(Baothanhhoa.vn) - Nhiều người thường có thói quen xin chữ vào mỗi dịp đầu xuân với mong muốn “vạn sự như ý”, “cầu gì được nấy”... Những “Ông đồ” trong Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Xuân Hoa không chỉ đáp ứng mong mỏi về tinh thần mà còn góp phần đưa nghệ thuật Thư pháp sống lại và trở nên gần gũi hơn với đời thường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Câu lạc bộ Thư pháp Xuân Hoa

Câu lạc bộ Thư pháp Xuân Hoa

Nét đẹp xin chữ – cho chữ đầu xuân.

Nhiều người thường có thói quen xin chữ vào mỗi dịp đầu xuân với mong muốn “vạn sự như ý”, “cầu gì được nấy”... Những “Ông đồ” trong Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Xuân Hoa không chỉ đáp ứng mong mỏi về tinh thần mà còn góp phần đưa nghệ thuật Thư pháp sống lại và trở nên gần gũi hơn với đời thường.

Mỗi dịp tết đến, xuân về, TP Thanh Hóa tổ chức khai mạc hội sách báo xuân và bao giờ cũng kèm theo hoạt động viết Thư pháp. Năm nào các ông đồ cũng được mời sang viết chữ, thấy hay và ý nghĩa, năm 2010 những người viết Thư pháp ở Thanh Hóa đã đứng ra thành lập CLB để lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc. Cái tên Xuân Hoa được khai sinh từ đó mang nhiều ý nghĩa: Xuân là chỉ mùa xuân, mùa khởi đầu của một năm mới căng tràn sức sống; Hoa vừa có nghĩa là bông hoa đẹp, vừa chỉ tên địa danh tỉnh ta thời xưa. CLB Thư pháp Xuân Hoa được thành lập ban đầu chỉ có vài người, đến nay số thành viên đã lên tới 22 người. Người cao tuổi nhất là cụ Phong 92 tuổi, người ít tuổi nhất là chị Phương 35 tuổi. Các thành viên tham gia CLB đều là những người đam mê nghệ thuật Thư pháp, đã nghỉ hưu hoặc đang công tác trên nhiều lĩnh vực. CLB sinh hoạt đều đặn hàng tháng nhằm cùng nhau góp tài, đức, trí để hoạt động Thư pháp ngày càng phát triển. Những năm gần đây, cứ đến mùng 4 Tết Nguyên đán, Thư viện tỉnh và TP Thanh Hóa lại tổ chức nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng xuân và viết Thư pháp. Vì thế, tục xin chữ - cho chữ trong những ngày đầu xuân càng thêm phần ý nghĩa trong cuộc sống mỗi người.

Cụ Đỗ Đình Phong, Chủ nhiệm CLB Thư pháp Xuân Hoa - người đặt nền móng cho nghệ thuật Thư pháp trong tỉnh và cũng là người hoạt động lâu năm về Thư pháp chia sẻ, trước khi cho chữ, cụ phải miệt mài luyện chữ ròng rã 3 năm trời. Vốn là giáo viên dạy Toán, Trường THPT chuyên Lam Sơn, đam mê Thư pháp từ lâu, nhưng về nghỉ hưu được 10 năm, cụ mới bắt đầu đến với Thư pháp. Ngày đó, cụ mày mò tự học, không qua trường lớp đào tạo nào. Trong một lần ra Hà Nội, cụ gặp một bậc cao nhân chia sẻ cho cụ những bài học quý, chỉ cho cụ những loại sách cần mua. Cụ mang về ngấu nghiến đọc, tự học lấy chữ, viết đi, viết lại nhiều lần cho đến khi thuần thục, tốn không biết bao nhiêu giấy, mực. Đã 14 năm qua kể từ khi đến với Thư pháp, cụ không nhớ đã viết bao nhiêu chữ, bao nhiêu người đã xin chữ của cụ. Chỉ biết rằng, mỗi một chữ cụ cho đi đều mang một ý nghĩa lớn lao, ví dụ đối với các cháu học sinh xin chữ Học, treo chữ Học trong nhà thì các cháu sẽ luôn có ý thức phải học, học cho giỏi. Với người cao tuổi, người già xin chữ Thọ, mong muốn được sống lâu. Với người đang công tác hay đi làm xin chữ Đạt để mong được thành đạt, công thành danh toại. Người làm kinh doanh xin chữ Hưng, chữ Phát, chữ Thịnh, chữ Vượng với mong muốn công việc hanh thông, tiến triển, làm ăn có lợi nhuận. Thanh niên đến tuổi dựng vợ, gả chồng xin chữ Duyên để cầu cho lấy được người tâm đầu, ý hợp... Nếu xin một chữ, bao giờ cũng phải có một câu nói hay của người xưa trích ở phía dưới, nhằm minh họa cho chữ vừa xin. Ví dụ chữ Học đi kèm với câu “Học vô thường sư” có nghĩa là học ở bất cứ ai. Chữ Vượng đi kèm với câu “Đinh tài lưỡng vượng” nghĩa là người và của đều tốt cả. Chữ Thọ đi với chữ Khánh có nghĩa là sống vui – sống khỏe – sống có ích...

