(Baothanhhoa.vn) - Trong khi thị hiếu của đa số giới trẻ hiện nay là yêu thích các môn nghệ thuật mới mẻ, năng động, những dòng nhạc hiện đại thì Phạm Văn Hóa lại có niềm đam mê với hát chèo, diễn chèo, một môn nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa của người Việt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chàng trai xứ Mường đam mê với nghệ thuật chèo

Trong khi thị hiếu của đa số giới trẻ hiện nay là yêu thích các môn nghệ thuật mới mẻ, năng động, những dòng nhạc hiện đại thì Phạm Văn Hóa lại có niềm đam mê với hát chèo, diễn chèo, một môn nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa của người Việt.

Chàng trai xứ Mường đam mê với nghệ thuật chèo

Nghệ sĩ trẻ Nhật Hóa miệt mài với các buổi tập để đem lên sân khấu chèo những vở diễn chất lượng.

Lần đầu gặp Phạm Văn Hóa, nghệ danh là Nhật Hóa vào một buổi sáng khi anh đang cùng đồng nghiệp tập vở chèo “Vụ án Am Bụt Mộc”, chúng tôi ấn tượng về một chàng trai thế hệ 9X hiện đại, trẻ trung, năng động... Dáng vẻ của chàng thanh niên này dễ khiến người đối diện liên tưởng đến một “cậu ấm” chứ không nghĩ nhiều về một diễn viên biểu diễn và nghiên cứu môn nghệ thuật chèo. Thế nhưng, khi trò chuyện với Hóa, chúng tôi nhanh chóng bị cuốn hút bởi sự chín chắn, hiểu biết của anh về văn hóa truyền thống, nhất là khi nói về sân khấu chèo.

Chia sẻ về cơ duyên đưa một chàng trai trẻ người dân tộc Mường ở miền quê nghèo Ngọc Lặc đến với cái nghề dường như chỉ dành cho những người có tuổi, Hóa cho biết, ban đầu có thể là cái duyên, sau đã thành cái nghiệp. Từ nhỏ, Hóa đã rất thích nghe những làn điệu dân ca, xem các vở tuồng, chèo mà bà và mẹ thường mở trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và trên ti vi. Dần dần, tình yêu văn nghệ truyền thống cứ lớn dần trong tâm hồn cậu trai trẻ. Năm 2007, chị gái của Hóa khi đó đang công tác trong Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) thông báo có đợt tuyển sinh để mở lớp năng khiếu nghệ thuật chèo. Nhận thấy đây là cơ hội để được thỏa niềm đam mê, Hóa xin phép gia đình nộp hồ sơ thi và được đánh giá cao về khả năng cảm thụ chèo. Cũng trong năm này cậu trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa. Từ đây, cậu bé nghèo nơi miền quê xa xôi về thành phố bắt đầu với con đường chinh phục môn nghệ thuật dân tộc.

Trực tiếp được nghe thầy, cô giáo truyền dạy, hiểu và thấm hết cái hay, nét đặc sắc trong từng câu hát, cách nhấn nhá, điệu í...a của mỗi làn điệu chèo, Hóa thắc mắc: “Tại sao một làn điệu cổ của Việt Nam hay đến thế, độc đáo và ý nghĩa đến thế lại đang ít được quan tâm tới và có nguy cơ mai một? Phải chăng cuộc sống hiện đại, nhịp sống gấp gáp khiến mọi người dần thờ ơ, thậm chí lãng quên đi những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc?”. Cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với chèo nên Hóa càng quyết tâm theo đuổi và tìm mọi cách để giữ gìn bộ môn nghệ thuật dân gian này. Cậu nhận ra đây chính là con đường dành cho mình, là việc mình cần làm và phát triển.

