(Baothanhhoa.vn) - Ngay từ ngày mới thành lập, việc sáng tác và bình thơ là một trong những nội dung hoạt động được ban chủ nhiệm và đông đảo hội viên Câu lạc bộ (CLB) Hàm Rồng hết sức quan tâm. Lúc đầu thơ do hội viên sáng tác được quảng bá bằng hình thức báo tường tại trụ sở CLB. Đến giữa năm 1989, CLB thành lập tổ thơ và mỗi năm xuất bản một tập thơ xuân, lấy tên năm âm lịch đặt cho tập thơ, như: “Thơ xuân Giáp Tuất 1994”, “Thơ xuân Ất Hợi 1995”, “Thơ xuân Bính Tý 1996”...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bốn mươi năm thơ câu lạc bộ hàm rồng (Giới thiệu tập thơ Sáng mãi niềm tin, NXB Thanh Hóa 2022)

Ngay từ ngày mới thành lập, việc sáng tác và bình thơ là một trong những nội dung hoạt động được ban chủ nhiệm và đông đảo hội viên Câu lạc bộ (CLB) Hàm Rồng hết sức quan tâm. Lúc đầu thơ do hội viên sáng tác được quảng bá bằng hình thức báo tường tại trụ sở CLB. Đến giữa năm 1989, CLB thành lập tổ thơ và mỗi năm xuất bản một tập thơ xuân, lấy tên năm âm lịch đặt cho tập thơ, như: “Thơ xuân Giáp Tuất 1994”, “Thơ xuân Ất Hợi 1995”, “Thơ xuân Bính Tý 1996”...

Bốn mươi năm thơ câu lạc bộ hàm rồng (Giới thiệu tập thơ Sáng mãi niềm tin, NXB Thanh Hóa 2022)

Bước sang thế kỷ 21, phong trào sáng tác và bình thơ phát triển sôi nổi, CLB xuất bản thường kỳ các tập thơ lấy tên chung là “Duyên thơ”. Để thơ của CLB bám sát cuộc sống, ngoài việc xuất bản thơ xuân và các tập Duyên thơ, CLB Hàm Rồng còn xuất bản các tập thơ chuyên đề gắn với các sự kiện chính trị, những ngày lễ lớn của tỉnh và đất nước như các tập: “Gương Bác sáng đời ta”, “Âm vang Điện Biên”, “Thành Nhà Hồ”, “Nghi Sơn vẫy gọi”, “Đại tướng trong lòng dân”... Đặc biệt trong dịp tỉnh nhà kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa (1029 - 2019) CLB xuất bản tập thơ “Hương Thanh” nhằm ca ngợi quê hương Thanh Hóa anh hùng được dư luận bạn đọc đánh giá cao. Trong những năm tháng cả nước chung tay chống đại dịch COVID-19, CLB xuất bản kịp thời tập thơ “Chung tay chống dịch” được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đông đảo bạn đọc hoan nghênh.

Sau 40 năm hoạt động, phong trào sáng tác thơ ở CLB Hàm Rồng đã thu được những thành quả rất đáng ghi nhận. Hội viên CLB Hàm Rồng đã sáng tác được hàng ngàn bài thơ, xuất bản 30 tập thơ xuân, 47 tập Duyên thơ, gần 20 tập thơ về các chuyên đề, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đông đảo hội viên. Chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập CLB Hàm Rồng (19-5-1982 – 19-5-2022), CLB xuất bản tập thơ “Sáng mãi niềm tin”. Trong lời nói đầu tập thơ ban chủ nhiệm đã khẳng định: “Đây là tập thơ tuyển chọn trong 40 năm sáng tác thơ của hội viên, thể hiện niềm tin son sắt của hội viên CLB Hàm Rồng với Đảng, Bác Hồ, với con đường Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn...”.

