn bao giờ hết, những ký ức về đồng đội, về tình quân - dân, về những mảnh rừng, khe suối, về một chiếc lá rừng rơi, về những cái chết của đồng đội... cứ in sâu nhớ mãi: Em ở nơi xa về Hướng Hóa/ Đất lành bến đỗ thành quê hương/ Những chiều mây trắng bay về núi.

Đọng lại và cứ làm tôi ngẫm ngợi về bài thơ “Ký ức tháng Tư”. Đó là sự thương tiếc đồng đội dồn nén trong tim anh đã bật ra thành những vần thơ: Tháng Tư đến nhớ những người đã khuất/ Thắp nén hương gọi bạn cõi vĩnh hằng/ Bạn còn đó cùng mây trời non nước/ Những hàng bia đứng lặng xếp thẳng hàng. Và: Bạn ơi ba mươi tháng tư lại đến/ Tôi đi tìm những đồng đội ngày xưa/ Trời Sài Gòn nắng sắc vàng rực rỡ/ Chẳng thấy bạn đâu chỉ đỏ màu cờ. Vũ Duy Hòa như người mộng mị đi giữa rừng cờ đỏ ngày chiến thắng. Anh thương nhớ đồng đội đến tận cùng của con tim. Anh như thấy trời Sài Gòn rực rỡ màu cờ đỏ là màu máu của đồng đội đã ngã xuống để nhuộm thắm lá cờ Tổ quốc. Cả nước vui sướng tự hào, cả nước tôn vinh những người chiến sĩ giải phóng quân đã đem lại sự bình yên của Tổ quốc, ngày chiến thắng ấy, ai mà không thương nhớ bồi hồi về người cầm súng? Những giọt nước mắt lăn trên má Vũ Duy Hòa và những vần thơ của anh như một nén tâm nhang thắp trên bao ngôi mộ đồng đội mình.

Vũ Duy Hòa làm thơ khi tuổi đời đã chín. Cho nên những định nghĩa về thơ, những tuyên ngôn về thơ cũng rất thơ: Lặng lẽ nhặt tuổi thơ lam lũ/ Gấp vào trang sách để làm thơ. Và những câu thơ có cánh cũng đã bật ra: Lần bờ đê tìm cỏ may níu lại/ Lội dòng sông thấp thoáng con đò... Vun góp cho đầy đong lại thành thơ... Nói không hết đem gửi vào trang giấy/ Nghe lòng mình thổn thức gọi là thơ. Người ta nói thơ là tiếng lòng, là tiếng nói của tâm hồn. Vũ Duy Hòa nói: Nghe lòng mình thổn thức gọi là thơ. Cái dòng sông mà anh đang “lội” ấy phải chăng là dòng đời. Cái từ “lội” rất động. Ta như thấy một Vũ Duy Hòa đang vật lộn với ngôn từ, đang chiêm nghiệm dồn nén để thoát thai một câu từ, ngữ nghĩa, một tứ thơ.

Trong hàng trăm bài thơ anh đã viết thì tiếng lòng anh thổn thức trước hết với người cha, người mẹ, thể hiện một người thơ hiếu thảo. Anh khắc họa chân dung cha trong bài “Bố tôi”: Đã ngoài chín mươi tóc bạc da mồi/ Đôi chân gầy chầm chậm đến hoàng hôn/ Bố đã đi trong đoàn quân vệ quốc/ Trấn thủ sờn vai qua khắp chiến trường/ Đôi dép lốp trên đường dài kháng chiến/ Kết vành hoa Điện Biên Phủ lẫy lừng. Và: Hết chiến tranh bố trở về với mẹ/ Gia tài mang theo là chiếc huân chương/ Đôi dép lốp qua mấy mùa kháng chiến/ Trao cho con đi tiếp những chặng đường.

Và với mẹ, anh viết: Mẹ sinh ra từ làng quê nghèo khó/ Đất bạc màu sương trắng, cánh đồng khoai/... Mẹ còng lưng lo cho con ăn học/ Để mẹ vui khi con lớn thành người/ Đêm lặng lẽ khóe mắt người rưng lệ/ Bao tình thương dành hết cho con.../ Tóc bạc trắng, mắt mờ theo năm tháng/ Mẹ lại chăm lo cháu chắt nên người/ Bốn thế hệ trên vai Người trĩu nặng/ Suối trong nguồn chảy mãi với thời gian. Cuối cùng: Mẹ ơi mẹ những dòng này con viết/ Và nguyện cầu mẹ sống mãi mẹ ơi. Ai cũng có mẹ, có cha, Vũ Duy Hòa khắc họa hình ảnh cha mẹ mình bằng cả trái tim thành kính, thương cha mẹ mà dòng thơ và dòng nước mắt ứa ra, tự hứa với mình giữ gìn phẩm chất và tiếp bước cha ông.

