(Baothanhhoa.vn) - Triết gia Thomas Carlyle từng nói: “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”. Quả thật, sách là một di sản văn hóa, một kho tàng kiến thức quý báu của nhân loại, gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng. Với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc” Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 đã nêu bật vai trò của sách và văn hóa đọc sách đối với mỗi cá nhân, xã hội, đặc biệt là đối với sự phát triển nền văn hóa.

Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc

Triết gia Thomas Carlyle từng nói: “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”. Quả thật, sách là một di sản văn hóa, một kho tàng kiến thức quý báu của nhân loại, gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng. Với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc” Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 đã nêu bật vai trò của sách và văn hóa đọc sách đối với mỗi cá nhân, xã hội, đặc biệt là đối với sự phát triển nền văn hóa.

Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc

Ngày hội đọc sách tại Trường Tiểu học Hermann Gmeiner (TP Thanh Hóa).

Chắc hẳn trong cuộc đời mỗi người, ai cũng biết đến sách. Đó là sản phẩm của quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, đúc kết tri thức của cá nhân, tập thể, quốc gia; là cầu nối quá khứ và hiện tại. Sách được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó cũng là công cụ giao tiếp, trau dồi tri thức, kết nối người với người, dân tộc với dân tộc. Xa xưa, con người thường ghi lại các tri thức trên thẻ tre, nền đất, hòn đá. Đến khi, con người chế tạo ra được giấy viết, mọi tri thức được đúc kết thành sách. Nhiều cuốn sách nổi tiếng, có hàm lượng kiến thức cao, giá trị vượt thời gian, không gian đã trở thành những sản phẩm vô giá của nhân loại.

Nói sách là sản phẩm quý giá bởi sách không chỉ đơn giản là kiến thức hay lưu giữ, phản ánh văn hóa... mà đọc sách giúp con người rèn luyện các kỹ năng, tình cảm, hình thành thói quen, văn hóa đọc sách. Thực tế, một người đọc sách mỗi ngày lâu dần sẽ hình thành thói quen, đam mê đọc sách, hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc hiểu đơn giản là thái độ ứng xử của mỗi người đối với sách và tri thức. Đơn cử như, yêu sách, giữ gìn sách, có thói quen đọc sách, kỹ năng đọc sách, đọc lành mạnh, hăng say tìm kiếm tri thức, trân trọng tri thức, biết chắt lọc kiến thức chung thành tài sản riêng, nâng tầm bản thân. Ví như, một người chỉ đọc sách khi cần, hay một sinh viên chỉ đọc sách trong chuyên ngành và môn mình học thì việc đọc sách mới chỉ dừng lại ở tra cứu, tìm kiếm thông tin, kiến thức, mà chưa hình thành thói quen, văn hóa đọc sách. Còn người thường xuyên đọc sách và đọc mọi lĩnh vực, đọc có chọn lọc, áp dụng kiến thức trong sách vào đời sống, giao tiếp thì việc đọc sách này đã trở thành văn hóa đọc.

Giá trị của sách không ai phủ nhận, song để sách trở thành một người bạn, một kho tàng kiến thức hữu ích, một công cụ nâng tầm tri thức thì không phải ai cũng làm được. Bởi thực tế, đâu phải ai cũng khơi dậy được đam mê đọc sách; biết cách đọc sách hiệu quả và áp dụng kiến thức cho bản thân. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, những cuốn sách chữ nối chữ thoạt nhìn không đủ sức hấp dẫn giới trẻ bằng những thiết bị thông minh đa màu sắc, những trò chơi, âm thanh, hình ảnh sống động.

Hiện nay, sách không còn đơn thuần là những cuốn sách giấy, mà sách đã phát triển lên sách điện tử qua các trang web, Internet. Tuy nhiên, số lượng người truy cập Internet đọc sách vẫn còn rất khiêm tốn trước số lượng người truy cập Internet chơi game, vào mạng xã hội facebook, tiktok... Điều này đang cảnh báo về một bức tranh tương lai phủ màu tối về sách, văn hóa đọc và tri thức, đặc biệt những tri thức dân gian.

Nhận thức được tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định phát triển văn hóa đọc. Cụ thể, Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Một trong những nội dung quyết định là lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Tiếp đó, ngày 4-11-2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức hằng năm vào ngày 21-4 trên phạm vi toàn quốc. Nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập. Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc cộng đồng. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Cùng với đó, ngày 15-3-2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phát triển nhu cầu văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Là một địa phương quan tâm phát triển văn hóa đọc, hằng năm Thư viện tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều hoạt động, chương trình phát triển văn hóa đọc. Thư viện tỉnh luôn chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, triển khai trưng bày sách, báo; tổ chức ngày hội đọc sách lưu động; luân chuyển sách, tặng sách cho các thư viện, tủ sách nhằm phát triển hệ thống thư viện cấp cơ sở, đưa sách, văn hóa đọc về từng thôn, làng, gia đình; tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động về sách. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh đã tăng cường nghiên cứu, sưu tầm bổ sung tài liệu chất lượng, phong phú và đa dạng để đáp ứng nhu cầu đọc của Nhân dân. Xây dựng nhiều mô hình, phong trào đọc sách, báo ở cơ sở. Như năm 2021, Thư viện tỉnh đã tổ chức 9 cuộc trưng bày triển lãm sách nhân các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương; luân chuyển sách về 35 điểm thư viện trường học, thư viện huyện, thị, thành phố; phục vụ 46 điểm xe ô tô thư viện lưu động đến các trường học; tổ chức thành công vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Thanh Hóa năm 2021.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện và chỉ đạo hệ thống thư viện cộng đồng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng; phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022; phối hợp cùng các địa phương, trường học tổ chức các hội đọc sách...

Bài và ảnh: Thùy Linh


Bài và ảnh: Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]