Thơ CLB Hàm Rồng là thơ của “Những chiến sĩ áo xanh/ Những cán bộ lão thành/ Lấm tấm da mồi/ mái tóc bạc phơ...” nhưng “Vẫn hoài bão với tấm lòng trong sáng/ Vẫn trăn trở về tình dân, nghĩa Đảng/ Vẫn một lòng tin Đảng, tin dân” (bài “Những cánh chim không mỏi” của Trung Kiên). Có lẽ vì thế nên ngay từ khi mới thành lập tổ thơ (tháng 6-1989), CLB đã phát động đợt sáng tác về Bác Hồ nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Và năm sau, năm 1990, xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên “Nỗi nhớ niềm tin”. Nỗi nhớ ở đây là nỗi nhớ Bác Hồ, niềm tin ở đây là niềm tin vào con đường Bác và Đảng ta đã lựa chọn. Hãy nhớ lại, thời điểm trước và sau năm 1990 của thế kỷ trước, tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, hệ thống XHCN sụp đổ, trong bối cảnh ấy hội viên CLB Hàm Rồng vẫn hào hứng làm thơ ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi Đảng với tấm lòng trong sáng thủy chung.

Trong bài “Ngôi sao tháng năm” tác giả Vũ Nhẫn viết: “Nước non sâu nặng nghĩa tình/ Con theo Đảng đến quên mình, Bác ơi!”; trong bài “Mừng trăm năm ngày sinh Bác Hồ” tác giả Lê Thị Bích hứa với Bác: “Chúng con nguyện trọn đời/ Theo con đường Bác chọn”. Thơ trong tập “Nỗi nhớ niềm tin” có thể chưa thật hay, nhưng niềm tin yêu đối với Bác Hồ, với Đảng, với Nhân dân của hội viên CLB Hàm Rồng vẫn còn sáng mãi.

Một chủ đề khác cũng được hội viên CLB Hàm Rồng hết sức quan tâm và được thể hiện khá đậm nét trong tập thơ “Sáng mãi niềm tin”, đó là niềm tự hào về vùng đất và người xứ Thanh trong chiều dài lịch sử. Niềm tự hào ấy được các tác giả thể hiện trong những bài thơ ca ngợi các anh hùng dân tộc: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi; ca ngợi những địa danh đã từng lừng danh trong lịch sử chống ngoại xâm: Ngàn Nưa, Lam Sơn, Đèo Ba Dội, Hàm Rồng, Đò Lèn, Phà Ghép, ca ngợi những danh thắng xứ Thanh: Làng cổ Đông Sơn, suối cá thần, cửa biển Thần Phù và nhiều di tích, danh thắng khác. Trong bài “Đất Trường Thi” tác giả Nguyễn Duy Khoa thốt lên: “Ở đâu như đất quê mình/ Danh lam, di tích hiển linh bao đời/ Niềm tự hào ấy em ơi/ Phải đâu xây chỉ một đời mà nên”.

Tình yêu quê hương cũng là chủ đề chiếm một vị trí quan trọng trong 40 năm thơ CLB Hàm Rồng. Dòng thơ này chân thật, đằm thắm mà da diết làm sao. Tác giả Lê Anh Trẩy trong bài “Về quê” khẳng định: “Tuổi già thứ nhất về quê/ Mỗi khi có hẹn được về là vui”, đến cuối bài ông đúc kết: “Tuổi già đâu phải thèm cơm/ Mà thèm hương vị lúa rơm quê nhà”. Quê hương trong thơ CLB Hàm Rồng còn có những dòng sông và những con đò. “Bến quê lắng đọng câu hò/ Nghe man mác tiếng gọi đò sang sông” (bài “Thăm quê” của Hà Đình Huy) hay “Bến đò xưa cũ ai ơi/ Còn trong ký ức, nay người về đâu” (bài “Bến đò xưa” của Lê Trung Sơn). “Rồi mai ngày ắt phải đi xa/ Mang theo cả dòng sông quê mẹ” (bài “Làng Giàng quê mẹ” của Dương Đình Chữ).

Thơ trong tập “Sáng mãi niềm tin” cũng dành khá nhiều bài ca ngợi thành quả công cuộc đổi mới và cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Bài thơ “Đổi đời” của tác giả Nguyễn Văn Lợi ca ngợi sự đổi thay của vùng quê nghèo Nghi Sơn. “Hình ảnh người dân kéo rùng trên biển/ Dáng liêu xiêu trong nắng nhạt nhòa/ Trên đồng muối những lưng trần phơi cát” khi có công cuộc đổi mới: “Rồi mai đây trên mảnh đất này/ Sẽ sừng sững những công trình thế kỷ/ Nhiệt điện, xi măng, đóng tàu, dầu khí”.