Trong những năm theo học trên giảng đường, Hóa luôn là sinh viên xuất sắc của khoa, của trường. Sau khi tốt nghiệp, Hóa được nhận vào làm việc tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Mỗi năm, anh cùng đồng nghiệp của mình tham gia hàng trăm buổi diễn trên khắp các sân khấu lớn nhỏ, đi đến nhiều vùng sâu, vùng xa để phục vụ bà con nghèo. Hăng say cống hiến, Hóa không chỉ tham gia đóng những vai kép chính với những mẫu nhân vật chính diện, đẹp về cả ngoại hình lẫn tính cách mà còn hóa thân vào những nhân vật phản diện, tấu hài, đa phong cách... Ngoài những vở chèo cổ, anh cũng rất nhiệt tình sáng tác và biểu diễn các vở chèo truyền tải các vấn đề có tính thời sự, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Nhờ những tháng ngày miệt mài nghiên cứu chèo, nhờ lòng say nghề, tình yêu lớn dành cho môn nghệ thuật kén khán giả nên dù tuổi còn rất trẻ nhưng Phạm Văn Hóa đã được rất nhiều khán giả yêu mến và gặt hái được những thành công tại các cuộc thi lớn trên toàn quốc với nhiều Huy chương Vàng, Bạc, được các cấp, các ngành trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen.

Nói về Hóa, NSND Trương Hải Thọ, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa cho biết: Nhật Hóa là một nghệ sĩ trẻ tài năng, nhiệt huyết với nghề. Quá trình làm việc tại đơn vị, anh đã có nhiều cống hiến với những vai diễn chất lượng làm nên những vở diễn thành công trên sân khấu. Chúng tôi hy vọng Nhật Hóa cùng những đồng nghiệp của mình sẽ giữ mãi ngọn lửa nghề, từ đó lan tỏa, truyền dạy cho những thế hệ tiếp theo để bảo tồn loại hình nghệ thuật lâu đời và ý nghĩa của dân tộc.

Lựa chọn cho mình con đường để theo đuổi không hề dễ dàng, không phải là thứ nhạc trẻ dễ hát dễ nghe, không phải thể loại hip hop cá tính và sành điệu, cũng chẳng phải loại hình nghệ thuật nào hợp với giới trẻ và dễ dàng được đông đảo công chúng đón nhận, Hóa tâm sự: “Đúng là ngày nay, nhiều khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ ít quan tâm đến sân khấu chèo. Đó là bởi họ chưa cảm nhận được hết những cái hay, cái đẹp mang đậm nét tinh hoa văn hóa dân tộc và hơi thở cuộc sống chứa đựng bên trong mỗi câu hát, mỗi vở diễn. Cũng bởi vậy, sân khấu chèo đang ngày một bị thu hẹp lại, số lượng buổi diễn đang ngày một ít đi, diễn viên chèo cũng ít có cơ hội được biểu diễn, làm nghề như trước. Bản thân tôi theo đuổi môn nghệ thuật này đã 10 năm, cùng sân khấu chèo trải qua nhiều khó khăn để tìm kiếm những buổi diễn, để được hát, được thăng hoa và cũng từng chứng kiến nhiều tài năng, nhiều đồng nghiệp của mình buộc phải gác lại niềm đam mê để lo cuộc sống cơm áo. Tôi rất trăn trở, muốn làm một việc gì đó ý nghĩa để lưu giữ và phát triển môn nghệ thuật này. Nhưng trước mắt tôi chỉ có thể làm thật tốt công việc được giao ở đơn vị mình công tác, ngoài ra với những hoạt động bên ngoài, tôi thường đem những làn điệu, những tiểu phẩm chèo vào trong các show diễn đám cưới, các sự kiện ra mắt, khánh thành của doanh nghiệp... Đây là cách lan tỏa tình yêu chèo đến đông đảo quần chúng Nhân dân và cũng là cách để tôi có thêm thu nhập để khắc phục những khó khăn về kinh tế mà diễn viên chèo đang đối mặt. Còn về tương lai, khi đã đủ kinh nghiệm và chuyên môn, tôi muốn mở lớp dạy hát chèo để truyền thụ cho những bạn trẻ, thắp lên tình yêu của họ đối với một bộ môn văn hóa nghệ thuật dân gian vừa gần gũi vừa có tính giáo dục cao”.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài Và Ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]