Cụ Phong cũng cho biết, người viết Thư pháp cần phải chú ý viết khi tâm trạng đang vui, nhất thiết phải thể hiện được cái tâm, ý, khí, lực của người dụng bút. Bởi Thư pháp là một môn nghệ thuật viết chữ đẹp. Muốn viết chữ đẹp phải nắm vững cấu tạo và hiểu hết ngữ nghĩa của từng chữ, nhớ được nhiều từ, đặt bút xuống là viết ngay, không chần chừ mà phải viết liền mạch, mạnh mẽ và dứt khoát. Nét chữ bên trái là nét nhạt, bên phải là nét đậm, lúc dày, lúc mỏng tùy người cầm bút mà tạo độ phóng khoáng, bay bổng cho chữ. Người cho chữ phải dồn hết tinh thần, trí lực vào ngòi bút, còn người xin chữ phải thể hiện sự chăm chú theo từng nét chữ với sự hào hứng, phấn khởi, kỳ vọng. Có như vậy, cả người xin chữ và người cho chữ mới cảm thấy được toại nguyện.

Để viết Thư pháp cần phải có đủ bộ “Tứ bảo”, bao gồm 4 thứ: Giấy, bút, mực, nghiên. Trong 4 thứ ấy, quan trọng nhất là bút, bởi bút định hình nên nét vẽ, mà phải là bút lông tốt của Tàu. Lông bút phải là lông thú mềm như lông con thỏ, lông con cò thì nét mới đẹp, chữ mới bền. Nét to dùng bút lông to, nét nhỏ dùng bút lông nhỏ. Giấy trước đây dùng toàn giấy dó được làm từ vỏ cây, nay được làm bằng nhiều loại giấy và được sản xuất bằng máy móc. Mực Tàu nay cũng được pha sẵn để tiện sử dụng, nhưng tốt hơn cả vẫn là dùng thỏi mực khô hòa với nước, càng mài càng sánh, viết càng ăn vào giấy và bền màu. Còn nghiên được làm bằng đá, dùng để đựng mực.

Khi cho chữ, các ông đồ thường vận trang phục áo dài đỏ, quần đỏ hoặc trắng, khăn xếp, có thể viết ở nhiều tư thế: Ngồi viết, đứng viết, thậm chí khi viết thượng lương (thanh xà để dựng nóc khi làm nhà mới) phải bắc giàn giáo rồi nằm ra viết, đôi khi phải viết được tay trái nếu tư thế không thuận. Nếu xin hai chữ để treo trong nhà thì nên treo một chữ có vần trắc ở phía bên phải, chữ vần bằng ở phía bên trái. Nếu xin một chữ thì có thể đóng khung để trên bàn làm việc, treo trước cửa hoặc đặt nơi trang trọng giữa nhà. Ngày nay, Thư pháp không chỉ đơn thuần là viết trên giấy truyền thống mà còn được các ông đồ thể hiện sinh động và hấp dẫn trên nhiều vật dụng khác nhau như: Mành, gỗ, đá, tranh... nhằm tôn vinh giá trị của Thư pháp.

Với những tâm huyết và đóng góp không mệt mỏi, những “Ông đồ” trong CLB Thư pháp Xuân Hoa không chỉ góp phần mang đến một mùa xuân trọn vẹn mà còn lưu giữ và phát triển Thư pháp trở thành bộ môn nghệ thuật gần gũi với cuộc sống đời thường; góp phần đưa nghệ thuật xin chữ - cho chữ trở thành mỹ tục không thể thiếu mỗi độ tết đến, xuân về. Thư pháp ngày nay cũng vì thế không chỉ bó hẹp trong những chữ Hán cổ xưa mà đã được mở rộng sang chữ quốc ngữ trong muôn vàn hình thái thể hiện, trong sự phong phú đa dạng, sinh động đến từng ngữ nghĩa ngôn từ. Tất cả nhằm khơi dậy tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, trân quý những giá trị có sức sống lâu bền của văn hóa dân tộc đã một thời vang bóng: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”...

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]