Tác giả Đinh Thị Cúc trong bài “Mường Lát ngày nay” lại ca ngợi sự đổi thay trên vùng cao Mường Lát xứ Thanh.“Ngày xưa vùng cao Mường Lát/ Thị trấn chìm trong khói mây/ Sương mù bao quanh bản nhỏ/ Dọc dài đỉnh núi như chông/ Ngày nay ơn nhờ Đảng Bác/ Mường Lát đổi thay từng giờ/ Cầu treo giăng nối đôi bờ/ Ngôi trường hồng tươi ngói đỏ/ Con chữ đùa vui trang vở/ Mương phai tươi tốt lúa đồng”.

Trong tập “Sáng mãi niềm tin” có 2 bài thơ, bài “Minh Dân tỏa sáng” của tác giả Trần Đàm và bài “Về thăm xã nông thôn mới Ngọc Phụng” của tác giả Lê Mạnh Hợp viết trực tiếp về Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây là hai bài thơ được trao giải trong cuộc vận động sáng tác về xây dựng nông thôn mới do Hội Người cao tuổi Thanh Hóa phát động. Viết về nông thôn mới mà “Heo may trời đổ sang thu/ Đồng ngô no bắp gió ru dập dìu” (bài của Trần Đàm), hay “Ngọc Phụng bây giờ gặp lại em/ Dẫu rằng lúng túng lạ mà quen/ Hình như em ửng hồng đôi má/ Vì xã nông thôn mới vững bền” (bài của Lê Mạnh Hợp), các tác giả đã thoát ra khỏi sự đơn điệu, sáo mòn khi viết về nông thôn Việt Nam, một đề tài muôn thuở của thi ca đất Việt.

Trong tập “Sáng mãi niềm tin” có không ít bài thơ đề cập đến tình hình bão lũ miền Trung, đại dịch COVID-19 và tình cảm của hội viên với CLB của mình.

Đặc biệt, trong tập “Sáng mãi niềm tin” có giới thiệu 2 bài thơ viết về cụ Trịnh Ngọc Bích, vị Chủ nhiệm đáng kính của CLB Hàm Rồng chúng ta. Đó là bài “Cây đa cụ Bích” của tác giả Nguyễn Văn Thát và bài “Gương đời sáng mãi” của tác giả Phạm Huy Thanh. Cụ Trịnh Ngọc Bích làm Chủ nhiệm CLB liên tục hơn 20 năm, từ 1992 đến 2013. “Như con ong mật chuyên cần/ Chắt chiu vị ngọt, hương dâng cho đời/ Ham công việc, chẳng nghỉ ngơi/ Chín ba xuân, cả cuộc đời thanh cao”. Đó vừa là thơ, đồng thời cũng là nén tâm nhang tác giả Phạm Huy Thanh kính dâng lên hương hồn cụ Trịnh Ngọc Bích.

Có thể khẳng định, thơ do hội viên CLB Hàm Rồng sáng tác trong 40 năm qua được tuyển chọn trong tập “Sáng mãi niềm tin”, về nội dung vẫn trung thành với các chủ đề cách mạng như: ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước, về thể loại, phần lớn vẫn sử dụng các thể loại thơ truyền thống như: lục bát, song thất lục bát, đường luật, thơ tự do..., trong đó thể thơ lục bát, với thế mạnh giản dị, dễ làm, dễ thuộc, là thể loại được các tác giả sử dụng nhiều và có những thành công nhất định.

40 năm thơ CLB Hàm Rồng là chặng đường hội viên đồng hành cùng Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa, là tiếng thơ tiếng lòng của hội viên. Tác giả Xuân Quý trong bài “Thơ CLB Hàm Rồng”, bài cuối cùng của tập “Sáng mãi niềm tin” đã đúc kết: “Thơ Câu lạc bộ Hàm Rồng/ Chứa bao tâm huyết nên dòng thơ hay/ Ngợi ca đất nước đổi thay/ Quê hương giàu đẹp ngày nay vững bền/ Tiếng thơ mãi mãi ngân vang/ Mừng xuân mừng Đảng vinh quang đời đời”.

Lê Xuân Giang

Trưởng Ban thơ CLB Hàm Rồng


Lê Xuân Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]