Rồi với vợ, với con, với cháu, tình yêu đong đầy trọn vẹn nghĩa tình thủy chung. Thơ là hồn người chắp cánh cho thơ. Đọc lên ta cứ thấy một Vũ Duy Hòa trọn vẹn việc nhà, việc nước. Theo thời gian, thơ anh như những dòng nhật ký ghi lại, không những cho anh, mà cả cho đời ngẫm ngợi. Trong bài “Vợ tôi” anh viết: Ngày hôn lễ áo tôi cài miếng vá/ Dăm lá trầu, vài bao thuốc đơn sơ/ Hai người lính thành vợ chồng từ đấy/ Với ba lô con cóc gối đầu giường. Và cuối cùng qua bao gian lao vất vả, người vợ nuôi cha mẹ già và con nhỏ, vật lộn với miếng cơm manh áo. Tất cả rồi cũng vượt qua hết để còn lại một chữ tình son sắt: Không gì hơn bởi thủy chung son sắt/ Nâng anh đi qua suốt chặng đường dài/ Em sưởi ấm cho tình yêu mãi mãi/ Để muôn đời con cháu vinh hoa.

Trái tim yêu của Vũ Duy Hòa cũng bao la và nhân hậu, có một chút tình gì đó trong ký ức cứ khơi đi khơi lại mãi trong nhiều bài thơ nhớ về một đêm osix, nhớ về một Osaka xa xôi da diết. Rồi có một chút tình gì đó cho “Huế thương” cho “Miền Trung”, cho “Chiều Đồng Lộc”, cho “Cô gái Trường Sơn”, cho “Trại không chồng”, cho “Một ngày Hà Nội”, cho “Điệu ví dặm là em”, cho “Phiên chợ Na Mèo”. Gần hai trăm bài thơ ở ba tập Ký ức, Giai điệu tháng năm và Giọt nhớ đã tung tẩy theo thời gian, đã thả hồn vào cung bậc nghĩa tình, không gian rộng, thời gian dài, ta thấy anh cứ miên man theo mạch chảy mà tuôn trào những vần thơ như những dòng nhật ký của đời người. Anh như người nặng nợ với đời mà phải trả gấp, trả gấp chỉ trong một năm 2014.

Từ người lính được đào tạo kỹ lưỡng, anh trở thành Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, rồi được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội. Ở mỗi cương vị, mỗi lĩnh vực đảm trách anh đều có những vần thơ như tự xác định trách nhiệm nặng nề của mình với nhân dân, với Tổ quốc.

Như đã nhận định, thơ Vũ Duy Hòa chân chất, mộc mạc, dễ gần, dễ đọc. Anh không dùng ngôn từ bóng bẩy, xa lạ mà cứ tuồn tuột kể ra những cảm xúc mà “lòng mình thổn thức”. Để biểu đạt cảm xúc thành thơ, anh thường dùng thể thơ 8 chữ. Thể thơ 8 chữ mà như anh định nghĩa “thơ là những đoạn văn rút ngọn”. Đó là một lối đi riêng, lối đi mạch lạc không lẫn với ai. Chất nhạc và họa trong thơ Vũ Duy Hòa cũng đậm đặc, do đó nhiều bài thơ của anh được các nhạc sĩ phổ nhạc. Nghe những bản nhạc được phối từ thơ anh ta lại một lần nữa thêm yêu quê hương mình, Tổ quốc mình. Lời thơ bay cao, bay xa: Nghe em hát Sầm Sơn biển nhớ/ Gió cồn cào sóng gọi xôn xao. (Sầm Sơn biển nhớ). Anh đứng đó nơi Trường Sa lộng gió/ Canh đất trời cho Tổ quốc bình yên/ Cây phong ba qua bao mùa bão táp/ Vẫn hiên ngang nơi đảo nhỏ anh hùng (Gửi người lính đảo - nhạc Mai Kiên).

Xin mượn mấy câu thơ của Thi Lan tặng Vũ Duy Hòa làm câu kết của bài viết này:

... Như con ong vẫn cần mẫn kiếm tìm

Như ngọn lửa chứa chan lòng nhân ái

Nghề kiểm sát biết bao điều nếm trải

Gieo gặt niềm tin ở phía lòng dân

Gói mùa xuân trong chồi non lộc biếc

Chở hạ về bao ký ức sang trang

Thu lại nhớ tiếc điều gì da diết?

Đợi đông về xa vắng một niềm riêng.

Trân trọng những lao động nghệ thuật miệt mài của Vũ Duy Hòa - một chất lính, một hồn thơ trong trẻo.

Trần Đàm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]