(Baothanhhoa.vn) - Được biết đến như là “mái nhà chung” của các cây bút quê Thanh yêu thơ và coi thơ là “thú chơi” thanh cao, tao nhã, Câu lạc bộ (CLB) Thơ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã trải qua chặng đường hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, gặt hái những thành tích đáng tự hào. Bằng nhiều hoạt động văn học - nghệ thuật ý nghĩa, thông qua các sáng tác của hội viên, CLB đã góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người quê Thanh đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh và cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Câu lạc bộ Thơ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa: Lan tỏa hương đất, tình người quê Thanh

Được biết đến như là “mái nhà chung” của các cây bút quê Thanh yêu thơ và coi thơ là “thú chơi” thanh cao, tao nhã, Câu lạc bộ (CLB) Thơ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã trải qua chặng đường hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, gặt hái những thành tích đáng tự hào. Bằng nhiều hoạt động văn học - nghệ thuật ý nghĩa, thông qua các sáng tác của hội viên, CLB đã góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người quê Thanh đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh và cả nước.

Câu lạc bộ Thơ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa: Lan tỏa hương đất, tình người quê ThanhĐại diện lãnh đạo CLB Thơ Việt Nam trao tặng cờ cho CLB Thơ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển CLB.

Thơ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa (trực thuộc CLB Thơ Việt Nam) được thành lập ngày 16-11-2009 với vai trò là tổ chức xã hội, tập hợp những người sáng tác, phê bình văn học, trình diễn, phổ nhạc cho thơ, tài trợ cho các hoạt động thơ... nhằm mục đích giao lưu, học hỏi về sáng tác thơ; góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới theo hướng giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những ngày đầu thành lập, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng CLB Thơ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực sáng tác, tạo sự tin tưởng, kết nối giữa những người yêu thơ. Từ chỗ chỉ có 2 CLB được thành lập tại TP Thanh Hóa và huyện Triệu Sơn, CLB Thơ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã thành lập thêm 2 CLB tại các huyện: Quảng Xương, Bá Thước với tổng số hội viên hơn 90 người (tính đến tháng 6–2020). Hội viên của CLB chủ yếu gồm: Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc vẫn đang công tác ở các cấp, các ngành trong tỉnh, cựu chiến binh... Dẫu họ là ai, làm công việc gì nhưng tất cả đều có chung quê hương, nguồn cội và tình yêu thương, niềm tự hào to lớn về mảnh đất xứ Thanh nơi mình sinh ra và lớn lên.

Trải qua quá trình hơn 10 năm xây dựng và phát triển, CLB đã sát cánh cùng các CLB thơ trong tỉnh đoàn kết, thống nhất, khích lệ hội viên chung sức, đồng lòng, phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn để gặt hái được nhiều thành tích đáng kể. CLB đã phối hợp thực hiện, phát sóng, tham gia nhiều chương trình thơ, xuất bản một số tuyển tập thơ chất lượng, tiêu biểu như: Các chương trình thơ chào mừng, kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh và đất nước; Chương trình “Gặp gỡ cuối năm” - giao lưu với các văn nghệ sĩ nổi tiếng người Thanh Hóa đang công tác tại Hà Nội. Hoạt động sáng tác được đẩy mạnh, từng bước nâng cao cả về số lượng đến chất lượng. CLB Thơ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã xuất bản 2 tuyển tập thơ mang tên: “Hương đất tình người quê Thanh” (tập I - 2017, tập II - 2020) tập hợp những bài thơ hay của các hội viên toàn tỉnh viết về tình yêu, niềm tự hào dành cho quê hương, đất nước, con người xứ Thanh... Song hành cùng với CLB cấp tỉnh, các CLB Thơ Việt Nam tại TP Thanh Hóa và các huyện: Quảng Xương, Triệu Sơn, Bá Thước đã năng nổ hoạt động, tạo dấu ấn riêng và sức lan tỏa sâu rộng như: Xuất bản các tập thơ “Trăng Hạc Thành” (CLB Thơ Việt Nam TP Thanh Hóa), “Hương đất và tình người Quảng Xương” (CLB Thơ Việt Nam huyện Quảng Xương), “Hương đất Ngàn Nưa” (CLB Thơ Việt Nam huyện Triệu Sơn), “Trăng sáng Pù Luông” (CLB Thơ Việt Nam huyện Bá Thước) và tổ chức các buổi giao lưu thơ tại địa phương. Bên cạnh hoạt động chung của CLB, nhiều hội viên tích cực sáng tác, có tác phẩm đạt giải thưởng về văn học nghệ thuật của tỉnh, các cuộc thi sáng tác do CLB Thơ Việt Nam tổ chức. Giữa khu vườn thi ca phong phú, đa dạng ấy, mỗi tác giả có dấu ấn riêng nhưng đều xuất phát từ nguồn cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp và những thành tựu trong sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước nói chung, vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh nói riêng.

“Xứ Thanh - bản thân tên gọi ấy đã nói lên rất nhiều điều có ý nghĩa. Chính cái nhìn địa - văn hóa này đã được cha ông ta từ xưa thấu tỏ, do vậy, dù trải qua bao nhiêu triều đại, qua bao cuộc sáp nhập và phân chia thì xứ Thanh vẫn là xứ Thanh, Thanh Hóa vẫn là Thanh Hóa” (Tiểu vùng văn hóa xứ Thanh - GS. TS Ngô Đức Thịnh). Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Thanh Hóa nổi danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển đất nước, anh hùng hào kiệt xứ Thanh thời nào cũng có: “Lên ngựa cầm cương, buông cương cầm bút”. Tuy khác nhau về địa vị, xuất thân nhưng phẩm chất tiêu biểu người xứ Thanh vẫn luôn in đậm dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp của những con người ấy. Đó là sự dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu; bền bỉ, cần cù trong lao động và sống ngay thẳng, trọng nhân nghĩa, nêu cao đạo lý làm người.

Tình yêu thương, niềm tự hào sâu sắc về vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh đã trở thành nguồn cảm hứng cho phần lớn các sáng tác của hội viên. Trong đó, tuyển tập thơ “Hương đất tình người quê Thanh” là ấn phẩm tiêu biểu, đúng như nhà thơ Lê Đăng Sơn, Chủ nhiệm CLB Thơ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tâm sự: “Giá trị lớn nhất của tuyển tập thơ “Hương đất tình người quê Thanh” là sự gửi gắm cảm xúc, tình yêu chân thành, giản dị, tri ân sâu sắc của tất cả các hội viên đến quê hương Thanh Hóa thân yêu; qua đó góp phần làm nên hương sắc muôn màu, thi vị trong vườn hoa thi ca xứ Thanh”.

Tuyển tập thơ “Hương đất tình người quê Thanh” vừa phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc. Đọc hai tập thơ, độc giả có thể dễ dàng bắt gặp những cái tên quen thuộc trên thi đàn xứ Thanh như: Lê Đăng Sơn, Vương Anh, Tống Minh Lung, Hà Thủy Phong Lan, Vũ Duy Hòa... Vẻ đẹp bao trùm lên ấn phẩm này là tình yêu với Đảng, Bác Hồ, cảm hứng ngợi ca, tự hào về quá trình phát triển không ngừng của quê hương, đất nước, vẻ đẹp đất và người xứ Thanh. Nhắc đến “Thanh kỳ khả ái”, mỗi người con xứ Thanh chẳng thể cầm lòng mà thốt lên tiếng gọi Hàm Rồng tha thiết, thân thương: “Dòng Mã giang ngược lên ngàn ghềnh thác/ Xuôi bến bờ sóng cuộn biển khơi xa/ Tiếng chuông chùa ngân nga từ thiền viện/ Cánh hạc bay quấn quýt giữa đồi thông” (Tiên cảnh Hàm Rồng - Vũ Duy Hòa). Ai đã một lần đến với miền Tây xứ Thanh, hẳn sẽ càng ngây ngất, vấn vương trong men say “hương rừng” của nhà thơ Vương Anh: “Hương hồi giỡn gió buông neo/ Bông lau trắng phớ trong veo đuôi chồn/ Kìa ngai ngái vị tầm ngơn/ The the lá bưởi dại mơn mởn chòa/ Lá cây cơm nếp thơm xa/ Giàn mâm xôi nở cúc hoa lại gần/ Ta đi ngây ngất cội nguồn/ Hương rừng trẩy hội mãi cồn cào mơ.../ Đi từ giấc trở nguồn xưa/ Để hôm nay nối bến bờ hương cây...”. Chính men say quyện vào lòng người để dù có đi đâu, về đâu thì vẫn luôn sâu sắc ngóng trông về miền quê hương cùng với sự hàm ơn sâu sắc: “Đất lành cho cá, cho cơm/ Đất thiêng chiêm bái hương thơm bốn mùa/ Đất đi theo nắng, theo mưa/ Đất ở thao thức sớm trưa cùng người” (Đất đi, đất ở - Vương Anh). Dáng hình quê hương là những kỷ niệm đã khắc sâu vào tâm trí, trở thành dấu ấn cuộc đời lưu giữ trong thơ: “Có bao giờ em nhớ lại ngày xưa/ Chiều nồm nam những cánh diều no gió/ Chú cào cào cũng ghếch càng ngơ ngác/ Tiếng sáo diều vi vút tỏa tầng không”. Đất nước thanh bình, em với anh là những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa với cỏ cây, hoa lá nhưng khi vận mệnh dân tộc lâm nguy, chúng ta lại “lớn lên” trong tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng: “Có bao giờ em nhớ chuyện ngày xưa/ Những buổi chúng mình lau từng viên đạn/ Cho các anh bắn tan tàu bay Mỹ/ Để ngày này, đất nước trọn niềm vui” (Em ơi!... Đừng bao giờ quên chuyện ngày xưa - Nguyễn Hùng Sơn).

Giờ đây, xứ Thanh không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên, tình người nồng hậu mà cất cánh bay cao, bay xa trong niềm tự hào về những con số tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển du lịch... với điểm nhấn là Khu Kinh tế Nghi Sơn: “Khu Kinh tế Nghi Sơn như một dàn hợp xướng/ Nhạc trưởng là: Lọc hóa dầu... Nhiệt điện, Xi măng...”. Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào thực tại, xoáy vào những vỉa tầng quá khứ sẽ thấm thía một điều rằng: Tất cả đều bắt nguồn từ cội nguồn sức mạnh ngàn năm tinh hoa hội tụ, gói ghém vẹn tròn trong một tiếng “Quê”: “Con sông Mã/ Lồng lên như ngựa vía/ Ngàn Nưa xanh/ Từ phía tiếng voi gầm/ Nàng Mạnh Khương/ Đập đầu vì tiết nghĩa/ Em vọng phu/ Trong đá núi âm thầm!/ Đất quê gầy/ Như dáng bà dáng mẹ/ Những trâu cày/ Không/ Nhớ/ Tuổi tên mình!/ Thanh thản.../ Vô danh nơi chiến địa/ Ái châu thành hồn vía xứ Thanh” (Đào Phan Toàn). Đó cũng là điều mà CLB Thơ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa mong muốn lan tỏa đến đông đảo bạn đọc ở khắp mọi miền đất nước thông qua các ấn phẩm của CLB và sáng tác của hội viên.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]